Giới thiệu tác giả và tác phẩm
Tác giả Chính Hữu (1926 - 2007) tên thật là Trần Đình Đắc, quê ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông bắt đầu sáng tác thơ từ năm 1947. Thơ của ông chỉ viết về người lính và chiến tranh. Tập thơ Đầu súng trăng treo được sáng tác năm 1966 là tác phẩm chính và tiêu biểu của ông. Những bài thơ ông viết không nhiều nhưng lại có nhiều bài đặc sắc, chứa đựng cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc, hàm súc.
Đồng chí là một trong những tác phẩm viết về người lính cách mạng của văn học thời kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954) tiêu biểu và đặc sắc nhất của Chính Hữu. được sáng tác vào đầu năm 1948 sau khi nhà thơ cùng đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc - Thu đông năm 1947.
Ý nghĩa nhan đề của bài thơ Đồng chí: Đồng nghĩa là cùng, chí là chí hướng, đồng chí là những con người có chung lý tưởng và chí hướng trong một tập thể. Tác giả Chính Hữu đã đặt tên cho bài thơ của mình là “Đồng chí” không chỉ có ý nghĩa về những con người cùng chung lý tưởng ở một đơn vị, cơ quan mà sâu sắc hơn, ông muốn viết về tình đồng đội, những con người cùng đồng cảnh ngộ, đồng cam cộng khổ, đồng sức chung lòng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu.
Tổng hợp những mẫu kết bài Đồng chí hay nhất
Tham khảo ngay những mẫu kết bài Đồng chí hay nhất giúp học sinh định hình được cả cách mở bài và phát triển nội dung ở thân bài để phân tích được toàn bộ tác phẩm.
Mẫu kết bài Đồng chí hay và ngắn gọn
Mỗi bài thơ đều đem lại cảm xúc thiêng liêng và gợi mở ra tình yêu rộng lớn hơn, trong cái lớn lao nhất của đời người. Gặp nhau trên cùng một con đường Cách mạng, tình đồng chí như được thắt chặt lại bằng sợi dây yêu thương vô hình. Bài thơ Đồng chí với ngôn từ chân thực, những hình ảnh lãng mạn cùng nụ cười ngạo nghễ của các chiến sĩ đã làm lay động biết bao trái tim con người. Tình đồng chí ấy là lẽ sống mãi với quê hương, đất nước và cả thế hệ hôm nay, ngày mai và mãi mãi về sau.
Mẫu kết bài phân tích bài thơ Đồng chí
Văn chương nghệ thuật là thể loại cần đến những con người biết nhìn hiện thực bằng cả trái tim. Chính Hữu đã đem hiện thực vào trong những trang viết của mình một cách đầy tự nhiên nhưng cũng đặt cả vào bức tranh ấy một viên ngọc sáng thuần khiết, đó là tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn thắm thiết. Để rồi khi thời gian qua đi, tác phẩm trở thành một bài ca khó phai mờ trong lòng những người từng đọc và cảm nhận.
Mẫu kết bài cảm nhận về bài thơ Đồng chí
Bằng cách sử dụng những ngôn từ, hình ảnh chân thực gợi tả và có tính khái quát cao, Chính Hữu đã cho người đọc thấy rõ hơn quá trình phát triển của một tình cảm cách mạng trong quân đội. Ở đây, tác giả đã xây dựng hình ảnh thơ từ những chi tiết thực có trong cuộc sống đời thường của người lính, không phô trương, không lãng mạn hoá, thi vị hóa mà chính những nét chân thực đó đã tạo nên thành công của tác phẩm. Bài thơ đã ghi lại ấn tượng sâu sắc và tạo ra một bước ngoặt mới trong phương pháp sáng tác, xây dựng hình tượng chiến sĩ trong thời kỳ chống Pháp.
Mẫu kết bài phân tích hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí
Bằng cách sử dụng nhiều hình ảnh sóng đôi và nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, Chính Hữu đã khắc hoạ thành công hình ảnh người chiến sĩ vừa mộc mạc, chân thực với sức khái quát cao mà mang dáng vóc của những tráng sĩ từ thuở trước. Bài thơ vừa có tính chân thực, có mơ mộng tạo cho người đọc những cảm xúc suy tư sâu sắc và đầy xúc động sâu lắng về sự quả cảm của anh bộ đội cụ Hồ.
Mẫu kết bài cảm nhận 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí
Qua bài thơ đã thể hiện được niềm tự hào về mối tình đồng chí cao cả, thiêng liêng khi cùng chung lý tưởng chiến đấu của những người binh nhì vốn có xuất thân từ những chàng trai cày giàu lòng yêu nước ra đánh trận. Các từ ngữ được sử dụng làm vị ngữ trong vần thơ như bên, sát, chung, thành đã thể hiện được sự gắn bó tha thiết của tình đồng chí tri kỷ. Cái tấm chăn mỏng mà ấm áp, tình cảm thiêng liêng đó mãi là kỷ niệm đẹp của người lính, không bao giờ quên.
Mẫu kết bài phân tích khổ thơ cuối Đồng chí
Tình cảm đồng chí, đồng đội là một trong những tình cảm thiêng liêng và đẹp đẽ nhất của người lính. Đó chính là sức mạnh giúp họ vượt qua được tất cả mọi khó khăn trở ngại, mọi thiếu thốn để chiến thắng được kẻ thù. Bài thơ đã Đồng chí, đặc biệt là ba câu kết như một lời nhắn nhủ với người đọc: “Hãy biết nâng niu và gìn giữ những tình cảm đẹp đẽ trong cuộc sống, phải biết kính trọng những người lính đã có công bảo vệ nền hòa bình, độc lập cho đất nước”.
