Giới thiệu về nhà văn Đoàn Giỏi
Đoàn Giỏi là một trong những tên tuổi lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam với vai trò nhà văn kiêm nhà hoạt động xã hội, nổi bật với nhiều sáng tác xoay quanh con người ở miền Nam Bộ bình dị, chất phác.
Tiểu sử nhà văn Đoàn Giỏi (17/5/1925 – 2/4/1989)
Đoàn Giỏi là ai? Nhà văn Đoàn Giỏi có tên thật là Đoàn Văn Hoà. Ông là con thứ trong một gia đình khá giả, sinh năm 1925 tại làng Tân Hiệp, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Mặc dù có xuất thân giàu sang nhưng Đoàn Giỏi vẫn tự định hướng con đường của riêng mình khi sẵn sàng lên Sài Gòn học ngành hội họa tại trường Mỹ Thuật Gia Định. Tuy nhiên, thời gian học của ông chỉ kéo dài được một năm từ 1939 - 1940 do gia đình ngăn cản. Cuối cùng, Đoàn Giỏi vẫn không theo sắp đặt của gia đình, ông quyết tâm theo đuổi sự nghiệp sáng tác văn chương.
Cuộc đời
Suốt cuộc đời của mình, Đoàn Giỏi đã dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho sự nghiệp văn chương và cách mạng Việt Nam. Đối với văn học nước nhà, tác phẩm của ông đa phần đều hướng tới con người và mảnh đất Nam Bộ, làm nổi bật vẻ đẹp của vùng đất chất phác, sâu nặng nghĩa tình. Bên cạnh đó, ở khía cạnh chính trị - cách mạng, ông cũng từng giữ nhiều vai trò chủ chốt như Công an xã, phụ trách 10 xã của huyện Châu Thành (1947), giữ chức Trưởng trinh sát công an huyện (1948)…
Sự nghiệp
Đoàn Giỏi bắt đầu sự nghiệp văn chương của mình vào năm 1940, sau khi theo học tại trường Mỹ thuật Gia Định. Là một người con yêu nước, ông đã tạm dừng công việc sáng tác của mình để tham gia Cách mạng. Trong khoảng thời gian này, ông từng giữ chức Phó Ty Tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho (1949), Phó Ty Thông tin tỉnh Rạch Giá (1950), Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam,…
Đến khi chiến thắng Điện Biên Phủ thành công (1954), nhà văn Đoàn Giỏi được tập kết ra Bắc và chuyển sang làm biên tập tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Các tác phẩm của Đoàn Giỏi cũng nhận được nhiều sự yêu mến, đưa tên tuổi của ông trở thành một trong những cây viết xuất sắc nhất thời bấy giờ.
Dấu ấn trong văn học
Nhà văn Đoàn Giỏi sở hữu kho tàng các tác phẩm đồ sộ với đề tài phong phú ở nhiều thể loại khác nhau. Trong đó, tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” là áng văn đặc sắc, để lại nhiều giá trị và được đông đảo độc giả cũng như các nhà phê bình dành lời khen ngợi. Thậm chí, nhà thơ Tế Hanh cũng đã từng nói với các nhà văn quốc tế rằng, Đất rừng phương Nam như truyện Robinson của Việt Nam, là những trang vàng huyền thoại và đầy hấp dẫn.
Giải thưởng đạt được
Với những công hiến cho văn học, nhà văn Đoàn Giỏi được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật vào năm 2001. Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh còn lấy tên ông để đặt cho một phố thuộc quận Tân Phú.
Phong cách sáng tác của tác giả
Lối kể chuyện tự nhiên, giản dị, đậm chất Nam bộ đặc trưng của Đoàn Giỏi đã thành công dẫn dắt độc giả từ hành trình thú vị này đến thú vị khác. Mỗi tác phẩm ông đều gửi gắm cảm xúc yêu thương, nâng niu trìu mến qua từng câu chữ rất đỗi đời thường.
