Tác giả Nguyễn Tuân, ngòi bút biểu tượng của Chân - Thiện - Mỹ 

Aretha Thu An
Tác giả Nguyễn Tuân, viên ngọc sáng giá của văn học hiện đại Việt Nam. Với việc ra đời của tập truyện ngắn “Vang bóng một thời”, ông đã trở thành biểu tượng cho Chân - Thiện - Mỹ trong văn chương. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân vô cùng đồ sộ với hàng loạt tác phẩm ghi dấu trong lòng độc giả cho đến ngày nay. 

Nguyễn Tuân là ai? Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân 

Nguyễn Tuân (10/7/1910 - 28/7/1987) quê tại thôn Thượng Đình, xã Nhân Mục (tên nôm là làng Mọc), thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội ngày nay. Ông là một nhà văn Việt Nam nổi tiếng với các tác phẩm thuộc thể loại tùy bút và kí.

Tác giả Nguyễn Tuân sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho khi Hán học đã suy tàn. Cha ông là cụ Nguyễn An Lan, một nhà nho yêu nước và tài hoa sống dưới chế độ thực dân phong kiến. Chính vì vậy, ngay khi còn rất nhỏ, ông đã chịu ảnh hưởng lớn từ lý tưởng của cha mình. Thời niên thiếu, vì cuộc sống vất vả nên gia đình ông phải di cư đến nhiều nơi, trong đó Thanh Hóa được xem là “quê hương thứ hai” - nơi mà Nguyễn Tuân sinh sống lâu nhất.

Trong suốt sự nghiệp văn chương của mình, Nguyễn Tuân đã sử dụng nhiều bút danh, có thể kể đến như Tuấn Thừa Sắc, Nhất Lang, Thanh Thủy, Ân Ngũ Tuyên, Ngột Lôi Nhật, Thanh Hà. Ông là một trong số ít các nhà văn hiện đại được mệnh danh là bậc thầy trong việc sáng tác và sử dụng tiếng Việt. Năm 1996, ông đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Bên cạnh đó, để tưởng nhớ về Ông Vua tùy bút, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, người dân đã lấy tên ông để đặt cho các con đường và tuyến phố.

Tác giả Nguyễn Tuân, ngòi bút đặc sắc của nền văn học Việt Nam thời hiện đại 
Tác giả Nguyễn Tuân, ngòi bút đặc sắc của nền văn học Việt Nam thời hiện đại 

Cuộc đời và phong cách nghệ thuật của tác giả Nguyễn Tuân  

Nhà văn Vũ Ngọc Phan từng cảm thán rằng, nhà văn với bút danh Tuấn Thừa Sắc đã tự nguyện dấn thân và bám trụ ở thành trì văn học, là một nghệ sĩ với nhân cách văn hóa lớn. Nhà văn Nguyễn Tuân “đặc Việt Nam” (cách dùng chữ đầy khơi gợi của Vũ Ngọc Phan) từ quan điểm sống đến thực tế sáng tác. Nhận định ngắn gọn nhưng đã bao hàm toàn bộ cuộc đời và phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân.

Cuộc đời của tác giả Nguyễn Tuân 

Sinh ra ở thời kỳ “nước mất, nhà tan” dưới chế độ thực dân, trong Nguyễn Tuân đã sớm nung nấu lòng yêu đất nước, yêu quê hương mãnh liệt. Sau khi hoàn thành bậc Thành chung Nam Định (tương đương với cấp Trung học cơ sở ngày nay tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định), ông bị đuổi học vì đã tham gia cuộc bãi khóa, phản đối giáo viên Pháp tuyên truyền xấu về Việt Nam vào năm 1929. Ít lâu sau, ông lại bị bắt vì tội vượt biên trái phép.

Sau khi ra tù, ngòi bút của bậc thầy sử dụng tiếng Việt bắt đầu tạo nên những áng văn bất hủ. Cho đến năm 1938, những tác phẩm của Nguyễn Tuân thuộc thể loại tùy bút, bút ký mới bắt đầu phổ biến trong làng văn học Việt Nam. Trong đó, nổi tiếng nhất có thể kể đến như Vang bóng một thời, Một chuyến đi,...

