Mở bài chung của Đồng chí
Mẫu mở bài Đồng chí chung giúp học sinh có thể áp dụng trong nhiều dạng đề khác nhau. Khi viết mở bài cho tác phẩm Đồng chí của Chính Hữu, bạn cần chú ý đến một số điểm đặc biệt để đảm bảo hiệu quả và gây ấn tượng như bối cảnh lịch sử, tinh thần đồng đội, giá trị nghệ thuật và nội dung.
Mở bài Đồng chí trực tiếp
Mở bài Đồng chí trực tiếp giúp người viết tiếp cận vào trọng tâm tác phẩm, dẫn dắt nội dung chính xác, tránh lan man. Việc đi thẳng vào nội dung chính còn tiết kiệm thời gian và đảm bảo mọi thông tin quan trọng được truyền đạt nhanh chóng, hiệu quả.
Mở bài trực tiếp 1
Giữa những năm tháng chống Pháp, Chính Hữu đã đến với thi đàn, ghi lại năm tháng lịch sử của dân tộc mình một cách hào hùng vào thấm thía nhất. Hình tượng người lính đã đi vào vần thơ của ông thật đẹp, bình dị mà sáng ngời trong tác phẩm Đồng chí được sáng tác vào năm 1948. Bối cảnh của bài thơ chính là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nước nhà.
Mở bài trực tiếp 2
Trong gian lao, điều gì khiến chúng ta xích lại gần nhau, cùng chung chí hướng, lý tưởng cao đẹp hay cùng trải qua những khó khăn, thiếu thốn? Có lẽ là tất thảy những điều trên đã tạo nên mối gắn kết bền chặt, keo sơn giữa người với người. Hiểu sâu sắc về tình đồng đội, Chính Hữu đã viết nên bài thơ Đồng chí như lời ca về sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần người lính trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ.
Mở bài trực tiếp 3
Việt Bắc là một vùng núi nổi tiếng với sự hiểm trở và khắc nghiệt ở phía Bắc Việt Nam. Trên mảnh đất này, giữa tiếng bom đạn rền rĩ, tình cảm của những người đồng chí hiện lên như điểm sáng rực rỡ, tô thêm những gam màu tuyệt đẹp cho bức tranh chân thực về cuộc sống và kháng chiến của dân tộc. Những hình ảnh tuyệt đẹp ấy được khắc họa vô cùng chân thực trong tác phẩm Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu. Đây không chỉ là những dòng thơ mà còn là những lời kể về một thời kỳ lịch sử nổi bật với tinh thần yêu nước và quyết tâm bất khuất của nhân dân Việt Nam.
Mở bài Đồng chí gián tiếp
Thay vì chỉ đơn thuần giới thiệu về bài thơ, học sinh có thể áp dụng một cách mở bài gián tiếp để làm nổi bật và sâu sắc hơn nội dung của tác phẩm.
Mở bài gián tiếp 1
Trái tim người nghệ sĩ không ngừng thổn thức trước những điều đẹp đẽ, đập liên hồi vì tình yêu rạo rực với văn chương và chết đi nếu một ngày nọ họ chẳng còn được sống để viết tiếp bầu nhiệt huyết. Đọc một tác phẩm, bao giờ ta cũng bắt gặp hồn thi ca cất lên bao nỗi niềm suy tư, trăn trở và tình yêu sâu đậm còn đọng mãi với cuộc đời, với nghệ thuật, giống như cách Chính Hữu thể hiện trọn vẹn tình cảm gắn bó giữa những người lính trong tác phẩm Đồng chí của mình.
Mở bài gián tiếp 2
“Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có những con người như chân lý sinh ra.”
(Trích Hãy nhớ lấy lời tôi - Tố Hữu)
Đó là những dòng thơ đầy cảm xúc, thể hiện sự trân trọng, biết ơn mà nhà thơ Tố Hữu dành cho những người anh hùng Việt Nam. Họ là những người quyết mang thân mình vun thành hình cho đất nước, mà đến tận ngày hôm nay, chúng ta còn mãi khắc ghi. Tuy nhiên, khi nhắc về những người lính, độc giả vẫn thường nghĩ đến hình ảnh anh dũng chiến đấu của họ mà quên mất rằng, trong đời sống thường nhật, họ cũng có những phút giây khốn khó vô cùng. Hay ở họ, ta cũng thấy một tình cảm rất đẹp, đó chính là tình đồng đội. Tất cả đã được nhà thơ Chính Hữu thể hiện một cách chân thực và cảm xúc thông qua tác phẩm Đồng chí.
