Hướng dẫn cách làm nước cốt dừa thơm và béo tại nhà
Nước cốt dừa thường được đóng lon và bán sẵn tại các siêu thị, cửa hàng, tạp hoá. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể tự học cách làm nước cốt dừa ngay tại nhà để đảm bảo chất lượng và tiết kiệm chi phí. Bạn chỉ cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu và thực hiện theo hướng dẫn chi tiết dưới đây:
Chuẩn bị nguyên liệu làm nước cốt dừa
Để áp dụng công thức cách làm nước cốt dừa thành công, trước tiên, bạn cần phải chuẩn bị những nguyên liệu quan trọng sau:
- Dừa khô: 2 quả
- Nước ấm: 600ml
- Dụng cụ: Dao, nạo, rây, đũa, bát, nồi…
Hướng dẫn chọn dừa ngon làm nước cốt dừa
- Hãy ưu tiên chọn quả dừa có vỏ xơ, khô bên ngoài, vì đây sẽ là tín hiệu cho thấy cơm dừa bên trong dày xốp, nước cốt chắt từ cơm dừa sẽ ngon và thơm hơn.
- Nếu có sẵn cơm dừa, bạn có thể dùng móng tay bấm nhẹ để kiểm tra độ giòn, dai của chúng. Cơm dừa ngon sẽ có màu trắng ngần, giòn và không bị dai là cơm dừa chất lượng.
Sơ chế dừa
Đầu tiên, dùng đũa hoặc tô-vít cắm mạnh vào 2 lỗ nhỏ trên quả dừa khô. Úp ngược quả dừa vào bình hoặc tô để đổ hết nước dừa phía trong ra ngoài. Sau đó dùng dao bổ đôi quả thành 2 phần, sau đó hơ chúng lên lửa để cùi dừa dễ tách hơn. Sử dụng mũi dao nhọn để cạy cơm dừa ra khỏi lớp vỏ nâu bên ngoài.
Tiếp theo, đun sôi 600ml nước sôi cùng phần nước dừa tươi vừa lấy phía trên.
Vắt và nấu nước cốt dừa
Dùng dao hoặc dụng cụ nạo để thái cơm dừa thành từng miếng mỏng. Sau đó, cho phần cùi dừa vừa thái vào máy xay sinh tố cùng hỗn hợp nước đun sôi ở bước 1. Bật máy xay và tiến hành xay thật nhuyễn hỗn hợp dừa.
Lưu ý: Hỗn hợp càng nhuyễn càng vắt được nhiều nước cốt.
Tiếp theo, dùng rây hoặc miếng vải sạch để lọc hỗn hợp dừa vừa xay, tiến hành lấy nước, bỏ bã. Bạn có thể lọc đi lọc lại nhiều lần để nước cốt dừa thu được ít cặn nhất có thể.
Yêu cầu thành phẩm nước cốt dừa
Nước cốt dừa thu được sẽ có màu trắng đục, sánh, có vị thơm ngọt và béo ngậy. Bạn có thể sử dụng cốt dừa để nấu chè, làm bánh hoặc nấu các món mặn như: tôm rang nước cốt dừa, thịt kho nước cốt dừa, xôi đậu phộng cốt dừa,...
Sau khi thu được thành phẩm, bạn để nước cốt nguội và đựng hũ thuỷ tinh đậy kín nắp, bảo quản trong tủ lạnh có thể lưu trữ được 2-3 tuần.
Dùng nước cốt dừa có tác dụng gì?
Nước cốt dừa là chất lỏng được chiết xuất từ phần thịt của trái dừa. Cốt dừa có màu trắng đục, vị ngọt nhẹ, thường được sử dụng trong nấu ăn. Kết hợp nước cốt dừa vào các món mặn, ngọt sẽ khiến món ăn dậy mùi, béo ngậy và đồng thời cung cấp không ít chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
Tùy thuộc vào khối lượng, giống cây dừa, kích thước quả mà giá trị dinh dưỡng của cốt dừa thu được cũng khác nhau. Tuy nhiên theo nghiên cứu của AIA, với 240g nước cốt dừa sẽ có:
Thành phần dinh dưỡng |
Hàm lượng |
---|---|
Calo |
552 |
Chất béo |
57 gam |
Chất đạm |
5 gam |
Tinh bột |
13 gam |
Chất xơ |
15 gam |
Vitamin C |
11% RDI |
Folate |
10% RDI |
Sắt |
22% RDI |
Magie |
22% RDI |
Kali |
18% RDI |
Đồng |
32% RDI |
Mangan |
110% RDI |
Selen |
21% RDI |
Lưu ý: RDI = The Reference Daily Intake: Khẩu phần ăn hàng ngày tham khảo.
Được đánh giá là sản phẩm siêu giàu dinh dưỡng bởi nguồn vitamin và khoáng chất dồi dào, nước cốt dừa đem đến 7 lợi ích nổi bật cho sức khỏe:
- Tốt cho da và tóc: Nước cốt dừa giúp giữ ẩm, tẩy tế bào chết cho da; giảm gàu và xơ gãy cho tóc.
- Hỗ trợ giảm cân: Chất béo trong nước cốt dừa gây no lâu, giảm bớt cảm giác thèm ăn trong ngày, có thể hỗ trợ giảm cân đồng thời giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra dễ dàng.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Lượng lớn acid lauric trong dừa có khả năng kháng khuẩn, chống viêm và ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn gây hại.
- Có lợi cho tim mạch: Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng và Chuyển hóa, việc sử dụng nước cốt dừa thường xuyên sẽ giúp giảm cholesterol LDL (có hại) và tăng cholesterol HDL (có lợi) tới 18%.
- Giảm huyết áp: Các khoáng chất thiết yếu như Natri, Kali, Calci trong nước cốt dừa sẽ giúp cải thiện lưu thông máu, hạn chế tình trạng tắc nghẽn mạch máu gây cao huyết áp, đột quỵ,...
- Hỗ trợ bệnh đái tháo đường: Nước cốt dừa là sản phẩm được ưu ái sử dụng cho các bệnh nhân đái tháo đường. Acid béo chuỗi trung bình trong cốt dừa có khả năng làm chậm tốc độ đường huyết trong máu vô cùng hiệu quả.
- Tốt cho tiêu hóa: Nếu bạn là người không thể dung nạp đường lactose - thường xuyên gặp tình trạng đau bụng, tiêu chảy khi sử dụng sữa tươi hoặc các chế phẩm từ sữa thì có thể sử dụng nước cốt dừa thay thế. Bạn vẫn bổ sung các vitamin khoáng chất cần thiết mà không cần phải trải qua những tình huống “không mời mà đến”.
Với cách làm nước cốt dừa đơn giản trên, bạn hoàn toàn có thể tự tay tạo nên thành phẩm với hương vị thơm béo, sánh mịn và siêu bổ dưỡng ngay tại nhà. Chúc bạn thực hiện thành công.