Hướng dẫn soạn bài Sự tích Hồ Gươm ngắn gọn, đúng trọng tâm

Aretha Thu An
Soạn bài Sự tích Hồ Gươm ngắn gọn sẽ giúp học sinh khám phá sâu hơn về câu chuyện lịch sử hào hùng và truyền thống dân tộc. Với sự chuẩn bị bài học kỹ lưỡng, các bạn học sinh không chỉ nắm vững nội dung bài học mà còn rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, tóm tắt và phân tích văn bản.

Tìm hiểu chung về truyện Sự tích Hồ Gươm

Việc nắm được tác giả, tác phẩm khi soạn bài Sự tích Hồ Gươm giúp học sinh có cái nhìn toàn diện về câu chuyện, từ đó khám phá ra những giá trị sâu sắc và ý nghĩa của truyện.

Tác giả

Truyện Sự tích Hồ Gươm là một truyện truyền thuyết dân gian Việt Nam, do đó không có tác giả cụ thể

Truyền thuyết thường được truyền miệng qua nhiều thế hệ, không có một cá nhân nào được ghi nhận là người sáng tác ra. Truyện Sự tích Hồ Gươm cũng vậy, nó là kết quả của trí tưởng tượng phong phú và lòng yêu nước của nhân dân ta.

Tác phẩm

Sự tích Hồ Gươm thuộc thể loại truyện truyền thuyết dân gian, được xây dựng để kể về lịch sử, nhân vật hoặc các yếu tố liên quan đến lịch sử. Điểm nổi bật của truyền thuyết đó là xây dựng nhân vật, cốt truyện thông qua những yếu tố kì ảo. Khi soạn bài sự tích Hồ Gươm, chúng ta có thể chia văn bản thành 2 phần:

  • Phần 1: Từ đầu => “không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước”: Đức Long Quân cho nghĩa quân mượn gươm thần để đánh giặc.
  • Phần 2: Còn lại: Long Quân đòi lại gươm trên hồ sau khi giặc Minh bị đánh bại.

Về giá trị nội dung, truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm” đã ca ngợi sự chính nghĩa, tình đoàn kết nhân dân cùng chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh do Lê Lợi lãnh đạo ở giai đoạn thế kỉ XV. Thông qua đó, truyện giải thích nguồn gốc tên gọi hồ Hoàn Kiếm cũng như thể hiện khát vọng hòa bình dân tộc.

Trong quá trình soạn bài Sự tích Hồ Gươm ngắn gọn, chúng ta sẽ nhận ra truyện sử dụng nhiều chi tiết tưởng tượng có tính kỳ ảo để câu chuyện thêm ý nghĩa và lôi cuốn. Đây là những giá trị nghệ thuật vô cùng đắt giá.

Soạn bài Sự tích Hồ Gươm chi tiết để hiểu rõ nguồn gốc Hồ Gươm ở Hà Nội ngày nay
Soạn bài Sự tích Hồ Gươm chi tiết để hiểu rõ nguồn gốc Hồ Gươm ở Hà Nội ngày nay

Tóm tắt nội dung 

Vào thế kỷ XV, nước ta bị giặc Minh đô hộ. Lê Lợi đã dựng cờ tụ nghĩa tại Lam Sơn và được Đức Long Quân cho mượn thanh gươm thần giết giặc.

Lúc bấy giờ, ở Thanh Hóa có một ngư dân tên Lê Thận cũng là một thành viên trong đoàn khởi nghĩa Lam Sơn. Người này ba lần kéo lưới đều được một lưỡi gươm sáng chói. Không lâu sau, Lê Lợi bị giặc truy đuổi. Trong lúc chạy vào rừng ẩn náu, ông tìm được một cây gươm nạm ngọc. Lúc tra vào lưỡi gươm tại nhà Lê Thận thì vừa như in. Nhìn trên thanh gươm có chữ “Thuận Thiên”, mọi người mới vỡ lẽ đó chính là gươm thần.

Nhờ có gươm thần, nghĩa quân nhanh chóng đánh thắng quân xâm lược. Một năm sau, khi Lê Lợi đang đi thuyền dạo chơi trên hồ Tả Vọng thì nhìn thấy Rùa vàng do Long Quân sai đến đòi gươm thần. Hồ Tả Vọng sau sự kiện này vì thế cũng được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (Hồ Gươm).

