Chùa Bà Đen: Điểm đến du lịch tâm linh không thể bỏ lỡ

Trong thời gian gần đây, du lịch quần thể chùa Bà Đen đang ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt vào dịp đầu năm mới. Khi đến Núi Bà Đen, du khách không chỉ có cơ hội thăm viếng ngôi chùa linh thiêng mà còn được tham gia vào nhiều hoạt động thú vị khác như leo núi và tham dự các lễ hội Phật Giáo.

Giới thiệu chung về chùa Bà Đen

Cái tên chùa Bà Đen đã vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam dù không phải ai cũng từng có cơ hội ghé thăm. Nếu như đây là điểm đến cho hành trình sắp tới của bạn thì đừng quên tìm hiểu trước các thông tin hữu ích cho chuyến đi thêm thuận lợi nhé.

Chùa Bà Đen ở đâu?

Chùa Bà Đen Tây Ninh nằm ở lưng chừng núi Bà Đen, thuộc xã Thạnh Tân, cách thành phố Tây Ninh khoảng 11km về phía Tây Nam. Núi Bà Đen là một phần của quần thể di tích lịch sử - văn hóa rộng lớn, bao gồm ba ngọn núi nổi bật là núi Bà, núi Phụng và núi Heo. Khu vực này trải dài trên diện tích 24km2 với hệ thống hang động, đền, chùa đa dạng, trong đó, chùa Bà (hay còn được biết đến là Linh Sơn Tiên Thạch) là di tích nổi tiếng nhất, được nhiều du khách biết đến nhờ sở hữu các truyền thuyết hấp dẫn và cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.

Tổng quan khu du lịch - văn hóa chùa Bà Đen
Tổng quan khu du lịch - văn hóa chùa Bà Đen

Lịch sử hình thành chùa Bà Đen

Chùa Bà Đen Tây Ninh được khởi công vào năm 1745 và các giai đoạn xây dựng chính thức hoàn thành vào năm 1763. Sau nhiều lần tu sửa, lần trùng tu gần đây nhất được hoàn tất vào năm 1997 và giữ nguyên diện mạo cho đến tận bây giờ. Đây là ngôi chùa cổ xưa nhất ở Tây Ninh, nổi bật với kiến trúc hài hòa, phản ánh rõ nét các đặc trưng của kiến trúc đền chùa truyền thống Việt Nam.

Ngôi chùa có lịch sử hơn 300 năm này thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, còn được gọi là Bà Đen. Theo truyền thuyết, Bà Đen còn được gọi nàng Đênh, con gái của một quan chức ở Trảng Bàng. Sau khi xuất gia theo Phật giáo, nàng đã qua đời trên núi và được cho là linh thiêng, giúp đỡ dân cư trong khu vực khi họ gặp khó khăn, đói kém hoặc gặp chuyện bất công.

Khi đến thăm chùa Bà Đen, bạn có thể cầu mong may mắn, sức khỏe, công danh, và tài lộc. Theo kinh nghiệm chia sẻ từ người lớn tuổi, bạn có thể mang theo các lễ vật như hoa quả, bánh kẹo, nhang và hoa để dâng lễ. Nếu không có thời gian chuẩn bị trước, bạn có thể mua các lễ vật đã được chuẩn bị sẵn và bài trí đẹp mắt bán ở khu vực ngay dưới chân núi. Lưu ý rằng khi dâng cúng, nên sử dụng số lẻ cho các đồ cúng từ nén nhang, tiền công đức và tiền ủng hộ dầu đèn. Chuẩn bị chu đáo các lễ vật để dâng lên thần thánh là tốt tuy nhiên lòng thành tâm vẫn là yếu tố quan trọng nhất khi đến chùa Bà Đen nói riêng và các địa điểm tôn giáo khác nói chung.

Người dân thập phương đến dâng hương cầu bình an
Người dân thập phương đến dâng hương cầu bình an

Kiến trúc Phật giáo tại Chùa Bà Đen

Hiện tại, chùa Bà Đen vẫn bảo tồn hai cột đá xanh được chạm khắc từ đầu thế kỷ XX ở khu vực tiền đường. Mỗi cột có chiều cao 5,4m và đường kính 0,45m, được trang trí bằng họa tiết rồng uốn lượn đầy nghệ thuật. Chánh điện của chùa có diện tích hơn 200m2, với nhiều cột kèo và gian thờ được sơn son thếp vàng.

