Hướng dẫn cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh tại nhà
Không chỉ được yêu thích bởi mùi vị thơm ngon, cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh cũng tương đối đơn giản. Bạn chỉ cần thực hiện theo các hướng dẫn chi tiết dưới đây là có thể tự tay làm nên những chiếc bánh thơm ngon để cúng trăng rằm và tặng những người thân yêu.
Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu chuẩn bị cho 6 chiếc bánh trung thu nhân đậu xanh nướng gồm:
- Bột mì đa dụng: 320g
- Bột sư tử: 15g
- Mạch nha: 40g
- Bột bánh dẻo: 20g
- Đường cát: 200g
- Đậu xanh bóc vỏ: 250g
- Nước đường bánh nướng: 250g
- Bơ đậu phộng: 30g
- Trứng gà: 2 quả
- Dầu ăn: 150g
- Rượu mai quế lộ: 5ml
- Dầu mè: 1 muỗng cà phê
- Nước lọc: 600ml
- Dụng cụ: Khuôn tạo hình bánh, lò nướng
Lưu ý khi chọn bột làm bánh:
Để vỏ bánh trung thu ngon, không quá cứng hoặc quá mềm thì việc lựa chọn loại bột để làm vỏ bánh là vô cùng quan trọng.
Bạn nên dùng bột bánh mì (bột mì đa dụng) để làm vỏ bánh trung thu. Đây là loại bột khá phổ biến trên thị trường. Không chỉ sử dụng dành riêng cho bánh mì, các thợ làm bánh bánh trung thu chuyên nghiệp cũng dành sự ưu ái cho loại bột này. Vỏ bánh trung thu làm từ bột bánh mì sau khi chín có độ giòn, phom bánh cứng, đẹp. Tuy vậy khi ăn, bạn sẽ cảm nhận được vỏ bánh hơi khô. Để hạn chế tình trạng này thì người ta thường thêm một lượng nhỏ baking soda hoặc trộn bột theo tỉ lệ ½ bột bánh mì với ½ bột bánh ngọt.
Bên cạnh đó, không nên chọn bột bánh ngọt để làm vỏ bánh. Bởi vỏ làm từ bột bánh ngọt sẽ khá mềm và ẩm, khó tạo nên chiếc bánh trung thu đẹp “sắc nét” như khuôn đúc.
Hướng dẫn cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh chi tiết
Vị bánh trung thu nhân đậu xanh gần như “best seller” mỗi dịp rằm tháng 8. Với cách làm bánh trung thu nhân đậu xanh chi tiết dưới đây, bạn có thể dễ dàng tạo nên thành phẩm thơm ngon, chuẩn vị.
Bước 1: Sơ chế đậu xanh
Rửa sạch 250g đậu xanh đã bóc vỏ, sau đó cho vào ngâm trong nước nóng khoảng 2 - 3 giờ. Nếu bạn ngâm nước lạnh thì nên ngâm qua đêm để đậu có thời gian nở.
Sau đó, cho đậu vào nồi, thêm 600ml nước lọc và nấu chín.
Bước 2: Sên nhân đậu xanh
Cho phần đầu xanh đã nấu chín ở bước 1 xay nhuyễn cùng với 200g đường cát, sau đó rây mịn. Đổ hỗn hợp ra chảo và tiến hành sên cho đến khi đậu sệt lại. Cho dần dần 100g dầu ăn vào và liên tục khuấy cho đều tay cho đến khi hỗn hợp không còn dính. Thêm tiếp 20g bột bánh dẻo vào trộn đều với hỗn hợp trên rồi tắt bếp.
Phần nhân đậu xanh này nguội thì tiến hành nặn thành từng viên tròn có trọng lượng tầm 50g.
Bước 3: Trộn vỏ bánh
Trộn đều hỗn hợp gồm: 250g nước đường bánh nướng, 1 lòng đỏ trứng gà, 30g bơ đậu phộng, 50g dầu ăn, 15g bột sư tử và 40g mạch nha. Sau đó, rây từ từ 320g bột mì vào hỗn hợp phía trên và đảo đều. Nhào nhanh và đều tay khối bột để đảm bảo bột mịn, không quá ướt.
