Dàn ý bài văn đóng vai ông Sáu kể lại chuyện Chiếc lược ngà
Nội dung dàn ý bài viết đóng vai ông Sáu kể lại chuyện Chiếc lược ngà cần tập trung vào cảm xúc và góc nhìn của nhân vật người cha. Các luận điểm chính tương tự như dàn ý phân tích nhân vật ông Sáu trong chuyện Chiếc lược ngà. Cụ thể:
Mở bài
Nội dung mở bài đóng vai ông Sáu kể lại chuyện Chiếc lược ngà chủ yếu tập trung vào việc giới thiệu về hoàn cảnh người cha:
- Tôi là người chiến sĩ bảo vệ đất nước, chống giặc ngoài chiến trường và phải xa gia đình, xa con khi con bé chưa tròn 1 tuổi
- Câu chuyện bắt đầu trong lần nghỉ phép, tôi trở về thăm nhà trong chuyến nghỉ phép ngắn ngày và gặp lại cô con gái 8 tuổi.
Thân bài
Để triển khai các luận điểm chính trong bài đóng vai ông Sáu kể lại chuyện Chiếc lược ngà, bạn cần bám sát vào các mốc quan thời gian quan trọng trong chuyện. Thông qua đó, bài văn cần thể hiện được cảm xúc của nhân vật chính với bé Thu. Cụ thể:
Những ngày nghỉ phép:
- Tôi háo hức, mong chờ được gặp con gái sau bao năm xa cách nhưng con lại sợ hãi, không nhận ra tôi.
- Bé Thu từ chối mọi sự quan tâm, chăm sóc thậm chí hất văng cái trứng ra khỏi bát khi được tôi gắp vào bát cho nó.
- Tôi lỡ tay đánh con bé và cảm thấy hối hận khôn nguôi khi quay lại chiến trường.
- Ngày tôi lên đường, bé Thu gọi "cha" và xin một chiếc lược.
Những ngày về lại chiến trường:
- Tôi tiếp tục ham gia chiến đấu trên chiến trường để bảo vệ đất nước.
- Khi tôi tìm được đoạn ngà voi và ngay lập tức quyết định làm cây lược tặng con.
- Tôi vẫn đau đáu ân hận khi đã đánh con.
- Trước lúc hi sinh, tôi gửi lại chiếc lược cho đồng đội để trao tay cho bé Thu.
Kết bài
Đối với kết bài đóng vai ông Sáu kể lại chuyện Chiếc lược ngà, bạn có thể triển khai những ý sau:
- Khái quát chung nỗi niềm của người cha với con gái.
- Lời gửi gắm của người cha tới con gái của mình.
Mẫu bài viết đóng vai ông Sáu kể lại chuyện Chiếc lược ngà
Sau khi nắm được dàn ý, bạn có thể tham khảo một số mẫu dưới đây để nắm rõ hơn về cách triển khai một bài viết đóng vai hoàn chỉnh.
Đóng vai ông Sáu kể lại chuyện Chiếc lược ngà mẫu 1
Tôi là người chiến sĩ ở chiến trường Nam Bộ, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà ra trận. Giữa những ngày tháng ác liệt của chiến tranh, tôi phải bỏ lại đứa con chưa đầy một năm tuổi ở nhà cùng với vợ của mình. Sau 8 năm xa cách, tôi mới có dịp trở về thăm trở về gặp lại gia đình. Chuyến về thăm quê này để lại trong tôi một hồi ức chẳng thể phai nhoà.
Nỗi mong ngóng nhớ về vợ con khiến tôi nao lòng không thôi, chỉ mong sao thời gian trôi thật nhanh để sớm gặp con, ôm con bé vào lòng. Xuồng vừa cập bến, nhác thấy bóng dáng một cô bé con tám tuổi, tóc ngắn ngang vai, mặc bộ quần áo đỏ, tôi linh cảm đó là Thu - đứa con gái của mình. Tôi vội nhảy lên bờ, kêu to:
- Thu! Con!
