An-đéc-sen và tác phẩm Cô bé bán diêm
Trước khi tiến hành thao tác tóm tắt Cô bé bán diêm, học sinh cần nắm được tiểu sử cuộc đời, sự nghiệp của tác giả An-đéc-sen cùng một vài nét tiêu biểu về tác phẩm này.
Tác giả An-đéc-sen
Dưới đây là thông tin khái quát về tác giả An-đéc-sen mà học sinh có thể tham khảo khi tóm tắt Cô bé bán diêm
Tiểu sử:
An-đéc-sen sinh năm 1805, mất năm 1875, tên đầy đủ là Christian Andersen. Nhà văn phải chịu cảnh mồ côi cha tử nhỏ nên tuổi thơ chứa đầy nỗi vất vả, tự bươn chải kiếm sống qua ngày với nhiều nghề khác nhau như dệt vải, thợ may, cho đến công nhân bốc vác. Có một thời gian ngắn ông tham gia công việc làm diễn viên.
Những gì đã trải qua trong thời niên thiếu đã khiến ông trở nên đồng cảm với những số phận bất hạnh trong xã hội và đây cũng chính là cảm hứng cho những sáng tác khi ông trở thành nhà văn.
Sự nghiệp văn chương
Bài tóm tắt Cô bé bán diêm sẽ đạt điểm tuyệt đối nếu trong phần tác giả học sinh nhắc đến phong cách sáng tác của An-đéc-sen. Dấn thân vào nghề viết văn, ông muốn đem ngòi bút của mình để viết về những đứa trẻ đáng thương, chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất và tinh thần nhưng nhen nhóm trong đó màu sắc hư ảo, vẽ ra thế giới đầy màu sắc để nhân vật của mình có thêm niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp hơn, đủ đầy hơn.
Một số tác phẩm nổi tiếng của An-đéc-sen có thể kể đến như: Cô bé bán diêm; Bộ quần áo mới của Hoàng đế; Bầy chim thiên nga, Nàng công chúa và hạt đậu; Nàng tiên cá,…
Tác phẩm Cô bé bán diêm
Để đảm bảo quá trình tóm tắt Cô bé bán diêm ngắn nhất nhưng vẫn không bỏ sót bất cứ thông tin nào, học sinh hãy nắm rõ các ý sau:
Thể loại: Truyện ngắn
Xuất xứ: Cô bé bán diêm được trích trong trong tác phẩm cùng tên của An-đéc-sen.
Hoàn cảnh sáng tác: Truyện được viết vào năm 1845, thời điểm này tên An-đéc-sen lừng danh trên thế giới với hơn 20 năm theo nghiệp văn chương.
Phương thức biểu đạt: Tác phẩm được kết hợp 3 phương thức biểu đạt chủ yếu là tự sự, miêu tả và biểu cảm.
Người kể chuyện: Trong Cô bé bán diêm người kể chuyện ở ngôi thứ 3.
Bố cục: Theo yêu cầu của giáo viên, khi soạn bài Cô bé bán diêm, học sinh cần chia văn bản làm 3 đoạn như sau:
- Đoạn 1: Từ đầu => bàn tay em đã cứng đờ ra: Hình ảnh đứa bé tội nghiệp đang đi bán diêm trong đêm giao thừa giá rét.
- Đoạn 2: Tiếp theo => họ đã về chầu Thượng: Nội dung đoạn này miêu tả những mong ước của em bé qua các lần quẹt diêm.
- Đoạn 3: Phần còn lại: Trọng tâm đoạn kết nói về cái chết trong cô đơn của cô bé bán diêm khi không ai thân thích bên cạnh, người qua đường cũng làm ngơ.
Giá trị nội dung: Sau khi đã nắm rõ thông tin về tác giả và một vài nét cơ bản về tác phẩm, học sinh cần đề cập đến giá trị nội dung khi tóm tắt Cô bé bán diêm. Theo đó, tác phẩm của An-đec-sen đã thể hiện lòng thương cảm sâu sắc trước số phận của những đứa trẻ bất hạnh, tiêu biểu trong đó là cô bé bán diêm.
Giá trị nghệ thuật: Dưới ngòi bút của An-đec-sen, trang văn của ông đã chạm đến trái tim độc giả nhờ lối kể chuyện chân thực, phân tích diễn biến tâm lí có chiều sâu, sử dụng nghệ thuật tương phản để tạo điểm nhấn cho cốt truyện khi một bên là mộng tưởng đẹp đẽ của cô bé, một bên là hiện thực xót xa.