Đợi bột nghỉ khoảng 30 - 60 phút, rồi sau đó tiến hành chia thành 6 phần bằng nhau (Khoảng 80g/phần).
Lúc này, bạn hãy bắt đầu làm nóng lò trong vòng 15 phút với 220 độ để chuẩn bị cho bước nướng bánh tiếp theo.
Bước 4: Bọc nhân
Đặt phần bột vỏ xuống mặt phẳng, cán dẹp bột và cho phần nhân đậu vào giữa. Dùng tay nhẹ nhàng nặn phần vỏ ngoài để bọc kín nhân bánh. Đây được xem là công đoạn khó khăn nhất khi học cách làm bánh trung thu.
Bước 5: Đóng khuôn bánh
Phết một lớp dầu vào khuôn bánh trung thu. Cho phần bánh đã bọc nhân vào khuôn và nhấn thật chặt tay để tạo hình. Lắc hoặc gõ nhẹ khuôn để lấy bánh. Sau đó đặt bánh ra khay đã lót sẵn giấy nướng.
Bước 6: Làm hỗn hợp phết lên bề mặt bánh
Trộn đều hỗn hợp gồm: 1 lòng đỏ trứng gà, ¼ lòng trắng trứng gà, 5ml rượu mai quế lộ, 1 muỗng cà phê dầu mè. Rây hỗn hợp qua dụng cụ rây 3 lần để tránh tình trạng vón cục, kết tủa,...
Bước 7: Nướng bánh và thành phẩm
Lần nướng bánh đầu tiên, bạn cài đặt nhiệt độ khoảng 210 độ trong vòng 15 phút. Khi thấy bánh đục thì cho ra ngoài và phun sương để bánh nhanh nguội hơn (để nguội trong 2 giờ).
Trong lần nướng thứ 2: Bạn nướng bánh ở 180 độ trong 10 phút (vẫn cần làm nóng lò trước khi nướng). Sau khi lấy bánh ra, bạn tiếp tục phun sương để đảm bảo vỏ bánh không bị khô và để bánh nghỉ trong 1 giờ.
Lần nướng thứ 3: Tiếp tục phết hỗn hợp để nướng lần cuối với nhiệt độ là 170 độ C trong thời gian 10 phút.
Sau 3 lần nướng, bạn đã có ngay mẻ bánh trung thu nhân đậu xanh thơm ngon, chuẩn vị như mua ngoài tiệm.
Yêu cầu thành phẩm
Bánh trung thu nhân đậu xanh sau khi nướng thành công sẽ có màu vàng nâu cánh gián, vỏ bóng đẹp. Lớp đậu xanh phía trong mềm mịn, ngọt nhẹ. Bánh trung thu sẽ ngon hơn, ăn cuốn miệng hơn khi bạn nhâm nhi cùng tách trà nóng.
Cách bảo quản bánh trung thu
Khi học cách làm bánh trung thu, bạn cũng cần để ý đến cách bảo quản bánh. Để bảo đảm bánh luôn mềm, ngon, bạn hãy sử dụng màng bọc thực phẩm để bọc toàn bộ khay bánh trước khi cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Với cách bảo quản này, bánh trung thu có thể được tới 7 ngày sau khi nướng. Ngoài ra, bạn cũng có thể bọc kín bằng túi zip và bảo quản trong ngăn đá khoảng 30 ngày.
Thật khó để đếm chính xác có bao nhiêu loại bánh trung thu hiện nay. Ngoài phân loại theo bánh dẻo, bánh nướng, người ta còn tạo ra nhiều chiếc bánh trung thu với hình dáng, màu sắc và hương vị đặc biệt: bánh trung thu nhân hạt sen, bánh trung thu nhân dừa, bánh trung thu nhân khoai môn, bánh trung thu nhân trứng muối,...
Tuy vậy, hương vị của bánh trung thu nhân đậu xanh truyền thống vẫn là “chân ái” của nhiều tín đồ bánh ngọt. Cách làm bánh trung thu được hướng dẫn trên đây không quá phức tạp. Chỉ với những nguyên liệu dễ kiếm và khoảng gần 2 tiếng chuẩn bị và thực hiện, bạn đã có ngay mẻ bánh thơm ngon, chuẩn vị cho ngày rằm trung thu sắp tới.