Con bé giật mình rồi hoảng sợ chạy đi, tôi như chết lặng. Sự xa cách nhiều năm khiến cô con gái không nhận ra cha của mình. Vì đường xa nên chúng tôi chỉ ở lại nhà được 3 ngày. Trong suốt khoảng thời gian đó, chúng tôi cố ý để con bé gọi tôi một tiếng ba. Nhưng không, con bé rất cứng cỏi và bướng bỉnh. Có lần má nó dặn trông nồi cơm nhưng lượng sức mình không nhấc nổi mới nói trổng cầu viện tôi:
- Cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái!
Tôi chỉ im lặng không đáp, tiếp tục nhâm nhi chén trà đặc với anh Ba. Tôi cố tình tỏ ra không nghe thấy để mong sao con bé sẽ gọi mình một tiếng “ba” nhưng không, con bé vẫn rất bướng bỉnh. Nó loay hoay hồi lâu rồi lấy vá múc từng chút nước một. Con bé đáo để thật.
Một trong những điều mà tôi hối hận nhất là đã lỡ đánh con khi nó bướng bỉnh hất tung cái trứng cá mà tôi gắp vào bát. Lúc đấy, nó lặng im và chạy thẳng sang nhà bà ngoại. Giây phút phải xách chiếc balo trên vai, tôi chào tạm biệt mọi người và đưa mắt nhìn về phía con bé. Nó vẫn đứng lặng lẽ trong góc nhà nhưng tôi chỉ dám đứng nhìn con từ xa, nói:
- Thôi, ba đi nghe con.
Bất ngờ con bé kêu lớn:
- Ba…a..a…ba
Tôi sững sờ, giây phút ấy đã khiến trái tim tôi thổn thức và niềm hạnh phúc dâng trào khi lần đầu tiên nghe tiếng đứa con gái gọi “ba”. Vậy là nó đã nhận ra cha, tôi hôn lên tóc con và hứa sẽ tặng con chiếc lược.
Trở lại căn cứ, tôi vẫn nhớ lời dặn của con bé, điều đó đã thôi thúc tôi làm một chiếc lược ngà cho con. Tôi dồn hết tâm trí để hoàn thành cây lược và khắc lên dòng chữ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Nó làm dịu đi nỗi ân hận và chứa đựng bao tình cảm thương nhớ, mong đợi của người cha với đứa con của mình.
Chiến tranh, hai tiếng đó nghe sao thật đau lòng, vì nó đã gây ra biết bao khổ đau. Chiến tranh tàn khốc, mang đến những cuộc chia ly đầy nước mắt, vợ xa chồng, cha xa con, con phải rời xa gia đình. Chiến tranh là điều không thể tha thứ khi đã cướp đi sinh mạng và máu xương của bao người con Việt Nam. Trong hoàn cảnh đó, những tình cảm thiêng liêng nhất như tình yêu đôi lứa, tình đồng chí, tình yêu quê hương và đặc biệt là tình cảm gia đình khó có thể bộc lộ trọn vẹn.
Đóng vai ông Sáu kể lại chuyện Chiếc lược ngà mẫu 2
Tình cảm cha con có lẽ là tình cảm thiêng liêng nhất trong cuộc đời của mỗi người. Điều này cũng không ngoại lệ với tôi.
Tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ từ khi đứa con đầu lòng và cũng là đứa con duy nhất của tôi, bé Thu, chưa đầy một tuổi. Trong suốt những năm kháng chiến, vợ tôi có lên thăm nhưng vì đường sá nguy hiểm nên không thể đưa con bé theo. Tôi chỉ có thể nhìn ngắm con qua một tấm ảnh nhỏ.
