Tác giả Nguyễn Du: Tiểu sử, cuộc đời và những tác phẩm nổi tiếng

Aretha Thu An
Với tài năng thiên bẩm cùng tâm hồn thơ ca giàu cảm xúc, tác giả Nguyễn Du đã để lại cho hậu thế một di sản văn học vô giá. Tác phẩm của ông, đặc biệt là Truyện Kiều, đã vượt qua mọi giới hạn thời gian, không gian, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Việt.

Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du

Đại thi hào Nguyễn Du, một danh nhân văn hóa thế giới, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc bằng những tác phẩm giàu giá trị nhân văn. Ông không chỉ là một nhà thơ tài ba mà còn là một nhân chứng lịch sử, một tấm gương sáng cho các thế hệ sau.

Tiểu sử Nguyễn Du 

Nguyễn Du (1765-1820), danh chính Tố Như, hiệu Thanh Hiên, là một trong những nhà văn vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Việt Nam. Sinh ra tại Thăng Long, cha ông là Nguyễn Nghiễm, mẹ là bà Trần Thị Tần. Ông mồ côi cha mẹ từ khi còn rất trẻ và trải qua nhiều biến cố trong đời.

Sau khi thi đậu Tam trường, Nguyễn Du bắt đầu sự nghiệp công tác tại Thái Nguyên, rồi sau đó lập gia đình với bà Đoàn Thị Huệ, con gái của tiến sĩ Đoàn Nguyễn Thục. Cuộc đời ông phải chịu đựng nhiều thăng trầm, từ những ngày bần hàn "Mười năm gió bụi" ở quê vợ, cho đến khi ông làm quan dưới triều Gia Long và được giao nhiều vị trí quan trọng như Tri huyện, giám khảo thi, Chánh sứ.

Chính những thăng trầm của thời cuộc, từ những năm tháng vinh hoa phú quý đến những giai đoạn gian nan, lầm than đã nuôi dưỡng tâm hồn và tài năng của Nguyễn Du, giúp ông tạo ra những tác phẩm văn học có giá trị bất hủ. Trong đó, được biết đến nhiều nhất là tác phẩm văn học kinh điển "Truyện Kiều", một trong những tác phẩm lớn của văn học Việt Nam. Tác phẩm nổi tiếng với sự tinh tế trong cách diễn đạt ngôn ngữ và sâu sắc trong cách miêu tả tâm lý nhân vật.

Với tư cách là một nhà ngoại giao tài ba, Nguyễn Du có nhiều cơ hội tiếp xúc với nền văn hóa Trung Hoa và các nước láng giềng. Khối kiến thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử - xã hội đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng tri thức của ông, được ông thể hiện một cách tài tình trong các tác phẩm của mình.

Đại thi hào Nguyễn Du qua đời vào năm 1820 tại Huế, hưởng thọ 55 tuổi. Ông để lại một di sản văn học vĩ đại và một cuộc đời dày công vì nền văn minh Việt Nam.

Nguyễn Du là một trong những nhà văn vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Việt Nam
Nguyễn Du là một trong những nhà văn vĩ đại nhất trong lịch sử văn học Việt Nam

Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du 

Nguyễn Du, một trong những tài năng sáng giá của thơ ca Việt Nam, đã cống hiến cho kho tàng văn học nước nhà một di sản văn chương đồ sộ và đa dạng. Các sáng tác của ông, từ thơ chữ Hán đến thơ chữ Nôm, đều thể hiện tài năng xuất chúng cùng một tâm hồn nhạy cảm trước cuộc đời.

Không chỉ là nhà thơ sắc bén với các tác phẩm bằng chữ Hán, Nguyễn Du còn là người đi đầu trong việc sáng tác bằng chữ Nôm. Nét đặc trưng nổi bật nhất của ông là sự tinh tế trong xúc cảm, biểu hiện rõ qua những bài thơ đa dạng về thể loại và nội dung.