Các tác phẩm của Đoàn Giỏi
Tìm hiểu tác giả Đoàn Giỏi cho thấy những tác phẩm của ông vô cùng thành công khi khắc họa một cách sâu sắc về thiên nhiên, cuộc sống, con người Nam Bộ, với lối kể chuyện gần gũi nhưng không kém phần hấp dẫn. Dưới đây là các tác phẩm tiêu biểu nhất của Đoàn Giỏi, được nhiều thế hệ bạn đọc yêu thích:
Nhớ cố hương - 1943
Từ nỗi nhớ quê hương của người con xa quê, Đoàn Giỏi đã gửi gắm nỗi lòng mình trong tác phẩm “Nhớ cố hương” một cách tinh tế, khéo léo.
- Hoàn cảnh sáng tác: Đây là tác phẩm đầu tay Đoàn Giỏi viết vào năm 18 tuổi. Tác phẩm đã được đăng trên số Xuân Quý Mùi của tờ Nam Kỳ do Hồ Biểu Chánh làm chủ bút - một trong những đàn anh của làng văn thời bấy giờ.
- Tóm tắt nội dung: Câu chuyện kể về một cậu bé nhà nghèo tên Kính. Cậu mồ côi cha từ sớm, hàng ngày phải đi ở đợ để kiếm tiền trả khoản nợ 6 đồng do cha để lại. Vào buổi chiều cuối năm, trong không khí rộn ràng sắm Tết, cậu bé nhớ nhà quyết định bỏ trốn vế quê dù không nhớ đường về nhà hay không có khoản tiền nào trong túi. Trong bản gốc do Đoàn Giỏi viết, nhân vật Kính đã đói khát rồi ngã gục bên đường trong nỗi nhớ về người thân. Nhưng sau này, phần kết được Hồ Biểu Chánh sửa lại cho phù hợp với không khí ngày xuân, khi Kính được một người phụ nữ giàu sang cưu mang. Chính kết cục ấy đã khiến tác phẩm thêm phần “đời” hơn và cũng làm nổi bật phẩm chất yêu thương, đùm bọc của con người Nam Bộ
Cá bống mú - 1952
“Cá bống mú” không chỉ là một tác phẩm văn học ý nghĩa mà còn là nhân chứng lịch sử phản ánh sự tàn ác của chế độ phong kiến và tôn vinh vẻ đẹp sáng ngời của người nông dân “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
- Hoàn cảnh sáng tác: “Cá bống mú” được sáng tác vào tháng 10 năm 1952 tại phân liên khu miền Tây. Đây là tác phẩm cho thấy rõ nét cuộc sống khổ cực của người dân Nam Bộ trước áp bức của bọn thực dân và địa chủ.
- Tóm tắt nội dung: Đây là một tác phẩm phản ánh cuộc sống khổ cực của người dân Nam Bộ dưới ách thống trị của thực dân và địa chủ. Đoàn Giỏi đã khắc họa nhân vật Đấu với tuổi thơ đầy đau khổ khi phải ly tán, tha hương vì bọn thống trị tàn ác. Sau đó, Đấu đã giác ngộ cách mạng và gia nhập Đảng, trở thành chiến sĩ Cộng sản, góp phần đưa cuộc chiến đấu đến thắng lợi. Tác phẩm miêu tả sinh động cuộc sống của người dân xóm Kèo Nèo, với tình làng nghĩa xóm sâu đậm, nhưng họ vẫn không thể thoát khỏi nỗi cay đắng của đói nghèo và áp bức.
Đất rừng phương Nam - 1957
“Đất rừng phương Nam” như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Ở đó, người đọc sẽ có cơ hội khám phá con người và thiên nhiên hùng vỹ từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang, sau đó dừng lại ở Năm Căn Cà Mau.
- Hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm “Đất rừng phương Nam” được Đoàn Giỏi viết trong thời gian ngắn, chỉ vỏn vẹn 1 tháng và được ra mắt cùng thời điểm Nhà xuất bản Kim Đồng thành lập. Tác phẩm gồm 20 chương, được viết theo ngôi thứ nhất dưới góc nhìn của nhân vật chính - cậu bé An.
- Tóm tắt nội dung: Đất rừng phương Nam kể về cuộc sống phiêu bạt, nay đây mai đó của cậu bé An sau khi thất lạc gia đình trong thời kì chiến tranh chống Pháp. Qua câu chuyện của An, nhà văn giới thiệu đến độc giả toàn quốc vùng đất rừng phương Nam được thiên nhiên ưu ái với những con người trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến.
