Top 5 chùa lớn nhất Việt Nam có kiến trúc ấn tượng và phong cảnh hữu tình

Những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam không chỉ nổi tiếng bởi sự linh thiêng mà còn gây ấn tượng với du khách bởi lối kiến trúc độc đáo và vị trí đắc địa nhìn ra núi sông hùng vĩ. Bên cạnh đó, những ngôi chùa này còn là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc và các lễ hội chứa đựng tín ngưỡng độc đáo của từng vùng miền.

Top 5 ngôi chùa lớn nhất Việt Nam 

Không giống các điểm vui chơi giải trí, trong những chuyến đi du lịch tâm linh, đặc biệt là tại các ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, bạn cần có sự tìm hiểu và chuẩn bị từ trước để tránh phạm phải những điều cấm kỵ không đáng có trước chốn cửa Phật.

Chùa Tam Chúc Hà Nam

Không chỉ là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, Chùa Tam Chúc, tọa lạc tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam hiện đang được công nhận là ngôi chùa lớn nhất thế giới. Nằm trong quần thể du lịch Tam Chúc, nơi đây mang vẻ đẹp thơ mộng và lôi cuốn. Chùa Tam Chúc thờ các vị quốc sư nổi tiếng của Phật giáo Việt Nam, bao gồm Sư Tổ Đạt Ma, thiền sư Nguyễn Minh Không, thiền sư Khuông Việt, hòa thượng Thích Thanh Tứ và thiền sư Đỗ Pháp Thuận.

Chùa Tam Chúc - Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam và trên thế giới
Chùa Tam Chúc - Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam và trên thế giới

Thời điểm lý tưởng để tham quan ngôi chùa lớn nhất Việt Nam này là vào mùa xuân, đặc biệt là từ đầu năm mới cho đến hết tháng 3 âm lịch. Đây là mùa lễ hội, khí hậu mát mẻ và du khách có cơ hội tham gia vào các hoạt động lễ hội, cầu tài lộc và phúc đức. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ muốn khám phá cảnh quan đẹp mắt và không khí linh thiêng của chùa thì có thể đến vào bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Chùa Tam Chúc, với quy mô khổng lồ và sự đầu tư công phu đến từng chi tiết chắc chắn sẽ khiến bạn ngạc nhiên khi khám phá từng ngóc ngách. Đừng bỏ lỡ cơ hội dành một ngày để tham quan các địa điểm nổi bật như Vườn Cột Kinh, Điện Pháp Chủ, Điện Tam Thế và Đàn tế trời chùa Ngọc để có những bức ảnh ấn tượng.

Về giá vé tham quan, du khách không phải trả phí vào cửa nhưng cần chọn phương tiện di chuyển để khám phá khu vực.

  • Đi xe điện: Vé khoảng 90.000 VNĐ/vé khứ hồi/người, di chuyển dọc theo bờ hồ Lục Nhạc vào khu vực chính của chùa.
  • Đi thuyền: Vé dao động từ 200.000 - 350.000 VNĐ/người, bao gồm hành trình từ bến thuyền vào cổng Tam Quan và các điểm tham quan khác.
Tham quan bằng xe điện trong khuôn viên chùa
Tham quan bằng xe điện trong khuôn viên chùa

Chùa Bái Đính

Khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính, thuộc danh thắng Bái Đính - Tràng An là một trong những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam với diện tích 539 ha, nằm trên núi Bái Đính. Nơi đây cách cố đô Hoa Lư khoảng 5km và thành phố Ninh Bình khoảng 12km. Chùa Bái Đính được biết đến như một trong những điểm đến tâm linh nổi bật và linh thiêng nhất tại Việt Nam, thu hút hàng vạn Phật tử và du khách trong và ngoài nước mỗi năm.

Từ khi được xây dựng, chùa Bái Đính đã đạt được nhiều kỷ lục ấn tượng ở Việt Nam và châu Á, bao gồm tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, hành lang La Hán dài nhất châu Á, tượng Phật Thích Ca cao nhất và nặng nhất châu Á, cùng với chiếc chuông đồng lớn nhất Việt Nam.

Tổng quan khuôn viên chùa Bái Đính
Tổng quan khuôn viên chùa Bái Đính

Thời điểm lý tưởng để tham quan chùa Bái Đính là từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, khi thời tiết xuân còn mát mẻ. Đây là thời gian bạn có thể vừa vãn cảnh, đi lễ chùa cầu may, vừa tham gia các lễ hội lớn ở cả Tràng An và Bái Đính và xem lễ rước kiệu Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn, Bà chúa Thượng Ngàn.

Khi đặt chân đến chùa Bái Đính, ấn tượng đầu tiên của bạn sẽ là sự hùng vĩ của khung cảnh núi non bao la cùng quy mô và kiến trúc ấn tượng của quần thể chùa và không khí linh thiêng của nơi này. Chùa Bái Đính được chia thành hai khu vực tham quan không nên bỏ lỡ:

  • Khu vực chùa cổ (Bái Đính cổ tự) do thiền sư Nguyễn Minh Không xây dựng từ năm 1136. Dù trải qua vài thế kỉ, các di tích cổ tại đây như Hang sáng - Động tối, đền thờ thần Cao Sơn, đền thờ thánh Nguyễn và Giếng ngọc vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.

