Các loại hình lễ hội ở Việt Nam
Việt Nam nổi tiếng là nơi có nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, có thể kể đến một số loại hình lễ hội đặc sắc như:
- Lễ hội truyền thống: Là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
- Lễ hội văn hóa: Là hoạt động quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp của người Việt.
- Lễ hội ngành nghề: Là dịp quảng bá các ngành nghề truyền thống, tôn vinh các nghệ nhân, tổ chức tiêu biểu.
- Các lễ hội được du nhập từ nước ngoài: Giới thiệu bản sắc, văn hóa nước ngoài đến với con người Việt.
Các lễ hội ở Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc
Các lễ hội ở Việt Nam được xem là “bảo tàng sống”, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc dân tộc của mỗi vùng miền, địa phương. Lễ hội là sự kiện quan trọng, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ đến công lao to lớn của các vị anh hùng dân tộc.
Lễ hội đền Hùng
Lễ hội đền Hùng (hay còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương) là một trong các lễ hội ở Việt Nam thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách thập phương. Đây là một ngày lễ lớn của dân tộc, tổ chức hằng năm từ ngày 01-10/3 Âm lịch tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP Việt Trì, Phú Thọ. Lễ hội đền Hùng được tổ chức nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của các vị vua Hùng có công dựng nước.
Trong lễ hội đền Hùng có rất nhiều hoạt động được tổ chức, trong đó có hai hoạt động chính:
- Phần lễ được tổ chức vào ngày 10/3 Âm lịch, bắt đầu bằng nghi thức dân hương tại đền Thượng. Các chính khách ở Trung ương, các vị chức sắc, người có vai vế trong làng sẽ được mời tham dự. Khi đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh trang nghiêm cùng sự uy nghi, lộng lẫy của những đoàn kiệu sơn son thiếp vàng được khiêng bởi dàn nam thanh nữ tú trong làng.
- Phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn như xem biểu diễn hát xoan, đánh trống đồng, trình diễn múa rối nước… Đồng thời, bạn cũng có thể tham gia các hội thi dân gian như nấu bánh chưng, giã bánh dày,...
Lễ hội chùa Hương
Lễ hội chùa Hương chắc chắn không còn quá xa lạ đối với người dân khắp cả nước Việt. Lễ hội được tổ chức trên địa bàn xã Hương Sơn (thôn Tiên Mai, Phú Yên, Đục Khê, Hội Xá, Yến Vĩ, Hạ Đoàn), huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội và kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm và kéo dài trong vòng 3 tháng.
Lễ hội chùa Hương là lễ hội ở Việt Nam gắn liền với tín ngưỡng thờ Chúa Ba từ xa xưa. Cứ mỗi độ xuân về, Phật tử khắp nơi trên cả nước lại tập trung về đây để tế lễ, thể hiện lòng thành kính với vị Chúa Ba và cầu mong năm mới gia đình và bản thân gặp nhiều may mắn.
Lễ hội chùa Hương được chia thành hai phần chính:
- Phần lễ bắt đầu từ ngày mồng 6 tháng 1 âm lịch với lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) diễn ra tại làng Yến Vỹ và Phú Yên. Đây là lễ tạo thần núi, chúa sơn lâm nhằm mong cầu một năm mưa thuận gió hòa, gặp nhiều may mắn. Trong buổi lễ sẽ trưng bày đầy đủ hương, đèn, hoa quả, đồ chay,... và có các vị tăng ni mặc áo cà sa và tiến hành cúng bái theo nghi thức.
- Phần hội của lễ hội chùa Hương là phần đặc sắc mà bạn không nên bỏ qua. Một số hoạt động vui nhộn được tổ chức như đua thuyền, leo núi, hát chầu văn…. Ngoài ra, vào những ngày diễn ra lễ hội, khi đi dọc bến đò hay tuyến đường của Hương Tích, bạn sẽ được lắng nghe những điệu hát chèo, dân ca quan họ, hát xẩm độc đáo.