Mở bài gián tiếp 3
“Cuộc đời anh, cho tôi chia một nửa
Nửa giọt mồ hôi vạt áo còn đầm
Nửa dãy Trường Sơn thác ghềnh vất vả
Nửa bát cơm hạt muối nhọc nhằn”
(Trích Một nửa - Chính Hữu)
Tình đồng chí, đồng đội trong thơ Chính Hữu luôn là vậy, đẹp một cách giản đơn, chân thành mà lạ thường. Với Đồng chí, ông đã góp thêm một tiếng thơ hay về người lính và tình đồng đội cho nền thơ ca kháng chiến chống Pháp. Bằng những hình ảnh chân thật, cụ thể mà chắt lọc, bài thơ đã lột tả được tình đồng chí gắn bó giữa hiện thực khốc liệt và cùng hướng về mục tiêu chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc.
Mở bài Đồng chí nâng cao
Dạng mở bài Đồng chí nâng cao cần tiếp cận không chỉ thông qua việc giới thiệu về tác giả và tác phẩm mà còn phải sử dụng các lối dẫn dắt, gợi mở sâu sắc, ấn tượng để thu hút sự quan tâm của người đọc. Dưới đây là một số mẫu mở bài nâng cao mà bạn có thể tham khảo:
Mở bài nâng cao 1
Đỗ Phủ đã từng viết: “Văn học nói lên tất cả những điều không thể nói bằng lời nói”. Những con chữ như một khúc nhạc ngân lên thành thơ, khi tiếng lòng ta được xuôi bóng trong những mảnh hồn thơ ca. Văn chương nghệ thuật tồn tại theo những biến động của cuộc đời, dù thời gian qua đi nhưng giá trị luôn còn mãi. Tất cả đều đóng đinh vào thời gian một giá trị vĩnh hằng. Thơ ca Việt Nam những năm tháng chiến tranh là một dàn hợp xướng những khúc ca, giai điệu ngọt ngào về dân tộc. Nhắc đến đề tài đất nước, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ qua tác phẩm Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu.
Mở bài nâng cao 2
Bác Hồ từng nói: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Hưởng ứng lời chỉ dẫn của Người, những nhà văn của thời cách mạng vẫn luôn là những “người thư kí trung thành của thời đại” ôm trong mình tình yêu nước nồng nàn, tràn ra trong những trang văn thơ một tinh thần dân tộc mãnh liệt, về những trái tim yêu nước thiết tha và những lí tưởng cao cả. Tiêu biểu cho văn học thời kháng chiến và tình đồng đội keo sơn là tác phẩm Đồng chí của tác giả Chính Hữu.
Mở bài nâng cao 3
“Hỡi đồng bào toàn quốc!
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Những lời kêu gọi toàn dân chống Pháp hào hùng của chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 vẫn còn văng vẳng bên tai, khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Từ những lời dặn dò ấy, chiến dịch Việt Bắc Thu Đông đã nổ ra như một biểu tượng rõ nét cho sự quyết tâm và sự hy sinh của đồng bào toàn quốc trong cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp. Trước tình cảnh khốc liệt đó, tình cảm của người lính hiện lên sâu sắc và thiêng liêng, được Chính Hữu ghi lại một cách chân thực và súc tích qua bài thơ Đồng chí.
Mở bài Đồng chí theo khổ
Đề bài phân tích theo khổ thơ là một dạng phổ biến trong các đề thi văn học. Việc thực hiện mở bài Đồng chí theo từng đặc trưng của từng khổ thơ sẽ giúp bài viết của bạn trở nên sâu sắc hơn. Dưới đây là những cách mở bài Đồng chí theo khổ mà bạn nên lưu lại để áp dụng:
Mở bài Đồng chí 7 câu thơ đầu
Chính Hữu đã gieo vào lòng người những cảm xúc sâu lắng qua bài thơ Đồng chí, với nhịp điệu trầm lắng nhưng ấm áp, tươi vui, ngôn ngữ bình dị như những vần thơ mang đậm niềm tin, sự hy vọng và lòng cảm thông sâu sắc của một nhà thơ cách mạng. Có lẽ, chất của người lính đã thấm vào nét thơ của niềm tin yêu và sự mộc mạc, hòa quyện thành một hương vị đặc biệt của thơ ca, tạo nên những ngôn từ nhẹ nhàng và đầy cảm xúc. Đặc biệt, trong bảy câu thơ đầu của bài thơ, tác giả đã khắc họa một mối tình đồng chí chân thành và sâu sắc, gắn bó, trở thành một âm vang vĩnh cửu trong lòng những người lính và trong lòng người dân Việt Nam.