Trong chánh điện, nổi bật là tượng Phật Thích Ca cao 2,5m, bên cạnh là các tượng Bồ Tát và Thập Bát La Hán với vẻ uy nghiêm. Khu vực thờ chính của chùa là một hang đá nhỏ, nơi đặt bức tượng Ngọc Linh Sơn Thánh Mẫu nặng 240kg, được điêu khắc một cách tinh xảo.

Từ chân núi lên đến đỉnh núi, trong quần thể chùa Bà Đen còn có 4 ngôi chùa nổi tiếng khác gồm:

  • Chùa Linh Sơn Hòa Đồng mang đậm dấu ấn chùa miếu Nam Bộ.
  • Chùa Hang theo hệ phái Bắc tông, được xây dựng năm 1830.
  • Chùa Quan Âm (động Ba Cô) nằm ở vị trí cao nhất và cần phải đi qua hàng trăm bậc thang với độ dốc thẳng đứng mới có thể lên tới nơi.
  • Chùa Tây Ninh (chùa Trung) theo hệ phái Bắc Tông, thành lập năm 1876.

Đặc biệt nhất, khi đến Tây Ninh, không du khách nào ra về mà có thể bỏ qua tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Bức tượng cao tổng cộng 72m, được đúc từ hơn 170 tấn đồng đỏ bằng kỹ thuật công nghệ gia công cơ khí áp lực cao của châu Âu. Có thể bạn chưa biết, bức tượng trong quần thể di tích này đã thiết lập hai kỷ lục: "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất châu Á nằm trên đỉnh núi" và "Tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Việt Nam nằm trên đỉnh núi".

Bức tượng xác lập 2 kỷ lục tại Việt Nam và Đông Nam Á
Bức tượng xác lập 2 kỷ lục tại Việt Nam và Đông Nam Á

Các hoạt động không nên bỏ lỡ

Lễ hội chùa Bà Tây Ninh

Ẩn mình giữa cảnh sắc núi non hùng vĩ, chùa Bà Đen trở thành điểm hành hương thu hút nhiều du khách khi đến Tây Ninh. Đặc biệt, vào dịp Hội Xuân núi Bà Đen diễn ra từ mùng 4 Tết Nguyên Đán hàng năm và lễ Vía Bà được tổ chức vào các ngày mùng 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch, ngôi chùa thu hút đông đảo du khách thập phương đến dâng hương cho các vị thánh thần nơi đây.

Chụp ảnh trên nóc nhà Đông Nam Bộ

Một hoạt động được rất nhiều bạn trẻ yêu thích khi đến chùa Bà Đen Tây Ninh là chụp ảnh tại "nóc nhà Đông Nam Bộ" với khung cảnh thiên đường mây ngút ngàn. Cảnh sắc trời xanh, mây trắng, nắng vàng hòa quyện cùng những khóm hoa rực rỡ tạo nên những bức hình đầy ấn tượng.

Check-in trên đỉnh núi với mây trời bao la
Check-in trên đỉnh núi với mây trời bao la

Cắm trại qua đêm cùng bạn bè trên đỉnh núi

Cắm trại qua đêm trên đỉnh núi Bà là một trải nghiệm vô cùng thú vị. Bạn có thể đến đây từ chiều hôm trước để ngắm trọn ánh chiều hoàng hôn và buổi tối quây quần bên lửa trại, tổ chức tiệc nướng BBQ, hát hò cùng bạn bè và chiêm ngưỡng bầu trời đầy sao lấp lánh. Tuy vậy, đừng thức dậy quá muộn vào sáng hôm sau, hãy dậy sớm để đón những tia nắng đầu ngày tuyệt đẹp trong buổi bình minh. Một lưu ý nhỏ khi đi cắm trại đó là đừng quên chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nước uống, các vật dụng y tế sơ cứu cần thiết, và đảm bảo giữ gìn vệ sinh cũng như thực hiện các biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy.

Trekking núi Bà Đen

Chuyến du lịch Tây Ninh kéo dài 2 ngày 1 đêm là thời gian lý tưởng để bạn thử sức với hoạt động trekking. Mặc dù hiện nay đã có tuyến cáp treo hiện đại đưa du khách lên đỉnh núi, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn muốn chinh phục "nóc nhà Đông Nam Bộ" bằng cách trekking, khiến hoạt động này trở nên rất phổ biến. Ít người biết rằng có đến bảy cung đường trekking khác nhau để leo núi Bà Đen và bạn có thể lựa chọn cung đường phù hợp với thể lực và thời gian của mình. Để có một chuyến trải nghiệm suôn sẻ và không ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng cả về thể lực lẫn tâm lý, đồng thời mang theo trang phục, giày thể thao và phụ kiện phù hợp.