- Thành tựu: Vào năm 1997, “Đất rừng phương Nam” đã được chuyển thể thành phim truyền hình lần đầu tiên. Đến nay, truyện đã được tái bản nhiều lần và dịch ra nhiều thứ tiếng như: Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha, Nga…
Một số tác phẩm nổi bật khác của nhà văn Đoàn Giỏi
Ngoài những tác phẩm kể trên, tác giả Đoàn Giỏi còn nổi tiếng với những áng văn thể hiện sâu sắc sự đồng cảm với con người và cuộc đời Nam Bộ. Dưới đây là những tác phẩm tiêu biểu khác của Đoàn Giỏi:
- Truyện kí “Trần Văn Ơn” viết về cuộc đời của của người học sinh Trần Văn Ơn khi xuống đường chống chính phủ bù nhìn của Bảo Đại và sự thống trị của thực dân Pháp.
- Truyện dài “Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày” viết về đoạn đời lừng lẫy của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng ở nhà tù Côn Đảo.
- Truyện dài “Cuộc truy tầm kho vũ khí” kể về cuộc hành trình tìm kiểm kho vũ khí trong rừng sâu của Dũng cùng đồng đội với nhiều sự hi sinh mất mát cùng các cuộc đấu trí căng thẳng.
- Truyện dài “Hoa hướng dương” khắc họa vùng đất, tâm hồn người miền Tây thời kỳ trước Cách mạng tháng 8.
- Tập truyện ngắn “Rừng đêm xào xạc” được nhiều người ví như những bước chân trải dài theo thế kỉ 20, kể về cuộc hành trình trở về quê hương của nhân vật chính sau hơn 20 năm xa cách.
Những nhận định về tác giả Đoàn Giỏi
Với một đời văn trên 40 năm, nhà văn Đoàn Giỏi để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả và cả những nhà phân tích, phê bình văn học nổi tiếng. Trong lễ kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhà văn Đoàn Giỏi (1925 - 2015), nhà thơ Hữu Thỉnh, Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận xét rằng, tác phẩm của nhà văn Đoàn Giỏi viết cho thiếu nhi mà lại làm say lòng cả người lớn. Ông là ví dụ đẹp đẽ cho câu nói: “Ai yêu tuổi thơ, người đó có cả thế giới”.
Nhà văn Chế Lan viên cũng từng nhận xét như sau: “Văn của Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống mà tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành nên trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ. Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình.”
Đến ngày nay, văn chương ông vẫn nóng hổi hơi thở đương đại với các vấn đề về môi trường, về thiên nhiên trong “Tê giác trong ngàn xanh”, “Những chuyện lạ về cá”, “Rừng đêm xào xạc”... Hay với những chất liệu điện ảnh vốn bị xem là khan hiếm ở các tác phẩm văn học trong “Cá bống mú”, yếu tố phiêu lưu trong “Cuộc truy tầm kho vũ khí”, với bút pháp xây dựng chân dung nhân vật điêu luyện trong “Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày”.
Tầm ảnh hưởng của Đoàn Giỏi đến thế hệ sau
Theo thời gian, những tác phẩm của Đoàn Giỏi vẫn vẹn nguyên giá trị và sống mãi trong lòng độc giả. Đến nay, tác phẩm của ông vẫn tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ sau, ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của văn học Việt Nam cả trong hai cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc lẫn ở thời kỳ đổi mới, xây dựng và kiến thiết đất nước.
Bên cạnh đó, tìm hiểu về nhà văn Đoàn Giỏi cho thấy ông không chỉ gắn liền với con người Nam bộ mà còn được nhắc đến với biệt danh “Nhà văn viết cho thiếu nhi” với lối viết sinh động, giàu trí tưởng tượng. Chính nhờ thế giới mang tính huyền thoại, phiêu lưu và có chiều sâu mà Đoàn Giỏi tạo nên, các bạn trẻ sẽ được nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu quê hương đất nước và trân trọng ý nghĩa của hòa bình, tự do.
Theo thời gian, có thể thấy, nhà văn Đoàn Giỏi và những sáng tác của ông vẫn sống mãi trong lòng biết bao thế hệ độc giả và tiếp tục được truyền cảm hứng cho các bạn trẻ. Đoàn Giỏi xứng đáng được ghi nhận là một trong những cây đại thụ của văn học phương Nam, một người đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật và cuộc sống.