Hướng dẫn soạn bài Sự Tích Hồ Gươm ngắn gọn - Cánh Diều 

Phần chuẩn bị

Câu 1 (trang 25 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Đọc truyện Sự tích Hồ Gươm và tưởng tượng rồi miêu tả nơi cất giữ thanh gươm mà Lê Lợi trả lại cho Rùa vàng.

Gợi ý trả lời:

Sau khi nhận lại gươm từ Lê Lợi, Rùa vàng đã cất giữ gươm dưới đáy hồ. Đó là một hồ nước trong xanh đến nỗi có thế nhìn thấu đáy. Hồ nước tựa như chiếc gương khổng lồ với những gợn sóng lăn tăn. Quanh hồ là những hàng lá liễu xanh mướt, rũ bóng rất nên thơ.

Phần đọc hiểu

Câu 1 (trang 26 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Khi soạn bài Sự tích Hồ Gươm, em có chú ý gì đặc biệt ở ba lần kéo lưới của Lê Thận?

Gợi ý trả lời:

Điểm đáng chú ý đó là cả ba lần kéo lưới đó là Lê Thận đều thu được một thanh sắt rất nặng và sáng. Thanh sắt này về đêm lại phát ra ánh sáng rực rỡ.

Câu 2 (trang 26 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Bức tranh minh họa nhân vật cùng sự việc gì?

Gợi ý trả lời:

Bức tranh minh họa cho sự kiện nhân vật Lê Thận 3 lần kéo lưới đều được một thanh sắt, đó chính là lưỡi gươm thần.

Lê Thận ba lần kéo lưới thu được lưỡi kiếm bằng sắt rất nặng
Lê Thận ba lần kéo lưới thu được lưỡi kiếm bằng sắt rất nặng

Câu 3 (trang 26 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Em hãy liệt kê những chi tiết kỳ ảo bản thân nhận thấy khi soạn bài Sự tích Hồ Gươm.

Gợi ý trả lời:

Các chi tiết kỳ ảo trong truyện gồm:

  • Lê Thận 3 lần kéo lưới đều thu được một lưỡi gươm.
  • Thanh gươm trong bóng tối lại sáng rực hai chữ: "Thuận Thiên".
  • Chuôi gươm nạm ngọc phát ra ánh sáng rực rỡ trên ngọn cây đa.
  • Gươm và chuôi dù tìm được ở hai nơi khác nhau nhưng tra vào lại vừa in.
  • Lưỡi gươm tự động đậy.
  • Dùng gươm thần đánh đâu thắng đó.
  • Rùa vàng nổi lên hồ đòi gươm.

Câu 4 (trang 27 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Nhờ có gươm thần, Lê Lợi đã làm được những gì?

Gợi ý trả lời:

Khi sở hữu gươm thần, nghĩa khí của nghĩa quân vì thế dâng cao. Họ tung hoành khắp nơi tìm và giết giặc, khiến cho quân Minh bạt vía.

Câu 5 (trang 27 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Em hãy đọc phần 5 và rút ra ý nghĩa của đoạn này?

Gợi ý trả lời:

Nội dung phần 5 nhằm mục đích giải thích cho nguồn gốc tên gọi Hồ Gươm, Hồ Hoàn Kiếm.

Phần câu hỏi cuối bài

Câu 1 (trang 28 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Nêu những sự kiện chính trong truyện Sự tích Hồ Gươm.

Gợi ý trả lời:

Những diễn biến chính của câu chuyện:

  • Giặc Minh sang đô hộ nước ta.
  • Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại Lam Sơn.
  • Lê Thận đánh cá 3 lần kéo được lưỡi gươm.
  • Lê Lợi tìm được chuôi gươm nạm ngọc.
  • Lê Lợi tra chuôi gươm và lưỡi gươm của Lê Thận thì vừa in.
  • Lê Lợi dùng thanh gươm đánh đuổi giặc Minh.
  • Lê Lợi lên làm vua.
  • Lê Lợi dạo chơi và trả gươm tại hồ Tả Vọng.
  • Hồ Tả Vọng đổi tên thành Hồ Hoàn Kiếm.

Câu 2 (trang 28 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Theo em, trong truyện có nhân vật nào nổi bật và nhân vật đó mang đặc điểm gì?

