Giáo dục

Tổng hợp kết bài Đất Nước siêu hay nắm chắc 9 điểm trong tay

Aretha Thu An

Kết bài Đất Nước cần tổng kết lại toàn bộ nội dung tác phẩm, đó cũng là một trong ba yếu tố quan trọng cấu thành nên một bài văn hoàn chỉnh. Trong phần kết bài bạn cần tóm lược được những nội dung đã phân tích ở phần thân bài, sau đó có thể linh hoạt liên hệ mở rộng nếu muốn.

Kết bài Đất Nước chung

Bạn có thể áp dụng một công thức chung nhất cho kết bài Đất Nước để tối ưu thời gian làm bài. Đối với bài thơ Đất Nước, bạn có thể đưa ra một kết luận về giá trị nội dung hay nghệ thuật mà tác giả Nguyễn Khoa Điềm đưa vào tác phẩm, sau đó dẫn đến định hướng thông điệp của bài. Một số mẫu kết bài Đất Nước chung có thể áp dụng cho nhiều dạng bài bao gồm:

Kết bài Đất Nước chung mẫu 1

Với Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước là những gì gần gũi, bình dị và thân thuộc nhất. Từ xưa, đất nước đã trở thành nguồn cảm hứng của thi ca. Các bài ca dao, những câu chuyện cổ tích luôn gắn liền với mảnh đất quê hương thân thương. Đến Nguyễn Khoa Điềm, Đất Nước hiện lên cùng những vẻ đẹp hào hùng nhất, vừa vất vả, nhọc nhằn nhưng lại rất đỗi thủy chung. Qua đó, tác giả nhắc nhở mỗi chúng ta phải luôn biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa, con người và dân tộc ta, để nước Việt Nam hùng cường luôn ngời sáng mãi.

Kết bài Đất Nước chung mẫu 2

Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm là một bài thơ đầy triết lý với những quan điểm rất mới, rất riêng của ông về Đất Nước trong suốt chiều dài lịch sử. Qua nhiều góc nhìn tích cực, tác giả làm cho những người con của đất nước càng thêm yêu và tự hào về nơi chôn rau cắt rốn, từ đó tiếp nối truyền thống và cùng gây dựng một nước Việt giàu đẹp.

Kết bài Đất Nước mẫu 3

Bằng giọng văn giản dị mà tinh tế, đầy suy tư mà lắng đọng, Nguyễn Khoa Điềm đã tái hiện hình ảnh đất nước rất đỗi thân thương. Qua ngòi bút của ông, dòng cảm xúc thiêng liêng nhất với sự hóa thân làm nên truyền thống, văn hóa và cả lịch sử dân tộc khiến những người con đất Việt càng thêm tự hào. Hòa cùng dòng cảm xúc ấy, Nguyễn Khoa Điềm muốn nhắn nhủ tới thế hệ mai sau không ngừng học tập để góp phần vào công cuộc dựng xây một Việt Nam hùng cường.

Kết bài Đất Nước mẫu 4

Có thể khẳng định rằng, trích đoạn “Đất Nước” thuộc trường ca “Mặt đường khát vọng” thể hiện rõ nét chất "trữ tình - chính luận" - đặc trưng tiêu biểu cho giọng thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tư tưởng cốt lõi “Đất Nước của Nhân Dân” đã được khám phá và thể hiện trong bối cảnh gần gũi của ca dao - truyền thuyết, mang đậm màu sắc văn hóa dân gian. Cách nhìn nhận mới mẻ này đã đóng góp tích cực trong việc thức tỉnh thế hệ trẻ miền Nam về ý thức dân tộc, khuyến khích họ đứng về phía nhân dân và cách mạng giữa những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cam go, quyết liệt.

Tác giả Nguyễn Khoa Điềm
Tác giả Nguyễn Khoa Điềm

Kết bài Đất Nước theo khổ thơ

Đối với bài yêu cầu phân tích từng khổ thơ, bạn có thể triển khai phần kết luận như sau:

Mẫu kết bài Đất Nước khổ thơ 1

“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta từ hàng nghìn đời. Dù đi đâu, về đâu, quê hương, cội nguồn đất nước đều in đậm sâu trong tâm trí mỗi người con đất Việt. Chủ đề này đã nhiều lần thành công trong thi ca, song một lần nữa được Nguyễn Khoa Điềm bình giải ở khổ thơ đầu của tác phẩm “Đất Nước” theo một cách rất riêng, rất mới mẻ.

Mẫu kết bài Đất Nước theo khổ 2

Khổ thơ thứ 2 trong trích đoạn “Đất Nước” đã được Nguyễn Khoa Điềm điểm tô bằng những danh lam thắng cảnh tuyệt vời của dải đất hình chữ S. Song điều ấy chẳng tự nhiên mà có, đó là nhờ công lao của lớp lớp người con đất Việt trong suốt bốn nghìn năm lịch sử. Sự cống hiến của cha ông có thể lớn lao, có thể thầm lặng nhưng đều đáng được trân trọng và ghi ơn. Qua đây, tác giả gợi lên thông điệp về trách nhiệm bảo vệ và gây dựng Tổ quốc của những thế hệ mai sau để tiếp nối “Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.