Lễ hội Yên Tử
Lễ hội Yên Tử được tổ chức tại núi Yên Tử, xã Thượng Yên Công, Uông Bí, Quảng Ninh. Lễ hội này sẽ diễn ra từ ngày mồng 10 tháng 1 đến hết tháng 3 Âm lịch hằng năm nhằm tri ân vị Phật hoàng Trần Nhân Tông - Người đã sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Khi tham gia hội xuân này, bạn sẽ được:
- Chiêm ngưỡng phần nghi lễ trang nghiêm cùng không khí náo nhiệt của lễ hội. Một số hoạt động đáng chú ý như thỉnh chuông, gióng trống, chúc phúc đầu năm.
- Du khách có thể tham gia các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, chơi cờ tướng, đánh võ cổ truyền.
- Du khách cũng có thể hành hương lên ngôi chùa Thiền Trúc tự nằm trên đỉnh núi cao 1068m. Ở độ cao này, bạn có thể ngắm nhìn quang cảnh xung quanh dễ dàng hơn và thả hồn vào không gian phiêu lãng.
Lễ hội Lồng Tồng Tuyên Quang
Nhắc đến các lễ hội ở Việt Nam không thể bỏ qua lễ hội Lồng Tồng. Lễ hội Lồng Tồng (hay còn gọi là Hội xuống đồng) thường được tổ chức vào ngày mồng 8 tháng Giêng hằng năm. Nơi diễn ra lễ hội này là thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Hội xuống đồng mang đậm giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Tày, được tổ chức với mong muốn cầu cho buôn làng có một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa.
Để chuẩn bị cho lễ, người dân sẽ chuẩn bị một kệ tồng có 3 tầng, được làm từ tre, đặt ngay giữa khu ruộng lớn. Ở trên kệ sẽ đặt các mâm đồ lễ để cúng Thổ Địa, Thần Nông và các vị thánh thần. Vào ngày mồng 8 tháng Giêng sẽ có một đoàn rước mâm tồng tiến đến nơi đã chuẩn bị để làm lễ.
Đi đầu đoàn là 7 người nam thanh niên mạnh khỏe, mang theo một cành cây, vừa hát vừa vung vẩy để xua đuổi tà khí. Tiếp theo đó là đoàn múa lân, thầy Cả và các thầy giúp việc khác. Cuối cùng là đoàn các cô nàng đội 9 mâm tồng trên đầu.
Ở phần hội, du khách có thể tham gia nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Một số hoạt động đáng chú ý: ném còn, thi nấu ăn, kéo co….
Lễ hội Tháp Bà Ponagar
Lễ hội Tháp Bà Ponagar hay còn gọi là lễ hội Thiên Y A Na Thánh Mẫu là lễ hội ở Việt Nam thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước. Lễ hội được tổ chức ở TP Nha Trang, Khánh Hòa, từ ngày 20 - 23/03 Âm lịch hằng năm. Lễ hội Tháp Bà Ponagar được tổ chức nhằm tôn vinh bà Ponagar - Người có công dạy người dân cách trồng trọt, chăn nuôi, dệt vải.
Khi tham gia lễ hội, bạn sẽ được tham gia vào nhiều hoạt động hấp dẫn và đầy lý thú:
- Lễ thay y diễn ra với nghi thức dâng hương. Các lễ vật cần chuẩn bị rất đơn giản, gồm trầm hương, trái cây, hoa quả và phải có chủ tế cúng bái.
- Lễ thả hoa đăng trên sông nhằm cầu siêu cho những vong linh.
- Lễ cầu quốc thái dân an với mong muốn cầu mong cho đất nước hòa bình, thịnh vượng, phồn vinh, dân chúng ấm no, hạnh phúc.
- Lễ cúng thí thực là nghi lễ dâng Mẫu được diễn ra vô cùng trang nghiêm.
