Tìm hiểu chung về tác phẩm Lời của cây
Để hoạt động soạn bài Lời của cây trở nên đơn giản và bám sát nội dung nhất, điều đầu tiên học sinh cần lưu ý chính là các thông tin khái quát về tác giả và tác phẩm.
Tác giả
Tác giả Trần Hữu Thung sinh năm 1923 mất năm 1999, ông là một trong những danh sĩ văn học nổi tiếng để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử văn học Việt Nam. Ông sinh ra tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Những tác phẩm mà Trần Hữu Thung để lại đã đi vào lòng người đọc và trở thành biểu tượng của văn học Việt Nam. Ông có một số tác phẩm nổi bật như "Việt Nam ly khúc" (1944), "Thăm lúa" (1950), "Dặn con" (1955), và "Ngày thu ấy: Khúc ca Cách mạng tháng 8" (1957), "Tôi làm ca dao" (1959)...
Tác phẩm
Trước khi soạn bài Lời của cây, học sinh cần nắm rõ các thông tin về tác phẩm, cụ thể:
- Thể loại: Thơ bốn chữ, đây là một tác phẩm đầy tâm huyết và tình cảm trong văn học Việt Nam.
- Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm “Lời của cây” được xuất bản trong tuyển tập "Những bài thơ yêu em," được hai tác giả là Phạm Hổ và Nguyễn Nghiệp chọn lựa, được in ấn năm 2004 bởi Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
- Giá trị nội dung: Tác phẩm miêu tả quá trình hạt mầm lớn lên thành cây, cùng với đó là mong muốn cây non sau này sẽ góp đất làm cho xanh trời.
- Giá trị nghệ thuật: Tác phẩm sử dụng những từ ngữ mộc mạc, giản dị, hồn nhiên như lời ăn tiếng nói hằng ngày; sử dụng từ ngữ đặc sắc miêu tả quá trình mầm cây lớn lên. Thể thơ bốn chữ thân thuộc dễ đọc, dễ nhớ.
Tóm tắt nội dung
Trong hoạt động soạn bài Lời của cây, tóm tắt nội dung tác phẩm là phần không thể thiếu. Việc tóm tắt nội dung giúp người đọc hiểu được thông điệp mà tác phẩm truyền tải.
Bài thơ Lời của cây có thể được chia làm 2 phần:
Phần 1: “Khi đang là hạt … Bắt đầu bập bẹ”: Mô tả quá trình lớn lên của hạt mầm và chia sẻ tình cảm của con người đối với cây cối. Thông qua đó thể hiện rõ sự kỳ vọng, yêu thương của tác giả đối với thiên nhiên, cuộc sống.
Phần 2: “Rằng các bạn ơi … Góp xanh đất trời”: Lời bày tỏ của cây và mong muốn bản thân sẽ góp phần làm cho thế giới trở nên xanh hơn, đất trời tươi đẹp hơn. Thông điệp tác phẩm chính là mong muốn con người luôn cố gắng bảo vệ thiên nhiên, trồng rừng vì một thế giới xanh.
Hướng dẫn soạn bài Lời của cây - Chân trời sáng tạo
Hướng dẫn trả lời chi tiết các câu hỏi soạn bài Lời của cây giúp học sinh hiểu rõ hơn về tác phẩm. Bên cạnh đó, hoạt động soạn bài Lời của cây trước khi học là phương pháp chinh phục môn ngữ văn được nhiều học sinh áp dụng hiện nay.
Soạn bài Lời của cây phần chuẩn bị đọc
Câu hỏi: Em đã bao giờ quan sát quá trình lớn lên của một cái cây, một bông hoa hay một con vật chưa? Điều đó gợi cho em suy nghĩ hoặc cảm xúc gì? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 trang 13).
Em đã từng quan sát một cái cây, một bông hoa hay một con vật đang trong quá trình lớn lên.
Khi quan sát quá trình ấy, trong em gợi lên nhiều suy nghĩ và cảm xúc đặc biệt:
- Em thấy háo hức, mong chờ và thích thú.
