Mở bài chung của bài thơ Đất Nước
Mở bài Đất Nước chung áp dụng được với hầu hết với các dạng đề, giúp học sinh thể hiện cái nhìn tổng quan và chính xác về nội dung, ý nghĩa của tác phẩm này. Tác phẩm Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khắc họa tình yêu sâu sắc và lòng tự hào mãnh liệt về truyền thống anh hùng mà cha ông ta đã truyền lại.
Mở bài Đất Nước trực tiếp
Mở bài Đất Nước trực tiếp là một cách hiệu quả để bài viết tập trung vào trọng tâm ý nghĩa và tâm trạng mà tác giả muốn truyền đạt. Thay vì dẫn dắt vòng vo, mở bài trực tiếp giúp làm nổi bật ý đồ bạn muốn truyền tải, giúp giáo viên có định hình rõ ràng về bài viết.
Mở bài trực tiếp 1
Nguyễn Khoa Điềm với bút pháp tinh tế và tâm hồn tràn đầy tình yêu quê hương đã mang đến cho văn học Việt Nam một tuyệt tác qua bài thơ Đất Nước. Tác phẩm không chỉ là bản hùng ca tôn vinh vẻ đẹp của quê hương mà còn là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử, văn hóa và bản sắc dân tộc. Qua từng câu thơ, tác giả đã khắc họa một cách sống động và chân thực hình ảnh đất nước, từ những nét bình dị đời thường đến những chiến công hiển hách trong lịch sử. Chính sự kết hợp độc đáo này đã biến Đất Nước trở thành một tác phẩm kinh điển, để lại dấu ấn không phai trong lòng mỗi người đọc.
Mở bài trực tiếp 2
Trong dòng chảy của văn học Việt Nam, tình yêu quê hương, tình yêu đất nước là đề tài muôn thuở, được các ngòi bút khai thác đa dạng, phong phú. Nằm trong mạch nguồn cảm xúc của đề tài rộng lớn này, đoạn trích Đất Nước thuộc chương 5 của trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã để lại ấn tượng vô cùng mạnh mẽ trong lòng người đọc.
Mở bài trực tiếp 3
Giữa “chợ phiên” văn chương náo nhiệt, giữa “gian hàng” trữ tình đông đúc, Nguyễn Khoa Điềm xuất hiện như một vị khách đặc biệt, mang đến những cảm xúc độc đáo và sâu sắc. Trong bài thơ Đất Nước, ông như một người con xa quê, bộc lộ nỗi nhớ nhung da diết về mảnh đất thân thương. Những hình ảnh quen thuộc và bình dị của làng quê Việt Nam được tác giả tái hiện một cách sống động và gợi cảm, khiến người đọc như lạc vào ký ức tuổi thơ, cảm nhận được sự thân thuộc và ấm áp của quê hương, xứ sở.
Mở bài Đất Nước gián tiếp
Thay vì chỉ giới thiệu trực tiếp về bài thơ, học sinh có thể sử dụng lối mở bài gián tiếp để giúp nội dung thêm phần ấn tượng, có chiều sâu.
Mở bài gián tiếp 1
Mỗi bước chân của chúng ta trên mảnh đất này, mỗi hơi thở trong bầu trời tự do đều là sự hy sinh to lớn của cha ông ta. Đó là quá khứ gian khổ và đau thương nhưng cũng rất hào hùng, bi tráng. Tinh thần yêu nước, sự anh dũng bất khuất ấy càng được nêu cao qua đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm. Đó không chỉ là việc nhắc về sự ra đời của đất nước mà còn là một lời kêu gọi, lời nhắc nhở cho thế hệ trẻ nhớ về trách nhiệm và sứ mệnh của mình đối với Tổ quốc thân yêu.
Mở bài gián tiếp 2
Cùng với các nhà thơ Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh,... Nguyễn Khoa Điềm cũng trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thơ ca của ông là sự kết hợp hài hòa giữa chính luận và trữ tình, giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của một người trí thức về đất nước và con người Việt Nam. Chính sự độc đáo này đã khiến thơ ông thu hút và hấp dẫn đông đảo bạn đọc. Bài thơ Đất Nước, trích từ chương năm của trường ca "Mặt đường khát vọng" được xem là một trong những đoạn thơ hay nhất về đề tài đất nước trong văn học Việt Nam hiện đại.