Kết bài Đất Nước ở khổ thơ thứ hai nhắc tới những con người cống hiến thầm lặng
Kết bài Đất Nước ở khổ thơ thứ hai nhắc tới những con người cống hiến thầm lặng

Mẫu kết bài Đất Nước khổ thơ cuối

Không phải lần đầu tiên đất nước xuất hiện trong thi ca, trong tâm hồn những người nghệ sĩ, song qua khổ thơ cuối cùng của trích đoạn “Đất Nước”, Nguyễn Khoa Điềm đã làm sống dậy một tư duy mới, một góc nhìn mới toàn diện về tình yêu đất nước và con người Việt Nam. Sự khám phá rất riêng này đã đóng góp vào vườn thơ đất nước một bông hoa tỏa hương đến muôn đời, đến mọi thế hệ về trách nhiệm cống hiến cao cả “như máu xương của mình”.

Kết bài Đất Nước theo chủ đề

Bạn cũng có thể triển khai kết bài Đất Nước theo những chủ đề khác nhau để đa dạng hơn phong cách phân tích văn học của mình:

Kết bài Đất Nước theo chủ đề tư tưởng đất nước của Nhân dân mẫu 1

Đoạn trích “Đất Nước” của trường ca “Mặt đường khát vọng” đã để lại dư âm vang vọng trong tâm trí mỗi người con đất Việt. Những gì tinh túy nhất của nghệ thuật cùng chất liệu dân gian đậm đà và góc nhìn đầy mới mẻ đã được Nguyễn Khoa Điềm đúc kết, tạo nên thi phẩm đầy giá trị về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Qua đây, tư tưởng Đất Nước của nhân dân đã đi cùng năm tháng, trở thành đóng góp quan trọng thức tỉnh ý thức của thế hệ trẻ miền Nam về đất nước.

Kết bài Đất Nước theo chủ đề tư tưởng Đất Nước của nhân dân mẫu 2

Qua hình tượng Đất Nước, nhà thơ đã ca ngợi tâm hồn nhân dân, khẳng định tư tưởng đất nước của nhân dân, nhân dân làm chủ đất nước. Đoạn thơ như một tiếng nói tâm tình dịu ngọt, nhà thơ như đang đối thoại cùng ta về Đất Nước và nhân dân. Đọc lại đoạn thơ, lòng mỗi chúng ta lại bâng khuâng, xúc động nghĩ về hai tiếng Việt Nam thân thương, cảm thấy hãnh diện và tự hào to lớn.

Bạn có thể triển khai kết bài theo chủ đề tư tưởng đất nước của nhân dân
Bạn có thể triển khai kết bài theo chủ đề tư tưởng đất nước của nhân dân

Kết bài Đất Nước theo chủ đề nét mới trong cảm nhận về đất nước

Những câu thơ khép lại tác phẩm Đất Nước đã ca ngợi vẻ đẹp của cảnh sắc quê hương với một tâm hồn lạc quan phơi phới. Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm thành công cho mảng thi ca viết về đất nước với những góc nhìn mới, quan điểm mới. Từ những cảm nhận mang tính gần gũi, quen thuộc, đất nước không còn xa lạ, trừu tượng mà trở nên thân thiết nhưng vẫn rất thiêng liêng. Đọc tác phẩm, ta không chỉ tìm về cội nguồn truyền thống mà còn khơi dậy tinh thần dân tộc trong mỗi con người Việt Nam ở mọi thời đại.

Kết bài so sánh bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi

Đối với dạng bài so sánh hai bài thơ, bạn có thể làm theo những gợi ý này.

Kết bài dạng so sánh mẫu 1

Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi là hai thi sĩ xuất sắc bậc nhất trong nền thi ca Việt Nam. Hai bài thơ cùng tựa “Đất Nước”, cùng ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên và con người, văn hóa và lịch sử nhưng lại được thể hiện với hai màu sắc rất riêng. Nguyễn Khoa Điềm hình tượng hóa đất nước trong mối liên hệ với không gian và thời gian, gợi lên tình yêu cao cả, làm nổi bật lên tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”, còn Nguyễn Đình Thi lại thể hiện tình yêu và niềm tự hào ấy bằng cách khắc họa hình tượng đất nước đau thương mà đầy bất khuất.

Đất Nước trong thơ Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm đều hiện lên dáng vẻ thân thuộc và đẹp đẽ nhất
Đất Nước trong thơ Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm đều hiện lên dáng vẻ thân thuộc và đẹp đẽ nhất

Kết bài dạng so sánh mẫu 2

Chủ đề quê hương đất nước từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng của nhiều thi sĩ, song cách khám phá và thể hiện lại có những nét rất riêng, Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi cũng không phải ngoại lệ. Trong khi Nguyễn Đình Thi gợi lên đất nước qua màu sắc hiện đại, Nguyễn Khoa Điềm lại in hằn hình dáng dải đất chữ S qua chiều sâu tâm hồn dân tộc với chiều dài bốn nghìn năm văn hiến. Tuy nhiên, hai bài thơ đều mang đến một tinh thần yêu nước sâu sắc, góp phần thức tỉnh ý thức tự tôn dân tộc trong thế hệ trẻ.

Kết bài Đất Nước là phần tổng kết lại toàn bộ nội dung tác phẩm đã phân tích. Kết bài có thể được triển khai theo những cách khác nhau, tùy thuộc vào từng dạng đề bài. Tuy nhiên, bạn nên đảm bảo kết bài tóm gọn được nội dung phân tích, đồng thời tạo nên ấn tượng riêng có để mang đến sự sâu lắng trong lòng người đọc.

BÀI LIÊN QUAN
Tags: Tác phẩm Đất nước Soạn văn 12