Soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa đầy đủ và dễ hiểu nhất

Aretha Thu An
Để soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa hay và đúng trọng tâm, học sinh cần khai thác các thông tin về các nhân vật chính như người phụ nữ hàng chài và nhân vật Phùng, đồng thời phân tích các tình huống trong truyện nhằm hiểu sâu về cuộc sống và nhân văn.

Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa

Trước khi soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa, học sinh cần tìm hiểu về tác giả, tác phẩm, giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản.

Tác giả 

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989) quê gốc Nghệ An, là một trong những cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại. Sau khi tốt nghiệp trường Kỹ nghệ Huế năm 1945, ông gia nhập Quân đội năm 1950 và theo học tại trường Sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn.

Nguyễn Minh Châu được biết đến với phong cách nghệ thuật tự sự - triết lý đậm nét. Những tác phẩm chính của ông bao gồm "Sau một buổi tập" (1960), "Cửa sông" (1966), "Dấu chân người lính" (1972), "Miền cháy" (1977), "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành" (1983), "Bến quê" (1985) và "Phiên chợ Giáp" (1989).

Tác phẩm

Truyện được sáng tác sau khi đất nước thống nhất, trong bối cảnh xã hội đang có nhiều biến đổi. Nguyễn Minh Châu có dịp trở lại chiến trường xưa, nơi ông từng tham gia chiến đấu và có những suy ngẫm mới về cuộc sống, con người.

Bố cục truyện gồm hai phần chính:

  • Phần 1 thể hiện hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng.
  • Phần 2 là câu chuyện của người đàn bà hàng chài.

Tóm tắt nội dung

Để trả lời đúng các câu hỏi trong khi soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa, việc tóm tắt nội dung là điều vô cùng cần thiết. Dưới đây là tóm tắt khái quát về nội dung.

Nhận nhiệm vụ từ trưởng phòng, Phùng lên đường về miền Trung để chụp bộ ảnh chào đón năm mới, nơi anh từng tham chiến trong kháng chiến chống Mỹ. Sau một tuần kiên nhẫn chờ đợi, anh bắt gặp "cảnh đắt trời cho" và quyết định chọn chủ đề cho bộ lịch là chiếc thuyền đánh cá lúc bình minh. Khi đã hoàn thành bộ ảnh, trên đường về, Phùng chứng kiến cảnh tượng người đàn ông thuyền chài to lớn đang hành hung người phụ nữ. Đứa con trai tên Phác lao vào ngăn cản. Cảnh tượng này tái diễn nhiều lần khiến Phùng không thể chịu đựng, anh quyết định can thiệp nhưng bị người đàn ông đánh trọng thương.

Sau đó, chánh án Đẩu, bạn của Phùng, mời người đàn bà thuyền chài lên tòa án huyện để giải quyết. Tại đây, Đẩu khuyên người đàn bà rời bỏ người chồng bạo hành. Người đàn bà giải thích lý do bị đánh và kể về cuộc sống của mình. Phùng và Đẩu hiểu ra rằng, dù bị ngược đãi, cả người đàn bà và những đứa con vẫn cần người đàn ông để gánh vác trách nhiệm và nuôi sống gia đình. Phùng nhận ra rằng, chỉ nhìn bề ngoài thì không thể đánh giá toàn bộ sự việc.

Chiếc thuyền ngoài xa là văn bản nằm trong SGK lớp 12
Chiếc thuyền ngoài xa là văn bản nằm trong SGK lớp 12

Giá trị nội dung và nghệ thuật

Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật là hai yếu tố quan trọng cần khai thác khi soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa.

Giá trị nội dung:

  • "Chiếc thuyền ngoài xa" khắc họa khát vọng tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh những vẻ đẹp tiềm ẩn trong con người, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn, tăm tối nhất.
  • Tác phẩm đề cao vẻ đẹp của một cốt cách nghệ sĩ mẫn cảm, luôn chiêm nghiệm lẽ đời để rút ra những triết lý nhân sinh sâu sắc, đồng thời đặt ra những vấn đề mang ý nghĩa lớn lao cho mọi thời đại, mọi con người.

