Dàn ý phân tích bài thơ Ông đồ chi tiết
Trước khi tiến hành phân tích bài thơ Ông đồ hoàn chỉnh, học sinh cần lập dàn ý chi tiết với những luận điểm như sau:
Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Trong kho tàng thơ Việt Nam, bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên nổi bật lên như một tác phẩm tiêu biểu trong phong trào Thơ mới, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của phong trào này.
- Sơ lược về hình ảnh ông đồ: Đây là hình ảnh trung tâm của bài thơ và còn là biểu tượng cho sự thay đổi trong văn hóa qua hai giai đoạn: Thời hưng thịnh và suy tàn.
Thân bài:
Phân tích bài thơ Ông đồ ở phần thân bài cần đảm bảo đủ 3 luận điểm sau:
Luận điểm 1: Hình ảnh ông đồ thời kỳ hưng thịnh.
Ông đồ hiện lên trong bức tranh của “Hoa đào nở”, "Tết đến xuân về":
- Ông đồ và hoa đào đã tạo nên một cặp hình ảnh biểu tượng, không thể tách rời. Mỗi khi hai chủ thể này xuất hiện, người ta mặc nhiên cảm nhận được không khí Tết báo hiệu một mùa xuân mới, một năm mới đầy khác biệt.
- Cặp từ "mỗi năm…lại" muốn ám chỉ sự xuất hiện đều đặn của ông đồ. Đây là một phần không thể thiếu, là hình ảnh quá quen thuộc trong các nghi lễ truyền thống.
- Hình ảnh ông đồ “bày mực Tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua” cũng là biểu tượng của sự đông đúc, hân hoan, nô nức mang đậm không khí tết. Đây cũng là hình ảnh đã in sâu vào tiềm thức nhiều người.
- Thời kỳ này, ông đồ thu hút sự chú ý của mọi người, nhiều người đến xin chữ và ngợi khen những nét "phượng múa rồng bay".
=> Ông đồ là biểu tượng của truyền thống văn hóa Việt Nam và cũng là một phần của bức tranh văn hóa dân tộc lâu đời.
Luận điểm 2: Hình ảnh ông đồ thời kỳ suy tàn.
- Khung cảnh u ám, lạc lõng: Cụm từ “mỗi năm mỗi vắng” thể hiện sự biến mất một cách dần dần, là dấu hiệu của sự lãng quên và báo hiệu cho nguy cơ suy tàn. Câu hỏi tu từ tác giả sử dụng ở đây như một lời thốt lên ngỡ ngàng về sự thay đổi của xã hội, con người.
- Ông đồ ngồi đơn độc giữa phố đông: Không còn mấy ai quan tâm, giấy không còn thắm, mực tàu giấy đỏ "đọng trong nghiên sầu" đều là những hình ảnh ưu buồn.
- Tâm trạng của ông đồ: Chán nản, buồn bã, thất vọng và tuyệt vọng trước sự biến mất của một nét văn hóa đẹp. Hình ảnh lá vàng rơi, mưa bụi càng tăng tính ảm đạm, lãnh lẽo.
=> Ông đồ trở nên lạc lõng, bị lãng quên là biểu tượng cho sự mai một, suy tàn của nét văn hóa truyền thống và của giá trị văn hóa xã hội.
Luận điểm 3: Mở rộng vấn đề
- Tác giả khắc họa hình ảnh ông đồ đối lập qua hai giai đoạn đã làm nổi bật tình cảnh đáng thương của ông. Dù "hoa tay", "nét vẽ" kia vẫn còn nhưng lòng người đã đổi, xã hội đã bỏ rơi ông.
- Thông qua hình ảnh ông đồ, tác giả thể hiện sự đồng cảm, tiếc nuối sâu sắc cho một giá trị truyền thống dân tộc đang bị mai một.
Kết bài:
- Tóm tắt lại hình ảnh ông đồ: Biểu tượng của những giá trị truyền thống đang dần bị lãng quên.
- Liên hệ và đánh giá: Bằng hình ảnh ông đồ, tác giả thể hiện niềm tiếc thương, đau xót cho sự biến mất của truyền thống trước sự thay đổi của xã hội đồng thời tiếc nuối cho những kỷ niệm đẹp của quá khứ.