Mở bài Đất Nước nâng cao
Dạng mở bài Đất Nước nâng cao cần tiếp cận độc giả không chỉ thông qua việc giới thiệu về tác giả và tác phẩm mà còn phải sử dụng những câu mở đầu sâu sắc, đầy ấn tượng để kích thích sự quan tâm của độc giả. Dưới đây là một số cách triển khai:
Mở bài nâng cao
“Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”
(Trích Sao chiến thắng - Chế Lan Viên)
Đất nước ta trải qua bốn nghìn năm lịch sử, lưng tựa thế núi, mắt nhìn biển Đông, thiên nhiên bốn bể cũng hóa hồn con người. Lịch sử dân tộc đã trải qua năm tháng kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ để có được độc lập, tự do và hạnh phúc như ngày hôm nay. Tinh thần yêu nước ấy tiếp tục được hun đúc qua những thế hệ, thể hiện rõ nét qua tác phẩm Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Mở bài nâng cao 2
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”
(Trích Việt Nam quê hương ta - Nguyễn Đình Thi)
Hai tiếng “đất nước” nhỏ bé mà thiêng liêng biết bao! Chính vì thế, hình ảnh đất nước đã đi vào thơ ca, trở thành cảm hứng bất tận cho biết bao nhà thơ, nhà văn. Đất Nước của Nguyễn Đình Thi là "những cánh đồng thơm mát, những ngả đường bát ngát, những dòng sông đỏ nặng phù sa" mênh mông và đẹp đẽ. Thế nhưng, đến với Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, chúng ta bắt gặp hình ảnh thân thương, gần gũi đến lạ. Qua những vần thơ trữ tình kết hợp chính luận, Nguyễn Khoa Điềm muốn thức tỉnh tinh thần dân tộc của thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay.
Mở bài nâng cao 3
Đất nước Việt Nam - một dân tộc anh hùng, lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa. Nếu như những tia nắng được sinh ra để thiêu đốt cái giá lạnh của mùa đông, nếu như bông cúc được sinh ra để hát về vùng thảo nguyên bao la thì văn chương ra đời để đưa con người ta đến những lý tưởng cao đẹp và đúng đắn. Đoạn trích Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là một tác phẩm như thế, đem đến cho nhiều thế hệ những góc nhìn, tư tưởng mới mẻ và tiến bộ.
Mở bài Đất Nước theo khổ
Đề bài phân tích theo khổ được áp dụng phổ biến trong các đề thi. Việc nắm được các cách mở bài Đất Nước theo đặc trưng từng khổ thơ giúp bài viết của bạn có chiều sâu. Dưới đây là những mở bài Đất Nước theo khổ hay bạn hãy bỏ túi ngay:
Mở bài Đất Nước 9 câu đầu
Trong hành trình khám phá vẻ đẹp của thơ ca Việt Nam, bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm nổi lên như một tuyệt tác, chứa đựng những tình cảm sâu lắng về quê hương. Đặc biệt, 9 câu đầu của bài thơ đã mở ra một thế giới vừa gần gũi, vừa kỳ diệu, nơi đất nước không chỉ là khái niệm trừu tượng mà còn là hiện thân của những gì thân thuộc và bình dị nhất.
Mở bài Đất Nước đoạn 3
Trong thơ ca Việt Nam thời kỳ kháng chiến, đề tài quê hương đất nước đã được khắc họa bằng nhiều kiệt tác, với những áng văn thơ tuyệt mỹ. Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là một trong số đó, mang đến lời tâm sự chân thành của tác giả về tình yêu và niềm tự hào quê hương. 12 câu thơ dưới đây trích từ Đất Nước thể hiện rõ cảm nhận sâu sắc của ông về sự gắn bó thiết tha giữa đất nước và mỗi con người Việt Nam.
Mở bài Đất Nước đoạn 4
Chúng ta đã từng bắt gặp hình ảnh đất nước anh hùng trong kháng chiến chống Pháp qua những dòng thơ đậm chất hồn thu Hà Nội của Nguyễn Đình Thi hay sự hóa thân của Tổ quốc trong dòng sông xanh đầy ắp kỷ niệm của Tế Hanh. Tuy nhiên, Nguyễn Khoa Điềm đã tìm được một tiếng nói riêng, để Đất Nước của ông mang đến cho bạn đọc những rung cảm sâu sắc về quê hương, đất nước của nhân dân. Khổ thơ 12 câu sau đây, trích từ phần II của bài thơ Đất Nước ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của quê hương, đồng thời khẳng định một cách tự hào những phẩm chất cao quý của con người và dân tộc Việt Nam.
Mở bài Đất Nước 10 câu cuối
Ở giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hình ảnh Tổ quốc được khắc họa đậm nét trong văn học. Nguyễn Khoa Điềm với Đất Nước trong trường ca “Mặt đường khát vọng” thể hiện sâu sắc vẻ đẹp của quê hương và tư tưởng vĩ đại của nhân dân ta. Tư tưởng ấy được thể hiện rõ nét qua 10 câu thơ cuối.
Mở bài Đất Nước theo chủ đề
Dưới đây là các cách viết mở bài Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm theo những chủ đề thường gặp trong đề thi THPT quốc gia:
Mở bài Đất Nước chủ đề phân tích phong cách triết luận trữ tình
Bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là biểu hiện rõ nét của sự kết hợp giữa phong cách triết luận và trữ tình. Tác giả đã thành công trong việc dung hòa hai yếu tố này một cách tự nhiên và khéo léo. Bài thơ đã khắc họa một cách sinh động hình ảnh về quê hương, đất nước Việt Nam, đồng thời thể hiện sự hiểu biết sâu rộng về bề dày văn hóa và lịch sử dân tộc.
