Giáo dục

Tổng hợp kết bài Việt Bắc hay nhất cho sĩ tử trong mọi mùa thi

Aretha Thu An

Kết bài Việt Bắc là phần tổng kết vấn đề đã được phân tích ở thân bài, góp phần tạo nên một bài văn hoàn chỉnh. Bên cạnh kết bài trực tiếp, bạn có thể áp dụng phương pháp nâng cao, có bình luận mở rộng để tạo thêm ấn tượng và để lại dư ba sâu sắc trong lòng người đọc về tác phẩm xuất sắc này của nhà thơ Tố Hữu.

Kết bài chung bài thơ Việt Bắc 

Về cơ bản, bạn cần nắm chắc cách viết dạng kết bài Việt Bắc chung sao cho đủ ý, mạch lạc và dễ hiểu nhất, sau đó có thể linh hoạt liên hệ, mở rộng. Một số cách kết bài với các mức độ từ cơ bản đến nâng cao bạn có thể áp dụng cho bài văn của mình như sau:

Kết bài Việt Bắc trực tiếp

"Việt Bắc" là tác phẩm thơ tiêu biểu của Tố Hữu, mang đậm dấu ấn của tình cảm cách mạng. Bài thơ không chỉ là lời chia tay đầy xúc cảm mà còn thể hiện sự kiên định, thuỷ chung son sắt với người chiến sĩ cách mạng. “Việt Bắc” trở thành một khúc ca bất tận về tình nghĩa, được thể hiện qua giọng điệu vừa ngọt ngào, trữ tình, vừa sôi nổi, thiết tha và trong sáng dưới ngòi bút chính luận.

Kết bài Việt Bắc gián tiếp

“Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên”. Thật vậy, thơ Việt Bắc của Tố Hữu hiện lên là lời thủ thỉ tâm tình của kẻ đi với người ở, là sự bồi hồi, nhớ nhung, xao xuyến, là những bịn rịn khôn nguôi trong cảnh chia li của người dân Việt Bắc và người cán bộ cách mạng. Lời thơ rất đỗi mộc mạc, gần gũi, giản dị nhưng cũng đầy tha thiết, xúc động của Tố Hữu không chỉ động viên tinh thần người chiến sĩ mà còn như những cuốn phim quay chậm về lịch sử, là tấm gương phản chiếu một thời đại vẻ vang của dân tộc. Để rồi từ đó, thế hệ mai sau luôn khắc ghi công lao và thức tỉnh ý thức trách nhiệm trong việc dựng xây đất nước Việt Nam giàu đẹp, hùng cường.

Kết bài Việt Bắc nâng cao

Được thể hiện dưới dạng thơ lục bát, Việt Bắc của Tố Hữu nhắc về những năm tháng gian khổ thời chiến nhưng giọng điệu không hề dìu dặt mà đầy hào hùng với những chiến công vang dội giữa núi rừng Việt Bắc. Bài thơ cũng gợi mở về tình quân dân đậm đà, thắm thiết, sắt son cùng tinh thần yêu nước mãnh liệt của nhân dân ta. Đó là sự quyện hòa tinh tế giữa tình cảm yêu nước và nghĩa tình thủy chung đối với đồng bào Việt Bắc nơi đây. Đặc sắc về cả giá trị nội dung và nghệ thuật, mang đậm nét thơ trữ tình - chính trị là minh chứng cho tài năng nghệ thuật của Tố Hữu.

Kết bài Việt Bắc đạt điểm cao

Với giọng thơ lục bát nhẹ nhàng mà sâu lắng cùng ngôi xưng ta - mình, bài thơ của Tố Hữu ẩn chứa niềm lạc quan, tin tưởng vào con người Việt Bắc. Âm điệu trữ tình với lời thơ mộc mạc, trong sáng đã khắc họa một tình yêu thiên nhiên say đắm, xen lẫn nỗi nhớ nhung da diết về con người và lòng yêu nước nồng nàn của người thi sĩ. Cuối bài thơ, những tiếng hát ngọt ngào như vẳng lên từ quá khứ, gợi lên bao kỷ niệm thân thương, đọng lại trong lòng người ra đi và nỗi nhớ sâu thẳm của người ở lại.

Kết bài Việt Bắc có thể khái quát lại tác giả Tố Hữu và tác phẩm
Kết bài Việt Bắc có thể khái quát lại tác giả Tố Hữu và tác phẩm

Kết bài theo khổ bài thơ Việt Bắc

Những dạng kết bài theo từng khổ thơ bạn có thể tham khảo như sau:

Kết bài Việt Bắc cho bức tranh tứ bình

Bức tranh tứ bình Việt Bắc hiện lên với những nét phác họa giản dị, mộc mạc, mang đến sự hòa quyện giữa nét đẹp cổ điển và hiện đại, giữa con người và thiên nhiên. Tất cả cùng nhau tạo nên một bức tranh tổng hòa về cảnh sắc và cuộc sống. Đoạn thơ là một điểm đặc sắc trong phong cách trữ tình - chính trị của Tố Hữu, để rồi khi đến Việt Bắc, người ta nhớ ngay đến những tâm hồn chân chất, giàu tình nghĩa và sắt son một lòng.