Gợi ý trả lời:

Nhân vật nổi bật theo em đó chính là Đức Long Quân. Người này có tình yêu nước, thương dân. Ông cho mượn gươm thần để Lê Lợi khởi nghĩa giành lại hòa bình cho dân tộc. Sau khi thắng trận, ông lấy lại gươm vì muốn Lê Lợi cai quản đất nước bằng chính thực lực của bản thân. Nói cách khác, Đức Long Quân giống như hiện thân của ông bà, tổ tiên chúng ta, luôn hiện hữu để phù hộ, giúp đỡ con cháu trong sự nghiệp cứu nước.

Đức Long Quân sai Rùa vàng đến đòi lại gươm thần
Đức Long Quân sai Rùa vàng đến đòi lại gươm thần

Câu 3 (trang 28 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Theo em, đâu là chi tiết có yếu tố lịch sử, đâu là chi tiết kỳ ảo?

Gợi ý trả lời:

- Những chi tiết liên quan tới lịch sử:

+ Giặc Minh đô hộ nước ta.

+ Khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chiến thắng vẻ vang.

+ Lê Lợi lên ngôi vua.

- Những chi tiết hoang đường kì ảo:

+ Lê Thuận ba lần thả lưới đều vớt được lưỡi gươm sáng rực có khắc chữ "thuận thiên".

+ Lưỡi gươm trong bóng tối trở nên sáng rực một góc nhà.

+ Chuôi gươm phát sáng, được tìm thấy ở trên ngọn cây đa.

+ Lưỡi gươm và chuôi gươm dù tìm thấy ở hai nơi với hai thời điểm khác nhau nhưng lại vừa như in.

+ Lưỡi gươm tự nhiên động đậy.

+ Rùa Vàng lên đòi gươm.

Câu 4 (trang 28 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Sau khi soạn bài Sự tích Hồ Gươm, em nhận thấy truyện muốn ca ngợi điều gì và ý nghĩa của điều đó.

Gợi ý trả lời:

Một số ý nghĩa mà truyện Sự tích Hồ Gươm muốn truyền đạt:

  • Truyện ca ngợi lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu của dân tộc ta.
  • Ca ngợi khát vọng hòa bình.
  • Ca ngợi vai trò của Lê Lợi đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chiến thắng vẻ vang.
  • Truyện giải thích nguồn gốc, ý nghĩa tên gọi Hồ Gươm.

Soạn bài Sự tích Hồ Gươm ngắn gọn - Chân trời sáng tạo

Phần chuẩn bị đọc

Câu hỏi 1 (trang 22 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Nêu những hiểu biết của em về Hồ Gươm.

Gợi ý trả lời:

Hồ Hoàn Kiếm hay còn gọi là Hồ Gươm là hồ nước ngọt tự nhiên nằm ngay tại trung tâm thủ đô Hà Nội. Hồ có diện tích 12ha và đã trải qua nhiều lần đổi tên. Tên gọi hiện nay của hồ gắn liền với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu cho Rùa thần.

Hồ Hoàn Kiếm có vị trí quan trọng, kết nối nhiều khu phố cổ như: Cầu Gỗ, Hàng Đào, Lò Sũ,... Đến tham quan Hồ Gươm, bạn có thể nhìn thấy nhiều di tích nổi tiếng gần đó như: Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên,...

Hồ Gươm hiện nay không những là một danh lam thắng cảnh có yếu tố lịch sử mà còn là địa điểm chụp hình, dạo mát, tập thể dục quen thuộc của người dân thủ đô.

Nét đẹp trầm mặc của Hồ Hoàn Kiếm
Nét đẹp trầm mặc của Hồ Hoàn Kiếm

Phần trải nghiệm văn bản

Câu 1 (trang 23 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Khi soạn bài Sự tích Hồ Gươm, em nhận thấy Đức Long Quân đã cho nghĩa quân Lam Sơn mượn gươm bằng cách nào?

Gợi ý trả lời:

Dù có ý cho mượn gươm để đuổi quân giặc nhưng Long Quân không cho mượn dễ dàng và trực tiếp. Ông đã để nghĩa quân Lam Sơn trải qua nhiều thử thách để họ hiểu và trân trọng ý nghĩa của gươm thần.

Câu 2 (trang 24 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Khi soạn bài Sự tích Hồ Gươm em nghĩ nhà vua đã hiểu ra điều gì khi thấy Rùa vàng đến đòi gươm?