  • Khu vực chùa mới được xây dựng từ năm 2003, với các công trình kiến trúc nổi bật như cổng Tam Quan, Bảo tháp, Điện Pháp chủ, hành lang La Hán với 500 pho tượng đá xanh nguyên khối, công viên văn hóa và học viện Phật giáo, đặc trưng cho văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Giá tham khảo:

  • Vé tham quan bảo tháp: 50.000 VNĐ/người

  • Dịch vụ xe điện: 30.000 VND/người/lượt

Tượng Phật Di Lặc đặt trên đỉnh đồi cao nhất trong quần thể chùa Bái Đính
Tượng Phật Di Lặc đặt trên đỉnh đồi cao nhất trong quần thể chùa Bái Đính

Chùa Đồng Yên Tử

Chùa Đồng Yên Tử nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Yên Tử ở độ cao 1068m, thuộc quần thể Trúc Lâm Yên Tử. Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam, nơi đây nổi bật với vẻ đẹp hùng vĩ và không khí linh thiêng. Với khung cảnh bao la và thường xuyên bị bao phủ bởi mây và gió, từ trên đỉnh núi, bạn có thể thu trọn được cảnh vật thiên nhiên rộng lớn vào trong tầm mắt.

Ban đầu, Yên Tử chỉ là nơi vua Trần Nhân Tông tu hành và chưa có chùa vào thời điểm ngài qua đời. Chùa Đồng được xây dựng vào thế kỷ XVII dưới triều đại của chúa Trịnh và sở hữu tượng Phật, chuông đúc bằng đồng. Sau nhiều lần trùng tu và mở rộng, chùa Đồng hiện tại chính thức được khánh thành vào năm 2007, tại vị trí của chùa cũ.

Một góc chùa Yên Tử trên đỉnh núi cao với mây trắng phủ quanh
Một góc chùa Đồng Yên Tử trên đỉnh núi cao với mây trắng phủ quanh

Theo truyền thuyết, Chùa Đồng Yên Tử có các loại chuông như chuông mây, chuông gió và chuông mưa. Khi chuông được gõ, mây, mưa và gió sẽ kéo đến, chứng minh cho sự linh thiêng của ngôi chùa với ước nguyện của Phật tử. Gần chùa có một giếng gọi là giếng Tiên nằm trên đỉnh núi và không bao giờ cạn nước. Du khách thường đến chùa Đồng không chỉ để lễ Phật mà còn để uống nước từ giếng Tiên để cầu mong sức khỏe, may mắn.

Ngoài Chùa Đồng, khu vực danh thắng Yên Tử còn có nhiều ngôi chùa linh thiêng khác như chùa Trình, chùa Giải Oan, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, vườn tháp Huệ Quang và chùa Hoa Yên.

Để đến chùa Yên Tử bạn có thể sử dụng cáp treo rất tiện lợi. Từ cabin cáp treo, bạn có thể chiêm ngưỡng toàn cảnh chùa và khu rừng Yên Tử với những cây tùng cổ thụ hơn 700 năm tuổi. Khi đến ga cuối, bạn có thể tiếp tục đi bộ để khám phá và chụp ảnh với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của nơi đây.

Giá tham khảo:

  • Vé tham quan: 40.000 VNĐ/người
  • Cáp treo khứ hồi 2 chặng: 200.000 VND/người
  • Cáp treo mỗi chặng (1 chiều): 100.000 VNĐ/người/chặng
Tuyến cáp treo hiện đại phục vụ du khách tham quan Yên Tử
Tuyến cáp treo hiện đại phục vụ du khách tham quan Yên Tử

Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ, tọa lạc bên bờ sông Hương trong thành phố cổ Huế, là một trong những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam và sở hữu vẻ đẹp đặc trưng không thể nhầm lẫn. Còn được biết đến với tên gọi Chùa Linh Mụ, chùa không chỉ nổi bật với kiến trúc hoành tráng mà gắn liền với những câu chuyện lịch sử hấp dẫn, thu hút hàng nghìn du khách và tín đồ Phật giáo mỗi năm.

Ngôi chùa cổ kính nằm bên bờ sông Hương
Ngôi chùa cổ kính nằm bên bờ sông Hương

Chùa Thiên Mụ là biểu tượng tâm linh gắn bó với vùng đất cố đô từ lâu đời, luôn đứng đầu danh sách các ngôi chùa đẹp nhất ở Huế. Với phong cảnh thơ mộng và lãng mạn, chùa thường là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật, từ thơ ca đến hội họa. Khung cảnh thanh bình giữa thiên nhiên tại đây chính là điểm nhấn khiến không ít du khách cảm thấy xao xuyến.