Những mẫu tóm tắt Cô bé bán diêm ngắn gọn nhất
Tổng hợp 5 mẫu tóm tắt câu chuyện Cô bé bán diêm bám sát chương trình Ngữ văn 6 trong các bộ sách Cánh diều, Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo được đề cập dưới đây sẽ giúp học sinh dễ dàng nắm được cốt truyện.
Mẫu tóm tắt truyện Cô bé bán diêm số 1
Vào đêm giao thừa giá rét xuất hiện một cô bé đầu trần, chân đất đang xách giỏ đi bán diêm. Nhưng đi cả ngày dài vẫn không thể bán được bao nào, mặc dù rất mệt và đói nhưng cô không thể về nhà nếu trong túi chưa có đồng xu nào. Vừa lạnh vừa đói, cô bé đã quyết định ngồi nép vào góc tường rồi quẹt một que diêm để sưởi ấm. Trong khung cảnh này, bao nhiêu mong ước của em bé đều hiện ra, đó là cảnh em được ngồi bên lò sưởi ấm áp, được ăn ngon, mặc đẹp, được đón Nô-en,... Tất cả những ước mơ ấy đều thật giản dị nhưng với Cô bé bán diêm nó lại trở nên quá xa vời.
Tại lần quẹt diêm thứ tư, em bé vui mừng khi nhìn thấy người bà đã mất trở về nhưng chẳng mấy chốc hình ảnh ấy lại vụt đi mất. Lo sợ bà rời đi, em vội vàng quẹt hết bao diêm với hy vọng gần bà thêm chút nữa. Thế rồi, khi que diêm cuối cùng được quẹt lên cũng là lúc em không còn tồn tại trên cõi đời đầy nỗi buồn này nữa. Em cảm thấy may mắn vì đã được bà đón đi chầu Thượng Đế.
Mẫu tóm tắt Cô bé bán diêm số 2
Cô bé bán diêm có hoàn cảnh rất đáng thương khi mẹ và bà đều đã qua đời, em sống cùng người bố cay nghiệt và phải chịu những trận đòn roi từ ông. Vào đêm giao thừa giá rét khi mọi nhà đều quây quần bên nhau chờ đón năm mới thì em vẫn đang lang thang trên đường để bán diêm. Vì đói và lạnh nên em đã ngồi nép góc tường, lấy vài que diêm ra quẹt để sưởi ấm.
Mỗi que diêm được quẹt, trong đầu cô bé xuất hiện bao mộng tưởng, que thứ nhất em thấy mình được ngồi trước lò sưởi rực than hồng, que thứ hai sáng lên, em tưởng tượng bản thân đang được ăn món ngon, trên bàn có con ngỗng quay béo tròn. Đến que thứ ba, đó là hình ảnh cây thông rực rỡ. Lần quẹt thứ tư, em mừng rỡ khi thấy người bà đã mất của mình hiện về, que diêm thứ 5 sáng lên là lúc em được bà dắt lên trời.. Và, sáng hôm sau, cô bé đáng thương ấy đã gục chết bên góc tường, người ta thấy trên môi em vẫn đang nở nụ cười thật đẹp.
Mẫu tóm tắt Cô bé bán diêm số 3
Trong đêm giao thừa tuyết phủ kín trên đường, người ta thấy một cô bé bán diêm nhà nghèo, đầu trần, chân đi đất đang dò dẫm trong bóng tối. Vì cả ngày em không bán được bao diêm nào nên em không dám trở về nhà bởi chắc chắn sẽ bị người bố chửi mắng, đánh đập. Vừa lạnh, vừa đói, em đã ngồi nép vào góc tường quẹt một que diêm để sưởi ấm. Trong truyện, cô bé đáng thương ấy đã 5 lần quẹt diêm, mỗi que diêm được quẹt lên đều mang đến cho em những niềm vui lớn lao, que diêm thứ nhất em thấy lò sưởi hiện ra, que diêm thứ hai em nhìn ra một bàn ăn thịnh soạn với nhiều món ăn ngon, que diêm thứ ba xuất hiện một cây thông Nô-en trang hoàng, đến que diêm thứ tư, em thấy rõ mình được gặp bà nội, hình ảnh que diêm thứ 5 là cận kề giữa sự sống và cái chết khi em thấy mình được bà đón đi. Sáng sớm hôm sau, người đi đường thấy cô bé bán diêm đã chết trong giá rét nhưng đôi môi em vẫn đang nở nụ cười.