Sơ lược cuộc đời của Nguyễn Tuân:

  • Năm 1941, Nguyễn Tuân một lần nữa bị bắt giam, tại đây ông đã có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ những người hoạt động chính trị.
  • Năm 1945, Cách Mạng Tháng Tám thành công lẫy lừng khắp năm châu, ông bắt đầu tham gia vào sự nghiệp cách mạng và kháng chiến của dân tộc với sự hân hoan rực rỡ, đồng thời trở thành ngòi bút tiêu biểu của thời kỳ “văn mới”.
  • Năm 1948 - 1957, Nguyễn Tuân được bổ nhiệm vị trí Tổng thư ký Hội Văn Nghệ Việt Nam. Các tác phẩm của ông sau giai đoạn này là các bài tùy bút về đất nước.
  • Ngày 28/7/1987, tác giả Nguyễn Tuân - ngòi bút sáng giá của văn học Việt Nam, qua đời tại Hà Nội.
Hình ảnh Họa Sĩ Bùi Xuân Phái, nhà văn Nguyễn Tuân và nhạc sĩ Văn Cao từ trái qua 
Hình ảnh Họa Sĩ Bùi Xuân Phái, nhà văn Nguyễn Tuân và nhạc sĩ Văn Cao từ trái qua 

Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong đời sống và văn chương 

Nguyễn Tuân là một người tri thức dân tộc hết mực tài hoa và uyên bác. Ông am hiểu cả Hán học, Nho học lẫn Tây học. Thế nhưng sâu trong lòng người trí thức tài hoa ấy vẫn là lòng say mê thiết tha đối với chữ Quốc ngữ, ngôn ngữ chính thống của dân tộc Việt Nam.

Nói đến nhà văn Nguyễn Tuân, đầu tiên là nói đến một phong cách sống gắn liền với một lối hành văn độc đáo, mà từ đó người ta có thể hình dung ra rằng “ông đã lặp một cõi riêng trong văn chương Việt Nam”. Vì hết mực đề cao và chú tâm giữ trọn danh dự của người nghệ sĩ, nên nhà văn với bút danh Tuấn Thiếu Sắc cực kỳ căm ghét thói xấu xa, đê tiện, rởm đời và vô văn hóa.

Trước Cách Mạng, cuộc đời của ông là chuỗi ngày của những chuyến lãng du, phóng túng hình hài ở hàng viện, tiệm hút; là tận cùng của sự cô đơn và bế tắc. Chào đón Cách Mạng với niềm hân hoan như được “lột xác”, Nguyễn Tuân thể hiện mình trong văn chương là “một dạ lữ khách không mỏi, quên ngủ của một đêm phong hội mới''.

Theo cách nói của Dostoevsky, nhà văn thiên tài của Nga, cái đẹp trong văn Nguyễn Tuân là cái đẹp cứu rỗi. Dù ở thời kỳ nào, phong cách nghệ thuật của ông đều toát lên vẻ đẹp của một thứ mỹ học vừa cầu kỳ vừa tinh tế. Đọc những áng văn của người nghệ sĩ với bút danh Tuấn Thiếu Sắc, người ta mơ hồ có thể hình dung ra được cái “linh điệu” của tiếng Việt vì vừa có nhạc, có hình, có cả tình và điệu trong từng nhịp ngắn dài, có cái chắc khỏe của thơ Nôm, lẫn một chút tinh tế của âm nhạc và hội họa khi đặt cấu trúc câu.

Chính vì thế, không quá lời khi nói cả cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông là những ''tờ hoa'' đạt đến vẻ đẹp kinh điển của nghệ thuật sử dụng ngôn từ.

Nguyễn Tuân luôn đề cao tính Chân - Thiện - Mỹ trong đời sống và sáng tác
Nguyễn Tuân luôn đề cao tính Chân - Thiện - Mỹ trong đời sống và sáng tác

Sự nghiệp hành văn của Ông Vua thể loại tùy bút Nguyễn Tuân 

Cuộc đời viết văn của Nguyễn Tuân kéo dài hơn nữa thế kỷ là một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc và vinh quang. Đọc văn ông, người ta không chỉ phải trầm trồ về tính thẩm mỹ trong việc sử dụng ngôn từ, mà còn được bồi dưỡng thêm tri thức ở nhiều lĩnh vực như nhạc, họa, điêu khắc, lịch sử, điện ảnh,...

Cái ngông trong phong cách sáng tác của tác giả Nguyễn Tuân 

Nhận định về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trong văn chương, Giáo sư Nguyễn Ðăng Mạnh có chia sẻ: "Hạt nhân của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể gói gọn trong một chữ ngông. Cái ngông vừa có màu sắc cổ điển, kế thừa truyền thống tài hoa bất đắc chí của những Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Ðà,... và trực tiếp hơn là cụ Tú Lan, thân sinh nhà văn ; vừa mang dáng vẻ hiện đại, ảnh hưởng từ các hệ thống triết lý nổi loạn của xã hội tư sản phương Tây như triết lý siêu nhân, quan niệm về con người cao đẳng, thuyết hiện sinh...”.