Mẫu kết bài cảm nhận vẻ đẹp tình đồng chí trong bài Đồng chí
Với bút pháp tả thực kết hợp với cảm hứng lãng mạn, ngôn từ, hình ảnh chân thực và giàu sức gợi, bài thơ đã làm nổi bật lên vẻ đẹp của tình đồng chí trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Bài thơ đem đến cho người đọc những cảm nhận chân thực về người lính cách mạng trong những năm kháng chiến chống Pháp đó là tình cảm đồng đội gắn bó tri kỷ, tình yêu quê hương, đất nước, sẵn sàng cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy bài thơ đã trở thành biểu tượng sống mãi trong lòng người đọc.
Mẫu kết bài cảm nhận về hình ảnh “Đầu súng trăng treo”
Có thể thấy rằng “đầu súng trăng treo” dường như lan toả được thứ ánh sáng dịu nhẹ của ánh trăng xuống cánh rừng, lan vào trong lòng người lính cảm giác mát dịu và trong lành nhất. Chính Hữu đã rất thành công khi xây dựng hình ảnh “đầu súng trăng treo” ghi dấu ấn trong lòng người đọc đó là những điều đẹp đẽ và trọn vẹn nhất. Gấp lại trang sách nhưng những hình ảnh này vẫn luôn neo đậu mãi.
Mẫu kết bài Đồng chí phân tích hình ảnh “Đầu súng trăng treo”
Qua bài thơ chúng ta cần hiểu biểu tượng mà Chính Hữu xây dựng được vút lên từ chất thơ bay bổng trong hoàn cảnh chiến đấu đầy khắc nghiệt.
Suốt đêm vầng trăng từ trên cao xuống thấp dần và có lúc nhìn như đang treo trên đầu súng. Những đêm phục kích như vậy, trăng với người lính như bạn hữu. Vậy nên biểu tượng của người lính trong bài thơ không chỉ là chiến đấu mà là tình cảm của những người đồng chí, đồng lý tưởng. “Đầu súng trăng treo” là một hình ảnh thơ đẹp và độc đáo, xứng đáng để khép lại một tác phẩm thơ đầy ấn tượng của Chính Hữu.
Mẫu kết bài phân tích 7 câu thơ trong bài Đồng chí
Bài thơ nói chung và bảy câu thơ đầu nói riêng đã đánh dấu một bước ngoặt mới cho khuynh hướng sáng tác của thơ ca giai đoạn kháng chiến, đặc biệt là cách xây dựng hình tượng người chiến sĩ cách mạng, anh bộ đội cụ Hồ trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ác liệt. Qua đó thấy được xuất thân đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng ở họ luôn dành cho nhau những tình cảm gắn bó, sẻ chia và đặc biệt là tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn.
Mẫu kết bài Đồng chí sáng tạo
Thơ ca không chỉ là thể loại văn học phản ánh đời sống mà còn chứa đựng cả những mùa hoa đẹp và mơ mộng. Chính Hữu đã mang đến cho thơ ca cách mạng một giai điệu đầy mới mẻ, một bức tranh thật đẹp về người lính trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Đó là tình đồng chí, đồng đội được hình thành và phát triển ở điều kiện chiến đấu gian khổ và thiếu thốn để tạo nên phẩm chất đẹp đẽ, một trong những nguồn sức mạnh của quân đội ta. Đằng sau những suy nghĩ đẹp đẽ ấy, bài thơ còn muốn hướng người đọc về một chân lý trong thời đại ngày nay: Sức mạnh quyết định chiến thắng chứ không phải là vũ khí, là công cụ mà là con người mang trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí kiên cường và dũng cảm.
Kết bài Đồng chí hay cần đáp ứng những yếu tố nào?
Để viết được một đoạn kết bài Đồng chí hay và ấn tượng, bạn nên tập trung vào các yếu tố sau đây:
- Khái quát ý chính: Nêu được tóm tắt về các điểm chính của bài thơ như bức tượng đài về người lính trong cuộc kháng chiến, tình đồng chí tri kỷ, gắn bó với tinh thần chiến đấu và đoàn kết.
- Khắc hoạ nội dung và ý nghĩa: Tái hiện được không khí chiến tranh gian khổ, thiếu thốn và cảm xúc chủ đạo của bài thể để làm nổi bật lên tình cảm của những người lính gắn bó đẹp đẽ qua những hành động chia sẻ và đồng lòng chiến đấu.
- Liên hệ: Kết nối nội dung và ý nghĩa của bài với các giá trị rộng lớn hơn như tình yêu quê hương, đất nước từ đó mở rộng ra ý nghĩa của bài thơ với trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay cần sống và cống hiến như nào để xứng đáng với sự hy sinh và công lao to lớn của ông cha ta ngày trước.
Khi bám sát theo các ý này, đoạn kết bài Đồng chí sẽ được khép lại một cách đầy ấn tượng và trọn vẹn. Lưu ý khi làm bài, đoạn kết nên được viết một cách cô đọng và súc tích, tránh lan man, dài dòng khiến người đọc không thấy rõ được thông điệp mà bạn muốn truyền tải.
Những mẫu kết bài Đồng chí đã mở ra thêm cho học sinh nhiều hướng viết ngắn gọn và súc tích để tạo nên một đoạn phân tích hoàn chỉnh. Qua đó, bạn có thể chọn lọc ngôn từ và các ý triển khai để hoàn thành tốt bài làm của mình.