  • Thơ chữ Hán: Nguyễn Du thành công khi vận dụng các thể thơ cổ điển của Trung Hoa vào thơ Việt, tạo nên những tác phẩm độc đáo mang đậm dấu ấn cá nhân. Các tập thơ như Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục không chỉ thể hiện sự am hiểu sâu sắc về văn hóa Trung Hoa mà còn bộc lộ những tâm tư, tình cảm sâu kín của tác giả.
  • Thơ chữ Nôm: Đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du chính là tác phẩm Truyện Kiều. Với thể thơ lục bát, tác giả đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về cuộc đời, số phận con người trong xã hội phong kiến. Tình yêu, hận thù, sự oan trái, nỗi đau... tất cả đều được nhà thơ khắc họa một cách chân thực và sống động. Truyện Kiều không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là một bộ bách khoa toàn thư về cuộc sống con người, chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.

Bằng sự nghiên cứu và sáng tạo vượt bậc, Nguyễn Du đã đặt dấu ấn sâu đậm không chỉ đối với văn chương trong nước mà còn trên trường quốc tế. Đến nay, các sáng tác của Nguyễn Du vẫn tiếp tục được trân trọng và nghiên cứu sâu rộng, cho thấy ông là bậc thầy trong văn học, là biểu tượng của sự sáng tạo và lòng nhiệt thành với nghệ thuật.

Phong cách sáng tác của Nguyễn Du 

Tác phẩm của Nguyễn Dữ nổi bật với tính nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc. Ông sử dụng phong phú các chất liệu văn hóa như ca dao, tục ngữ và thể thơ lục bát. Không chỉ vậy, tác phẩm của ông còn tôn vinh cuộc sống và giá trị con người, đồng thời lên án những bất công, hủ tục trong xã hội cũ. Chính ngôn ngữ giàu tính biểu cảm và miêu tả của ông đã đưa người đọc đến với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, những góc sâu kín trong tâm hồn con người.

Có thể nói, tác phẩm của Nguyễn Du không chỉ có giá trị về nghệ thuật và nghiên cứu mà còn chứa đựng những giá trị nhân đạo sâu sắc. Vì những đóng góp lớn lao này, ông được người Việt kính trọng tôn vinh là “Đại thi hào dân tộc” và được UNESCO công nhận, vinh danh là “Danh nhân văn hóa thế giới.

Tác phẩm của Nguyễn Dữ nổi bật với tính nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc
Tác phẩm của Nguyễn Dữ nổi bật với tính nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc

Các tác phẩm của Nguyễn Du 

Để có thể hiểu sâu sắc phong cách sáng tác của Đại thi hào Nguyễn Du, mời bạn đọc cùng điểm qua một số các tác phẩm tiêu biểu của ông.

Tác phẩm tiêu biểu - Truyện Kiều

Truyện Kiều của Nguyễn Du là một trong những tác phẩm vĩ đại của văn học Việt Nam, nổi tiếng với tên gọi "Đoạn trường tân thanh". Truyện Kiều gồm có 3254 câu thơ lục bát, nội dung chính xoay quanh cuộc đời phiêu bạt của Thúy Kiều, một cô gái tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc đời gặp nhiều bất hạnh sau khi cô bán mình để chuộc cha.

Theo "Từ điển văn học (bộ mới)," có ý kiến cho rằng Nguyễn Du viết tác phẩm này sau chuyến đi sứ Trung Quốc (1814-1820), trong khi các ý kiến khác cho rằng ông viết trước khi đi sứ, có thể vào khoảng thời gian ông làm Cai bạ ở Quảng Bình (1804-1809). Ý kiến sau được nhiều người chấp nhận hơn.

Truyện Kiều kể về gia đình viên ngoại họ Vương, gồm ba người con: Thúy Kiều, Thúy Vân và Vương Quan. Cả hai chị em Kiều, Vân đều có vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành". Trong lễ hội đạp thanh, Thúy Kiều gặp gỡ Kim Trọng, cả hai đã thề nguyện sẽ ở bên nhau. Trong khi Kim Trọng phải trở về Liễu Dương chịu tang chú, thì gia đình Thúy Kiều gặp biến cố. Kiều đành phải bán mình để chuộc cha, nhường tình duyên cho em gái Thúy Vân. Từ đây, cuộc đời Kiều trải qua 15 năm lưu lạc đầy gian truân, từng vào "thanh y mấy lượt, thanh lâu mấy lần".

