Tìm hiểu chung về bài thơ “Lá đỏ”
Trong chương trình Ngữ văn lớp 8, chúng ta đã được học rất nhiều bài thơ hay và một trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc nhất chính là "Lá đỏ" của Nguyễn Đình Thi. Bài thơ là một tác phẩm văn học quý giá giúp chúng ta hiểu hơn về lịch sử của dân tộc và vẻ đẹp của những con người Việt Nam.
Trước khi đi vào bài soạn chi tiết, cùng tìm hiểu sơ lược các thông tin về tác giả và tác phẩm “Lá đỏ”.
Tác giả
Nguyễn Đình Thi (1924-2003), sinh tại Luông Pha Băng, Lào, là một nghệ sĩ đa tài, đồng thời cùng là một nhà cách mạng xuất sắc của Việt Nam. Ông tham gia kháng chiến, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Đảng và có những đóng góp đáng trân trọng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, thơ ca, tiểu thuyết, kịch, phê bình văn học.
Thơ của ông tự do, phóng khoáng nhưng vẫn sâu lắng, hàm súc, với nhiều tìm tòi theo hướng hiện đại. Các tác phẩm văn xuôi của Nguyễn Đình Thi phản ánh chân thực, kịp thời cuộc chiến đấu anh dũng của dân tộc Việt Nam qua các cuộc kháng chiến.
Một số tác phẩm nổi bật của ông gồm có các tập thơ như "Người chiến sĩ" (1958), "Dòng sông trong xanh" (1974); các tiểu thuyết "Vỡ bờ", "Xung kích"; tiểu luận phê bình "Nhận đường" và hàng loạt vở kịch ấn tượng như "Con nai đen" (1961), "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" (1979), "Người đàn bà hóa đá" (1980).
Tác phẩm
Thời gian sáng tác: Bài thơ được viết vào tháng 12 năm 1974, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam bước vào giai đoạn quyết định, toàn quân - dân đang dồn sức cho chiến dịch mùa xuân năm 1975.
Thể loại: Thơ tự do
Bố cục: Gồm 2 phần
- Phần 1: Từ đầu đến “Những buổi ngày xưa vọng nói về”: Khắc họa mùa thu đất nước trong ký ức của nhà thơ.
- Phần 2: Còn lại: Miêu tả hình ảnh đất nước trong thời kỳ kháng chiến với sự đau thương nhưng đầy anh hùng và tình nghĩa.
Giá trị nghệ thuật: Với phương thức biểu cảm chủ đạo, bài thơ khéo léo sử dụng hình ảnh lá đỏ, cô gái tiền phương và đoàn quân để khái quát vẻ đẹp của đất nước cũng như con người Việt Nam.
Giá trị nghệ thuật:
- Thể thơ: Tự do, với nhiều dòng 6 và 7 tiếng.
- Nhịp điệu: Không theo quy tắc cố định, mang tính dồn dập và chắc chắn.
- Vần thơ: Hai khổ đầu gieo vần chân, hai khổ cuối không có vần.
- Yếu tố nghệ thuật chính: Hình ảnh, nhịp điệu và ngôn ngữ thơ. Bài thơ sử dụng hình ảnh cụ thể và ngôn ngữ chân thực để phản ánh cuộc sống chiến trường và khắc họa tính cách nhân vật.
Tóm tắt nội dung
Bài thơ "Lá đỏ" khắc họa hình ảnh sống động của lá đỏ, cô gái ở tiền phương và đoàn quân. Những hình ảnh này gợi tả vẻ đẹp của đất nước và con người Việt Nam, đồng thời tôn vinh những đóng góp của cá nhân trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.
Hướng dẫn soạn bài Lá đỏ dễ hiểu nhất - Sách kết nối tri thức
Bài thơ “Lá đỏ” nằm trong sách Ngữ văn 8, Kết nối tri thức, tập 2. Dưới đây là hướng dẫn soạn văn 8 Lá đỏ chi tiết, giúp bạn tiếp cận nội dung và ý nghĩa bài thơ một cách hiệu quả.
Soạn bài Lá đỏ - Trước khi đọc
Câu 1 (trang 40 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)
Hãy tái hiện (kẻ, vẽ...) một hình ảnh để lại ấn tượng sâu sắc về chiến trường Trường Sơn trong những năm chiến tranh mà em biết đã được biết qua phim ảnh, sách báo hoặc qua bài học lịch sử.
Gợi ý trả lời:
Hình ảnh để lại ấn tượng mà em biết: những chiếc xe không có kính, những chiếc võng của người lính, đường mòn…
Câu 2 (trang 42 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)
Bài thơ Lá đỏ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Nghe bài hát đó và nêu ấn tượng của em.
Gợi ý trả lời:
Bài thơ "Lá đỏ" của Nguyễn Đình Thi, sau khi được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc thành ca khúc cùng tên, đã mang lại cho em cảm giác sâu lắng và xúc động. Giai điệu bài hát vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng, làm nổi bật hình ảnh đất nước và những con người dũng cảm, kiên cường trong cuộc kháng chiến. Những hình ảnh như lá đỏ, cô gái tiền phương và đoàn quân được truyền tải qua âm nhạc càng thêm sống động, giàu cảm xúc, để lại ấn tượng sâu sắc về sự hy sinh và vẻ đẹp của quê hương, con người Việt Nam.