Lễ hội núi Bà Đen
Tại núi Bà Đen, Tây Ninh thường xuyên diễn ra rất nhiều lễ hội đặc sắc nhưng lễ hội được nhiều người biết đến hơn cả là lễ vía Bà. Lễ vía Bà được tổ chức từ ngày mồng 4 - 5 - 6 tháng 5 Âm lịch. Trong đó, ngày mồng 4 sẽ diễn ra nghi thức hát bóng rối chầu mời, dâng mâm ngũ sắc, hát chặp bóng tuồng hài “Địa nàng” tại điện Bà. Ngày mồng 5 là thời điểm người dân được dâng hương, hoa quả, trà bánh lên cúng bái Bà với mong muốn cầu bình an, sức khỏe. Ngày mồng 6 sẽ diễn ra nghi lễ cúng cô hồn, siêu độ oan hồn.
Sau phần lễ, du khách tham quan có thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi đặc sắc:
- Hội xuân kéo dài từ mồng 4 tháng Giêng đến cuối tháng Giêng để cầu may mắn, bình an.
- Hội động Kim Quang được tổ chức để tưởng nhớ công lao của các liệt sĩ đã ngã xuống diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng.
- Lễ hội của đạo Cao Đài Tây Ninh diễn ra vào mồng 8 tháng Giêng và rằm tháng 8 Âm lịch. Khi đến với lễ hội này, bạn sẽ được dịp chiêm ngưỡng những nghi thức, tập tục của đạo Cao Đài và những điệu múa Tứ Linh vô cùng độc đáo.
Đua bò Bảy Núi
Về với xứ An Giang địa linh nhân kiệt, bạn không thể bỏ quên lễ hội đua bò Bảy Núi - Một trong những lễ hội ở Việt Nam đặc sắc, đậm đà bản sắc văn hóa vùng miền. Lễ hội được tổ chức vào Tết Đôn-ta (diễn ra từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 Âm lịch) nhằm tưởng nhớ tổ tiên, ông bà theo phong tục của người Khmer Nam Bộ.
Để tổ chức lễ hội, người dân sẽ sử dụng một khoảng ruộng lớn với chiều dài khoảng 200m, chiều rộng 100m. Trên bề mặt sẽ có một ít nước và có độ trơn vừa phải của bùn. Xung quanh sẽ được bao lại và tại đích sẽ có một đoạn trống được dùng làm khoảng dừng cho bò. Đường đua chính có chiều dài 120m, nếu bò chạy lên bờ hoặc bị ngã thì xem là thua cuộc. Lễ hội đua bò Bảy Núi diễn ra trong không khí sôi động, náo nhiệt, thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài khu vực.
Nên chuẩn bị những gì khi đi lễ hội?
Nếu bạn đang lên kế hoạch để có được chuyến thăm thú lễ hội ở Việt Nam, bạn hãy lưu ngay một số bí kíp dưới đây:
- Lựa chọn thời điểm du lịch phù hợp để có được trải nghiệm lý thú. Mỗi vùng miền sẽ có khí hậu khác nhau. Ví dụ như nếu đi các lễ hội ở miền Bắc thì nên chọn di chuyển vào mùa xuân, khí hậu mát mẻ, ôn hòa. Còn ở miền Nam thì nên chọn đi vào mùa khô để có thể khám phá và trải nghiệm lễ hội một cách tốt nhất.
- Lễ hội là nơi tập trung đông người nên bạn hãy chủ động bảo vệ tư trang của mình, tránh tình trạng mất cắp, cướp giật.
- Các lễ hội ở Việt Nam phần lớn đều là các hoạt động linh thiêng, yêu cầu sự nghiêm chỉnh, tôn kính. Chính vì vậy, du khách cần lựa chọn trang phục phù hợp khi đến tham gia lễ hội.
Lễ hội ở Việt Nam mang nhiều màu sắc khác nhau, khiến du khách rất bất ngờ và phấn khích. Khám phá lễ hội sẽ giúp bạn hiểu thêm, yêu thêm về bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước đáng quý. Chúc bạn luôn có được chuyến hành trình khám phá mới mẻ và đầy thú vị nhé!