Gợi ý trả lời:

Khi Rùa thần đòi gươm, Lê Lợi đã ngẫm ra rằng cuộc chiến bảo vệ đất nước đã kết thúc, hòa bình đã lập lại và thanh gươm đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nó cần phải được hoàn trả về đúng chỗ của nó. Lê Lợi cần biết cách cai quản đất nước dựa vào thực lực chứ không phải sức mạnh siêu nhiên. Thanh gươm này cũng chính là biểu tượng cho sự tương trợ của ông cha, tổ tiên với đất nước trong quá trình đánh đuổi quân thù.

Phần suy ngẫm và phản hồi

Câu 1 (trang 24 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Thanh gươm trong câu chuyện này tại sao được gọi là gươm thần? Cách gọi này thể hiện đặc điểm gì của thể loại truyền thuyết?

Gợi ý trả lời:

Sở dĩ thanh gươm này gọi là gươm thần vì nó có nguồn gốc kỳ lạ, sức mạnh phi thường thông qua các chi tiết:

  • Lê Thận đi đánh cá 3 lần kéo lưới đều vớt được lưỡi gươm.
  • Lê Lợi đến nhà Lê Thận thì thấy thanh gươm sáng rực hai chữ "Thuận Thiên".
  • Lê Lợi nhìn thấy ánh sáng lạ trên ngọn cây đa và phát hiện đó là chuôi gươm nạm ngọc.
  • Chuôi gươm tra vào lưỡi gươm thì vừa như khuôn.
  • Từ khi có thanh gươm, nghĩa quân đi đến đâu, giặc sợ đến đấy và từ đó thắng lợi vẻ vang.

Những chi tiết này thể hiện các nét đặc trưng của truyền thuyết: Tính tưởng tượng, kỳ ảo, hoang đường.

Gươm thần giúp Lê Lợi đánh đâu thắng đó
Gươm thần giúp Lê Lợi đánh đâu thắng đó

Câu 2 (trang 25 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Các sự việc trong truyện truyền thuyết đều được sắp đặt với mục đích thể hiện ý nghĩa nào đó. Trong truyện Sự tích Hồ Gươm, Đức Long Quân để cho Lê Thận tình cờ tìm thấy lưỡi gươm ở một nơi và Lê Lợi tìm thấy chuôi gươm tại nơi khác. Cách cho mượn gươm như thế thể hiện điều gì?

Gợi ý trả lời:

Việc nhận gươm diễn ra ở nhiều nơi, qua nhiều thời điểm thể hiện công cuộc cứu nước vô cùng khó khăn, gian khổ và cần sự kiên trì. Bên cạnh đó, chuôi gươm tìm thấy ở trong rừng, lưỡi gươm tìm được ở sông nước cho thấy sự đồng lòng của nhân dân ta trên khắp mọi miền đất nước.

Câu 3 (trang 25 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Sau khi soạn bài Sự tích Hồ Gươm, một số bạn cho rằng truyện này chỉ đơn giản mượn chuyện Lê Lợi trả gươm thần để giải thích cho tên gọi của địa danh Hồ Gươm. Em đồng ý hay không? Vì sao?

Gợi ý trả lời:

Theo em, quan điểm đó là đúng nhưng chưa đủ. Câu chuyện này không những giải thích nguồn gốc tên gọi Hồ Gươm mà còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc:

  • Nhắc lại lịch sử về chiến thắng Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đánh tan quân Minh xâm lược.
  • Thể hiện tinh thần đoàn kết, khát khao hòa bình của dân tộc ta.
  • Hành động trả gươm của vua thể hiện tư tưởng sống với thái độ biết ơn, có vay có trả.

Câu 4 (trang 25 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Khi soạn bài Sự tích Hồ Gươm, em hãy tìm trong văn bản này các nội dung sau:

  • Một số từ ngữ cho thấy cách xưng hô trân trọng của các nhân vật dành cho Lê Lợi.
  • Một vài câu văn bộc lộ tình cảm, cảm xúc của tác giả dân gian qua lời kể.

Gợi ý trả lời:

  • Một số từ ngữ cho thấy cách xưng hô trân trọng của các nhân vật dành cho Lê Lợi: Bệ hạ, minh công.
  • Câu văn bộc lộ tình cảm, cảm xúc của tác giả dân gian trong lời kể: "Chúng coi dân ta như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược khiến cho thiên hạ căm giận chúng đến tận xương tuỷ".