Đến khi được về phép, tôi mới có dịp gặp lại con. Từ đằng xa, nhìn thấy một đứa bé khoảng tám tuổi, tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đang chơi trước sân nhà, tôi biết đó là Thu – con gái mình. Không chờ xuồng cập bến, tôi nhảy xuống, vui mừng gọi con bé và đưa tay đón chờ để được ôm con vào lòng thỏa nỗi nhớ mong. Nhưng ngược lại với niềm vui của tôi, con bé lúc đầu ngạc nhiên, đứng nhìn tôi tròn mắt. Dường như nó thấy lạ lẫm, chắc nó đang tự hỏi người đàn ông xưng là ba kia là ai, rồi vụt chạy đi. Trước phản ứng của con, tôi rất buồn và đau đớn. Tôi đứng sững lại, nhìn theo con.
Vì đường xa nên chúng tôi chỉ ở nhà được ba ngày. Trong suốt ba ngày đó, chúng tôi cố gắng để con bé gọi tôi một tiếng ba. Nhưng không, nó rất gan lì, cứng cỏi, bướng bỉnh. Ngay cả khi phải gọi tôi vào ăn cơm hay nhờ tôi chắt nước nồi cơm, nó vẫn nói trống không và cố ý không gọi tôi tiếng ba nào. Tôi rất khổ tâm trước thái độ của con bé.
Điều mà tôi ân hận nhất trong những ngày ở bên con là tôi đã lỡ đánh vào mông và hét lên với con khi nó không chịu nhận miếng trứng cá tôi gắp cho. Sau khi bị ba đánh, Thu chạy sang nhà bà ngoại, và không biết ở đó, nó được bà kể cho nghe chuyện gì, nhưng khi về nhà, tôi thấy nó có vẻ khác lạ.
Sáng hôm đó, nội ngoại họ hàng đến rất đông để chia tay chúng tôi. Tôi bận tiếp khách nên không chú ý đến con bé nhiều, con bé cứ đứng hết nhìn mọi người rồi lại nhìn tôi. Không biết lúc đó nó nghĩ gì nhưng trông con bé buồn, một nỗi buồn dễ thương và sâu xa. Đến lúc tôi phải lên đường, thấy Thu đứng ở góc nhà, dù rất muốn ôm từ biệt con nhưng tôi sợ nó lại bỏ chạy. Vì thế tôi chỉ đứng nhìn con bé với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Thế nhưng ngược lại với những gì tôi nghĩ, con bé bỗng chạy xô tới, thét lên: "Ba…a…a…ba!", rồi sau tiếng kêu như xé lòng đó, ôm chặt lấy cổ tôi. Sau khi được mọi người dỗ dành, nó mới chịu buông ra để tôi lên đường. Trước khi tôi đi, con bé đã dặn mua cho một cây lược - điều mà tôi nhớ mãi.
Sau đó, chúng tôi trở lại chiến trường miền Đông, không phải đi tập kết nữa. Một hôm, tôi tìm được một khúc ngà voi khi hành quân. Tôi muốn tự tay làm cho con gái bé bỏng của mình một chiếc lược thật đẹp. Hằng ngày, tôi tỉ mỉ chạm từng chiếc răng lược và cẩn thận khắc lên đó những dòng chữ yêu thương dành tặng cho con. Tôi mong rằng chiến tranh kết thúc, mình sẽ trở về và trao tận tay con món quà nhỏ ấy.
Nhưng rồi, một chuyện không may đã xảy ra. Một ngày cuối năm 1958, trong một trận càn lớn của Mỹ - Ngụy, tôi bị thương nặng. Trước lúc lìa đời, tôi kịp đưa cho anh Ba – người bạn chiến đấu của mình – chiếc lược ngà với hy vọng rằng anh sẽ thay tôi trao tận tay cho con bé. Trong cơn hấp hối, tôi vẫn nghe văng vẳng bên tai tiếng anh Ba: “Tôi sẽ mang về trao tận tay cho cháu”.
Để triển khai bài viết đóng vai ông Sáu kể lại chuyện Chiếc lược ngà, bạn cần nắm rõ các luận điểm chính có trong dàn ý của bài. Đồng thời, logic của chuyện cần được thể hiện một cách rõ ràng và mạch lạc nhưng vẫn đảm bảo lột tả được cảm xúc của nhân vật dưới góc nhìn của ông Sáu.