1. Trường đại học đầu tiên của Việt Nam là trường nào?
Trường Quốc Tử Giám, còn được biết đến với tên gọi Văn Miếu, là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Trường Quốc Tử Giám ban đầu là nơi dành cho việc đào tạo các nhà thông thạo văn hóa và tri thức cho triều đình. Đây từng là trung tâm giáo dục hàng đầu của đất nước trong nhiều thế kỷ.
Với kiến trúc truyền thống và không gian yên bình, Trường Quốc Tử Giám đã trở thành một điểm đến du lịch nổi tiếng và là biểu tượng của văn hóa, giáo dục của Việt Nam, là biểu tượng vượt thời gian giữa thủ đô Hà Nội. Đây cũng là nơi lưu giữ hàng nghìn bia khắc tên của các tiến sỹ đã tốt nghiệp từ thời Lý, Trần, Lê và Nguyễn, ghi chép lại sự học hành và thành tựu của họ.
2. Sơ lược về trường Quốc Tử Giám
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trung tâm giáo dục lớn nhất của nước ta thời xưa, đồng thời cũng là nơi hun đúc nên bao truyền thống văn hóa quý báu, trong đó có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng hiền tài của dân tộc.
2.1. Giới thiệu về Quốc Tử Giám
Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện đã được Thủ tướng chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 12/5/2012.
Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được chọn là biểu tượng của Thủ đô, 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu.
Những điều này đã cho thấy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Việt Nam mà nó đã trở thành di sản văn hóa của nhân loại.
2.2. Quốc Tử Giám ở đâu?
Quần thể di tích tọa lạc tại số 58 phố Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội), được xây dựng trên một khu đất hình chữ nhật có diện tích khoảng 54.331 mét vuông bao gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám với kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám.
3. Nhìn lại bề dày lịch sử của trường đại học đầu tiên của Việt Nam
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, trường Quốc Tử Giám cho đến ngày nay đã và đang tiếp tục đóng góp không nhỏ trong nền văn hóa, giáo dục nước nhà.
3.1. Trường Quốc Tử Giám xây dựng năm nào?
Văn Miếu được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông vào năm 1070 để thờ các bậc tiên thánh, tiên sư đạo Nho và cho Thái tử Lý Càn Đức (sau này ông lên ngôi và lấy niên hiệu là Lý Nhân Tông) đến học.
Đến năm 1076, con trai vua Lý Thánh Tông cho xây dựng thêm Quốc Tử Giám - trường học dành cho các thái tử, hoàng tử, con đại thần bên cạnh Văn Miếu. Năm 1762, địa điểm này trở thành khu vực đào tạo giáo dục cao cấp của triều đình.
3.2. Trường Quốc Tử Giám ngày nay
Trong những năm qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu di tích tâm linh, biểu tượng của trí tuệ, truyền thống hiếu học đã được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, tạo nhiều điều kiện để trở thành một di tích, địa chỉ thu hút, hấp dẫn đối với khách du lịch.
Cùng với đó đến nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa điểm tổ chức lễ khen tặng cho học sinh xuất sắc, hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng Giêng và là nơi tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, khoa học.
Cũng tại đây, vào mỗi dịp Tết nguyên đán hay trước mỗi kỳ thi, các sĩ tử thường đến xin chữ đầu xuân của các ông đồ và cầu may trong thi cử, học hành... Đặc biệt, nơi đây còn được vinh dự giới thiệu với các nguyên thủ quốc gia mỗi khi tới thăm Việt Nam.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học tiêu biểu của di tích, năm 1962 Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di tích quốc gia; ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích quốc gia đặc biệt.
4. Trường Quốc Tử Giám có gì độc đáo?
Trường đại học đầu tiên của Việt Nam có những điểm độc đáo về kiến trúc cũng như các cổ vật bên trong khiến ai cũng thích thú khi tìm hiểu.
4.1. Kiến trúc của trường Quốc Tử Giám
Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám được bao bọc bởi 4 bức tường gạch vồ cực kỳ kiên cố, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi không gian được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên).
Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: Cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, cổng Đại Thành và cổng Thái Học. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước.
4.2. Cổ vật được lưu giữ ở Quốc Tử Giám
Văn Miếu Quốc Tử Giám được xem là trường đại học đầu tiên của Việt Nam và là biểu tượng cho nền khoa cử thời phong kiến. Bia Tiến sĩ ở 2 bên giếng Thiên Quang là nơi bảo tồn những di tích quý nhất của cả khu di tích lịch sử này. Những tấm bia Tiến sĩ là những tư liệu văn tự bản gốc duy nhất được lưu giữ tại chỗ, liên tục kể từ khi được dựng.
