Tìm hiểu chung về Thần trụ trời
Soạn bài Thần trụ trời bao gồm tìm hiểu thông tin về tác giả, tác phẩm, giá trị nội dung và nghệ thuật dưới đây.
Tác giả
- Tác phẩm Thần trụ trời được lưu truyền trong dân gian >> tác giả dân gian.
Tác phẩm
Thần trụ trời thuộc thể loại truyện thần thoại kể về các vị thần. Cốt truyện xoay quanh quá trình tạo nên vạn vật trên thế gian. Truyện được in trong Lược khảo về thần thoại Việt Nam, Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia. Nhà xuất bản khoa học xã hội năm 2003, theo Nguyễn Đổng Chi.
Bố cục: Khi soạn bài Thần trụ trời bạn học có thể chia tác phẩm thành 3 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến núi kia: Bối cảnh của vạn vật tự nhiên khi vị Thần trụ trời xuất hiện.
- Phần 2: Tiếp theo đến “Biển cả mênh mông”: Lý giải về sự hình thành của trời và đất.
- Phần 3: Phần còn lại: Nguồn gốc di tích của núi Thạch Môn.
Giá trị nội dung: Truyện Thần trụ trời nói về quá trình thế giới được hình thành. Đồng thời thể hiện niềm tin vào tín ngưỡng cùng sự tôn kính với thế giới tâm linh của người xưa.
Giá trị nghệ thuật: Tác phẩm Thần trụ trời sử dụng ngôn ngữ thuần Việt, diễn đạt mạch lạc, dễ hiểu, phù hợp với thể loại thần thoại. Cách xây dựng nhân vật mang yếu tố kì ảo, tiêu biểu, điển hình đặc trưng cho thể loại thần thoại.
Tóm tắt nội dung
Thần trụ trời là một câu truyện thần thoại được lưu truyền trong dân gian Việt Nam. Truyện giải thích sự hình thành của các sự vật trong tự nhiên dưới bàn tay của vị thần trụ trời trong khung cảnh chỉ có trời và đất tối tăm. Cuối cùng vị thần trụ trời được người xưa ghi nhớ ơn vì có công tạo nên vạn vật trong tự nhiên.
Soạn bài Thần trụ trời ngắn nhất - Chân trời sáng tạo
Bạn có thể tham khảo phần hướng dẫn chi tiết dưới đây để soạn bài Thần trụ trời tốt nhất.
Soạn bài Thần trụ trời: Phần trước khi đọc
Câu 1 (Trang 13 SGK Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo Tập 1): Bạn đã biết những truyện thần thoại nào? Hãy chia sẻ với các bạn trong lớp về những truyện thần thoại mà bạn biết.
Gợi ý trả lời:
Những truyện thần thoại mà em đã từng đọc như:
- Câu chuyện về Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng nội dung truyện nói về đặc điểm của Mặt Trời, Mặt Trăng và một số hiện tượng tự nhiên theo quan niệm dân gian.
- Truyện Prô-mê-tê và loài người thuộc thể loại thần thoại Hy Lạp, kể về quá trình tạo ra con người và muôn loài của 2 vị thần.
- Sự tích cây lúa: Sự lí giải về nguồn gốc cây lúa theo quan niệm dân gian.
Soạn bài Thần trụ trời: Phần đọc văn bản
Câu 1 (Trang 13 SGK Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo Tập 1): Tưởng tượng: Bạn hình dung như thế nào về vị thần Trụ trời?
Gợi ý trả lời:
Theo em thần Trụ trời có vóc dáng khổng lồ, chân dài có thể bước từ vùng này qua vùng khác. Hành động đầu đội trời, tay đào đá, đất đắp thành một cái cột để chống trời. Vị thần Trụ trời có vóc dáng và nguồn sức mạnh mà người thường không có được.
Câu 2 (Trang 13 SGK Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo Tập 1): Bạn hãy tưởng tượng Trời và đất sẽ thay đổi như thế nào sau khi có cột chống trời?
Gợi ý trả lời:
Khi có cột chống trời thì “vòm trời sẽ bị đẩy lên phía mây xanh, trời đất chia đôi. Đất phẳng như cái mâm, trời trùm lên như cái bát úp.”
Câu 3 (Trang 13 SGK Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo Tập 1): Suy luận: Bạn có nhận xét gì về cách kết thúc truyện?
