Giáo dục

Soạn bài Việt Bắc chi tiết nhất chuẩn học sinh giỏi

Aretha Thu An

Soạn bài Việt Bắc đầy đủ cần đảm bảo nắm vững các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm cũng như định hướng trả lời các mẫu câu hỏi trong sách giáo khoa hay các dạng đề thi khác nhau. Việc soạn văn Việt Bắc trước buổi học sẽ hỗ trợ quá trình tiếp thu, lĩnh hội kiến thức nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm Việt Bắc

Để soạn bài Việt Bắc tốt nhất, trước hết bạn nên nắm được những kiến thức nền tảng về tác phẩm cũng như tác giả Tố Hữu.

Tác giả Tố Hữu

Một số thông tin chung về tác giả bạn có thể sử dụng cho đoạn tiểu dẫn như sau:

Tiểu sử

  • Tố Hữu sinh năm 1920, mất năm 2002, tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành.

  • Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học nên sớm giác ngộ cách mạng và rất tích cực trong các hoạt động chính trị.

  • Tố Hữu từng giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng.

Phong cách sáng tác

  • Tác phẩm Tố Hữu mang đậm chất trữ tình - chính trị, đan xen khuynh hướng sử thi với cảm hứng lãng mạn.

  • Nổi bật trong thơ của ông là giọng điệu tâm tình, ngọt ngào cùng tính dân tộc đậm đà.

  • Ngôn ngữ trong thơ Tố Hữu gần gũi, quen thuộc, phát huy tối đa “tính nhạc” của tiếng Việt.

Thành tựu văn học

  • Tập thơ “Từ ấy” (1937-1946)

  • Tập thơ “Việt Bắc” (1946-1954)

  • Tập thơ “Gió lộng” (1955-1961)

  • Tập thơ “Ra trận” (1962 – 1971)

  • Tập thơ “Máu và hoa” (1972 – 1977)

  • Tập thơ “Một tiếng đờn” (1992)

  • Tập thơ “Ta với ta” (1999)

Tìm hiểu chung về tác giả Tố Hữu giúp bạn soạn bài Việt Bắc hiệu quả hơn
Tìm hiểu chung về tác giả Tố Hữu giúp bạn soạn bài Việt Bắc hiệu quả hơn

Tác phẩm Việt Bắc

Bên cạnh tác giả, tìm hiểu chung về tác phẩm là một phần không thể thiếu trong quá trình soạn bài Việt Bắc. Một số thông tin chi tiết bạn có thể tham khảo:

Hoàn cảnh sáng tác: Việt Bắc ra đời vào tháng 10/1954, sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi. Lúc này, Trung ương Đảng và Chính phủ phải rời chiến khu Việt Bắc để trở về Thủ đô Hà Nội. Trong không khí hào hùng và thiêng liêng ấy, Tố Hữu đã viết bài thơ Việt Bắc như một lời tri ân với sự kiện lịch sử của dân tộc.

Bố cục: Bài thơ được chia làm ba phần:

  • Phần 1 (8 câu thơ đầu): Khung cảnh chia tay đầy lưu luyến.

  • Phần 2 (Câu thơ tiếp theo đến “Tân Trào, Hồng Thái, mái đình, cây đa”): Những tâm sự của người ở lại, của đồng bào Việt Bắc.

  • Phần 3 (Còn lại): Lời nhắn nhủ của những người cán bộ cách mạng.

Giá trị nội dung: Tác phẩm Việt Bắc đã tái hiện cuộc chia ly đầy quyến luyến giữa người ra đi và người ở lại, bao trùm lên là nỗi nhớ của đồng bào Việt Bắc và người cán bộ cách mạng. Từ đó, người đọc có thể thấy được mối quan hệ gắn bó keo sơn và tình quân dân thắm thiết.

Giá trị nghệ thuật: Nghệ thuật của bài thơ vô cùng độc đáo, nổi bật là kết cấu đối đáp của ca dao trữ tình, tạo nên sự cân đối, nhịp nhàng. Cách xưng hô ta - mình gần gũi, thân thuộc tạo nên vẻ đẹp của tình cảm thắm thiết. Bên cạnh đó, Tố Hữu cũng sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát, mang đậm tính dân tộc với vần điệu nhịp nhàng và áp dụng nhiều từ láy, từ tượng hình, khiến bài thơ trở nên sinh động.