Giá trị nghệ thuật:

  • Nghệ thuật xây dựng cốt truyện độc đáo, kết hợp hài hòa giữa những tình tiết đời thường và những ý nghĩa triết lý sâu xa.
  • Điểm nhìn từ nhân vật Phùng, người hóa thân của tác giả, giúp câu chuyện được kể một cách tự nhiên, khách quan và sinh động. Cách kể chuyện chân thực nhưng cũng vô cùng sắc sảo, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả.
  • Ngôn ngữ trong truyện tự nhiên, sống động và phù hợp với đặc điểm tính cách từng nhân vật, tạo nên sự gần gũi và chân thực cho câu chuyện.

Hướng dẫn soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa đúng

Soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa chi tiết giúp các bạn học sinh triển khai ý đầy đủ và dễ dàng ghi được điểm cao trong kỳ thi.

Soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa trong SGK

Câu 1 (Trang 78)

Phát hiện của nghệ sĩ nhiếp ảnh về vẻ đẹp độc đáo và tinh tế của chiếc thuyền ngoài xa trên biển:

  • Bức tranh mực tàu mang lại cảm giác như vừa khám phá ra chân lý của sự hoàn thiện, trong khoảnh khắc tâm hồn trở nên trong ngần.
  • Đôi mắt tinh tường và đầy kinh nghiệm đã nhận ra vẻ đẹp của mặt biển mờ sương.
  • Người nghệ sĩ cảm thấy hạnh phúc khi khám phá và sáng tạo, cảm nhận vẻ đẹp tuyệt diệu.
  • Sự hài hòa, toàn bích và lãng mạn của cuộc đời đã thanh lọc tâm hồn của người nghệ sĩ.

Câu 2 (Trang 78)

Phát hiện nghịch lý thứ hai:

  • Hiện thực: Bước ra từ khung cảnh thơ mộng, "đẹp như mơ" của chiếc thuyền ngư phủ lại là hình ảnh người đàn bà "xấu xí, mệt mỏi và cam chịu".
  • Một gã đàn ông thô kệch, dữ dằn, độc ác, xem việc hành hạ, đánh đập vợ là cách để giải tỏa uất ức và đau khổ.

-> Cho thấy: Ẩn sau cái vẻ đẹp tưởng như "toàn bích, toàn thiện" mà anh bắt gặp là sự thật thô bạo, vô lý như một trò đùa quái ác của cuộc sống.

Minh họa hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa
Minh họa hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa

Câu 3 (Trang 78)

Sau khi soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa, ta nhận thấy câu chuyện của người đàn bà tại tòa án huyện mang ý nghĩa thật sâu sắc:

  • Câu chuyện phản ánh hiện thực cuộc sống, giúp những người như Phùng hay Đẩu hiểu được lý do đằng sau những điều tưởng chừng vô lý.
  • Người đàn bà chấp nhận bị bạo hành thay vì ly hôn, vì những lý do sâu xa và khó hiểu.
  • Người phụ nữ hàng chài mang trong mình tình yêu thương vô hạn với con cái, cố gắng giữ gìn hạnh phúc nhỏ nhoi giữa những đau khổ triền miên.

-> Cho thấy: Cái nhìn của người nghệ sĩ đối với cuộc đời và con người không thể dễ dãi và giản đơn mà phải thấu hiểu sâu sắc hơn trước những sự việc trong cuộc sống.

Câu 4 (Trang 78)

Nhân vật người đàn bà hàng chài:

  • Ngoại hình: Xấu xí, thô kệch, rách rưới, da sạm vì nắng gió.
  • Cuộc đời: Lam lũ, cực khổ.
  • Tính cách: Nhẫn nhục, cam chịu.
  • Giàu lòng tự trọng: Khi biết hành động vũ phu của chồng bị người khác nhìn thấy, chị cảm thấy đau đớn, xấu hổ, nhục nhã.
  • Sống sâu sắc, thấu hiểu lẽ đời: Hiểu chồng, thương con, biết tha thứ, hy sinh vì gia đình.