Sơ đồ tư duy hỗ trợ phân tích bài thơ Ông đồ
Để tiến hành phân tích bài thơ Ông đồ chi tiết, chính xác, người học cần hệ thống hóa lại kiến thức liên quan đến nội dung, chủ đề văn bản. Thông qua một số mẫu sơ đồ tư duy sau đây, bạn sẽ có thể thực hiện công việc này dễ dàng.
Đề thi liên quan đến phân tích bài thơ Ông đồ
Một số câu hỏi liên quan đến phân tích bài thơ Ông đồ sau đây sẽ giúp bạn hiểu sâu sắc hơn về nội dung văn bản.
Câu 1: Phân tích giá trị biểu cảm của hai câu thơ sau trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên: "Giấy đỏ buồn không thắm. Mực đọng trong nghiên sầu".
Gợi ý trả lời:
“Giấy đỏ” là loại giấy ông đồ dùng để viết chữ. Đây là tấm giấy mỏng manh và chỉ cần chút ẩm ướt sẽ dễ bị phai màu. Vậy mà nay "Giấy đỏ buồn không thắm” bởi lâu ngày không được sử dụng nên đã phôi phai, úa tàn theo năm tháng.
“Mực” cũng là một trong những cái hồn của thư pháp, thế nhưng nay “Mực đọng trong nghiên” có nghĩa dù mực đã mài từ lâu nhưng vì không ai thuê viết nên đành đợi chờ trong vô vọng. Những tính từ “sầu”, “buồn” đã nhân cách hóa sự vật, nói lên nỗi sầu tủi về thân phận của ông đồ đã thấm sâu vào từng sự vật, bao trùm hết không gian quanh ông.
Câu 2: Viết đoạn văn phân tích nét đẹp của hình ảnh: "Lá vàng rơi trên giấy. Ngoài giời mưa bụi bay".
Gợi ý trả lời:
Hình ảnh “lá vàng” gợi đến sự phai tàn, rơi rụng, đìu hiu. Cách miêu tả này lại mang tính đối lập khi đầu xuân lại xuất hiện “lá vàng”. Chiếc "Lá vàng rơi trên giấy” đó chính là tờ “Giấy đỏ buồn không thắm” đề cập ở hai câu thơ trước. Hình ảnh này đã nói lên thân phận bị lãng quên của ông đồ. Ông cố gắng níu kéo bằng cách âm thầm ngồi bên lề phố. Thế nhưng, với nhịp sống nhộn nhịp, bon chen của thời đại mới, ông như một chiếc lá cũ kỹ, héo úa đang rơi rụng dần.
“Ngoài giời mưa bụi bay”. “Giời” là cách gọi của dân gian, trong đó có ông đồ. Câu thơ gợi lên hình ảnh buồn bã của ông trước làn mưa bụi nhạt nhòa. Cơn mưa này như càng khiến nỗi buồn tăng thêm gấp bội khi nó đủ sức xóa đi dấu vết của một lớp người từng một thời được trân trọng.
Câu 3: Trong quá trình phân tích bài thơ Ông đồ chi tiết, em nhận thấy hai khổ thơ đầu và ba khổ thơ sau của bài thơ Ông đồ có những điểm gì giống và khác nhau? Hãy làm rõ ý kiến của mình qua việc phân tích các khổ thơ.
Gợi ý trả lời:
Điểm giống nhau giữa hai khổ đầu va ba khổ sau của bài thơ đó là đều tập trung miêu tả hình ảnh ông đồ ngồi bán chữ nơi phố xá đông đúc những ngày Tết. Thế nhưng, ở các khổ có cách thể hiện cảm xúc, nội dung hoàn toàn khác nhau.
Hai khổ đầu miêu tả hình ảnh ông đồ thời thịnh vượng, được trọng vọng. Khi Tết đến, ông được nhiều người tìm đến xin chữ. Ông xuất hiện đầy tươi vui trong sắc đào rực rỡ, của giấy đỏ, mực nghiên, được “tấm tắc ngợi khen tài”. Nhịp điệu khổ thơ đầu nhanh, liền mạch mang đến âm hưởng tươi vui.
Ba khổ cuối miêu tả ông đồ thời kỳ suy tàn, bị xã hội bỏ quên. Tình cảnh ông đồ lúc này trở nên thật đáng thương. Người thuê viết giảm dần, những vật dụng gắn bó với nghề thư pháp cũng buồn bã. Thế nên, dù ông vẫn hiện diện nhưng chẳng còn được ai để ý.