Mẫu tóm tắt Cô bé bán diêm số 4
Truyện kể về cô bé bán diêm có hoàn cảnh đáng thương, sinh ra trong gia đình nghèo khó, mồ côi mẹ, kiếm sống qua ngày nhờ công việc bán diêm. Vào đêm giao thừa, em đầu trần chân đất lang thang trên phố vắng, vì chưa bán được bao diêm nào nên em không dám về nhà. Vừa lạnh, vừa đói, em đã ngồi nép vào góc tường rồi khẽ quẹt diêm để sưởi ấm. Khi em quẹt que thứ nhất, hiện ra trước mắt một cái lò sưởi ấm áp, rực than hồng. Que diêm thứ hai mang đến một bàn ăn thịnh soạn, trên đó có cả ngỗng quay. Đến que diêm thứ ba, cây thông Nô-en lấp lánh xuất hiện. Quẹt que diêm thứ tư sáng lên, em mừng rỡ vì gặp người bà nội yêu quý của mình. Thế nhưng những ảo ảnh đó nhanh chóng tan đi, em tiếp tục quẹt que diêm thứ năm để mong níu giữ hình ảnh bà nội, lúc này, người bà lại hiện lên và dắt tay em lên chầu Thượng đế. Sáng hôm sau, người qua đường thấy xác em trên đường phố giá rét.
Mẫu tóm tắt Cô bé bán diêm số 5
Truyện xoay quanh nhân vật cô bé bán diêm với nỗi bất hạnh và những thiếu thốn mà cô gái nhỏ phải chịu đựng. Ngay từ nhỏ em đã mồ côi mẹ, sau đó người bà cũng qua đời. Kể từ đây, em phải sống với một người bố nghiện rượu, luôn kiếm cớ đánh đập em. Vào đêm giáng sinh khi mọi nhà đang đang quây quần bên nhau thì em vẫn đang lang thang ngoài đường với hy vọng bán được một chút tiền lẻ mang về cho bố. Vì quá lạnh và đói nên em đã ngồi vào góc tường và đem những que diêm ra sưởi ấm. Mỗi que diêm được đốt lên trong đầu em hiện lên mộng tưởng được sưởi ấm, ăn ngon, được đón Nô-en. Đến khi que diêm thứ tư được quẹt lên, em thấy người bà hiền từ đã mất xuất hiện, em bé tội nghiệp ấy đã cầu khẩn bà mang em được đi cùng bà. Cuối cùng, khi que diêm thứ 5 được quẹt lên hai bà cháu đã dắt tay nhau và bay lên trời.
Sơ đồ tư duy hỗ trợ tóm tắt tác phẩm Cô bé bán diêm
Mẫu sơ đồ tư duy Cô bé bán diêm dưới đây sẽ giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa kiến thức, nội dung cơ bản của tác phẩm.
Hướng dẫn cách tóm tắt Cô bé bán diêm
Để quá trình tóm tắt Cô bé bán diêm lớp 6 đáp ứng được yêu cầu ngắn gọn, súc tích, học sinh nên tham khảo những mẹo dưới đây:
Đọc tác phẩm một cách tập trung, nghiêm túc: Thao tác này sẽ giúp bạn biết được các thông tin sau:
- Xác định nội dung chính của văn bản, biết được đâu là ý lớn, đâu là ý nhỏ.
- Tìm được thông điệp, tư tưởng của từng đoạn.
- Liệt kê những từ ngữ quan trọng.
Tóm tắt lại tác phẩm bằng lời văn của mình: Tại phần này, học sinh lần lượt làm theo các yêu cầu sau:
- Sắp xếp lại các ý chính theo văn bản gốc.
- Dùng lời văn của mình kết hợp những từ ngữ quan trọng của văn bản gốc để từ đó tóm tắt
- Học sinh cần chú ý bảo đảm tiêu chí ngắn gọn, súc tích cho bản tóm tắt.
Chỉnh sửa: Sau khi đã hoàn thành tóm tắt cốt truyện, học sinh nên đọc lại chỉnh sửa những nội dung sai hoặc thiếu.
Tóm tắt Cô bé bán diêm cần đáp ứng tiêu chí ngắn gọn nhưng đầy đủ, chính xác và súc tích. Từ các bài tóm tắt cốt truyện hoàn chỉnh, học sinh dễ dàng có thể triển khai các dạng đề thi xoay quanh tác phẩm văn học này.