Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bính: Từ làng quê đến đỉnh cao thơ ca

Aretha Thu An
Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả Nguyễn Bính là một hành trình đầy ý nghĩa. Từ những ngày thơ ấu với những vần thơ ngây ngô cho đến những tác phẩm chín muồi, ông để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc. Nguyễn Bính không chỉ là một nhà thơ tài năng mà còn là một người con luôn hướng về quê hương, đất nước.

Giới thiệu về tác giả Nguyễn Bính (1981 - 1966)

Ai đã từng đọc "Bài thơ quê hương" của Nguyễn Bính chắc hẳn đều cảm nhận được tình yêu tha thiết của ông dành cho quê hương. Vậy Nguyễn Bính quê ở đâu mà lại có thể viết nên những câu thơ hay đến vậy? Cùng nhau đi tìm câu trả lời thông qua phần giới thiệu về Nguyễn Bính dưới đây.

Tiểu sử Nguyễn Bính

Nguyễn Bính (tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính) sinh ngày 13 tháng 2 năm 1918 tại làng Thiện Vinh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Vào năm 10 tuổi đã phải theo anh lên Hà Nội mưu sinh. Bắt đầu sự nghiệp viết thơ từ khi mới 13 tuổi, Nguyễn Bính phải trải qua nhiều công việc mưu sinh khác nhau để nuôi sống chính mình.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Bính tham gia chiến đấu ở Nam Bộ. Sau khi hiệp định Geneva được ký kết vào năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Đến năm 1958, Nguyễn Bính trở thành chủ bút báo Trăm hoa.

Sau này, Nguyễn Bính kết hôn với bà Nguyễn Hồng Châu và có một người con gái tên Nguyễn Bính Hồng Cầu. Cuộc sống hôn nhân của ông khá “phong phú”. Ít lâu sau, ông tiếp tục kết hôn với bà Mai Thị Mới, sinh thêm một người con gái tên Nguyễn Hương Mai. Ngoài ra, ông còn có hai người vợ khác là bà Phạm Vân Thanh và bà Trần Thị Lai. Bà Phạm Vân Thanh sinh cho ông một người con tên Nguyễn Hiền (bị mất tích khi còn nhỏ) còn bà Trần Thị Lai sinh cho ông một người con trai tên Nguyễn Mạnh Hùng.

Theo nhiều nguồn tài liệu, ông mất ngày 20 tháng 1 năm 1966 (tức ngày 29 Tết) tại Hà Nội. Tuy nhiên, nhà văn Vũ Bão cho rằng ông qua đời tại nhà riêng của một người bạn tên là Đỗ Văn Hứa, hiệu Tân Thanh, ở thôn Mạc Hạ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Chân dung nhà thơ Nguyễn Bính
Chân dung nhà thơ Nguyễn Bính

Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Bính 

Khi giới thiệu về tác giả Nguyễn Bính mà không nhắc đến sự nghiệp sáng tác của ông thì quả thật là một thiếu sót lớn. Ông là một nhà thơ đầy tài năng của Việt Nam. Bắt đầu viết thơ từ năm 13 tuổi, ông nhanh chóng chứng tỏ bản lĩnh nghệ thuật của mình.

Nguyễn Bính có một mối quan hệ gắn bó đặc biệt với anh cả Trúc Đường, người đã dạy ông về văn học Pháp đồng thời hỗ trợ ông trong cuộc sống cũng như trong sự nghiệp văn chương. Khoảng thời gian từ năm 1932 đến 1933, ông theo một người bạn lên Đồng Hỷ, Thái Nguyên để dạy học. Trong thời gian này, Nguyễn Bính vẫn tiếp tục sáng tác. Bài thơ đầu tiên của ông, "Cô hái mơ", được đăng báo cũng chính vào thời điểm này.

Năm 1937, Nguyễn Bính tham gia cuộc thi thơ và giành giải khuyến khích với tập thơ "Tâm hồn tôi". Từ năm 1940 trở đi, tên tuổi của ông bắt đầu nổi tiếng với một lượng lớn tác phẩm sáng tác đa dạng về đề tài, đặc biệt là thơ tình. Sau năm 1954, sau một thời gian dài tham gia kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Bính tập kết ra miền Bắc và công tác tại Nhà xuất bản Văn Nghệ. Ông sau đó trở thành chủ bút của báo Trăm hoa.