Nội dung chính của tác phẩm là nỗi nhớ, lòng thủy chung và vẻ đẹp của con người trên nền thiên nhiên thơ mộng
Nội dung chính của tác phẩm là nỗi nhớ, lòng thủy chung và vẻ đẹp của con người trên nền thiên nhiên thơ mộng

Hướng dẫn soạn bài Việt Bắc

Soạn bài Việt Bắc giúp bạn định hình được nội dung tổng quan của tác phẩm, từ đó giúp phần phân tích và cảm thụ sâu sắc hơn. Sau đây là hướng dẫn soạn bài chi tiết dành cho bạn:

Soạn bài Việt Bắc theo câu hỏi trong sách giáo khoa

Bạn có thể tham khảo theo hướng dẫn sau để soạn văn lớp 12 tập 1 bài thơ Việt Bắc một cách chỉn chu và đầy đủ nhất:

Câu 1: Phân tích hoàn cảnh sáng tác của Việt Bắc và sắc thái tâm trạng của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Việt Bắc:

  • Tháng 10/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng và Chính phủ rời chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội.

  • Trong không khí lịch sử trọng đại, Tố Hữu đã sáng tác bài thơ.

Sắc thái tâm trạng của nhân vật trữ tình:

  • Được thể hiện qua lời đối đáp.

  • Tâm trạng bịn rịn, quyến luyến giữa người ra đi và kẻ ở lại.

  • Lối đối đáp mang sắc thái quen thuộc với kết cấu ca dao và cách xưng hô mình - ta.

Câu 2: Vẻ đẹp Việt Bắc hiện lên như thế nào qua bài thơ?

  1. Vẻ đẹp Việt Bắc hiện lên gần gũi, nên thơ qua những dòng hồi tưởng:

  • Vẻ đẹp trải dài theo không gian của bức tranh tứ bình với đặc trưng bốn mùa xuân, hạ, thu đông.

  • Vẻ đẹp con người nổi bật lên giữa thiên nhiên hữu tình: đẹp và thơ mộng với hình ảnh khói bếp, sương núi cùng thanh âm yên ả của cuộc sống.

  • Thiên nhiên Việt Bắc là sự giao hòa của không khí kháng chiến gian khổ nhưng đầy lạc quan, hào hùng: cảnh làng bản ấm cúng, nơi chiến khu sinh hoạt lãng mạn, ân tình.

  1. Những hồi tưởng về con người Việt Bắc:

  • Hình ảnh con người Việt Bắc hiện lên gắn với những sinh hoạt đời thường: cô em gái hái măng, người đi rừng, người đan nón,...

  • Cuộc sống khó khăn, khắc nghiệt nhưng vẻ đẹp của tấm lòng tương thân tương ái nơi con người vẫn hiện lên: chia củ sắn bùi, bát cơm sẻ nửa,...

Câu 3: Phân tích khung cảnh và vai trò chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến.

Khung cảnh và vai trò chiến khu Việt Bắc trong chiến đấu:

  • Cả dân tộc quyết đồng lòng chống lại kẻ thù: “miếng cơm chấm muối”, “mối thù nặng vai”.

  • Dù trải qua những thiếu thốn nhưng không thiếu đi tinh thần lạc quan, sôi nổi, yêu đời: gian nan đời vẫn ca vang núi đèo.

  • Việt Bắc là quê hương của cách mạng, là cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến, nơi chan chứa niềm tin, lý tưởng và hy vọng của dân tộc Việt Nam thời kháng chiến.

Câu 4: Nghệ thuật đặc sắc của bài thơ đã được tác giả thể hiện như thế nào?

  • Thể thơ lục bát đậm chất dân tộc được sử dụng nhuần nhuyễn khiến tác phẩm trở nên nhẹ nhàng, sâu lắng và lay động lòng người.

  • Tố Hữu cũng sử dụng những hình ảnh thân thương, gần gũi với đời sống của người dân Việt Bắc.

  • Ngôn ngữ đậm đà bản sắc dân tộc, nổi bật là cặp đại từ xưng hô mình - ta vô cùng thân thương.

  • Nhịp điệu, nhạc điệu cũng mang âm hưởng dân tộc, khi thì nhẹ nhàng, thơ mộng, ân tình, khi lại mạnh mẽ, hùng tráng.

