Gợi ý soạn bài Nhớ đồng đầy đủ, ngắn nhất 

Aretha Thu An
Soạn bài Nhớ đồng chi tiết sẽ giúp người đọc hiểu được nỗi lòng nhớ quê hương da diết cùng khát vọng tự do, muốn cống hiến cho đất nước của tác giả. Đồng thời, cách tiếp cận này còn giúp học sinh chuẩn bị tốt kiến thức cho tiết học trên lớp. 

Soạn bài Nhớ đồng đầy đủ, ngắn nhất
Soạn bài Nhớ đồng đầy đủ, ngắn nhất

Tìm hiểu chung về Nhớ đồng

Tìm hiểu chi tiết thông tin về tác giả và tác phẩm là một trong những bước quan trọng cần thực hiện khi soạn bài Nhớ đồng. Dưới đây là một số thông tin chính mà bạn có thể tham khảo.

Tác giả

Tố Hữu (1920 - 2002) sinh ra trong gia đình nho học ở Thừa Thiên Huế. Ông hăng say hoạt động đấu tranh cách mạng và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của đất nước. Ông là nhà thơ lớn của dân tộc, lá cờ đi đầu trong thơ ca cách mạng Việt Nam.

Năm 1994 ông được ban tặng Huân chương sao vàng, năm 1996 được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và Giải thưởng văn học ASEAN vào năm 1999.

Thơ của ông mang đậm phong cách trữ tình, chính trị, phản ánh chân thực cuộc sống cách mạng đầy gian khổ, qua đó cũng thể hiện được lẽ sống, lý tưởng cách mạng của thời hiện đại.

Các tập thơ tiêu biểu của Tố Hữu được người đọc tâm đắc như: Việt Bắc, Gió lộng, Từ ấy, Ra trận, Máu và hoa, Ta với ta …

Tác giả Tố Hữu với phong cách sáng tác đậm chất trữ tình
Tác giả Tố Hữu với phong cách sáng tác đậm chất trữ tình

Tác phẩm

Hoàn cảnh sáng tác:

Vào năm 1939, đại chiến thứ 2 có nguy cơ cao bùng nổ. Quân đội Pháp tiến hành đàn áp phong trào cách mạng Đông Dương. Năm 1939, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng. Đang say sưa hoạt động cách mạng thì vào ngày 29/4/1939, Tố Hữu bị bắt giam vào nhà lao Thừa Phủ. Tại đây, ông đã chắp bút tác lên bài thơ Nhớ Đồng. Bài thơ thuộc tập thơ "Từ ấy", thuộc phần Xiềng xích, được viết vào 7/1939.

Bố cục: Khi soạn bài Nhớ đồng bạn học có thể chia bố cục thành 3 phần:

  • Phần 1: Từ đầu đến “rất thiệt thà: Nỗi nhớ da diết của tác giả đối với cuộc sống bên ngoài.
  • Phần 2: Tiếp theo đến “bát ngát trời”: Tác giả nhớ về chính bản thân mình khi chưa bị giam trong tù.
  • Phần 3: Phần còn lại: Trở lại với thực tại, nơi ngục tù tăm tối.

Giá trị nội dung/Tóm tắt nội dung: Bài thơ Nhớ đồng viết về nỗi nhớ quê hương da diết, nhớ những ngày tháng tự do của tác giả khi ở trong ngục tù. Đồng thời bài thơ giúp cho người đọc hình dung được khát khao tự do cùng niềm say mê với hoạt động cách mạng của tác giả.

Giá trị nghệ thuật: Bài thơ Nhớ đồng sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc, giọng thơ khắc khoải, sâu lắng cùng phương thức biểu đạt tự sự kết hợp với miêu tả đã giúp người đọc dễ hình dung được bức tranh thôn quê yên bình cùng diễn biến tâm trạng phức tạp của tác giả.

Bài thơ Nhớ đồng là nỗi lòng nhớ quê hương da diết của tác giả
Bài thơ Nhớ đồng là nỗi lòng nhớ quê hương da diết của tác giả

Soạn bài Nhớ đồng hay nhất - Chân trời sáng tạo

Dưới đây là soạn bài Nhớ đồng trong sách chân trời sáng tạo với hướng dẫn trả lời các câu hỏi trong SGK chi tiết:

Soạn bài Nhớ đồng: Phần chuẩn bị đọc

Câu 1 (Trang 15 SGK Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1): Vùng đất hoặc con người nào đã để lại trong em ấn tượng sâu đậm?