Các bạn trẻ đang chinh phục đỉnh núi bằng đường bộ
Các bạn trẻ đang chinh phục đỉnh núi bằng đường bộ

Cẩm nang kinh nghiệm khi du lịch chùa Bà Đen

Trải nghiệm du lịch chùa Bà Đen đã được nhiều du khách review chi tiết sau khi trở về, bạn có thể vận dụng những kinh nghiệm đó để chuyến đi của mình thêm suôn sẻ.

Thông tin mở cửa

Thời gian mở cửa

Chùa Bà Đen mở cửa xuyên suốt trong suốt cả ngày và quanh năm nếu bạn chọn phương án leo bộ. Tuy nhiên, nếu bạn đi bằng cáp treo, hãy lưu ý khung giờ hoạt động của các tuyến cáp sau:

  • Tuyến cáp Bà Đen – Vân Sơn: Hoạt động từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, và từ 5 giờ 30 sáng đến 21 giờ tối vào Thứ Bảy và Chủ Nhật.
  • Tuyến cáp Bà Đen – Chùa Hang: Hoạt động từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa và từ 12 giờ đến 18 giờ chiều từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, và từ 5 giờ 30 sáng đến 21 giờ tối vào Thứ Bảy và Chủ Nhật.
  • Tuyến cáp Hòa Đồng – Tâm An: Tuyến cáp treo này chỉ hoạt động vào Thứ Bảy, Chủ Nhật và các ngày lễ, với thời gian mở cửa từ 6 giờ 30 sáng đến 18 giờ chiều.

Giá vé tham quan

Khi muốn tham quan và chiêm ngưỡng cảnh đẹp tại khu du lịch Núi Bà Đen ở Tây Ninh, du khách cần phải mua vé vào cổng. Dưới đây là mức giá vé tham khảo:

  • Người lớn: 16.000 đồng/vé.
  • Trẻ em (từ 1 – 1,4m), người cao tuổi (trên 60 tuổi), người khuyết tật: 8.000 đồng/vé.
  • Trẻ em dưới 1m: Miễn phí.

Lưu ý rằng giá vé có thể thay đổi tùy theo thời điểm bạn đến thăm. Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể tham khảo các gói vé tham quan kết hợp cáp treo.

Tuyến cáp treo đưa du khách lên đỉnh Bà Đen
Tuyến cáp treo đưa du khách lên đỉnh Bà Đen

Cách di chuyển đến chùa Bà Đen thuận tiện nhất

Di chuyển đến Tây Ninh từ thành phố Hồ Chí Minh

Để di chuyển từ Sài Gòn đến Tây Ninh, bạn có thể lựa chọn giữa việc sử dụng phương tiện cá nhân hoặc đi xe khách.

  • Xe cá nhân: Xuất phát từ bến xe An Sương, bạn sẽ đi theo quốc lộ 22A cho đến khi đến ngã ba Trảng Bàng thì rẽ trái. Tiếp tục đi theo quốc lộ 22B đến ngã ba thị trấn Gò Dầu, sau đó rẽ phải và tiếp tục khoảng 60 km nữa cho đến khi đến vòng xoay trung tâm thành phố Tây Ninh. Trên tuyến đường này, bạn sẽ được thưởng thức cảnh sắc đồng ruộng xanh tươi và sông Vàm Cỏ Đông, đặc biệt là cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp khi đi qua đoạn Gò Dầu - Hòa Thành vào lúc chiều tà.
  • Xe khách: Bạn có thể mua vé tại bến xe An Sương, nằm trên quốc lộ 22A, quận 12, để di chuyển đến thành phố Tây Ninh. Giá vé tham khảo dao động từ 60.000 đến 80.000 đồng/người.

Khi đến thành phố Tây Ninh, bạn có thể đi taxi hoặc thuê xe máy để đến chùa Bà Đen, vì chùa nằm cách trung tâm thành phố khoảng 11 km.