Gợi ý trả lời:
Cách kết thúc truyện khá sáng tạo, độc đáo bằng một bài thơ gồm các câu hát dân gian về các vị thần đã có công tạo nên vạn vật. Câu kết “Ông trụ trời” một lần nữa khẳng định công lao to lớn của vị thần trong việc tạo ra trời đất.
Soạn bài Thần trụ trời: Phần sau khi đọc
Câu 1 (Trang 14 SGK Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo Tập 1): Bạn hãy chỉ ra những chi tiết về không gian, thời gian của câu chuyện.
Gợi ý trả lời:
Những chi tiết về không gian và thời gian trong câu chuyện Thần trụ trời là:
- Không gian mang tính khái quát, không có sự cụ thể thể hiện qua chi tiết “Trời và đất”.
- Thời gian không cụ thể “Thuở ấy”.
Câu 2 (Trang 14 SGK Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo Tập 1): Những dấu hiệu nào giúp bạn nhận ra Thần Trụ trời là một truyện thần thoại?
Gợi ý trả lời:
Truyện thần Trụ trời là truyện thần thoại vì truyện mang yếu tố kì ảo, kể về quá trình vị thần tạo ra vạn vật. Không gian và thời gian trong truyện không xác định.
Câu 3 (Trang 14 SGK Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo Tập 1): Bạn hãy tóm tắt quá trình tạo lập nên trời và đất của vị thần Trụ trời. Từ đó, bạn hãy nêu nhận xét về đặc điểm của nhân vật này.
Gợi ý trả lời:
Tóm tắt quá trình Thần trụ trời tạo lập nên trời và đất:
Vị thần đào đất, đập đá, đắp thành một cái cột vừa cao, vừa to để chống trời. Khi cột được đắp lên cao thì vòm trời cũng được đẩy lên. Trời đã cao và khô, Thần tiến hành phá cột, lấy đất đá ném tung đi khắp nơi để tạo ra những hòn núi, hòn đảo, những dải đồi cao. Nơi mà Thần đào đá, đào đất để đắp cột thì hình thành biển rộng.
Nhận xét về đặc điểm của nhân vật này: Thần Trụ trời là người có sức mạnh phi thường, có khả năng tạo ra được vạn vật.
Câu 4 (Trang 14 SGK Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo Tập 1): Nêu nội dung bao quát của truyện Thần Trụ trời.
Gợi ý trả lời:
Nội dung bao quát của truyện Thần trụ trời: Truyện lý giải quá trình vị thần Trụ trời tạo ra trời, đất và vạn vật.
Câu 5 (Trang 14 SGK Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo Tập 1): Nhận xét về cách giải thích quá trình tạo lập thế giới của tác giả dân gian. Ngày nay, cách giải thích ấy có còn phù hợp không? Vì sao?
Gợi ý trả lời:
- Tác giả dân gian đã giải thích quá trình tạo lập thế giới bằng trí tưởng tượng, sáng tạo, niềm tin về thế giới tâm linh, chưa có đầy đủ minh chứng.
- Ngày nay cách giải thích ấy không còn phù hợp vì hiện nay đã có những bằng chứng nghiên cứu khoa học về sự hình thành vũ trụ rõ ràng, đáng tin cậy.
Câu 6 (Trang 14 SGK Ngữ văn lớp 10 Chân trời sáng tạo Tập 1): Cách hình dung và miêu tả đất, trời trong câu “đất phẳng như cái mâm vuông, trời trùm lên như cái bát úp…” trong truyện Thần Trụ trời gợi cho bạn nhớ đến truyền thuyết nào của người Việt Nam? Bạn hãy tóm tắt truyền thuyết ấy và chỉ ra điểm tương đồng giữa hai tác phẩm.
Gợi ý trả lời:
Cách hình dung và miêu tả trời đất trong bài Thần trụ trời gợi cho em nhớ tới truyền thuyết “Sự tích bánh chưng, bánh dày” của người Việt Nam.
Tóm tắt nội dung của truyện “Bánh chưng, bánh dày”:
Vua Hùng thứ sáu có hai mươi người con trai, ai cũng tài giỏi, khiến ông khó chọn người kế vị. Vua yêu cầu các con dâng lễ vật trong lễ Tiên vương, người nào làm vua hài lòng sẽ được truyền ngôi. Trong khi những người con trai khác của vua ai cũng sắm sửa lễ vật xa xỉ, nhưng con trai thứ mười tám là Lang Liêu lại không biết nên chuẩn bị gì.