Gợi ý trả lời:

Quê hương để lại trong lòng em nhiều ấn tượng sâu đậm bởi cảnh vật thiên nhiên đẹp đẽ cùng con người thân thiện.

Soạn bài Nhớ đồng: Phần trải nghiệm văn bản

Câu 1 (Trang 15 SGK Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1): Xác định cảm xúc của tác giả ở khổ thơ này. Dựa vào chi tiết nào em xác định như vậy?

Gợi ý trả lời:

Trong khổ thơ này, tác giả đã thể hiện nỗi nhớ da diết về cuộc sống tự do cùng tình yêu quê hương đất nước sâu sắc. Điệp từ “đâu” để gợi nhớ tới những hình ảnh quê hương thân thuộc.

Câu 2 (Trang 16 SGK Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1): Khi soạn bài Nhớ đồng, theo em việc lặp lại hai dòng thơ này có tác dụng gì?

Gợi ý trả lời:

Tác giả đã sáng tạo lặp lại hai dòng thơ để nhấn mạnh nỗi nhớ nhung da diết mà không làm đứt mạch cảm xúc của bài thơ.

Soạn bài Nhớ đồng: Phần suy ngẫm và phản hồi

Câu 1 (Trang 17 SGK Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1): Xác định thể thơ của bài thơ, cách ngắt nhịp, gieo vần, trong khổ thơ thứ hai.

Gợi ý trả lời:

Bài thơ Nhớ đồng thuộc thể thơ 7 chữ. Trong bài, tác giả đã sử dụng cách gieo vần chân “ui” để đánh dấu sự kết thúc dòng thơ và tạo sự liên kết giữa các dòng thơ. Nhịp thơ 4/3 tạo ra nhịp điệu cho các câu thơ, giúp câu thơ trở nên da diết hơn.

Câu 2 (Trang 17 SGK Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1): Tìm những câu thơ, từ ngữ được lặp đi lặp lại trong bài thơ, nêu tác dụng của việc sử dụng các cách diễn đạt đó.

Gợi ý trả lời:

Những câu thơ, từ ngữ được lặp đi lặp lại trong bài thơ: “Gì sâu bằng” những trưa thương nhớ, “Gì sâu bằng” những trưa hiu quạnh, lặp từ “đâu”. Tác giả sử dụng các biện pháp lặp từ và cách diễn đạt trên nhằm tái hiện khung cảnh thiên nhiên, bức tranh sinh hoạt ở quê tác giả. Từ “đâu” được lặp lại năm lần thể hiện sự tiếc nuối của tác giả những năm tháng xưa cũ nay đã không còn.

Câu 3 (Trang 17 SGK Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1): Nhận xét về cách sắp xếp các phần trong bố cục của bài thơ. Từ đó, em hãy xác định sự vận động mạch cảm xúc được tác giả thể hiện trong bài thơ.

Gợi ý trả lời:

Bố cục của bài thơ Nhớ đồng có thể được chia làm 3 phần:

  • Phần 1: Từ đầu đến “rất thiệt thà”: Nỗi nhớ da diết của tác giả đối với cuộc sống bên ngoài.
  • Phần 2: Tiếp theo đến “bát ngát trời”: Tác giả nhớ về chính bản thân mình khi chưa bị giam trong tù.
  • Phần 3: Phần còn lại: Trở lại với thực tại, nơi ngục tù tăm tối.

Sự vận động của mạch cảm xúc được tác giả thể hiện từ nỗi nhớ quê da diết của nhà thơ, tiếp đến là sự nhớ thương cuộc sống và cuối cùng là sự khao khát tự do và bất bình với thực tại.

Câu 4 (Trang 17 SGK Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1): Em hãy nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Căn cứ vào đâu để xác định như vậy?

Gợi ý trả lời:

Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ của tác giả về quê hương, cuộc sống tự do. Vì bài thơ “Nhớ đồng” được viết trong những ngày nhà thơ bị giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) khi thực dân Pháp quay trở lại đàn áp ở Đông Dương.

