Soạn bài Đất Nước chi tiết nhất giúp tiết kiệm thời gian học bài

Aretha Thu An
Soạn bài Đất Nước nên khai thác ý chính về tác giả Nguyễn Khoa Điềm cũng như nội dung của bài. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể chuẩn bị soạn văn Đất Nước theo hệ thống câu hỏi cũng như bài luyện tập có trong sách giáo khoa để nắm được mạch văn của tác phẩm.

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm Đất Nước

Trước khi soạn bài Đất Nước, bạn nên trang bị những hiểu biết tổng quan nhất về tác giả Nguyễn Khoa Điềm cũng như tác phẩm:

Tác giả Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm là tác giả của trích đoạn “Đất Nước” trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. Dưới đây là một số nét tiêu biểu về nhà thơ học sinh cần nắm rõ:

Cuộc đời: Nguyễn Khoa Điềm có tên khác là Nguyễn Hải Dương, sinh ngày 15/4/1943 tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và lòng yêu nước nồng nàn, sau khi tốt nghiệp khoa Văn tại trường Đại học, ông đã tham gia xây dựng cơ sở cách mạng với nhiều hoạt động năng nổ như viết báo, làm thơ,... và đảm nhiệm nhiều vị trí trong bộ máy chính quyền. Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ. Vì thế, tác phẩm của ông hàm chứa xúc cảm nồng nàn, suy tư sâu lắng của tầng lớp trí thức, của người con đất Việt viết về đất nước và con người nơi đây.

Phong cách sáng tác: Điểm nổi bật trong phong cách sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm là giọng thơ mang đậm chất trữ tình - chính trị. Giọng thơ giàu suy tư, cảm xúc dồn nén tạo nên chất riêng và sức hấp dẫn trong thơ ông.

Thành tựu văn học: Đây cũng là phần quan trọng trong soạn bài Đất Nước. Trong suốt sự nghiệp của mình, Nguyễn Khoa Điềm đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng nể, trong đó có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu như:

  • Cửa thép (1972)

  • Đất ngoại ô (1973)

  • Mặt đường khát vọng (1974)

  • Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986)

  • Thơ Nguyễn Khoa Điềm (1990)

  • Cõi lặng (2007)

Nghiên cứu về tác giả giúp bạn soạn bài Đất Nước chỉn chu, đầy đủ nhất
Nghiên cứu về tác giả giúp bạn soạn bài Đất Nước chỉn chu, đầy đủ nhất

Tác phẩm

Tìm hiểu chung về tác phẩm giúp bạn nắm được nội dung chính, từ đó có thể cảm thụ sâu sắc hơn trong phần phân tích sau khi soạn bài Đất Nước. Một số nét đặc sắc về “đứa con tinh thần” của Nguyễn Khoa Điềm:

Xuất xứ: Trích đoạn “Đất Nước” nằm trong chương V của bản trường ca “Mặt đường khát vọng”, là một trong những tác phẩm hay bậc nhất về đề tài đất nước trong nền thi ca hiện đại Việt Nam.

Hoàn cảnh sáng tác: Soạn bài Đất Nước cho thấy tác phẩm “Đất Nước” ra đời vào năm 1971 tại chiến khu Trị - Thiên, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ miền Nam trong thời kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm mang một sứ mệnh cao cả, đóng vai trò như một lời kêu gọi lớp lớp người trẻ đứng dậy đấu tranh vì hòa bình dân tộc.

Bố cục: Tác phẩm được chia thành hai phần chính, bao gồm:

  • Phần 1 (42 câu thơ đầu): Ở đoạn này, đất nước được cảm nhận ở nhiều phương diện khác nhau như lịch sử văn hóa dân tộc, chiều sâu từ không gian tới chiều dài của thời gian.

  • Phần 2 (47 câu thơ cuối): Nội dung chính của đoạn văn này là tư tưởng cốt lõi “Đất Nước của Nhân dân”.

Đất Nước được sáng tác để thức tỉnh ý thức dân tộc của thế hệ trẻ
Đất Nước được sáng tác để thức tỉnh ý thức dân tộc của thế hệ trẻ

Giá trị nội dung và nghệ thuật

Bạn cũng cần tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật khi soạn bài Đất Nước. Trích đoạn Đất Nước là một tiếng vang lớn trong sự nghiệp hoạt động văn học của Nguyễn Khoa Điềm nói chung cũng như nền thi ca Việt Nam hiện đại nói riêng. Điều đó không chỉ xuất phát từ giá trị nội dung mà còn nhờ sự tài tình trong nghệ thuật biểu đạt.