Hướng dẫn lên đỉnh núi Bà Đen

Tại chân núi Bà Đen, có hai lựa chọn để lên chùa Bà Đen và đỉnh núi Bà Đen:

  • Leo bộ: Để lên chùa Bà Đen, bạn cần vượt qua con đường dài khoảng 1.500 bậc đá, uốn lượn qua những tảng đá và khu rừng rậm rạp hai bên. Thời gian di chuyển từ chân núi đến chùa ở độ cao hơn 200m mất khoảng hơn một giờ. Lựa chọn này phù hợp với những người có sức khỏe tốt và cần mang theo nước để tránh bị khát và mất nước.
  • Cáp treo: Bạn cũng có thể lên chùa Bà Đen và đỉnh núi bằng hệ thống cáp treo dài hơn 1.000m, với thời gian cho mỗi lượt lên/xuống khoảng 10 phút. Từ cabin cáp treo, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng phong cảnh núi rừng hùng vĩ và cánh đồng trải dài đến hồ Dầu Tiếng phía dưới.
Nếu chọn đường bộ, bạn cần leo hơn 1500 bậc thang
Nếu chọn đường bộ, bạn cần leo hơn 1500 bậc thang

Gợi ý các món ngon đặc sản Tây Ninh đáng để thử

Ốc xu Núi Bà

Khi du lịch đến núi Bà Đen ở Tây Ninh, bạn không thể bỏ lỡ món ốc xu đặc sản của khu vực này. Loài ốc này có hình dạng tương tự như ốc bươu nhưng dẹt hơn và có hình dạng giống đồng xu. Ốc xu núi Bà có thể được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như ốc nướng, xào sả, hấp, xào me, hoặc xóc tỏi, mỗi cách chế biến đều mang đến hương vị đặc trưng riêng.

Thằn lằn núi Bà Đen

Thằn lằn núi Bà Đen là một món ăn khá đặc biệt và độc đáo, có thể khiến nhiều người e dè khi nghe đến lần đầu tiên. Người dân Tây Ninh coi thằn lằn núi Bà Đen là "đệ nhất ẩm thực" của vùng, và xem nó như một món ăn bổ dưỡng. Chúng chủ yếu ăn trái sung chín, chuối và lá thuốc nam, vì vậy thịt thằn lằn rất săn chắc và thơm ngon.

Bò tơ Tây Ninh

Bò tơ Tây Ninh nổi tiếng với hương vị thơm ngon nhờ được lấy thịt từ những con bò được chăn thả tự nhiên trên đồng cỏ rộng lớn. Khi đến Tây Ninh, bạn nên chuẩn bị "bụng đói" để thưởng thức các món ăn từ bò tơ, đặc biệt là món bò nướng. Thịt bò ngọt và hơi cay nhờ các gia vị kèm theo, khiến món ăn trở nên hấp dẫn và cực "đưa miệng".

Bánh canh Trảng Bàng

Khi đến Tây Ninh, bạn nên thử món bánh canh Trảng Bàng nổi tiếng. Tô bánh canh nóng hổi với miếng thịt thơm ngon và nước dùng thơm lừng sẽ khiến bạn không thể cưỡng lại. Sự kết hợp hoàn hảo giữa thời gian hầm xương để tạo ra nước dùng chất lượng và kỹ năng nhồi bột của đầu bếp tạo ra sợi bột dai vừa đủ, khiến món ăn trở nên đặc biệt và được yêu thích rộng rãi.

Bánh tráng me

Một món đặc sản khác của Tây Ninh là bánh tráng me, là phiên bản cải tiến của bánh tráng phơi sương, được ăn kèm với sốt me đặc biệt. Sốt me được pha trộn với đậu phộng, hành phi, và bột tôm, tạo nên hương vị chua ngọt thơm ngon khiến người ăn chỉ muốn ăn hoài, ăn mãi.

Các món ngon đặc sản Tây Ninh không thể bỏ lỡ
Các món ngon đặc sản Tây Ninh không thể bỏ lỡ

Là một điểm hành hương, du lịch nổi tiếng bậc nhất Đông Nam Bộ, chùa Bà Đen nhận được rất nhiều lượt ghé thăm của du khách mỗi năm, đặc biệt là vào mùa xuân khi diễn ra lễ hội và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Bên cạnh việc dâng hương lễ chùa, khu quần thể du lịch này hiện nay có thêm rất nhiều hoạt động khác như cắm trại, leo núi,... để mọi người trải nghiệm trong chuyến đi của mình.