Khác với nhiều nhà thơ cùng thời chịu ảnh hưởng từ phong cách thơ phương Tây, Nguyễn Bính lại quay về với hồn thơ dân tộc, thu hút độc giả bằng lối viết mộc mạc, duyên dáng đậm chất dân gian. Thơ của ông mang đến những hình ảnh thân thuộc về quê hương, đất nước và tình người, tạo nên một màu sắc riêng biệt. Vì vậy, Nguyễn Bính được mệnh danh là thi sĩ của đồng quê. Ông có nhiều tác phẩm được truyền tụng rộng rãi.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Bính trước Cách mạng bao gồm "Tâm hồn tôi" (1937), "Lỡ bước sang ngang" (1940) , "Hương cố nhân" (1941), "Mười hai bến nước" (1942) và "Cây đàn tì bà" (truyện thơ, 1944). Sau Cách mạng, ông có các tác phẩm nổi bật như "Ông lão mài gươm" (1947), "Gửi người vợ miền Nam" (1955), "Tiếng trống đêm xuân" (truyện thơ, 1958), "Đêm sao sáng" (1962), "Cô Son" (chèo, 1961) và "Người lái đò sông Vị" (chèo, 1962).

Phong cách sáng tác của Nguyễn Bính

Nguyễn Bính là một nhà thơ lãng mạn với tâm hồn thi ca nhạy cảm sâu sắc. Ông biết cách ngắm nhìn và tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên quê hương cũng như trân trọng những giá trị nhân văn trong tâm hồn con người. Sự vị tha, nhân hậu và lòng thấu cảm của ông dành cho những sự vật, sự việc xung quanh đã hình thành nên những dòng thơ tình đằm thắm, sâu lắng.

Trong thơ ca Nguyễn Bính, tình yêu luôn mang theo những cảm xúc chờ đợi, biệt ly, buồn thương da diết. Điều này tạo nên sự khác biệt so với tình yêu mãnh liệt, nồng cháy của Xuân Diệu hay sự mong manh, da diết của Hàn Mặc Tử. Những mối tình không trọn vẹn, sự chia lìa, tan vỡ đã trở thành nguồn cảm hứng giúp ông viết nên những bản tình ca đặc biệt, nơi mỗi cảm xúc được truyền tải một cách tinh tế, như cách ông giải tỏa tâm trạng của mình qua từng dòng thơ.

Mặc khác, thơ Nguyễn Bính còn chứa đựng những suy tư, trăn trở về cuộc sống và những mảnh đời nhỏ bé. Sự giản dị, mộc mạc trong cuộc hành trình tìm kiếm cảm hứng đã giúp ông hình thành một cái tôi đồng cảm với cuộc đời, yêu quê hương, đất nước, đặc biệt là trân trọng vẻ đẹp văn hóa dân tộc. Với những vần thơ dịu dàng, nhẹ nhàng, giàu tính trữ tình, Nguyễn Bính thể hiện nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, gây ấn tượng mạnh trong lòng độc giả bằng những hình ảnh quê hương sống động, yên bình.

Tác phẩm "Lỡ bước sang ngang" được sáng tác vào năm 1940
Tác phẩm "Lỡ bước sang ngang" được Nguyễn Bính sáng tác vào năm 1940

Tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Bính - “Tương tư”

"Tương tư" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Bính, khắc họa sâu sắc tâm trạng của một người đang yêu. Với thể thơ lục bát truyền thống,tác giả đã vẽ nên một bức tranh tình yêu đẹp đẽ, chân thực. Hình ảnh "thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông" hay "trầu cau, bến đò" trở nên quen thuộc, gợi lên một nỗi nhớ da diết, một tình yêu thủy chung. Qua bài thơ, người đọc như cảm nhận được nhịp đập của trái tim đang yêu, một tâm hồn tràn đầy khát vọng.

Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

  • "Tương tư" là bài thơ nổi tiếng được trích từ tập thơ "Lỡ bước sang ngang" xuất bản năm 1940.
  • Tác phẩm được Nguyễn Bính viết tại làng Hoàng Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) vào năm 1939.

Ý nghĩa nhan đề

  • "Tương tư" là từ ngữ diễn tả nỗi nhớ nhung trong tình yêu đôi lứa, là biểu hiện của một tâm hồn đang nhớ và một trái tim đang yêu.
  • Khoảng cách về không gian, thời gian trở thành nguyên nhân khiến “tương tư” xuất hiện, thể hiện khát khao, nỗ lực vượt qua rào cản để được gần kề nhau của hai người đang yêu.
  • Đây là dạng thức phức tạp nhưng sống động nhất của tình yêu.

Thể thơ và phương thức biểu đạt

  • Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát.
  • Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là biểu cảm.

Bố cục

  • Phần 1 (4 câu đầu): Giới thiệu nỗi lòng tương tư.
  • Phần 2 (12 câu tiếp): Miêu tả những trạng thái của tương tư.
  • Phần 3 (4 câu cuối): Bày tỏ ước vọng tình yêu xa xôi.

Giá trị nội dung

  • "Tương tư" là tiếng lòng về một tình yêu trong sáng, đơn phương và mạnh mẽ.
  • Bài thơ thể hiện tình cảm chân thành, đậm đà hồn quê Việt với nhiều nét đẹp văn hóa dân gian.