- Mong muốn có thể tự tay chăm sóc, nuôi trồng nó.
- Lòng đầy xao xuyến, xúc động trước sự diệu kỳ của thiên nhiên.
- Từ ấy trong em tình yêu thiên nhiên ngày càng trào dâng và khao khát có thể bảo vệ được thiên nhiên.
Soạn bài Lời của cây phần trải nghiệm văn bản
a. Tưởng tượng: Em hình dung thế nào về hiện tượng nảy mầm qua hình ảnh “nhú lên giọt sữa”? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 trang 13)
- Qua hình ảnh “nhú giọt sữa lên”, ta dễ dàng hình dung về một mầm non đang từ từ lớn lên, nhô ra khỏi mặt đất. Mầm lá đầu tiên nhú lên khỏi mặt đất được ví như giọt sữa khiến ta hình dung đến hình dáng ngộ nghĩnh, sự non nớt. Hơn thế nó còn gợi ra sự thân thuộc, gần gũi của những hạt mầm nhỏ bé.
- Hiện tượng nảy mầm “nhú giọt sữa lên” qua cái nhìn của trẻ thơ bỗng trở nên ngộ nghĩnh lạ thường và vô cùng đáng yêu.
b. Theo dõi: Chú ý những động từ miêu tả quá trình lớn lên của hạt mầm ở các khổ thơ 2, 3 và 4? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 trang 13)
Quá trình lớn lên của hạt mầm ở các khổ thơ 2,3 và 4 được miêu tả qua những động từ sau: “nằm (lặng thinh)”, “nảy (mầm)”, “nhú (lên giọt sữa)”, “thì thầm”, “mầm mở (mắt)”, “đón (tia nắng hồng)”, “nở (vài lá bé)”
Điều này gợi ra quá trình lớn lên của hạt mầm vô cùng độc đáo và thú vị; đó là một quá trình tự nhiên vô thức, đầy sự háo hức, thiêng liêng.
Soạn bài Lời của cây phần suy ngẫm và phản hồi
Từ nội dung các câu hỏi soạn văn lớp 7 bài lời của cây, học sinh xác định nội dung chính của bài thơ.
Bài thơ “Lời của cây” đã ghi lại một cách sinh động quá trình hạt phát triển thành cây, thể hiện tình cảm, cảm xúc nâng niu, trân trọng mà nhà thơ Trần Hữu Thung dành cho mầm xanh thiên nhiên. Qua đó gửi gắm bức thông điệp đến người đọc: Hãy biết trân trọng, nâng niu sự sống của cây, bởi chính sự sống ấy đã làm nên một phần cuộc sống tươi đẹp, đáng yêu hơn.
Câu 1. Năm khổ thơ đầu là lời của ai? Khổ thơ cuối là lời của ai? Dựa vào đâu để khẳng định như vậy? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 trang 14)
- Năm khổ thơ đầu là lời của nhân vật trữ tình (hay tác giả Trần Hữu Thung). Khẳng định như vậy là bởi đây chính là lời của tác giả kể về sự sinh trưởng của mầm cây.
- Khổ thơ cuối là lời của cây (hay mầm cây). Khẳng định dựa vào “Rằng các bạn ơi”, “cây chính là tôi”.
Câu 2. Tìm một số hình ảnh, từ ngữ đặc sắc mà tác giả đã sử dụng trong bài thơ để miêu tả quá trình từ hạt thành cây và thể hiện quá trình đó bằng sơ đồ. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 trang 14)
- Tác giả đã sử dụng những từ ngữ, hình ảnh miêu tả quá trình từ hạt thành cây: Nằm lặng thinh (rồi nảy mầm), nhú lên giọt sữa, sau đó thì thầm, mầm mở mắt, đón tia nắng hồng, nở vài lá bé.
- Sơ đồ quá trình từ hạt trở thành cây: Hạt lặng thinh -> Nhú lên giọt sữa -> Mầm mở mắt -> Cây đã thành.
