Tìm hiểu chung về tác phẩm Trở gió
Trước khi soạn bài Trở gió học sinh cần nắm được những thông tin cơ bản về tác giả, tác phẩm, giá trị nội dung và nghệ thuật dưới đây.
Tác giả
Nguyễn Ngọc Tư sinh năm 1976 trong một gia đình nông dân tại huyện Đầm Dơi tỉnh Cà Mau. Sau khi học hết cấp phổ thông cơ sở, cô đã nghỉ học và xin làm việc tại cơ quan văn nghệ báo chí tỉnh Cà Mau. Cô cũng là thành viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chủ đề sáng tác của cô khá đa dạng, với nhiều thể loại như truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn. Ngòi bút viết văn mộc mạc, giản dị đã thể hiện tâm hồn tinh tế, giàu tình cảm của chính bản thân mình.
Một số tác phẩm tiêu biểu của cô được độc giả chú ý đón đọc như: Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư (2005), Ngọn đèn không tắt (2000), Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư (2005), Không ai qua sông (2016), Cánh đồng bất tận (2005).
Tác phẩm
Tác phẩm Trở gió được trích từ Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, sáng tác vào năm 2005. Văn bản thuộc thể loại tạp văn viết về hình dung của tác giả về những cơn gió chướng. Đây không chỉ là dấu hiệu giao mùa mà còn gợi nên những nỗi nhớ, kỉ niệm về quê hương vô cùng tươi đẹp.
Bố cục: Khi soạn bài Trở gió, học sinh có thể chia văn bản thành 2 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “bắt đầu rụng xuống”: Tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang của nhân vật "tôi" khi mùa gió chướng về.
- Phần 2: Còn lại: Tình cảm, sự mong chờ của tác giả với những cơn gió chướng.
Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật
Giá trị nội dung: Đoạn trích Trở gió là hình dung trọn vẹn của tác giả về những cơn gió chướng. Tuy mỗi năm gió lại về một lần nhưng vẫn làm cho tác giả có cảm xúc bồi hồi, ngổn ngang. Qua đây cũng cho thấy nỗi nhớ về kỉ niệm xưa cũ cùng hình ảnh quê hương vô cùng đẹp không thể nào quên của tác giả.
Giá trị nghệ thuật: Văn bản Trở gió của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh cùng các biện pháp so sánh, nhân hóa giúp cho người đọc dễ dàng hình dung được khung cảnh và tâm trạng của nhân vật "tôi" khi mùa gió chướng về. Bên cạnh đó đoạn trích còn dùng nhiều từ ngữ địa phương làm đậm thêm phong cách Nam Bộ.
Tóm tắt nội dung
Đoạn trích Trở gió viết về những cảm xúc ngổn ngang, ngóng chờ của nhân vật "tôi" khi mùa gió chướng về. Cuộc hội ngộ tuy lặp lại sau một thời gian dài mỗi năm nhưng mang lại nhiều cảm xúc cồn cào, nồng nhiệt và đầy dịu dàng. Những cơn gió chướng về không chỉ báo hiệu một năm mới đến mà còn gợi cho nhân vật "tôi" nỗi nhớ quê nhà da diết.
Hướng dẫn soạn bài Trở gió Kết nối tri thức
Dưới đây là gợi ý soạn bài Trở gió trong bộ sách Kết nối tri thức thông qua việc định hướng trả lời các câu hỏi trong SGK phần sau khi đọc mà bạn học có thể tham khảo.
Câu 1 (Trang 46 SGK Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức Tập 1): Gió chướng được tác giả miêu tả qua những chi tiết, hình ảnh nào?
Gợi ý trả lời:
Gió chướng được tác giả miêu tả qua những chi tiết, hình ảnh:
Ban đầu gió chướng về mang những âm thanh “sẽ sàng từng giọt tinh tang”, âm thanh ấy như có ai đó đứng ở xa ngoắc nhẹ tay một cái. Thời gian về sau, gió thổi cồn cào, nồng nhiệt nhưng cũng rất dịu dàng.
Câu 2 (Trang 46 SGK Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức Tập 1): Hãy chỉ ra những biểu hiện của tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang ở nhân vật "tôi" khi gió chướng về. Theo em, lí do nào khiến nhân vật "tôi" luôn mong ngóng, chờ đợi gió chướng?
Gợi ý trả lời:
Những biểu hiện của tâm trạng lộn xộn, ngổn ngang ở nhân vật "tôi" khi gió chướng về là: Vừa mừng vừa bực, vương vấn nỗi buồn khó tả, khẩn trương trong tất cả những hành động của mình, lo sợ khi nghĩ về sự trôi đi của thời gian.
Lý do khiến nhân vật tôi luôn mong ngóng chờ đợi gió chướng vì khi gió về báo hiệu một năm mới đến, lũ con nít cà tưng vui mừng vì sắp được quần áo mới. Đồng thời gợi lên những kỉ niệm cũ gắn liền với quê hương của nhân vật "tôi".
Câu 3 (Trang 46 SGK Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức Tập 1): Vì sao tác giả khẳng định "mùa gió chướng cũng là mùa thu hoạch"?
Gợi ý trả lời:
Tác giả khẳng định "mùa gió chướng cũng là mùa thu hoạch" vì mỗi khi gió chướng về là lúa vừa chín tới, mía cũng kịp già, vú sữa chín rộ, dưa hấu cũng đến mùa thu hoạch.
Câu 4 (Trang 46 SGK Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức Tập 1): Câu văn cuối cùng của tác giả gợi cho em suy nghĩ gì?
Gợi ý trả lời:
Câu văn cuối cùng của tác giả gợi cho em suy nghĩ về nỗi nhớ về những kỉ niệm xưa, tình yêu quê hương của tác giả. Dù có đi đâu trong lòng tác giả vẫn luôn bồi hồi nhớ về quê hương yên bình của mình.
Ở câu hỏi này học sinh có thể sáng tạo, viết lên những suy nghĩ của bản thân khi soạn bài Trở gió.
Câu 5 (Trang 46 SGK Ngữ văn lớp 7 Kết nối tri thức Tập 1): Nêu cảm nhận của em về tình cảm, cảm xúc của tác giả được thể hiện trong văn bản.
Gợi ý trả lời:
Trong văn bản trở gió em cảm nhận thấy tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả. Tình cảm ấy luôn mộc mạc, chân thành với những thứ quen thuộc đã gắn bó bấy lâu. Khi mùa gió chướng về lại gợi lên bao kỉ niệm, dù đi đâu tác giả cũng mãi nhớ về cội nguồn của mình.
Bài tập liên hệ
Câu hỏi: Sau khi soạn bài Trở gió, hãy vẽ sơ đồ tư duy để tổng quan các phần kiến thức bài học?
Gợi ý trả lời:
Dưới đây là sơ đồ tư duy bài Trở gió giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ tổng quan được các kiến thức bài học cần nắm vững:
Quá trình soạn bài Trở gió giúp học sinh nắm được nội dung chủ đạo của văn bản chính là tình yêu quê hương sâu sắc của tác giả mỗi khi mùa gió chướng về. Bên cạnh đó là những giá trị nghệ thuật đặc sắc tạo nên chất văn riêng của tác giả. Khi đã nắm những kiến thức cơ bản này, hy vọng học sinh sẽ trả lời được những câu hỏi và bài tập liên quan tới bài học dễ dàng hơn.