Giá trị nghệ thuật

  • Thể thơ lục bát trong bài thơ mang đậm tính dân tộc, có khả năng biểu cảm nồng nàn.
  • Ngôn ngữ trong bài thơ giản dị, hồn nhiên, dân dã nhưng vẫn rất lãng mạn và thơ mộng.
  • Sử dụng hệ thống ẩn dụ, hoán dụ đặc sắc, sáng tạo.
  • Hình ảnh sóng đôi như trầu - cau, bến - đò, hoa - bướm, thôn Đoài - thôn Đông thể hiện quan niệm về tình yêu gắn bó, thủy chung.
  • Thi liệu dân gian trong bài thơ mang vẻ đẹp chân quê, tiêu biểu cho phong cách thơ của Nguyễn Bính.
"Tương tư" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Bính, khắc họa sâu sắc tâm trạng của một người đang yêu
"Tương tư" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Bính, khắc họa sâu sắc tâm trạng của một người đang yêu

Một số thông tin khác về tác giả Nguyễn Bính 

Bên cạnh những tác phẩm văn chương có giá trị, cuộc đời sáng tác của Nguyễn Bính còn được đánh dấu bằng nhiều giải thưởng danh giá. Những giải thưởng này không chỉ là sự ghi nhận của công chúng mà còn là minh chứng rõ ràng cho tài năng và sự đóng góp của ông cho nền văn học Việt Nam. Các nhà phê bình văn học cũng dành cho ông nhiều lời khen ngợi hết lời, khẳng định vị thế của ông trong làng thơ Việt Nam.

Các giải thưởng, vinh danh

Nguyễn Bính gặt hái được nhiều giải thưởng và sự vinh danh trong suốt sự nghiệp văn học của mình. Đầu tiên, ông giành giải nhất cuộc thi hát Trống quân đầu xuân tại hội làng, một sự kiện văn hóa truyền thống. Đây là dấu mốc quan trọng đầu tiên, khẳng định tài năng nghệ thuật của ông ngay từ khi còn trẻ.

Tiếp theo, tập thơ "Tâm hồn" của Nguyễn Bính đã được nhóm Tự lực văn đoàn trao giải khuyến khích, chứng tỏ tài năng sáng tác thơ của ông đã được giới văn học công nhận. Cuối cùng, tác phẩm "Cây đàn tì bà" (1944) giành giải nhất văn học Nam Xuyên tại Sài Gòn, nâng tầm vị trí của ông trong nền văn học nước nhà.

Nhận định, đánh giá về tác giả Nguyễn Bính

Nguyễn Bính, một nhà thơ lãng mạn, lãng tử, được nhiều người biết đến không chỉ bởi tài năng thi ca mà còn bởi nhân cách và lòng nhân hậu của ông. Bà Nguyễn Hồng Châu, người vợ đầu tiên của ông, nhận xét: "Tôi hiểu anh Bính, anh ấy rất lãng mạn, lãng tử nhưng rất có lòng nhân, là người tốt, thương người và chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm".

Lê Đình Kỵ cũng từng đánh giá rằng Nguyễn Bính có một vị trí riêng biệt trong văn đàn, khi ông viết: "So với các nhà thơ lãng mạn trước đây, Nguyễn Bính đứng riêng một cõi." Vũ Quần Phương cũng khẳng định giá trị lâu bền của thơ Nguyễn Bính khi ông cho rằng: "Thơ Nguyễn Bính còn sống mãi, làm việc mãi cho tương lai. Người Việt Nam còn yêu thơ Nguyễn Bính mãi, càng văn minh hiện đại lại càng trân trọng."

Hoài Thanh, một nhà phê bình văn học nổi tiếng, nhấn mạnh tính độc đáo, dân dã trong thơ Nguyễn Bính. Ông nhận định: "Khó tìm đâu ra một hồn thơ quê mùa như Nguyễn Bính. Thơ của Nguyễn Bính có tính cách Việt Nam, mộc mạc như câu hát đồng quê."

Những nhận xét này không chỉ tôn vinh tài năng thi ca của Nguyễn Bính mà còn cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của ông trong lòng độc giả Việt Nam nói chung và giới mộ điệu văn học nói riêng.

Cong gái Nguyễn Bính dành 20 năm để cho ra mắt bộ sách " Nguyễn Bính toàn tập"
Cong gái Nguyễn Bính dành 20 năm để cho ra mắt bộ sách " Nguyễn Bính toàn tập"

Với những đóng góp to lớn cho kho tàng thơ ca Việt Nam, Nguyễn Bính xứng đáng là một trong những cây bút tài hoa nhất của thế hệ mình. Những tác phẩm của ông, đặc biệt là những bài thơ về tình yêu quê hương, đất nước, con người, vẫn luôn có sức sống mãnh liệt và được đông đảo bạn đọc yêu thích. Tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Bính, chúng ta càng thêm trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống mà ông để lại cho thơ ca dân tộc.