  • Giá trị nội dung: Tác phẩm đã đưa ra những cảm nhận về đất nước trên nhiều phương diện khác nhau, từ chiều dài văn hóa, lịch sử, địa lý đến không gian. Từ đây, tác giả muốn thức tỉnh ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ với công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tác giả cũng nêu lên cái nhìn mới mẻ về đất nước với tư tưởng mang đậm dấu ấn thời đại “Đất Nước của Nhân dân”.

  • Giá trị nghệ thuật: Nét đặc sắc trong nghệ thuật của bài thơ là chất liệu dân gian đa dạng, được tác giả vận dụng vô cùng sáng tạo, từ phong tục tập quán của người dân tới các thể loại văn học dân gian, ca dao, dân ca,... Bên cạnh đó, ông cũng lựa chọn thể thơ tự do để vừa tạo nên sự sáng tạo về mặt hình thức, vừa phóng khoáng bày tỏ tư tưởng chủ đạo. Ngoài ra, giọng thơ trữ tình - chính luận đậm chất Nguyễn Khoa Điềm cũng góp phần cấu thành một tác phẩm xuất sắc.

Đất Nước ra đời nhằm cổ vũ tinh thần người trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt
Đất Nước ra đời nhằm cổ vũ tinh thần người trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ khốc liệt

Hướng dẫn soạn bài Đất Nước

Chủ động soạn văn trước khi lên lớp giúp bạn rèn luyện khả năng nghiên cứu, tự học hiệu quả. Bạn sẽ hình thành và phát triển tư duy cũng như cảm thụ sâu sắc về tác phẩm khi nắm bắt được mạch ý chính.

Soạn bài Đất Nước trong sách giáo khoa

Bạn có thể chủ động soạn bài Đất Nước theo hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa để hiểu bài tốt nhất:

Câu 1: Hãy chia bố cục, gọi tên nội dung trữ tình từng phần và tìm hiểu trình tự triển khai mạch suy nghĩ, cảm xúc của tác giả.

Bài thơ có thể được chia thành hai phần chính với nội dung trữ tình như sau:

  • Phần 1 (Từ đầu tới “Làm nên Đất Nước muôn đời”): Nội dung phần đầu này đưa ra cảm nhận về Đất Nước trên nhiều phương diện khác nhau từ văn hóa, phong tục truyền thống tới địa lý trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

  • Phần 2 (Phần còn lại): Khẳng định tư tưởng cốt lõi “Đất Nước của Nhân dân”.

Câu 2: Trong phần đầu của đoạn trích (từ đầu đến “Làm nên Đất Nước muôn đời”), tác giả đã cảm nhận về đất nước trên những phương diện nào? Cách cảm nhận của tác giả có gì khác so với các tác giả cùng viết về đề tài này?

Tác giả đã cảm nhận đất nước trên những phương diện sau:

  • Chiều dài lịch sử: Từ huyền thoại Lạc Long Quân, Âu Cơ đến những kiếp người giản dị, thầm lặng đóng góp cho đất nước về cả vật chất và tinh thần.

  • Chiều rộng của không gian, của địa lý: Đất nước không chỉ bó hẹp trong không gian của gia đình mà còn trải dài theo chiều dài của Đất Nước, là nguồn cội thiêng liêng gắn bó với biết bao người con đất Việt.

  • Bề dày truyền thống, phong tục văn hóa: Dẫu cho giặc ngoại xâm càn quét, dân ta vẫn giữ phong tục từ xưa như một nét đẹp trong đời sống tinh thần người Việt. Cùng với đó là truyền thống anh hùng, dũng cảm, với lòng quyết tâm giành lại độc lập dân tộc.

Cảm nhận về đất nước cũng được tái hiện dựa trên hình ảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ
Cảm nhận về đất nước cũng được tái hiện dựa trên hình ảnh Lạc Long Quân và Âu Cơ

Câu 3: Phần sau của đoạn trích, tác giả đã làm nổi bật tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”. Tư tưởng ấy đã mang đến những phát hiện sâu và mới của tác giả về địa lý, lịch sử, văn hóa,... của đất nước ta như thế nào? Vì sao nói tư tưởng ấy nổi bật trong đoạn trích này và nhiều bài thơ thời chống Mỹ?

Những phát hiện mới của Nguyễn Khoa Điềm về địa lý, lịch sử, văn hóa,... của đất nước:

  • Từ “góp” được lặp lại nhiều lần, diễn tả cảm nhận độc đáo của tác giả về thiên nhiên.

  • Từ hình dáng tâm hồn đến lối sống, dường như Nhân dân ta đã hóa vào bóng hình đất nước.

  • Khai thác chiều sâu văn hóa dân tộc, từ những điều rất đỗi đơn sơ, bình dị của nhân dân.