Trong những năm lưu lạc, Kiều may mắn gặp Từ Hải, một anh hùng "đầu đội trời, chân đạp đất". Nàng cùng Từ Hải báo ân, trả oán. Tuy nhiên, cả hai mắc mưu của Hồ Tôn Hiến, dẫn đến cái chết của Từ Hải. Kiều bị bắt gả cho viên thổ quan nhưng vì quá nhục nhã, nàng nhảy xuống sông Tiền Đường. May mắn thay, sư vãi Giác Duyên cứu sống và đưa nàng đi tu. Sau này, Kim Trọng và Vương Quan đều đỗ đạt, được làm quan lớn, nhờ sư vãi Giác Duyên mà họ gặp lại và đoàn tụ với Thúy Kiều sau 15 năm xa cách.

Tuy mượn bối cảnh xã hội Trung Quốc đời nhà Minh nhưng Truyện Kiều thực sự là một bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời Nguyễn Du bây giờ. Tác phẩm phản ánh bức tranh xã hội hỗn loạn với sự tàn bạo của giai cấp thống trị. Nó cho thấy sức mạnh của đồng tiền và số phận của những con người bị áp bức, đặc biệt là phụ nữ.

Chính đồng tiền đã đẩy gia đình Vương vào cảnh tan nhà nát cửa, khiến Thúy Kiều phải nhiều lần bước vào lầu xanh, chịu đựng sự nhục nhã cùng đòn roi của Hoạn Thư, Bạc Bà, Bạc Hạnh. Số phận và nhân phẩm của Kiều bị chà đạp, tước đoạt những quyền cơ bản nhất của con người.

Cuộc đời đầy nước mắt của Kiều là minh chứng mạnh mẽ để tố cáo sự bất lương, tàn nhẫn của xã hội phong kiến. Không chỉ vậy, Truyện Kiều còn là tiếng nói cao thượng, đề cao tình yêu tự do và khát vọng công lý. Mối tình giữa Kim - Kiều không chỉ là một bài ca tuyệt đẹp về tình yêu lứa đôi mà còn là sự ca ngợi vẻ đẹp tinh túy của con người.

Nguyễn Du đã kết hợp rất tài tình tinh hoa của ngôn ngữ bác học với ngôn ngữ bình dân để đạt được đỉnh cao nghệ thuật thi ca Việt Nam. Truyện Kiều không chỉ là kết quả của sự sáng tạo xuất sắc mà còn là di sản văn học vô giá của dân tộc, là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sáng tác văn học - nghệ thuật sau này. Hiện tác phẩm đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, bao gồm tiếng Pháp, Anh, Nga, Hàn, Nhật...

Với những giá trị vượt thời gian và địa lý, Truyện Kiều xứng đáng được xem là tác phẩm văn học kinh điển, góp phần đưa thơ ca Việt Nam vươn ra khỏi bờ cõi quốc gia, trở thành một phần tinh hoa văn hóa của nhân loại, vinh danh tên tuổi Nguyễn Du là một trong những đại thi hào của dân tộc.

Một số tác phẩm khác 

Dưới đây là các sáng tác nổi bật khác của Đại thi hào Nguyễn Du:

Tác phẩm bằng chữ Hán:

  • Thanh Hiên tiền hậu tập: Sáng tác chủ yếu trong những năm trước khi Nguyễn Du làm quan dưới triều nhà Nguyễn.
  • Nam trung tạp ngâm: Viết từ năm 1805 đến cuối năm 1812, thời gian Nguyễn Du làm quan ở Huế, Quảng Bình và các địa phương phía nam Hà Tĩnh.
  • Bắc hành tạp lục: Tập thơ được viết trong thời gian Nguyễn Du đi sứ sang Trung Quốc.

Tác phẩm bằng chữ Nôm:

  • Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh)
  • Thác lời trai phường nón
  • Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ
Truyện Kiều - Đoạn Trường Tân Thanh là một trong những tác phẩm vĩ đại của nền văn học Việt Nam
Truyện Kiều - Đoạn Trường Tân Thanh là một trong những tác phẩm vĩ đại của nền văn học Việt Nam

Nhận định về tác giả Nguyễn Du 

Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc Việt Nam, không chỉ là một nhà thơ kiệt xuất mà còn là người đã góp phần làm giàu thêm ngôn ngữ và văn hóa Việt. Qua những lời bình luận của các nhà thơ, nhà nghiên cứu, chúng ta càng thấy rõ tầm vóc cũng như các giá trị to lớn mà nhà văn này mang lại.