Câu 5 (Trang 17 SGK Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1): Xác định chủ đề của bài thơ. Chủ đề bài thơ được thể hiện qua hình thức nghệ thuật nào?

Gợi ý trả lời:

Chủ đề bài thơ: Bài thơ là nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả, khát vọng tự do, tình yêu nhân dân, đất nước, yêu cuộc sống của chính mình.

Bài thơ sử dụng thành công biện pháp tu từ điệp ngữ, điệp cấu trúc. Hình ảnh thơ gần gũi, giản dị mộc mạc cùng giọng thơ da diết, sâu lắng.

Bài thơ thể hiện nỗi nhớ quê hương, khát vọng tự do 
Bài thơ thể hiện nỗi nhớ quê hương, khát vọng tự do 

Câu 6 (Trang 17 SGK Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1): Theo em, tác giả muốn gửi thông điệp gì tới người đọc qua bài thơ này?

Gợi ý trả lời:

Qua bài thơ tác giả muốn gửi thông điệp tới người đọc là: Sự cống hiến sức mình với quê hương đất nước, thực hiện lí tưởng đem lại độc lập cho dân tộc.

Câu 7 (Trang 17 SGK Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo Tập 1): Viết khoảng năm câu hoặc vẽ bức tranh thể hiện sự tưởng tượng của em về cảnh sắc, con người được gọi tả trong Nhớ đồng. Những hình ảnh tưởng tượng đó có tác dụng thế nào đối với việc hiểu nội dung bài thơ?

Gợi ý trả lời:

Cảnh sắc trong bài Nhớ Đồng hiện lên với khung cảnh thiên nhiên đẽ, một vùng quê bình yên. Trong đó có những con người giản dị, gần gũi, yêu lao động. Những hình ảnh này giúp người đọc hình dung đúng nội dung mà tác giả muốn truyền tải. Qua đó còn thấy được cảm xúc, tư tưởng của tác giả ẩn đằng sau đó.

Soạn bài Nhớ đồng - Kết nối tri thức ngắn gọn nhất 

Nếu bạn đang theo học bộ sách Kết nối tri thức thì có thể tham khảo hướng dẫn soạn bài Nhớ đồng dưới đây.

Soạn bài Nhớ đồng: Phần trước khi đọc

Câu 1 (Trang 56 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Theo những trải nghiệm của bạn thì nỗi nhớ thường được khởi đầu và phát triển như nào?

Theo trải nghiệm của em nỗi nhớ thường được khởi đầu từ sự mong muốn, khát khao của bản thân về một điều gì đó. Khi làm gì ta cũng nghĩ về điều đó.

Câu 2 (Trang 56 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức tập 1): Bạn hãy tưởng tượng về cách mở đầu một sáng tác ngôn từ có nội dung thể hiện nỗi nhớ của bản thân. Điều gì sẽ được nói đến đầu tiên? Vì sao?

Gợi ý trả lời:

Khi mở đầu một sáng tác ngôn từ có nội dung thể hiện nỗi nhớ của bản thân, điều được nói đến trước hết chính là nỗi nhớ đó về vấn đề gì. Vì xác định nội dung của nỗi nhớ đó là gì giúp người đọc dễ dàng hiểu được tâm tư tình cảm của người viết muốn gửi vào từng câu chữ.

Soạn bài Nhớ đồng: Phần trong khi đọc

Câu 1 (Trang 56 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Tiếng hò có mối quan hệ như thế nào với nỗi nhớ?

Gợi ý trả lời:

Tiếng hò đóng vai trò là cầu nối gợi nên nỗi nhớ của tác giả. Nghe tiếng hò làm nỗi nhớ trong tác giả trỗi dậy, cảm xúc trong lòng kìm nén bấy lâu bỗng ùa về.

Câu 2 (Trang 56 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Các hình ảnh hiện lên ở đây có đặc điểm gì?

Gợi ý trả lời:

Hình ảnh hiện lên trong hai khổ thơ là đất, rặng tre, ô mạ,... Đây đều là những cảnh vật quen thuộc của một làng quê yên bình, gần gũi, thân thương.

Hình ảnh làng quê gần gũi, bình yên
Hình ảnh làng quê gần gũi, bình yên

Câu 3 (Trang 56 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): So với khổ thơ thứ nhất, khổ thơ này có điểm gì giống và khác?