Soạn bài Lá đỏ - Sau khi đọc
Câu 1 (trang 42 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)
Khi soạn bài Lá đỏ, hãy xác định những đặc điểm của thể thơ tự do được thể hiện trong bài thơ.
Gợi ý trả lời:
- Số lượng tiếng trong mỗi dòng thơ thay đổi linh hoạt, có dòng 6 tiếng, cũng có dòng 7 tiếng.
- Số dòng trong mỗi khổ thơ không cố định, không có giới hạn cụ thể.
- Vần thơ: trong hai khổ đầu, vần được gieo ở cuối dòng (gió - đỏ, hương - trường), trong khi hai khổ sau không theo vần.
- Nhịp điệu thơ không tuân thủ quy tắc cố định, có dòng 2/2/2, dòng 4/3 và cả dòng 3/4.
Câu 2 (trang 42 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)
Bài thơ thể hiện cảm xúc trước một cuộc hội ngộ rồi chia ly trong niềm tin gặp lại. Soạn bài Lá đỏ và cho biết ai là người bộc lộ cảm xúc, đó là cuộc gặp giữa ai với ai.
Gợi ý trả lời:
Người thể hiện cảm xúc là một người lính đang trên đường hành quân thần tốc vào chiến trường, chuẩn bị cho chiến dịch mùa xuân năm 1975.
Cuộc gặp gỡ giữa người lính và một cô gái thanh niên xung phong đang thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Cô gái này là một trong hàng vạn phụ nữ đã tham gia vào cuộc kháng chiến toàn dân, sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ vì Tổ quốc.
Câu 3 (trang 42 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không gian như thế nào? Không gian đó giúp em hiểu thêm gì về bối cảnh lịch sử, về những con đường hành quân ra trận những năm chiến tranh?
Gợi ý trả lời:
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong không gian rừng Trường Sơn rộng lớn với “lộng gió”, “lá đỏ ào ào” và “bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”. Những hình ảnh này khắc họa khung cảnh rừng Trường Sơn rộng rãi, đầy sức sống, tạo nên ấn tượng vừa lãng mạn vừa hùng tráng với vẻ đẹp độc đáo của rừng lá đỏ và những trận lá rơi xào xạc trong gió mạnh trên những đỉnh núi cao giữa mùa thu của đại ngàn Trường Sơn, lửa bụi chiến tranh che mờ bầu trời.
Câu 4 (trang 42 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)
Sau khi soạn bài Lá đỏ, hãy nêu cảm nhận của em về hình ảnh đoàn quân trên đường ra tiền tuyến trong bài thơ. Em từng đọc những câu thơ nào khác cũng miêu tả hình ảnh đoàn quân ra trận.
Gợi ý trả lời:
Hình ảnh đoàn quân tiến về tiền tuyến gợi lên bầu không khí hào hùng, thần tốc trong khung cảnh “bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”. Từ láy “vội vã” nhấn mạnh tinh thần khẩn trương, tranh thủ từng khoảnh khắc để kịp tham gia trận chiến cuối cùng, dù cho phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, hiểm nguy. Hình ảnh đoàn quân tượng trưng cho ý chí, tinh thần, khát vọng về độc lập, tự do và chiến thắng của dân tộc.
Các câu thơ khác cũng miêu tả đoàn quân trong tác phẩm "Việt Bắc" của Tố Hữu:
“Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”
Câu 5 (trang 42 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)
Nhận xét các chi tiết miêu tả hình ảnh “em gái tiền phương” trong bài thơ.
Gợi ý trả lời:
Qua việc soạn bài Lá đỏ, ta thấy rõ hình ảnh “em gái tiền phương” được ví như biểu tượng của quê hương, đất nước, qua cách so sánh “như quê hương”.
“Em gái tiền phương” đại diện cho một cô gái thanh niên xung phong, trở thành biểu tượng cho cuộc kháng chiến của dân tộc và khát vọng độc lập, hòa bình của đất nước.
Câu 6 (trang 42 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)
Xác định mạch cảm xúc của bài thơ. Mạch cảm xúc đó liên quan như thế nào đến hình ảnh lá đỏ, rừng lá đỏ trong bài thơ?
Gợi ý trả lời:
Mạch cảm xúc chính là tình yêu quê hương, đất nước.
Mạch cảm xúc này liên kết với hình ảnh mỗi chiếc lá gợi nhớ đến từng cá nhân, trong khi cả rừng lá đỏ ào ào tạo nên hình ảnh hào hùng của toàn dân tộc. Việc nhấn mạnh hình ảnh lá đỏ giúp tôn vinh vai trò và đóng góp quan trọng của mỗi cá nhân vào chiến thắng của đất nước.