Cuối cùng, khi một cái Tết khác lại đến, hoa đào vẫn nở nhưng lại không thấy “ông đồ xưa”. Vậy là ông đã chính thức chìm vào quá khứ, vào quên lãng và mãi vắng bóng trong cuộc sống hiện đại náo nhiệt. Hai câu thơ cuối chính là sự day dứt về nỗi lo lắng cho các giá trị truyền thống sắp mai một “Những người muôn năm cũ – Hồn ở đâu bây giờ ?”.
Câu 4: Phân tích những đặc sắc nghệ thuật trong bài thơ Ông đồ.
Gợi ý trả lời:
Bài thơ Ông đồ sử dụng thể thơ ngũ ngôn với kết cấu đầu cuối tương ứng độc đáo. Mở đầu bài thơ là câu: “Mỗi năm hoa đào nở - Lại thấy ông đồ già”, kết thúc bài thơ là “Năm nay hoa đào lại nở - Không thấy ông đồ xưa”. Kết cấu này có sự chặt chẽ, tương phản rõ rệt, làm nổi bật chủ đề của bài thơ. Từ đó, tác giả đã khơi gợi cảm xúc, khiến người đọc phải dừng lại ngẫm nghĩ về một văn hóa truyền thống giờ đây đã bị thay đổi
Bằng ngôn ngữ bình dị, súc tích cùng giọng thơ trầm lắng, ngậm ngùi, tác giả đã khắc họa những tâm tư, tình cảm của bản thân trước hoàn cảnh bi thương của ông đồ cũng như nguy cơ lụi tàn của những người từng được đề cao và trân trọng như ông.
Thông qua nghệ thuật nhân hóa một cách chọn lọc những hình ảnh: giấy đỏ, mực nghiên biết “buồn”, “sầu” trước sự đổi thay của thời thế, tác giả đã khéo léo nói lên tâm trạng tiếc nuối của mình.
Bên cạnh đó, tác giả cũng rất khéo léo lựa chọn những hình ảnh giản dị nhưng có tính biểu tượng cao như: Lá vàng rơi trên giấy gợi ra sự tàn tạ, tiêu điều để thể hiện sự lãng quên, sự kết thúc của một kiếp người tàn.
Câu 5: Qua phân tích bài thơ Ông đồ, hãy trình bày suy nghĩ của em về việc bảo tồn nét đẹp của dân tộc.
Xin chữ đầu năm để lấy lộc, cầu may mắn, sức khỏe, bình an là nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam mỗi dịp Tết. Hình ảnh ông đồ với bút nghiên, giấy mực, chăm chút từng nét chữ trên phố xã nhộn nhịp như một biểu tượng cho một dân tộc hiếu học.
Thế nhưng, nét văn hóa ấy theo năm tháng đã dần thay đổi. Con người ta mãi chạy theo những nhộn nhịp của cuộc sống, các trào lưu ngoại nhập mà dần quên đi những gì xưa cũ. Các thầy đồ ngày càng vắng bóng dịp Tết khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm cho một giá trị văn hóa đã từng gắn bó với một thời kỳ phát triển rực rỡ của dân tộc.
Không chỉ phong tục xin chữ ông đồ đầu năm ngày càng bị mai một mà còn rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống cũng đang đứng trước nguy cơ suy tàn. Đó là hồi chuông cảnh báo về tình trạng xa rời giá trị truyền thống của một bộ phận giới trẻ hiện đại. Họ bị hấp dẫn bởi văn hóa du nhập nước ngoài, mạng xã hội,... Điều này khiến người trẻ vô tình lãng quên, không còn hiểu và tự hào về một giai đoạn phát triển rực rỡ của lịch sử, văn hóa dân tộc.
Bản sắc văn hóa là cái hồn của mỗi dân tộc. Chính vì vậy, qua việc phân tích bài thơ Ông đồ, chúng ta nhận thấy việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi người trẻ hiện nay. Mỗi người dân cần tiếp thu có chọn lọc văn hóa ngoại quốc nhưng đồng thời cũng cần dành thời gian tìm hiểu, giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt. Có như vậy, chúng ta mới có thể giữ gìn bản sắc văn hóa mà ông cha ta đã dày công vun đắp.
Sau khi phân tích bài thơ Ông đồ, bạn có lẽ đã hiểu hơn về thông điệp mà tác giả muốn truyền tải. Từ đó, người học sẽ có thêm kiến thức hữu ích, phục vụ cho việc làm bài tập, ôn luyện kiến thức trên lớp và trong những kì thi.