Gợi ý trả lời:

Khổ thơ này có số lượng câu thơ giống với khổ thơ thứ nhất và cùng cấu trúc câu “Gì sâu bằng…!”. Tuy nhiên điểm khác biệt là ở khổ thơ thứ nhất nỗi nhớ của tác giả chưa rõ ràng, ở khổ thơ này nỗi nhớ đã được gắn liền với những sự vật sự việc cụ thể. Qua đó thể hiện nỗi niềm nhớ quê hương da diết trong tâm hồn tác giả.

Câu 4 (Trang 56 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Hãy tưởng tượng về hình ảnh “bàn tay… vãi giống tung trời”.

Gợi ý trả lời:

Hình ảnh “bàn tay… vãi giống tung trời” gợi cho em tượng tưởng về bàn tay tần tảo của người nông dân tham gia vào sản xuất trồng lúa. Đây là hình ảnh khá quen thuộc của vùng quê Việt Nam thời xưa. Qua hình ảnh đó, tác giả bộc lộ nỗi nhớ đồng bào, nhớ quê hương da diết, mong muốn được trở về cùng với người dân.

Câu 5 (Trang 56 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Đối tượng được gọi là “hồn thân” ở đây gồm những ai?

Gợi ý trả lời:

“Hồn thân” ở đây gồm những người nông dân anh hùng nông dân đã hy sinh thân mình cho cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Họ đã ra đi nhưng “hồn” của họ vẫn mãi trong tâm trí của những người ở lại.

Câu 6 (Trang 57 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): “Tôi” ở khổ thơ này có sự phát triển như thế nào so với “tôi” ở khổ thơ trên?

Gợi ý trả lời:

Từ “tôi” ở khổ thơ này có sự phát triển về lý tưởng của nhân vật tôi so với khổ thơ trên:

  • “Tôi” ở khổ thơ trên là cái tôi đang ở trong vùng đen tối khi chưa tìm ra chân lý của cuộc đời mình.
  • Tôi” ở khổ thơ này là “tôi” tràn đầy vui vẻ, yêu đời sau khi đã tìm ra lý tưởng của đời mình.

Câu 7 (Trang 57 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Hình ảnh “cánh chim buồn nhớ gió mây” biểu đạt cảm xúc gì của nhân vật trữ tình?

Gợi ý trả lời:

Hình ảnh “cánh chim buồn nhớ gió mây” biểu đạt nỗi nhớ những ngày tháng tự do trước của tác giả. Khát khao được tự do, được đi theo lý tưởng của mình.

Soạn bài Nhớ đồng: Phần sau khi đọc

Câu 1 (Trang 58 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Theo bạn, nhan đề Nhớ đồng đã bao quát được toàn bộ nội dung cảm xúc của bài thơ hay chưa? Vì sao? Nên hiểu như thế nào về nghĩa của từ "đồng” trong nhan đề?

Gợi ý trả lời:

Theo em, nhan đề Nhớ đồng đã bao quát được toàn bộ nội dung cảm xúc của bài thơ. Vì cảm hứng chủ đạo của bài thơ nói về nỗi nhớ quê hương của tác giả.

Từ “đồng’ trong nhan đề có thể là cánh “đồng”, đây là khung cảnh quen thuộc ở quê hương, tác giả muốn nói đến nỗi nhớ quê hương với những ngày tháng yên bình. “Đồng” ở đây còn có thể hiểu là “đồng” chí. Những người cùng chí hướng, đấu tranh vì độc lập dân tộc.

Bài thơ nhớ đồng gợi đến tình đồng chí, những người có chung lý tưởng cách mạng 
Bài thơ nhớ đồng gợi đến tình đồng chí, những người có chung lý tưởng cách mạng 

Câu 2 (Trang 58 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Bạn có nhận xét gì về đặc điểm “hình thức” và “nội dung” của những khổ thơ 1, 4, 7, 13 trong văn bản? Khổ thơ trên được phân bổ theo "quy luật" nào ?

Gợi ý trả lời:

  • Hình thức: Khổ thơ 1, 4, 7, 13 có sử dụng điệp cấu trúc “Gì sâu bằng” và những câu thơ giống nhau là 1 và 7, 4 và 13.
  • Nội dung: Các khổ thơ trên đều thể hiện nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả.