Câu 5 (trang 25 SGK Ngữ văn 6 tập 1): Sau khi hoàn thành quá trình soạn bài Sự tích Hồ Gươm, em nhận thấy câu chuyện này thể hiện những đặc điểm gì của thể loại truyền thuyết?

Gợi ý trả lời:

Những yếu tố trong truyện Sự tích Hồ Gươm mà em cho rằng thể hiện được nét đặc trưng của truyền thuyết gồm:

  • Là tác phẩm lưu truyền trong dân gian.
  • Nội dung đề cập đến nhân vật, sự kiện lịch sử: Lê Lợi, khởi nghĩa Lam Sơn, quân Minh, Hồ Gươm.
  • Chứa đựng yếu tố kỳ ảo, hoang đường: Đức Long Quân, Rùa vàng, gươm thần.
  • Thể hiện tình cảm, thái độ của nhân dân đối với con người, sự vật, sự việc được đề cập đến.
Lê Lợi hoàn trả gươm thần cho Rùa vàng lý giải nguồn gốc tên gọi Hồ Gươm
Lê Lợi hoàn trả gươm thần cho Rùa vàng lý giải nguồn gốc tên gọi Hồ Gươm

Bài tập liên hệ

Câu 1: Em hãy phân tích nguyên nhân Long Quân không tặng luôn thanh gươm cho Lê Lợi mà chỉ cho ông mượn. Việc đòi lại gươm thần của Ngài sau khi dẹp tan quân thù có ý nghĩa gì?

Gợi ý trả lời:

Khi hòa bình lập lại, Long quân đòi lại gươm thần ý đang nhắc nhở Lê Lợi vào thời chiến thì dùng vũ khí đánh giặc và thời bình thì chăn dân trị nước. Nếu Lê Lợi chỉ biết ỷ vào sức mạnh để đàn áp thì không được lòng dân, khiến nhân dân lầm than. Đây là một bài học hay không chỉ nhắc nhở Lê Lợi mà còn cho tất cả vua chúa thời xưa về việc dùng binh, trị quốc. Chính vì vậy, ông chỉ cho Lê Lợi mượn để trợ giúp chính nghĩa khi cần.

Câu 2: Sự tham gia của Long Quân vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi có ý nghĩa gì? Sau khi soạn bài Sự tích Hồ Gươm chi tiết, em hãy phân tích qua về nhân vật này?

Gợi ý trả lời:

Đức Long Quân như là biểu tượng cho sự hiện diện của ông bà, tổ tiên ta. Điều này ý chỉ trong hành trình cứu nước, quân dân ta luôn được sự trợ giúp của thần linh và người đã khuất. Điều này cũng khẳng định tính chính nghĩa, tất thắng cũng như tinh thần tương thân tương trợ của dân tộc ta.

Câu 3: Em hãy viết đoạn mở bài ngắn gọn cho đề bài: “ Phân tích truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm”.

Gợi ý trả lời:

Đến thăm thủ đô Hà Nội, chúng ta chắc chắn không thể không ghé lại tham quan Hồ Gươm xinh đẹp. Địa điểm này gắn với nhiều sự kiện lịch sử với cảnh vật nhuốm màu thời gian. Mặt hồ trong xanh như một tấm gương ngọc bình yên giữa lòng thành phố đã khơi gợi người dân nơi đây nhớ đến truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm.

Câu 4: Em hãy viết đoạn kết bài ngắn gọn cho đề bài: “ Phân tích truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm”.

Gợi ý trả lời:

Thông qua truyền thuyết Sự tích Hồ Gươm, chúng ta đã hiểu được nguồn gốc tên gọi của Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm). Bên cạnh đó, câu chuyện còn phản ánh tư tưởng yêu nước, khát vọng tự do, hạnh phúc cũng như tinh thần đoàn kết đã trở thành truyền thống của dân tộc Việt Nam bao đời qua.

Sự tích Hồ Gươm là một truyền thuyết rất có ý nghĩa lịch sử đồng thời mang tính giáo dục về lòng yêu nước sâu sắc. Thông qua quá trình soạn bài Sự tích Hồ Gươm, chắc hẳn các bạn học sinh đã tự tin hơn trong việc nắm bắt nội dung tác phẩm cũng như trả lời các câu hỏi, bài tập liên quan.