“Ngông” là từ biểu hiện cho một tâm thế chống trả nề nếp, phép tắc, định kiến cứng nhắc và hẹp hòi của thời đại bằng cách làm ngược lại mọi thứ với thái độ “ngạo đời” pha lẫn đôi chút thách thức.

Trước Cách Mạng, cái ngông của Nguyễn Tuân được biểu hiện hết sức cực đoan. Mọi sở thích, quan niệm của cá nhân đều được ông đẩy lên thành các thứ chủ nghĩa : chủ nghĩa duy mỹ, chủ nghĩa xê dịch, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa ẩm thực,... Nhưng hỡi ơi, có mấy ai hiểu rằng, sâu trong cái ngông ngạo đời này là phản ứng tâm lý bình thường của một cá nhân biết nhận thức trước tấn kịch xã hội mà không tìm được hướng đi. Hơn thế, đấy còn là sự bao hàm khí khái của người trí thức yêu nước, không cam tâm chấp nhận chế độ thực dân, tự đặt những nghịch thuyết để tách mình ra và vượt lên trên cái xã hội của những kẻ xu thời, thỏa mãn với thân phận nô lệ.

Sau 1945, cái ngông của Nguyễn Tuân đã mất đi phần cực đoan, chỉ giữ lại cái cốt cách thanh cao vốn có. Nó đã chuyển biến thành sự sáng tạo, mới lạ và độc đáo mà chưa nhà văn nào dám thử nghiệm. Người ta có thể dễ dàng thấy chữ ngông đã được ông “bày biện” trong văn học mang đầy hương vị đặc sản từ những nguồn "chưa ai khơi", nên thường tạo được cảm giác rất mạnh và ấn tượng rất sâu. Đó có thể là vẻ đẹp của cảnh, tình và tri thức; là lòng tự hào về thời đại và dân tộc; cũng có thể là hệ thống nhân vật với những dáng vẻ riêng độc đáo, mang trọn vẻ đẹp của tài hoa và nhân cách.

Dõi theo các sáng tác của ông, thật dễ để nhìn ra sự chuyển dịch giữa các tư tưởng nghệ thuật. Bao giờ cũng khởi đầu thật ấn tượng bằng việc khám phá và đề cao cái tôi cá nhân, để rồi khi nhận ra “nỗi đau” của thời cuộc, lại cảm thấy trống vắng và buồn chán đến xót xa. Đến khi được lý tưởng Cách Mạng dẫn đường, ngòi bút của người nghệ sĩ ấy càng hăng say cống hiến để đưa văn học đến gần hơn với cuộc sống nhân dân và công cuộc bảo vệ đất nước.

Các tác phẩm của Nguyễn Tuân đều mang một chữ ngông đặc biệt 
Các tác phẩm của Nguyễn Tuân đều mang một chữ ngông đặc biệt 

Tác phẩm của Nguyễn Tuân, thứ văn không để cho người nông nổi thưởng thức

Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Tuân xứng đáng với tầm vóc của một nhà văn thời đại. Nói đến ông, người ta liền nhớ ngay đến một sự nghiệp sáng tác đồ sộ theo chủ nghĩa Chân - Thiện - Mỹ. Các tác phẩm của Nguyễn Tuân có thể được chia thành trước khi tham gia Cách Mạng và sau khi tham gia Cách Mạng.

Trước khi tham gia Cách Mạng

Nguyễn Tuân gói gọn xã hội thời kỳ này trong 3 chủ đề “chủ nghĩa xê dịch”, “vang bóng một thời” và “đời sống trụy lạc”. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến các tác phẩm như: Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời (1939), Ngọn đèn dầu lạc (1939), Thiếu quê hương (1940), Tàn đèn dầu lạc (1941), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Tùy bút I (1941), Tùy bút II (1943), Tóc Chị Hoài (1943), Nguyễn (1945).

Ấn tượng nhất trong sự nghiệp sáng tác của bậc thầy tùy bút trong thời kỳ này phải kể đến tác phẩm “Chữ người tử tù”, trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời (1939). Tác phẩm đã gần đạt đến độ toàn thiện toàn mỹ, là một áng văn ca ngợi những con người vẫn giữ được tài năng và phẩm chất thanh cao dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tác giả đã xây dựng cốt truyện độc đáo mà không kém phần trớ trêu giữa Huấn Cao - người nghệ sĩ tài hoa, thanh tao hiếm khó với có thiên lương trong sáng, cùng Viên quản ngục - “một âm thanh trong trẻo giữa bản nhạc đầy xô bồ”, người biết yêu cái đẹp và quý trọng nhân tài đang mắc kẹt giữa thời cuộc hỗn loạn.