Các khổ thơ này được phân bổ theo quy luật đan xen sự lặp lại giữa các câu.

Câu 3 (Trang 58 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Hệ thống hình ảnh trong bài thơ đã biểu đạt được những nội dung gì? Bạn hiểu và đánh giá như thế nào về cách tác giả đan cài, phối hợp, sắp xếp các cụm hình ảnh.

Gợi ý trả lời:

Hệ thống hình ảnh trong bài thơ đã biểu đạt được nội dung về nỗi nhớ quê hương của tác giả. Cách tác giả đan cài, phối hợp, sắp xếp các cụm hình ảnh đều rất hợp lý, phù hợp với tâm tư, tình cảm của tác giả khi đang bị giam giữ, nhớ quê hương, không thể cùng với nhân dân, các đồng chí tiếp tục sự nghiệp cách mạng.

Câu 4 (Trang 58 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Từ "đâu" xuất hiện bao nhiêu lần và đóng vai trò gì trong câu từ của bài thơ

Gợi ý trả lời:

Từ “đâu” xuất hiện 10 lần trong tác phẩm. Nó thể hiện một tâm trạng ngổn ngang, vô định, không biết đi đâu, về đâu của tác giả. Đồng thời, từ “đâu” cũng thể hiện sự hồi tưởng về những ngày tháng còn tự do của tác giả.

Câu 5 (Trang 58 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Phân tích tác dụng nghệ thuật của việc sử dụng luân phiên câu hỏi, câu kể và câu cảm thán trong văn bản.

Gợi ý trả lời:

Tác giả sử dụng luân phiên những câu hỏi gợi lên những hình ảnh quen thuộc nơi quê nhà quê nhà. Qua đó thấy được những mong muốn được trở về để nhìn ngắm lại khung cảnh đấy.

Những câu kể đan xen giúp người đọc dễ hình dung ra được khung cảnh quê hương giản dị, hạnh phúc trong tác giả.

Đan xen những câu cảm thán bên cạnh câu kể và câu hỏi giúp tăng giá trị biểu cảm của bài thơ.

Câu 6 (Trang 58 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Theo bạn, hình ảnh nào trong bài thơ mang tính tượng trưng rõ nét hơn cả? Hãy làm rõ tính tượng trưng ở hình ảnh ấy.

Gợi ý trả lời:

Theo em, hình ảnh trong bài thơ mang tính tượng trưng hơn cả đó là hình ảnh về ruộng đồng. Đây được xem như hình ảnh điển hình của nông thôn Việt Nam thời xưa. Hay từ “đồng” còn để chỉ những người đồng chí, người cùng chí hướng cách mạng với tác giả.

Câu 7 (Trang 58 SGK Ngữ Văn 11 Kết nối tri thức Tập 1): Bài thơ cho thấy điều gì về tâm trạng, phẩm chất, lí tưởng của nhân vật trữ tình? Nếu cảm nhận của bạn về những cảm xúc, tâm tình được tác giả bộc lộ trong bài thơ.

Gợi ý trả lời:

Bài thơ là nỗi nhớ da diết quê hương của tác giả, khát vọng cuộc sống tự do, mong muốn cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng, độc lập dân tộc của tác giả. Qua bài thơ có thể thấy được lý tưởng cách mạng đang sục sôi bên trong tác giả, khát khao được bảo vệ quê hương, đất nước.

Bài tập liên hệ

Câu hỏi: Bằng kiến thức của mình sau khi soạn bài Nhớ đồng em hãy vẽ sơ đồ tư duy để tổng hợp kiến thức một cách ngắn gọn.

Để củng cố và nâng cao kiến thức sau khi soạn bài Nhớ đồng, bạn học có thể tham khảo sơ đồ tư duy sáng tạo dưới đây:

Sơ đồ tư duy tổng quan kiến thức bài Nhớ đồng
Sơ đồ tư duy tổng quan kiến thức bài Nhớ đồng

Mong rằng, say khi soạn bài Nhớ đồng, bạn học có thể dễ dàng cảm nhận được nỗi nhớ quê hương da diết cùng lòng yêu nước sâu sắc của tác giả đồng thời rèn luyện được thêm kỹ năng đọc hiểu và phân tích tác phẩm.