Tư tưởng “Đất nước của Nhân dân” nổi bật trong đoạn trích và nhiều bài thơ thời chống Mỹ bởi Nguyễn Khoa Điềm đã khai thác dáng hình đất nước ở mọi phương diện từ chiều sâu về lịch sử, văn hóa, truyền thống, đến không gian địa lý. Bên cạnh đó, ông cũng đưa ra nhiều phát hiện mới mẻ với thông điệp nhân văn sâu sắc.

Câu 4: Hãy nêu những ví dụ cụ thể và nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hóa dân gian của tác giả, từ đó tìm hiểu những đóng góp riêng của nhà thơ về nghệ thuật biểu đạt.

Tác giả đã sử dụng chất liệu văn học dân gian phong phú, đa dạng, từ ca dao, dân ca, truyền thuyết cho đến phong tục, lối sống… để đưa vào tác phẩm. Cụ thể:

  • Truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, Lạc Long Quân và Âu Cơ.

  • Trích một phần nhỏ của ca dao “Con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”, “Con cá ngư ông mắc nước” hay “Dạy anh biết yêu em từ thuở trong nôi”.

  • Tục ăn trầu của người Việt “Miếng trầu bây giờ bà ăn” gợi nhắc tới câu chuyện “Sự tích trầu cau”.

  • Tục búi tóc sau đầu của phụ nữ Việt xưa “Tóc mẹ bới sau đầu”.

  • Phong tục đặt tên con cái theo tên các đồ vật “Cái kèo cái cột thành tên”.

Từ đây, có thể thấy, chất liệu dân gian được tác giả sử dụng vô cùng sáng tạo, không cứng nhắc mà vận dụng một cách mềm mại, uyển chuyển, khiến câu thơ cất lên vừa có nhịp điệu mới mẻ, lại rất đỗi quen thuộc cũng như có tác dụng biểu đạt cao.

Chi tiết miếng trầu bà ăn cũng được tác giả đưa vào đoạn trích nhằm thể hiện truyền thống lâu đời của dân tộc
Chi tiết miếng trầu bà ăn cũng được tác giả đưa vào đoạn trích nhằm thể hiện truyền thống lâu đời của dân tộc

Các dạng bài tập liên hệ

Bên cạnh việc soạn bài Đất Nước theo sách giáo khoa, bạn cũng nên tìm hiểu và tham khảo một số dạng bài tập liên hệ bám sát nội dung của tác phẩm, từ đó nâng cao vốn hiểu biết của mình. Một số dạng bài tập tham khảo bạn có thể bắt gặp như sau:

Câu 1: Tại sao từ “Đất Nước” không phải tên riêng nhưng lại được tác giả viết hoa?

Sở dĩ Đất Nước trong bài được viết hoa mặc dù không phải tên riêng là bởi tác giả muốn thể hiện lòng tôn trọng, thành kính thiêng liêng nhất khi nhắc tới Đất Nước. Ở đây, Đất Nước không vô tri vô giác mà được coi như một sinh thể sống với lịch sử ngàn đời.

Câu 2: Nêu đặc sắc nghệ thuật được Nguyễn Khoa Điềm sử dụng trong bài thơ.

Bạn có thể nêu lên những giá trị nghệ thuật trong bài như:

  • Thể thơ tự do, phóng khoáng nhằm thể hiện tư tưởng không gò bó cũng như những phát hiện mới.

  • Các biện pháp tu từ được sử dụng linh hoạt như điệp ngữ, những từ có quan hệ gắn bó như “san sẻ”, “hóa thân”,...

  • Chất liệu dân gian được chọn lọc và vận dụng hợp tình, hợp lý, lay động lòng người, đặc biệt là những người con yêu nước.

Câu 3: Từ trích đoạn “Đất Nước”, hãy viết đoạn văn ngắn nêu lên cảm nhận của em về trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước.

Bạn có thể phát triển những ý sau, song tùy vào cảm nhận bản thân mà có thể thêm thắt quan điểm của chính mình:

  • Tích cực học tập, rèn luyện, không ngừng bồi đắp, tu dưỡng đạo đức và nhân cách.

  • Tham gia các hoạt động ngoại khóa, tích cực phát triển nhận thức đúng đắn về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

  • Gìn giữ, bảo tồn và không ngừng phát huy văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

  • Tham gia tuyên truyền, vận động về sự thức tỉnh ý thức dân tộc ở người trẻ.

Bạn cũng có thể tham khảo các dạng bài tập, câu hỏi có thể ra trong đề thi
Bạn cũng có thể tham khảo các dạng bài tập, câu hỏi có thể ra trong đề thi

Soạn bài Đất Nước giúp bạn hiểu rõ hơn về tư tưởng chính, giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm. Đồng thời, việc chuẩn bị soạn văn Đất Nước trước buổi học cũng tạo nên thói quen chủ động trong học tập cũng như giúp bạn rèn luyện và phát triển kỹ năng phân tích, diễn đạt và cảm thụ sâu sắc.