Nằm sau khu Văn Miếu là khu Quốc Tử Giám với nhà Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu, nhà chuông, nhà trống hai bên. Đây là nơi xưa kia dựng trường Quốc Tử Giám, nơi đào tạo hàng ngàn nhân tài cho đất nước.
5. Bí mật về trường Quốc Tử Giám
Nhìn vào Văn Miếu Quốc Tử Giám, ít ai ngờ rằng chỉ tính trong thời gian từ 1898 - 1954, nơi đây từng có vài lần hoang phế và thậm chí rất có thể nó đã bị phá hủy hoàn toàn giống như những thành lũy, cửa ô, chùa Báo Thiên… ở Hà Nội, nếu không có sự can dự kịp thời của EFEO để xếp hạng di tích cho nơi này.
Những năm cuối thế kỷ 19 di tích này đã bị bỏ hoang, có thời kỳ lại được quân đội Pháp sử dụng làm trường dạy thổi kèn, hoặc thậm chí dùng làm nơi cách ly bệnh nhân dịch tả.
Thời kỳ đầu, khi người Pháp đặt ách đô hộ ở Việt Nam, họ chưa kịp nhận ra giá trị của những di sản quý, trong đó có Quốc Tử Giám. Nhiều di sản của người Việt như chùa chiền, thành quách… đã bị phá hủy để dành chỗ cho những công trình mới của người Pháp.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám khi ấy chỉ được người Pháp gọi là "chùa Quạ" vì mức độ hoang phế. Nó sở dĩ chưa bị phá hủy như chùa Báo Ân vì ở vị trí khá xa hồ Hoàn Kiếm và khu vực quy hoạch của người Pháp. Chưa bị phá nhưng nơi đây không được chính quyền thực dân Pháp coi là một di sản cần bảo tồn, giữ gìn.
6. Những câu hỏi về trường Quốc Tử Giám
Có nhiều câu hỏi xoay quanh trường đại học đầu tiên của Việt Nam như học sinh đầu tiên của trường là ai, bia tiến sĩ đầu tiên được dựng thời gian nào sẽ được giải đáp ngay sau đây.
6.1. Học sinh đầu tiên của Quốc Tử Giám là ai?
Theo Việt sử thông giám cương mục, có đoạn trích: "Bính Thìn, năm Anh Vũ Chiêu Thắng thứ nhất tháng tư... lập nhà Quốc Tử Giám; tuyển trong các văn thần lấy những người có văn học, bổ vào đó". Người đầu tiên học tập ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là thái tử Lý Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông sau này.
6.2. Bia tiến sĩ đầu tiên được dựng trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào thời gian nào?
Bia tiến sĩ đặt tại khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám vinh danh tên tuổi, quê quán những người đỗ trong các kỳ thi tuyển tiến sĩ triều Lê và Mạc. Trên mỗi tấm bia khắc một bài văn (bài ký) bằng chữ Hán, nội dung ghi lại lịch sử của các khoa thi tổ chức từ năm 1442 đến năm 1779.
Tấm bia tiến sĩ đầu tiên được dựng năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Tấm bia cuối cùng được dựng vào năm 1780 cho khoa thi tổ chức vào năm 1779. Đây là những pho “sử đá” thể hiện văn hóa giáo dục và là niềm tự hào về truyền thống hiếu học của Việt Nam.
Tấm bia tiến sĩ đầu tiên nêu rõ tầm quan trọng của việc đào tạo nhân tài và khuyến khích kẻ sĩ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”. Một số tấm bia về sau cũng nhắc lại ý "nhân tài là nguyên khí của quốc gia".
6.3. Văn Miếu - Quốc Tử Giám có bao nhiêu bia đá khắc tên các vị tiến sĩ?
Văn Miếu - Quốc Tử Giám có 82 bia đá khắc tên các vị tiến sĩ. Các bia tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long được dựng trong thời gian gần 300 năm, từ năm 1484 (niên hiệu Hồng Đức thứ 15) đến năm 1780 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 41, khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam của các khoa thi Đình từ năm 1442 (niên hiệu Đại Bảo thứ 3) đến năm 1779 (niên hiệu Cảnh Hưng thứ 40).
Trong thời gian đó, có 124 khoa thi với 30 khoa thi không được dựng bia và 91 khoa thi được dựng bia nên số lượng bia đầy đủ ở đây phải là 91 tấm bia. Tuy nhiên, do biến thiên của lịch sử mà đến nay chỉ còn 82 tấm bia tiến sĩ, 9 tấm bia đã bị mất.
Được xây dựng từ thế kỷ 10, Văn Miếu Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam đã trở thành một tượng đài của tri thức, đồng thời cũng là một trong những những địa điểm du lịch đắt khách và là niềm tự hào của người dân Việt Nam. Đừng quên lưu lại những kiến thức bổ ích trên để biết thêm về cái nôi sản sinh ra những nhân tài của đất nước.