Mở bài Đồng chí 10 câu thơ giữa
Cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài hơn 50 năm nhưng vẫn để lại dấu ấn không thể phai nhạt về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Trong thời gian đó, đáng chú ý nhất là hình ảnh của người lính và tình cảm đồng chí đồng đội. Bên cạnh bài thơ nổi tiếng như Nhớ của Hồng Nguyên và Tây Tiến của Quang Dũng, Đồng chí của Chính Hữu cũng là một thi phẩm đặc sắc. Mười câu giữa bài thơ này mang đến cho độc giả những biểu hiện chân thành và sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội.
Mở bài Đồng chí 3 câu thơ cuối
Nhà thơ Chính Hữu được biết đến như là "nhà thơ quân đội thực thụ", đã trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc. Trong bài thơ Đồng chí, ông đã khai thác tài năng của mình để vẽ nên bức tranh về người lính trong cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng và lãng mạn, thấm đẫm tình yêu nước và tinh thần đoàn kết sâu sắc. Khổ thơ cuối bài có lẽ là những dư âm lắng đọng mãi như một khúc ngân trong bản nhạc trầm lắng, vẹn tròn về tình đồng chí đồng đội hào hùng ấy.
Mở bài Đồng chí theo chủ đề
Dưới đây là các cách viết mở bài Đồng chí của tác giả Chính Hữu theo những chủ đề thường gặp trong đề thi vào lớp 10.
Mở bài Đồng chí phân tích tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng
“Đồng chí” không đơn thuần là một danh từ chỉ những người có chung chí hướng, lý tưởng, ở chung một đoàn thể chính trị hay một tổ chức cách mạng. Đó còn là một thứ tình cảm đặc biệt, thiêng liêng và sâu sắc. Nhà thơ Chính Hữu đã lấy cảm hứng đó để sáng tác bài thơ Đồng chí nhằm khắc họa một cách tinh tế và chân thực sự gắn kết bình dị của những người lính trong mọi hoàn cảnh. Bài thơ có sự hòa hợp giữa chất giọng lãng mạn và vẻ đẹp dung dị, kiên cường của người chiến sĩ cách mạng. Nhà thơ dùng những chi tiết và hình ảnh gần gũi, giàu cảm xúc để tái hiện một cách thực tế nhưng vẫn mang đậm sắc thơ mộng của tình đồng chí.
Mở bài cảm nhận hình ảnh người lính qua bài thơ Đồng chí
Trong tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh", Bảo Ninh đã viết: "Chân trời chết chóc mở ra mênh mông, vô tận, những nấm mồ bộ đội mọc lên nhấp nhô tựa sóng cồn". Chiến tranh để lại những vết thương sâu sắc, hàng trăm ngàn người đã hy sinh vì hòa bình cho Tổ quốc. Những năm tháng đau khổ và mất mát ấy hiện lên rõ ràng trong ký ức qua nhiều bài thơ. Lòng người rưng rức trước hình ảnh người lính "Áo vải chân không đi lùng giặc đánh" trong Nhớ của Hồng Nguyên, xao xuyến với hình ảnh chiến sĩ hào hoa trong Tây Tiến của Quang Dũng cũng như say mê với Lên Tây Bắc của Tố Hữu. Còn khi đọc Đồng chí của Chính Hữu, hình ảnh người lính cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp hiện lên mộc mạc, bình dị và đầy quyết tâm đã hiện hữu, khắc sâu rực rỡ trong tâm trí chúng ta.
Mở bài hay bài Đồng chí cần đáp ứng những điều kiện nào?
Để mở bài Đồng chí thật hay và thu hút, bạn cần đáp ứng các điều kiện sau:
- Cần dẫn dắt nhằm thu hút sự chú ý của người đọc từ những câu đầu tiên.
- Tập trung vào chủ đề chính của bài văn, đó là tình đồng chí, đồng đội, một giá trị vô cùng quý giá trong cộng đồng chính trị và cách mạng.
- Khái quát được những giá trị nhân văn, ý chí kiên cường và lòng yêu nước sâu sắc của những người lính trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm.
- Sử dụng ngôn từ sinh động, rõ ràng để lột tả cảm xúc và ý nghĩa của tác phẩm và chủ đề.
- Tạo ra sự kết nối mạch lạc và hấp dẫn cho bài văn để thể hiện sự am hiểu tác phẩm và dẫn dắt đến phần thân bài của bài viết.
- Sử dụng những trích dẫn, liên hệ mở rộng của tác phẩm khác có cùng chủ đề là người lính cách mạng để tạo ấn tượng cho phần mở bài Đồng chí.
Mở bài Đồng chí có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như trực tiếp, gián tiếp, nâng cao, dẫn dắt theo khổ hoặc theo chủ đề bằng cách nhấn mạnh vào các khía cạnh quan trọng của tác phẩm. Mở bài Đồng chí xuất sắc giúp học sinh tạo ấn tượng sâu sắc và đạt điểm cao trong các bài kiểm tra quan trọng.