Mở bài phân tích tư tưởng Đất Nước của nhân dân trong bài thơ
"Mặt đường khát vọng" được tác giả hoàn thành vào năm 1971 tại chiến khu Trị Thiên. Tác phẩm thể hiện sự thức tỉnh của tuổi trẻ ở vùng tạm chiến miền Nam trước bộ mặt xâm lược của kẻ thù, nêu cao tinh thần sẵn sàng và tự nguyện gánh vác sứ mệnh quan trọng của đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong số các chương, Đất Nước là đoạn trích để lại nhiều ấn tượng khi cho thấy nỗ lực và khát vọng của nhân dân cũng như sức mạnh và tinh thần quyết tâm của họ đối với sự nghiệp chung của Tổ quốc.
Gợi ý dàn ý phân tích Đất Nước
Sau khi tìm hiểu các cách mở bài Đất Nước hay, bạn có thể tham khảo thêm về dàn ý cho bài phân tích tác phẩm. Trước khi bắt tay vào viết bài, bạn hãy lập dàn ý để đảm bảo tính logic và tránh lạc đề. Cụ thể:
I. Mở bài
- Giới thiệu về nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và tác phẩm Đất Nước.
- Tóm tắt nội dung và phong cách nghệ thuật của tác phẩm.
II. Thân bài
1. Nguồn gốc của Đất Nước
Đất Nước có từ rất lâu đời, gắn liền với những truyền thuyết, với những câu chuyện cổ tích đã có từ xa xưa.
- Nguồn gốc từ truyền thuyết và câu chuyện cổ tích: Sự tích Trầu Cau, truyền thuyết Thánh Gióng.
- Phát triển từ thuần phong mỹ tục: Phong tục "Tóc mẹ thì bới sau đầu", "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn".
2. Đất nước là gì?
a. Về không gian địa lý
Đất nước là nơi con người sinh sống, hò hẹn, “là nơi anh đến trường”, “nơi em tắm”... là không gian thân thuộc. Thế nhưng Đất Nước cũng mang dáng vẻ lớn lao, vĩ đại như những “núi bạc”’, “biển khơi”, là nơi nhân dân tìm về sau những ngày tháng xa cách.
b. Về thời gian lịch sử
Học sinh có thể triển khai theo 3 ý sau:
- Trong quá khứ, Đất Nước đất nước được gợi lên với giống nòi cao quý của dân tộc ta, vốn là con rồng cháu tiên. Đồng thời, tác giả còn gợi nhắc về truyền thống hào hùng dựng nước và giữ nước của cha ông.
- Trong hiện tại, đất nước hiện lên một cách thân thương, hiện diện ở trong mỗi người dân, bao gồm ngôn ngữ để con người giao tiếp, tư duy hay những phong tục tập quán tốt đẹp vẫn tồn tại trong từng nếp sống.
- Trong tương lai, đất nước là triển vọng tươi sáng, những thế hệ mới được kỳ vọng, được đặt lên vai trách nhiệm lớn lao cả về trí tuệ lẫn tầm vóc, qua đó làm nên những điều kỳ diệu cho cả dân tộc.
3. Tư tưởng Đất Nước của nhân dân
a. Trên phương diện không gian địa lý
- Chiêm ngưỡng vẻ đẹp Đất Nước qua những địa danh thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam: những núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, núi Bút non Nghiên...
- Gắn kết Tổ quốc, Nam Bắc một nhà.
- Nhờ truyền thống hiếu học mà có những “núi Bút non Nghiên”...
b. Phương diện thời gian lịch sử
- Họ là những người con trai, con gái bình dị nhưng luôn thường trực tình yêu nước.
- Những con người vô danh làm nên lịch sử, khẳng định vai trò của mỗi cá nhân với lịch sử dân tộc.
c. Trên bình diện chiều sâu văn hóa
Nhân dân tạo ra và giữ gìn những giá trị vật chất, tinh thần cho đất nước như “truyền hạt lúa”, “truyền lửa”, “truyền giọng nói”, “gánh theo tên xã, tên làng”... từ đó xây dựng nền móng phát triển đất nước lâu bền.
=> Khẳng định một cách mạnh mẽ tư tưởng đất nước là của nhân dân bởi do nhân dân cùng góp công, góp sức làm nên.
III. Kết bài
- Khái quát lại giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm.
- Cảm nhận chung về bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Mở bài Đất Nước hay cần đáp ứng những điều kiện nào?
Mở bài có vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ trình bày nội dung khái quát mà còn là phương thức thể hiện kỹ năng dùng từ ngữ của mỗi người, phản ánh cách mỗi người nhìn nhận văn học. Mở bài Đất Nước hay cần ngắn gọn, súc tích, lời văn tự nhiên. Ngoài ra, bạn hãy tìm hiểu nhiều các câu thơ, văn trích dẫn có liên quan đến chủ đề tình yêu quê hương, đất nước để làm nổi bật phần mở bài của mình hơn.
Mở bài Đất Nước ấn tượng không chỉ giúp thu hút sự chú ý mà còn khái quát được phần nào nội dung bài viết, thể hiện tư duy văn học của mỗi người. Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là một bài thơ hay và có chiều sâu, đòi hỏi học sinh cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể hoàn thiện bài phân tích một cách trọn vẹn nhất.