Kết bài bức tranh tứ bình phải vừa khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên, vừa làm nổi bật tình nghĩa con người
Kết bài bức tranh tứ bình phải vừa khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên, vừa làm nổi bật tình nghĩa con người

Kết bài Việt Bắc cho khổ thơ thứ hai

Chỉ với 20 câu thơ đầu tiên, Tố Hữu đã tạo nên một bức tranh tâm tình, sâu lắng qua hình thức đối đáp quen thuộc trong ca dao xưa, khắc họa cuộc trò chuyện giữa nhân dân Việt Bắc và người cán bộ trở về xuôi. Những kỷ niệm đẹp giữa họ hiện lên rõ nét, sinh động và tràn đầy tình cảm qua giọng thơ êm ái, thân tình như lời nhắc nhở, tâm sự đầy lưu luyến và chân thành.

Kết bài Việt Bắc cho khổ thơ thứ ba

Đoạn thơ ngắn chỉ với 12 câu thơ lục bát, song nhà thơ đã sử dụng tới tám từ “mình”, bảy từ “nhớ” và hai cặp từ “mình đi, mình về” lặp đi lặp lại nhiều lần như một điệp khúc. Điều này cho thấy nghĩa tình sâu nặng của người ra đi và kẻ ở lại. Là khúc tình ca về cách mạng, về cuộc sống và con người trong kháng chiến, đoạn thơ sử dụng ngôn ngữ mộc mạc giản dị, ý thơ cân xứng, hài hòa, cùng với giọng điệu thơ du dương, ngọt ngào, tâm tình như lời ca dao, làm nên một Việt Bắc rất tình, là “đỉnh cao” của thơ Tố Hữu.

Kết bài Việt Bắc cho khổ thơ thứ tư

Tám câu thơ là khúc hát về nỗi nhớ con người Việt Bắc, đã ru vỗ hồn người bằng giai điệu ngọt ngào, tha thiết. Cùng với việc sử dụng các biện pháp so sánh, những hình ảnh quen thuộc, gần gũi, Tố Hữu đã giúp người đọc cảm nhận chân thực được cuộc sống của người dân Việt Bắc và khắc hoạ nỗi nhớ chung, bịn rịn của đồng bào trong giờ phút chia tay. Nỗi nhớ, lòng yêu nước trong “Việt Bắc” mãi là điểm sáng, góp phần khẳng định giá trị tác phẩm và tài năng của nhà thơ, xứng đáng là ngọn cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam.

Kết bài Việt Bắc khổ thơ thứ tư khắc họa tình cảm luyến lưu của đồng bào với người chiến sĩ cách mạng
Kết bài Việt Bắc khổ thơ thứ tư khắc họa tình cảm luyến lưu của đồng bào với người chiến sĩ cách mạng

Kết bài Việt Bắc cho khổ thơ thứ năm

Bài thơ “Việt Bắc” đã khơi dậy trong lòng người đọc qua nhiều thế hệ vô vàn cảm xúc và suy tư khác nhau. Từng đoạn thơ, từng hình ảnh, từng nhịp điệu đều chứa đựng tâm tư của người chiến sĩ, cũng chính là của nhà thơ. Khổ thơ thứ năm đã đóng góp vào thành công của tác phẩm, làm nổi bật những giá trị nội dung và nghệ thuật, giúp văn đàn Việt Nam phong phú thêm ở dòng thơ kháng chiến, đồng thời khẳng định tài năng và sự tinh tế trong hồn thơ của Tố Hữu.

Kết bài Việt Bắc cho khổ thơ cuối

"Việt Bắc" là một trong những bài thơ lục bát xuất sắc nhất của Tố Hữu. Đoạn thơ cuối tiêu biểu cho vẻ đẹp và sự tinh tế của "Việt Bắc" dưới ngòi bút đầy tính nghệ thuật của tác giả, vừa có tính kế thừa truyền thống, vừa sáng tạo, độc đáo. Tác phẩm là sự kết hợp giữa âm điệu trữ tình của ca dao với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đầy ấn tượng. Đoạn thơ này thể hiện tiếng lòng và tình cảm sâu nặng của người cán bộ kháng chiến dành cho Việt Bắc - nơi "thủ đô gió ngàn".

Mẹo viết kết bài nhanh mà vẫn đầy đủ trong trường hợp cấp bách

Kết bài là một phần quan trọng của tác phẩm, góp phần để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Tuy nhiên, nhiều người thường bỏ qua hay trình bày một cách hời hợt phần này do áp lực từ thời gian hay tâm lý phòng thi. Dưới đây là những mẹo giúp bạn hoàn thành bài viết một cách trọn vẹn kể cả trong tình huống cấp bách:

  • Nêu khái quát, trọng tâm ý chính về tác giả và tác phẩm bài thơ.

  • Tổng kết vấn đề đã đặt ra ở thân bài.

  • Áp dụng kết bài chung chung, mang tính công thức.

  • Chuẩn bị một số kết bài có thể áp dụng với nhiều dạng đề.

Bạn có thể chuẩn bị một số công thức kết bài có thể áp dụng cho nhiều dạng
Bạn có thể chuẩn bị một số công thức kết bài có thể áp dụng cho nhiều dạng

Kết bài Việc Bắc là phần tổng kết vấn đề đã được phân tích ở thân bài. Một kết bài hay không những góp phần tạo nên một bài văn hoàn chỉnh mà còn để lại ấn tượng và giúp bạn đạt được điểm số cao hơn. Có nhiều dạng kết bài người viết có thể vận dụng tùy vào năng lực bản thân như kết bài trực tiếp, gián tiếp, nâng cao,...

BÀI LIÊN QUAN
Tags: Tác phẩm Việt Bắc Soạn văn 12