Câu 3. Theo em, những dòng thơ như “Ghé tai nghe rõ”, “Nghe mầm mở mắt” thể hiện mối quan hệ như thế nào giữa hạt mầm và nhân vật đang “ghé tai nghe rõ”? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 trang 14)
Câu thơ "Ghé tai nghe rõ" cho thấy tác giả đang chăm sóc và lắng nghe mầm cây một cách tận tâm. Câu thơ “nghe mầm mở mắt”, thể hiện mối quan hệ gần gũi, thân thiết giữa nhân vật (tác giả) và hạt mầm. Bên cạnh đó còn thể hiện sự gần gũi, thân mật giữa tác giả và mầm cây. Tác giả tập trung lắng nghe, quan sát và chia sẻ tình cảm với mầm cây giống như với một người bạn đồng hành.
Câu 4. Tìm những hình ảnh, từ ngữ thể hiện tình cảm, cảm xúc mà tác giả dành cho nhưng mầm cây. Hãy cho biết đó là tình cảm gì? (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 trang 14)
Những hình ảnh, từ ngữ thể hiện tình cảm, cảm xúc mà tác giả dành cho những mầm cây: “..Hạt nằm lặng thinh”, “..Ghé tai nghe rõ”, “Nghe bàn tay vỗ..”, “..Nghe tiếng ru hời”, “..Nghe mầm mở mắt”
Đó là tình cảm: trân trọng, nâng niu và yêu mến.
Câu 5. Xác định các biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong văn bản. Phân tích tác dụng của chúng. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 trang 14)
Các biện pháp tu từ được sử dụng chủ yếu trong văn bản: Nhân hóa “nằm lặng thinh”, “ghé tai nghe rõ”... ,điệp ngữ “nghe”.
Tác dụng: Tạo sự gần gũi với con người, những hành động giống như con người. Đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó, giao cảm giữa mầm cây với con người. Làm cho câu thơ thêm gợi hình, biểu cảm hơn.
Câu 6. Nhận xét về cách gieo vần, ngắt nhịp trong bài thơ trên và cho biết vần và nhịp đã có tác dụng như thế nào trong việc thể hiện “lời của cây”. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 trang 14)
- Cách gieo vần trong bài thơ cụ thể như sau: Gieo vần chân: mình - thinh, mầm - thầm, giông - hồng, thành - xanh, ơi - lớn.
- Cách ngắt nhịp 2/2.
- Cách gieo vần, ngắt nhịp trong bài thơ trên thể hiện giọng điệu nhẹ nhàng, tâm tình như đang trò chuyện với mầm cây.
Câu 7. Xác định chủ đề và thông điệp mà văn bản muốn gửi đến người đọc.(SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 trang 14)
Qua các nội dung soạn bài Lời của cây nói trên, học sinh có thể xác định được chủ đề và thông điệp tác giả gửi gắm trong tác phẩm:
- Chủ đề: Sự trân trọng đối với mầm xanh, cây cối.
- Thông điệp: Con người cần phải biết lắng nghe để thấu hiểu và hãy học cách trân trọng những mầm xanh của sự sống.
Câu 8. Hãy tưởng tượng mình là một cái cây, một bông hoa hoặc là một con vật cưng trong nhà và viết khoảng năm câu thể hiện cảm xúc khi mình hóa thân. (SGK Ngữ văn lớp 7 Tập 1 trang 14)
Em là hoa phượng, là loài hoa của tuổi học trò. Vào những ngày hè, cây phượng sẽ ra hoa kết trái, hoa phượng nở đỏ rực rỡ khắp sân trường. Hoa mọc thành từng chùm, khi nở sẽ xòe ra như bướm, những cánh hoa duyên dáng đỏ rực một góc trời. Nhìn hoa phượng nở giống như một bức thảm hoa sinh động và đẹp mắt. Chính điều tươi đẹp ấy đã khiến hoa phượng trở thành một mảnh tâm hồn của tuổi thơ em.