Nhân vật người chồng: Vốn là người hiền lành, chăm chỉ, nhưng cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, gánh nặng gia đình đè nặng khiến anh trở nên vũ phu, cục cằn.

-> Cho thấy: Người chồng vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm của đau khổ.

Chị em Phác:

  • Người chị: Yếu ớt nhưng can đảm, là điểm tựa của mẹ, ngăn cản được hành động dại dột của đứa em.
  • Phác: Thương mẹ nhưng chỉ nhìn được sự tàn nhẫn của cha, vì còn bé nên chưa hiểu lẽ đời.

-> Cho thấy: Hình ảnh những đứa trẻ sống trong bạo lực.

Nghệ sĩ Phùng:

  • Người có tâm hồn vừa tinh tế, vừa nhạy cảm.
  • Là người lính vào sinh ra tử nên căm ghét áp bức, bất công, làm mọi thứ vì lẽ công bằng.
  • Nhìn nhận con người và cuộc sống một cách đa chiều, không vội vàng phán xét.
  • Nghệ sĩ có trách nhiệm với xã hội, với con người, muốn dùng nghệ thuật để phản ánh hiện thực và thức tỉnh con người.

Câu 5 (Trang 78)

Cách xây dựng cốt truyện độc đáo trong "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu:

  • Tạo ra tình huống truyện đầy bất ngờ: phía sau cảnh tượng đẹp như mơ là hình ảnh thô bạo của người đàn ông vũ phu, khiến Phùng, người nghệ sĩ nhạy cảm, phải ngỡ ngàng.
  • Tiếp đó, Phùng chứng kiến cảnh những đứa con của người đàn bà hàng chài phản ứng trước hành động bạo lực của cha đối với mẹ, làm thay đổi cách nhìn nhận của anh.
  • Qua cuộc trò chuyện với người đàn bà hàng chài, Phùng hiểu sâu sắc hơn về nguyên nhân sự cam chịu của bà.

Ý nghĩa: Nguyễn Minh Châu xây dựng tình huống để bộc lộ mọi mối quan hệ, khả năng ứng xử, thử thách phẩm chất và tính cách của nhân vật, đồng thời tạo ra những bước ngoặt trong tư tưởng và tình cảm.

→ Tình huống truyện mang ý nghĩa khám phá và phát hiện đời sống.

Bạo lực là hành vi đáng lên án dù ở bất kỳ thời đại nào
Bạo lực là hành vi đáng lên án dù ở bất kỳ thời đại nào

Câu 6 (Trang 78)

Ngôn ngữ người kể chuyện:

  • Thông qua nhân vật Phùng, tạo nên điểm nhìn trần thuật sắc sảo và độc đáo. Lời kể khách quan, chân thực và thuyết phục.
  • Ngôn ngữ của các nhân vật được xây dựng phù hợp với đặc điểm và tính cách của từng người.
  • Ngôn ngữ kể chuyện linh hoạt và sáng tạo.

Soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa phần luyện tập

Nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc nhất: Người đàn bà hàng chài.

Bà mang vẻ ngoài xấu xí, thô kệch nhưng lại có một tâm hồn sâu sắc và đầy tình thương. Sự cam chịu nhẫn nhục của bà trước những trận đòn roi của chồng không phải là biểu hiện của sự yếu đuối mà là một sự hy sinh thầm lặng vì con cái. Bà hiểu rõ thực tế cuộc sống khắc nghiệt và chọn cách giữ gìn gia đình để con mình không phải chịu cảnh chia ly.

Qua cuộc trò chuyện với bà, người nghệ sĩ Phùng và cả người đọc đều có cái nhìn thấu hiểu hơn về sự phức tạp và đa chiều của cuộc sống. Chính sự thấu hiểu, tình yêu thương và đức hy sinh đã khiến bà trở thành một nhân vật đầy xúc động và đáng kính trọng trong lòng người đọc.