Mặc dù trong hoàn cảnh ngục tù tăm tối, người đọc vẫn thấy rõ ánh sáng của sự thiên lương cao cả qua cảnh cho chữ mà Nguyễn Tuân đã miêu tả là "một cảnh xưa nay chưa từng có". Người tử tù tay chân xiềng xích, đang chờ đợi cái chết lại ung dung tạo nên những nét chữ tài hoa, tung hoành cả đời người. Còn viên quản ngục và thầy thơ, lớp người đại diện cho bộ máy chính trị thối nát thời bấy giờ, lại đang cúi mình trước cái đẹp. Áng văn tuy ngắn nhưng đã khiến không ít độc giả phải suy ngẫm về cuộc đời và con người.

Cảnh cho chữ đầy đắt giá trong tác phẩm Chữ người tử tù sáng tác 1939 
Cảnh cho chữ đầy đắt giá trong tác phẩm Chữ người tử tù sáng tác 1939 

Sau khi tham gia Cách Mạng

Trong quá trình Cách Mạng và về sau, nhà văn viết điều đặn và tỏ ra sự sâu sắc trong tư tưởng nghệ thuật hơn. Trong đó có thể kể đến như: Chùa Ðàn (1946), Ðường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Thắng càn (1963), Tùy bút kháng chiến và hòa bình (Tập I/1955, tập II/1956), Sông Ðà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972), Ký (1976), Hương vị và cảnh sắc đất nước (1978), Tuyển tập Nguyễn Tuân (1994).

Trích đoạn “Người lái đò sông Đà” (tên đã được nhà xuất bản đặt lại) trong tập tùy bút Sông Đà sáng tác năm 1960 là một trong những áng văn nổi bật của ông trong giai đoạn này. Tác phẩm đang được giảng dạy trong chương trình Ngữ Văn lớp 12 hiện tại là kết quả của chuyến đi thực tế ngược dòng về Tây Bắc của Nguyễn Tuân. Nhờ nghệ thuật biến hóa ngôn ngữ tài tình, Nguyễn Tuân không chỉ lột tả được vẻ đẹp hùng vĩ mà không kém phần nguy hiểm của thiên nhiên vùng núi Tây Bắc, mà còn khai thác trọn vẹn tình yêu quê hương, đất nước ẩn sâu trong lòng người nghệ sĩ và nhân dân tại đây.

Tùy bút Sông Đà là một trong những tác phẩm nổi bật của ông sau khi tham gia Cách Mạng 
Tùy bút Sông Đà là một trong những tác phẩm nổi bật của ông sau khi tham gia Cách Mạng 

Một số nhận định về Nguyễn Tuân từ các tác giả và nhà phê bình văn học nổi tiếng 

Vẻ đẹp trong các trang viết của bậc thầy ngôn ngữ Nguyễn Tuân là kết quả tất yếu từ một phong cách viết mang chiều sâu, bề rộng và tầm cao văn hóa. Ông xứng đáng với lời ca ngợi của nhiều tác giả cùng thời và thế hệ sau.

  • Nhà văn Vũ Ngọc Phan từng nhận định rằng, chỉ những ai yêu thích và có sự suy xét cẩn thận khi đọc văn của Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, bởi văn của không phải thứ văn chương tầm thường mà những người nông nổi có thể thấu hiểu.
  • Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cũng bày tỏ với đại ý rằng, văn của tác giả Nguyễn Tuân là sự kết hợp giữa yếu tố cổ kính, chút đùa cợt bông phèng, sự thánh thót trầm bổng hoặc đôi lúc còn có sự xô bồ như viết ra trong cơn say, thế nhưng bao giờ cũng khiến người khác trầm trồ vì độ tài hoa.
  • Nhà văn Thạch Lam, một bậc thầy trong việc sử dụng ngôn ngữ hình tượng cũng phải thán phục rằng, khi đối diện với sự cẩu thả của những tác phẩm xuất bản thời bấy giờ, những áng văn đã hạ thấp văn chương xuống như một cuộc đua đòi giá trị. Ông và những người trí thức cùng thời lại vô cùng sung sướng khi đọc được văn chương của một nghệ sĩ biết kính trọng và yêu quý cái đẹp, người tôn thờ việc sáng tạo văn chương là như một nghĩa vụ thiêng liêng và quý báu.

Trong lâu đài văn chương nghệ thuật dân tộc của Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, không khó để nhận ra phần “chạm trổ” tinh xảo của bậc thầy ngôn từ Nguyễn Tuân. Ông ra đi nhưng đã để lại cho đời những áng văn xứng đáng “vang bóng mọi thời đại”. Bạn hãy tìm đọc những tác phẩm của tác giả Nguyễn Tuân để cảm nhận một phong cách riêng biệt mà không lẫn với cây bút nào.