Bạn nên chuẩn bị bài theo những câu hỏi trong sách để nhận thức đúng, đủ về nội dung tác phẩm
Bạn nên chuẩn bị bài theo những câu hỏi trong sách để nhận thức đúng, đủ về nội dung tác phẩm

Soạn bài Việt Bắc phần luyện tập

Đối với phần luyện tập, bạn có thể chuẩn bị bài theo hướng sau:

Bài 1: Phân tích cặp đại từ xưng hô mình - ta được tác giả sử dụng.

Cặp đại từ xưng hô mình - ta quen thuộc trong ca dao, dân ca được tác giả đưa vào thơ một cách tự nhiên, bộc lộ cảm xúc dân dã, ngọt ngào, đằm thắm. Tuy nhiên, cách tác giả sử dụng cũng vô cùng linh hoạt, khiến dòng cảm xúc lại càng chân thật:

  • Mình chỉ những người cán bộ, ta chỉ người dân Việt Bắc (Mình về mình có nhớ ta/Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng).

  • Mình chỉ người Việt Bắc, ta chỉ người cán bộ (Ta về mình có nhớ ta/Ta về ta nhớ những hoa cùng người).

  • Mình còn chỉ cả người cán bộ và người Việt Bắc (Chữ “mình” thứ ba trong câu “Mình đi mình lại nhớ mình”).

Ý nghĩa của cặp đại từ xưng hô mình - ta:

  • Mang lại cho bài thơ phong vị ca dao, thể hiện tính dân tộc đậm đà.

  • Tạo nên giọng điệu tâm tình, chân thành, sâu lắng trong giây phút chia xa.

  • Làm cho tình cảm giữa người ở lại với người ra đi, giữa cán bộ cách mạng và nhân dân vùng kháng chiến trở nên khăng khít, sâu đậm.

Bài 2: Phân tích đoạn vẻ đẹp của cảnh và người dân Việt Bắc.

Nổi bật lên trong bức tranh cuộc sống đời thường gần gũi, tình cảm của người lính cách mạng là vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ lại rất đỗi thân thương:

  • Bức tranh tứ bình về Việt Bắc với mùa xuân hoa chuối đỏ tươi, gắn liền cùng gam màu trắng tinh khiết của hoa mơ, hoa mận, mùa hè rực rỡ nắng vàng, hòa quyện với âm thanh tiếng ve kêu đặc trưng,...

  • Bức tranh rừng thu Việt Bắc cũng mênh mông, bao la nhưng không hề lạnh lẽo, cô quạnh bởi nơi ấy có tiếng hát hòa quyện với ánh trăng êm đềm, thanh bình.

Bên cạnh đó, hình ảnh con người cũng hiện lên giữa không gian, khiến núi rừng càng trở nên thi vị hơn. Khung cảnh Việt Bắc với thanh âm, tiếng hát của con người góp phần làm nên vẻ đẹp của câu thơ, thể hiện sự hài hoà, gắn bó giữa cảnh vật thiên nhiên và con người.

Soạn bài Việt Bắc đầy đủ cần đáp ứng yêu cầu gì? 

Soạn bài Việt Bắc đầy đủ cần lưu ý đến một số yêu cầu cơ bản sau để đảm bảo bạn có thể hiểu và cảm thụ tác phẩm một cách chính xác:

  • Tìm hiểu chung về tác giả Tố Hữu, bao gồm phong cách sáng tác cũng như thành tựu trong nền văn học Việt.

  • Tìm hiểu thông tin khái quát nhất về tác phẩm Việt Bắc như hoàn cảnh ra đời, xuất xứ đến nội dung chính của bài.

  • Nắm được cấu trúc và những ý chính của bài thơ theo từng đoạn.

  • Hiểu được dụng ý nghệ thuật của tác giả.

  • Có thể liên hệ, mở rộng với kiến thức lý luận văn học hay những tác phẩm khác.

Bạn có thể chuẩn bị một số dẫn chứng liên hệ, mở rộng để nâng cấp bài văn của mình
Bạn có thể chuẩn bị một số dẫn chứng liên hệ, mở rộng để nâng cấp bài văn của mình

Soạn bài Việt Bắc đầy đủ bao gồm nền tảng kiến thức về tác giả, tác phẩm cũng như định hướng trả lời các mẫu câu hỏi được chuẩn bị theo sách giáo khoa. Đây là một phương thức giúp bạn học bài một cách chủ động bởi soạn văn Việt Bắc trước khi lên lớp giúp bạn lĩnh hội kiến thức nhanh chóng và hiệu quả hơn.

BÀI LIÊN QUAN
Tags: Tác phẩm Việt Bắc Soạn văn 12