Câu 7 (trang 42 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)
Sau khi hoàn thành việc soạn bài Lá đỏ, em hãy cho biết cảm hứng chủ đạo trong bài thơ là gì?
Gợi ý trả lời:
Cảm hứng chính của bài thơ "Lá đỏ" là ca ngợi tình yêu tổ quốc và tôn vinh những đóng góp vĩ đại của những anh hùng vô danh. Những cống hiến của họ đã góp phần xây dựng sức mạnh dân tộc, là tiền đề dẫn đến chiến thắng trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Câu 8 (trang 42 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)
Có ý kiến cho rằng bài thơ thể hiện niềm tin và hy vọng về thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến. Em có tán thành với ý kiến đó không? Vì sao?
Gợi ý trả lời:
Em tán thành với ý kiến đó. Sau khi soạn bài Lá đỏ, em biết được bài thơ thể hiện niềm tin, hy vọng vào chiến thắng tất yếu của cuộc kháng chiến thông qua câu thơ “Chào em em gái tiền phương/Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn”. Câu thơ này không chỉ thể hiện sự lạc quan, tin tưởng vào thành công của cuộc kháng chiến mà còn khẳng định niềm tin vào ngày chiến thắng sẽ đến, khi toàn dân có thể đoàn tụ và hưởng thành quả từ những nỗ lực, hy sinh trong suốt thời gian kháng chiến.
Soạn bài Lá đỏ - Viết kết nối với đọc (trang 42 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)
Viết đoạn văn (khoảng 7 - 9 câu) trình bày suy nghĩ của em về hình ảnh “em gái tiền phương” trong bài thơ.
Gợi ý trả lời:
Khi đọc bài thơ "Lá đỏ" của Nguyễn Đình Thi, hình ảnh “em gái tiền phương” đã để lại ấn tượng sâu sắc với em. Hình ảnh này ám chỉ cô gái thanh niên xung phong đang thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Cuộc gặp gỡ giữa người lính và cô gái thanh niên xung phong được miêu tả một cách gần gũi nhưng cũng đầy sự tôn trọng qua các câu thơ như: “Em đứng bên đường như quê hương” và “Vai áo bạc quàng súng trường”. Những câu thơ này không chỉ tạo ra cảm giác thân thiết, giản dị mà còn thể hiện sự dũng cảm, kiên cường của các cô gái khi thực hiện nhiệm vụ. Hình ảnh “em gái tiền phương” được so sánh với “quê hương” đã trở thành biểu tượng cho đất nước và cuộc kháng chiến nhân dân, đồng thời phản ánh khát vọng về tự do, hòa bình của dân tộc.
Bài tập liên hệ
Để nâng cao khả năng áp dụng và hiểu sâu hơn về bài thơ "Lá đỏ", chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các bài tập nâng cao liên quan đến bài thơ này. Bài tập liên hệ sẽ hỗ trợ học sinh trong quá trình soạn bài Lá đỏ, giúp kết nối các nội dung trong tác phẩm với các tình huống thực tế, nâng cao tư duy văn học của bạn.
Câu 1
Từ việc soạn bài Lá đỏ, em hãy nêu cảm nhận về sức gợi của hình ảnh “Rừng lạ ào ào lá đỏ” và “Bụi Trường Sơn nhoà trời ta”.
Gợi ý trả lời:
Hình ảnh “Rừng lạ ào ào lá đỏ” và “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” tạo ra sức gợi tả mạnh mẽ cho không gian cuộc gặp gỡ giữa anh lính Trường Sơn với cô gái thanh niên xung phong. Những hình ảnh này khắc họa một không gian núi rừng vừa hiện thực vừa lãng mạn. “Rừng lạ ào ào lá đỏ” gợi lên vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của mùa thu đại ngàn, với lá rừng rụng đỏ rực, trong khi “Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa” lại thể hiện sự hào hùng, dữ dội của chiến tranh, khi lửa và bụi chiến trường làm mờ bầu trời. Sự kết hợp giữa các yếu tố lãng mạn, hào hùng này làm nổi bật bối cảnh cuộc gặp gỡ, tạo nên một bức tranh sinh động, đầy cảm xúc.
Câu 2
Viết đoạn văn phân tích bài thơ “Lá đỏ”
Để viết bài phân tích “Lá đỏ” hay, đạt điểm cao, bạn có thể tham khảo Mẫu bài phân tích bài thơ Lá đỏ hay, đầy đủ nội dung nhất
Bài thơ "Lá đỏ" không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là một bức tranh sinh động về cuộc sống, con người và chiến tranh. Qua việc phân tích nội dung, giá trị nghệ thuật và áp dụng các bài tập liên hệ, bạn có thể nắm bắt được sâu sắc hơn ý nghĩa của bài thơ. Việc soạn bài Lá đỏ vừa giúp bạn hiểu rõ về những cảm xúc mà Nguyễn Đình Thi muốn truyền tải vừa tạo nền tảng vững chắc để bạn có thể áp dụng những kiến thức này vào các tác phẩm khác trong chương trình học.