Trong giấc mơ, có một vị thần đã xuất hiện và hướng dẫn Lang Liêu làm bánh bằng gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn. Lang Liêu đã làm hai loại bánh: Bánh chưng có hình vuông tượng trưng cho đất và bánh giầy có hình tròn, tượng trưng cho trời. Vua rất hài lòng và chọn Lang Liêu làm người kế vị, cũng từ đó bánh chưng và bánh giầy trở thành món truyền thống trong ngày Tết cổ truyền của Việt Nam.
Điểm tương đồng giữa hai tác phẩm là đều đưa ra lý giải về sự xuất hiện của một sự vật hiện tượng. Đồng thời sự xuất hiện của vị thần mang tính hư cấu, kì ảo. Thời gian và không gian trong hai truyện đều không xác định.
Soạn bài Thần trụ trời hay nhất - Cánh diều
Để trả lời được các câu hỏi trong sách giáo khoa bạn cần có kỹ năng phân tích đọc hiểu văn bản tốt. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết soạn bài Thần trụ trời đơn giản, dễ hiểu dành cho bạn.
Soạn bài Thần trụ trời: Phần chuẩn bị
Câu 1 (Trang SGK Ngữ văn lớp 10 Cánh diều Tập 1): Đọc trước truyện Thần Trụ Trời. Tìm hiểu thêm những thông tin về truyện thần thoại Việt Nam từ các nguồn khác nhau (sách, báo, Internet,...); lựa chọn và ghi chép lại một số thông tin quan trọng về truyện thần thoại Việt Nam.
Gợi ý trả lời:
Truyện thần thoại Việt Nam thường được viết bằng văn xuôi, truyện thường lý giải về nguồn gốc của thế giới tự nhiên, đồng thời phản ánh nhận thức và cách hình dung của người thời xưa về nguồn gốc của vạn vật.
Câu 2 (Trang SGK Ngữ văn lớp 10 Cánh diều Tập 1): Em đã đọc truyện thần thoại nào của Việt Nam? Hãy nhớ lại để có thể kể trước lớp.
Gợi ý trả lời:
Truyện thần thoại Việt Nam em đã từng đọc là: Nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng. Truyện kể về hai chị em thần Mặt Trời và Mặt Trăng. Nữ thần Mặt Trời cai quản ánh sáng ban ngày và nữ thần Mặt Trăng cai quản ánh sáng ban đêm. Một ngày nọ, họ tranh cãi với nhau về việc ai quan trọng hơn, xung đột xảy ra gây mất cân bằng thời gian chiếu sáng giữa ngày và đêm, thế giới bị biến động. Cuối cùng, họ quyết định hòa thuận trở lại và luân phiên chiếu sáng thế giới, ổn định ngày và đêm.
Soạn bài Thần trụ trời: Phần trong khi đọc
Câu 1 (Trang 26 SGK Ngữ văn lớp 10 Cánh diều Tập 1): Chú ý bối cảnh khi thần xuất hiện.
Gợi ý trả lời:
Bối cảnh khi thần xuất hiện: Khi thần xuất hiện chưa có vũ trụ, chưa có con người và muôn loài vật. Trời đất hỗn độn, tối tăm và lạnh lẽo.
Câu 2 (Trang 26 SGK Ngữ văn lớp 10 Cánh diều Tập 1): Thần đã làm những gì?
Gợi ý trả lời:
Thần dùng đầu đội trời, tay đào đất, đào đá sau đó đắp thành một cái cột để chống trời. Thần đắp cột đá càng cao, càng đẩy trời lên mãi.
Câu 3 (Trang 26 SGK Ngữ văn lớp 10 Cánh diều Tập 1): Mục đích giải thích của người kể thể hiện ở những chi tiết nào?
Gợi ý trả lời:
Mục đích giải thích của người kể:
- Lý do thần dùng cột để chống trời mà không dùng tay, sau đó lại phá cột đi.
- Lý giải tại sao trên mặt đất không bằng phẳng mà có sông hồ, biển, núi cao.
Soạn bài Thần trụ trời: Phần sau khi đọc
Câu 1 (Trang 27 SGK Ngữ văn lớp 10 Cánh diều Tập 1): Nêu các sự kiện chính của truyện. Sự kiện nào liên quan đến ý nghĩa của nhan đề Thần Trụ Trời?