Bài tập liên hệ
Từ bài thơ “Lời của cây“, thông điệp mà tác giả Trần Hữu Thung muốn gửi gắm đến người đọc là con người cần phải biết lắng nghe để thấu thấu hiểu. Nêu ý nghĩa của em về sự lắng nghe trong cuộc sống.
Hướng dẫn trả lời:
Mở bài
- Tham khảo thông tin soạn bài Lời của cây để giới thiệu tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận trong bài.
Thân bài
Luận điểm 1: Giải thích lắng nghe là gì?
Lắng nghe là quá trình tập trung tiếp nhận thông tin từ âm thanh một cách chủ động có chọn lọc, đi kèm với đó là phân tích thông tin và đưa ra phản hồi thích hợp với những gì họ tiếp nhận.
Luận điểm 2: Nêu vai trò, mục đích của lắng nghe
Vai trò:
- Lắng nghe giúp nâng cao kỹ năng giao tiếp đối với những người xung quanh, xây dựng và phát triển các mối quan hệ.
- Lắng nghe giúp ta học hỏi thêm kinh nghiệm, sẽ thấu hiểu tâm tư tình cảm, tính cách, sở thích, thói quen của những người xung quanh.
- Lắng nghe giúp con người hiểu nhau hơn, để có thể thân thiết, gắn bó và tin tưởng hơn.
Mục đích: thu thập được thông tin hữu ích, nắm bắt được nội dung vấn đề, đánh giá nội dung thông tin đúng đắn và tương tác qua lại trong quá trình diễn đạt.
Luận điểm 3: Phân tích ý nghĩa của sự lắng nghe trong cuộc sống
- Lắng nghe nghĩa là yêu thương chia sẻ, tạo ra sự liên kết cảm xúc, tạo thiện cảm với đối phương.
- Lắng nghe giúp chia sẻ cảm thông với người khác, đồng thời có thể hiểu đối phương hơn khiến cuộc sống tốt đẹp hơn.
- Thể hiện sự tôn trọng của mình với người khác, tôn trọng câu chuyện của họ.
- Hơn thế lắng nghe giúp ta giải quyết xung đột hiệu quả hơn.
Luận điểm 4: Đưa ra các dẫn chứng cụ thể về sự lắng nghe
Lấy dẫn chứng từ đời sống thực tế hàng ngày, trên sách báo...
Bài học nhận thức và hành động
Phản đề: Trong cuộc sống, vẫn còn nhiều người thờ ơ, vô cảm trước tiếng kêu cứu của cuộc sống... những người này đáng bị xã hội phê phán, chỉ trích sâu sắc. Vẫn còn những kẻ độc đoán, bảo thủ không chấp nhận những ý kiến mới mẻ, do vậy dần tụt hậu so với xã hội.
Bài học nhận thức: Sự lắng nghe trong cuộc sống có vai trò rất quan trọng. Hãy biết lắng nghe và thấu hiểu bởi đó là điều quan trọng để hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân, từ đó tạo nên những giá trị to lớn cho cộng đồng.
Bài học hành động:
- Luôn lắng nghe và học hỏi từ mọi người xung quanh để nâng cao vốn tri thức, hoàn thiện bản thân.
- Tự rèn luyện kỹ năng, trau dồi nhân cách…
Kết bài
- Khái quát, khẳng định lại vai trò ý nghĩa của sự lắng nghe trong cuộc sống.
- Rút ra bài học cho bản thân.
Soạn bài Lời của cây của tác giả Trần Hữu Thung phần nào giúp ta hiểu được tâm hồn yêu thiên nhiên, muốn góp mình cho cuộc sống thêm xanh của tác giả. Bên cạnh đó, thông qua soạn bài Lời của cây giúp học sinh dễ dàng nắm vững các kiến thức cần nhớ của bài học này, từ đó giảm bớt áp lực học đối với môn ngữ văn.