Bài tập liên hệ

Câu 1: Viết 1 đoạn khoảng 150 từ để làm rõ mối liên hệ giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo với thực tế cuộc sống ngày nay khi soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa.

"Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu không chỉ mang giá trị hiện thực sâu sắc mà còn chứa đựng giá trị nhân đạo trường tồn. Giá trị hiện thực của tác phẩm được thể hiện qua bức tranh chân thực về cuộc sống của người dân chài ven biển trong xã hội cũ. Đặc biệt hình ảnh người đàn bà lam lũ, cam chịu, chịu đựng sự bạo hành của chồng là minh chứng cho hiện thực xã hội bất công, nơi người phụ nữ phải chịu nhiều khổ cực, nhục nhã.

Đằng sau bức tranh hiện thực ấy là giá trị nhân đạo sâu sắc mà tác giả muốn gửi gắm. Tác giả khẳng định vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam dù trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả nhưng vẫn giữ gìn phẩm chất tốt đẹp, tình yêu thương vô bờ bến dành cho con cái và lòng vị tha, hy sinh bản thân vì gia đình.

Câu 2: Phân tích vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ hàng chài trong khi soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa.

Các ý chính cần thể hiện khi phân tích hình ảnh người phụ nữ hàng chài:

Sức sống mãnh liệt:

  • Vượt qua mọi khó khăn để sinh tồn và nuôi dưỡng con cái.
  • Chị chấp nhận cuộc sống lam lũ, vất vả, ngày đêm bám biển để kiếm sống.
  • Chị chịu đựng sự bạo hành của người chồng vũ phu nhưng vẫn cố gắng giữ gìn tổ ấm cho con.

Tình yêu thương vô bờ bến:

  • Hy sinh hạnh phúc cá nhân vì con.
  • Chị chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ để con được lớn lên, trưởng thành.

Lòng vị tha, hy sinh:

  • Cam chịu, nhẫn nhục trước sự vũ phu của chồng.
  • Chị tha thứ cho người chồng bạo lực, không muốn con cái phải chịu cảnh thiếu cha.

Thấu hiểu lẽ đời:

  • Hiểu chồng, thương con, biết tha thứ, hy sinh vì gia đình.
  • Chị hiểu được hoàn cảnh của chồng, biết rằng anh cũng là nạn nhân của xã hội.
  • Chị chấp nhận số phận của mình, không oán trách ai.
Cần soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa chỉn chu trước khi phân tích về bài
Cần soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa chỉn chu trước khi phân tích về bài

Câu 3: Khi soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa, bạn thấy thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua tác phẩm là gì?

Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm qua tác phẩm sự hiểu biết về những mặt đa chiều của cuộc sống, từ những vẻ đẹp tinh tế đến những đau khổ và bất công. Tác phẩm tập trung vào việc khai phá nhân văn qua các nhân vật, với thông điệp về lòng nhân ái, sự hy sinh và sự vượt qua nỗi đau để bảo vệ những giá trị thiêng liêng trong cuộc sống gia đình và xã hội.

Câu 4: Hãy sáng tác một đoạn kết khác cho tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa.

Phùng quyết định ở lại thêm vài ngày, trò chuyện với người dân hàng chài, tìm hiểu thêm về cuộc sống của họ. Anh kêu gọi mọi người chung tay góp sức cho những mảnh đời khó khăn qua ngòi bút của mình để, đồng thời góp phần lên tiếng cho những kiếp người bất hạnh như người phụ nữ hàng chài.

Ngoài những giá trị nội dung, nghệ thuật của văn bản, việc soạn bài Chiếc thuyền ngoài xa cũng cần chú trọng đến mặt đa chiều của con người và cuộc sống, từ đó làm rõ ý nghĩa về sự vượt khó và khám phá tâm hồn.