Gợi ý trả lời:
Sự kiện chính của truyện Thần trụ trời:
Khi trời đất chỉ là một đám hỗn độn Thần trụ trời đã xuất hiện. Thần đã dùng sức mạnh của mình để đắp cột chống trời, đẩy bầy trời lên cao. Sau đó thần ném đá, đất khắp nơi để tạo thành hòn đảo, núi, cao nguyên.
Sự kiện liên quan đến ý nghĩa của nhan đề Thần trụ trời là “Thần đội trời, tay đào đất, đá đắp thành một cái cột vừa to, vừa cao để chống trời. Thần đắp cột càng đá càng cao chót vót, càng đẩy trời lên mãi.”
Câu 2 (Trang 27 SGK Ngữ văn lớp 10 Cánh diều Tập 1): Phân tích trí tưởng tượng phong phú phú của nhân dân thể hiện qua một số chi tiết hoang đường, kì ảo trong văn bản này.
Gợi ý trả lời:
Trong văn bản đã thể hiện một số chi tiết hoang đường, kì ảo như: “Một vị thần khổng lồ xuất hiện, thần bước một bước là có thể qua từ vùng này hay từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Thần đã làm nhiều việc để giúp phá bỏ sự hỗn độn giữa trời và đất. Mọi chi tiết trong truyện đều mang yếu tố kỳ ảo, hoang đường. Cách xây dựng điển hình của thể loại truyện thần thoại, trí tưởng tượng của nhân dân thật sự phong phú.
Câu 3 (Trang 27 SGK Ngữ văn lớp 10 Cánh diều Tập 1): Truyện Thần Trụ Trời nhằm giải thích các hiện tượng gì? Cách giải thích ấy có điểm gì giống và khác với các truyền thuyết đã học ở lớp 6 như Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm,...?
Gợi ý trả lời:
Truyện Thần trụ trời nhằm giải thích quá trình hình thành của các sự vật hiện tượng trong tự nhiên như trời, đất.
Cách giải thích ấy có đặc điểm giống và khác truyện đã học như Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm:
Giống nhau: Truyện đều mang yếu tố kì ảo, tưởng tượng.
Điểm khác nhau:
- Truyện thần thoại có nội dung truyện là lý giải sự hình thành tự nhiên.
- Truyện truyền thuyết nhằm mục đích giải thích những phong tục hoặc kể về các nhân vật lịch sử.
Câu 4 (Trang 27 SGK Ngữ văn lớp 10 Cánh diều Tập 1): Vẽ hoặc miêu tả bằng lời về hình ảnh thần Trụ Trời theo hình dung, tưởng tượng của em.
Gợi ý trả lời:
Miêu tả bằng lời: Thần trụ trời có thân hình to lớn, sức mạnh phi thường. Thần dùng đầu chống trời, tay đào đất, cát để đắp thành cột chống trời. Cột trời lên cao, trời đất được phân chia.
Câu 5 (Trang 27 SGK Ngữ văn lớp 10 Cánh diều Tập 1): Trong phần kết, truyện nêu tên bảy vị thần gắn với việc giải thích nguồn gốc các sự vật, hiện tượng tự nhiên. Theo tưởng tượng của em còn có vị thần nào khác nữa? Tên vị thần ấy là gì?
Gợi ý trả lời:
Truyện nêu tên bảy vị thần gắn với việc giải thích nguồn gốc các sự vật, hiện tượng tự nhiên tròn phần kết là: Thần Đếm Cát, thần Kể Sao, thần Đào Sông, thần Tát Biển, thần Trồng Cây, thần Xây Núi, thần Trụ Trời.
Theo tưởng tượng của em, còn có những thần khác như: Thần Mưa, thần Sấm, thần Biển, thần Chớp, thần Mặt Trời, Thần Mặt Trăng, …
Bài tập liên hệ
Câu hỏi: Sau khi soạn bài Thần trụ trời, hãy vẽ sơ đồ tư duy để tổng quan các phần kiến thức bài học?
Gợi ý trả lời:
Sau khi soạn bài Thần trụ trời, bạn học có thể tham khảo sơ đồ tư duy dưới đây để tổng hợp và củng cố kiến thức về bài học:
Tìm hiểu về cách soạn bài Thần trụ trời sẽ giúp học sinh khám phá một tác phẩm mang yếu tố kì ảo thuộc thể loại thần thoại Việt Nam. Mong rằng với hướng dẫn soạn bài trên đây, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận được bài học và nắm vững được giá trị mà tác giả dân gian muốn truyền tải.