Được xây dựng từ năm 1601, chùa Thiên Mụ là một trong những ngôi chùa đầu tiên ở Huế. Qua nhiều đợt trùng tu và mở rộng, chùa vẫn duy trì được những kiến trúc đặc sắc như cổng Tam Quan với hai tầng và ba mái lớn, tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, Đinh Hương Nguyên và điện Quan Thế Âm.

Chùa mở cửa từ sáng đến 18:00. Nếu bạn đến vào buổi chiều, hãy nán lại một chút để có thể thưởng thức cảnh hoàng hôn trên sông Hương.

  • Giá tham khảo: Tham quan miễn phí.
Tour trải nghiệm thuyền rồng trên sông Hương ngay gần di tích
Tour trải nghiệm thuyền rồng trên sông Hương ngay gần di tích

Chùa Linh Ứng Sơn Trà

Chùa Linh Ứng Sơn Trà, một điểm đến không thể bỏ qua khi đến Đà Nẵng, tọa lạc trên bãi Bụt của bán đảo Sơn Trà và trở nên nổi tiếng với vị trí độc đáo tựa núi hướng ra biển. Đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Chùa được biết đến không chỉ với vẻ đẹp hùng vĩ mà còn với sự linh thiêng, thu hút cả người dân địa phương và du khách đến để chiêm ngưỡng cảnh quan và cầu nguyện cho bình an và may mắn.

Tượng Quan Âm cao kỷ lục hướng ra biển lớn
Tượng Quan Âm cao kỷ lục hướng ra biển lớn

Chùa Linh Ứng mở cửa quanh năm, nhưng nếu bạn đến vào những ngày đặc biệt như rằm, lễ Phật Đản, Vu Lan hoặc Tết Trung Thu thì sẽ có cơ hội tham gia vào nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa đặc sắc hơn.

Dù cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 10km, bạn có thể dễ dàng nhận ra chùa Linh Ứng Sơn Trà từ xa nhờ vào tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao nhất Việt Nam (67m), nổi bật giữa bầu trời và đất.

Chùa có thiết kế đơn giản nhưng ấn tượng. Sau khi leo lên các bậc thang của cổng Tam Quan, bạn sẽ thấy Chính điện nằm ở cuối sân rộng. Khuôn viên chùa không chỉ có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát mà còn bao gồm các tượng La Hán, tháp Xá Lợi cao 9 tầng và các bức tượng Phật nằm dưới những tán cây xanh tươi để du khách thập phương có thể tham quan, vãn cảnh chùa.

  • Giá tham khảo: Tham quan miễn phí.
Vẻ đẹp bình yên tại chùa hòa với màu xanh của biển
Vẻ đẹp bình yên tại chùa hòa với màu xanh của biển

Những lưu ý khi đi lễ tại các ngôi chùa lớn nhất Việt Nam

Bất kỳ địa điểm tâm linh nào cũng cần có những quy tắc nghiêm ngặt để đảm bảo sự trang nghiêm, đặc biệt tại các ngôi chùa lớn nhất Việt Nam thì càng khắt khe hơn. Trước chuyến đi, đừng quên ghi lại một số lưu ý để chuyến đi thêm thuận lợi nhé.

  • Khi vào chùa, hãy đảm bảo mặc trang phục lịch sự và kín đáo. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với nơi thờ tự mà còn phù hợp với quy định của các khu vực tâm linh.
  • Di chuyển nhẹ nhàng và nói chuyện nhỏ nhẹ trong khuôn viên của chùa là phép lịch sự tối thiểu để duy trì bầu không khí thanh tịnh cho những người đang hành lễ hoặc thiền định.
  • Trước khi vào tham quan, hãy chú ý đến các khu vực có thể được phép ra vào và các khu vực bị hạn chế. Ngoài ra, nhiều chùa có quy định rõ ràng về việc quay phim và chụp hình, vì vậy hãy kiểm tra để đảm bảo bạn không vi phạm các quy tắc này.
  • Khi khám phá chùa, bạn nên mang theo nước uống. Việc đi bộ qua các khu vực rộng lớn và leo dốc có thể khiến bạn cảm thấy khát và mệt mỏi, vì vậy nước sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong suốt chuyến thăm.
  • Hầu hết các chùa không thu phí vào cửa, nhưng nếu có hòm công đức đặt ở khu vực nào đó, hãy cân nhắc đóng góp một khoản nhỏ để thể hiện lòng biết ơn và giúp duy trì và phát triển các hoạt động của chùa.

Có một bí quyết để chuyến đi khám phá các ngôi chùa lớn nhất Việt Nam được trọn vẹn đó là tìm hiểu kỹ về vị trí, lịch sử, văn hóa của địa phương và những câu chuyện truyền thuyết xoay quanh nhà chùa, từ đó bạn sẽ có cái nhìn bao quát hơn, tìm hiểu được nhiều điều thú vị hơn khi đặt chân đến nơi đây. Ngoài ra, du khách không cần quá nặng nề về lễ vật để dâng cúng vì điều quan trọng nhất vẫn là lòng thành tâm.