Nhà thơ Ánh Tuyết chia sẻ rằng: “Hội Kiều học Việt Nam tại Thái Bình ra đời năm 2013 nhằm tuyên truyền, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Truyện Kiều, đồng thời nghiên cứu, sưu tầm những tư liệu, những ý kiến phê bình, phát hiện về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Từ khi thành lập, Hội đã công bố hai cuốn sách “Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều” tập 1 và tập 2, tập hợp nhiều bài nghiên cứu, nhiều sáng tác thể hiện tấm lòng của người Thái Bình với Nguyễn Du và Truyện Kiều. Hy vọng, đây sẽ là những tư liệu quý, góp phần vào quá trình nghiên cứu Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều”.

Nhà thơ Lại Tây Dương nhận định: ” Nhờ Đại thi hào Nguyễn Du, ngôn ngữ dân tộc Việt Nam trở lên lấp lánh, có hồn và tạo ra được bản sắc riêng biệt. Truyện Kiều là một truyện thơ dài với hơn ba nghìn câu nhưng không câu nào “đuối”. Cách nhà thơ sử dụng ngôn ngữ thực sự mang tính phát hiện, sáng tạo, tài tình. Đọc, ngẫm và nghiên cứu Truyện Kiều, tôi đã học được cách dùng từ, sử dụng biện pháp tu từ đạt hiệu quả cao, từ đó vận dụng trong các sáng tác của mình”.

Cán bộ tư pháp Vũ Văn Pho cũng cho biết: “Được học Truyện Kiều của Nguyễn Du trên ghế nhà trường, tôi thực sự tự hào vì đất nước mình có một kiệt tác văn học mang tầm thế giới. Đọc Truyện Kiều, nhìn về quá khứ, tôi thấy may mắn vì mình được sinh ra và lớn lên trong xã hội quyền dân chủ được đề cao, con người được tôn trọng, được tự do trong tình yêu lứa đôi”.

Tầm ảnh hưởng của tác giả đến thế hệ sau

Những đóng góp to lớn của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học Việt Nam nói riêng và nhân loại nói chung đã được quốc tế ghi nhận. Vào tháng 12 năm 1964, tại Béclin (Đức), Hội đồng Hòa bình thế giới quyết định tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Nguyễn Du (1765-1965) cùng với tám danh nhân văn hóa khác trên toàn thế giới.

Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) ban hành Chỉ thị số 112-CT/TW ngày 26 tháng 10 năm 1965 "Về việc kỷ niệm Nguyễn Du". Đây là một cột mốc quan trọng trong việc nghiên cứu, xác nhận và tôn vinh tác giả Nguyễn Du cùng với tác phẩm "Truyện Kiều". Việc vinh danh Nguyễn Du ở tầm quốc tế đã khẳng định vị thế của văn học Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần đưa Truyện Kiều trở thành một di sản văn hóa nhân loại.

Ngày 25 tháng 10 năm 2013, tại kỳ họp thứ 37 tổ chức ở Paris, Đại Hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) chính thức ban hành Quyết định số 37C/15 vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du là Danh nhân văn hóa thế giới. Theo đó, các hoạt động tôn vinh Nguyễn Du sẽ được triển khai tại Việt Nam và các nước trong cộng đồng UNESCO trong giai đoạn 2014-2015. Đây là cột mốc quan trọng, tạo ra một làn sóng lớn trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tác phẩm của ông, đặc biệt là Truyện Kiều.

Ngày 15 tháng 8 năm 2014, Văn phòng Trung ương Đảng ra công văn số 8467-CV/VPTW thông báo ý kiến của Ban Bí thư về việc đồng ý chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2015. Tỉnh Hà Tĩnh sẽ chủ trì tổ chức Lễ kỷ niệm và mời đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự. Các hoạt động này không chỉ nhằm tôn vinh tài năng của Đại thi hào mà còn nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Nguyễn Du là thi hào Việt Nam đầu tiên đi vào lịch sử văn hóa nhân loại được ghi nhận bởi UNESCO
Nguyễn Du là thi hào Việt Nam đầu tiên đi vào lịch sử văn hóa nhân loại được ghi nhận bởi UNESCO

Nguyễn Du đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong văn hóa Việt Nam. Tác phẩm của ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ, từ nhà thơ, nhà văn đến nhạc sĩ, họa sĩ. Hình ảnh Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải đã trở thành những biểu tượng văn hóa, được nhiều người yêu thích và trân trọng.