Tác giả Chính Hữu: Tiểu sử, cuộc đời và tác phẩm văn học nổi tiếng

Aretha Thu An
Trong sự nghiệp thơ ca của mình, tác giả Chính Hữu viết không nhiều nhưng tên tuổi của ông đã ghi đậm trên thi đàn Việt Nam. Mỗi tác phẩm đều mang đậm hơi thở thời đại, đặc biệt trong các sáng tác về đề tài kháng chiến, chứa đựng trong đó những tình cảm thiêng liêng, cao quý của người lính.

Giới thiệu về tác giả Chính Hữu

Dựa vào thông tin được công bố, tên thật của Chính Hữu là Trần Đình Bắc, ông sinh năm 1926, quê gốc ở Can Lộc, Hà Tĩnh nhưng ông được sinh ra ở TP. Vinh, Nghệ An.

Là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp nên xuyên suốt trong các tác phẩm của ông chỉ tập trung về hình ảnh cao cả và đẹp đẽ của người lính trong những năm bom đạn khốc liệt.

Tiểu sử của nhà thơ Chính Hữu
Tiểu sử của nhà thơ Chính Hữu

Cuộc đời Chính Hữu

Chính Hữu là thuộc thế hệ lớp người chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử. Thời điểm trước cách mạng tháng Tám, ông theo học Cử nhân, chuyên ngành Triết học.

  • Năm 1945, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng.
  • Vào năm 1946, ông là thành viên của Trung đoàn Thủ đô chống giặc Pháp tại thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi cơ quan đầu não của lực lượng Việt Minh bị loại khỏi khu vực chiến sự, đơn vị ông rút về khu vực Đồng An và may mắn sống sót.
  • Năm 1947, ông trở thành Chính trị viên một đại đội chiến đấu.
  • Năm 1949, lúc này ông được bầu là Phó ban Văn nghệ quân đội.
  • Năm 1952, ông đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng, là Chính trị viên Tiểu đoàn 322, Trung đoàn 88 và Sư đoàn 308, nhiệt tình tham gia vào chiến dịch Điện Biên Phủ.
  • Trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông là chính trị viên đại hội.
  • Năm 1957, ông giữ chức Trưởng phòng Văn nghệ quân đội.
  • Từ 1970 - 1983 ông là Cục phó Cục tuyên huấn (thuộc Tổng cục chính trị), chuyên phụ trách văn hóa văn, văn nghệ. Không lâu sau đó, tác giả được chuyển sang làm Phó tổng thư ký Hội nhà văn khóa III, UVBCH khóa IV.
  • Chặng đường về sau, ông dồn hết sức lực để tạo ra "đứa con tinh thần" bằng những vần thơ cô đọng, súc tích nhất.
  • Trải qua thời gian lâm bệnh nặng, tác giả đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 27/11/2007 trong tâm thế thanh thản, ung dung của một người đã dâng hiến hết sức mình cho nền văn học dân tộc và sự nghiệp thống nhất đất nước.
Theo các thông tin đã công bố, nhà thơ tham gia cách mạng từ năm 1945
Theo các thông tin đã công bố, nhà thơ tham gia cách mạng từ năm 1945

Sự nghiệp của Chính Hữu

Ông bắt đầu làm thơ từ những năm 1947, từng bước gặt hái thành công nhất định và ghi danh trong giới văn chương Việt Nam. Trong nhiều năm hoạt động văn nghệ, ông đã dùng ngòi bút của mình để khắc họa về chiến tranh và hình ảnh người lính qua từng câu thơ bay bổng. Hầu hết các sáng tác của ông chỉ viết về người lính.

Với nhà thơ, khi viết về những chàng thanh niên tuổi đôi mươi sẵn sàng lên đường tham gia kháng chiến, ông luôn dành cho họ những ngôn từ tốt đẹp nhất. Đây không phải là sự ưu ái đặc biệt nào mà nó xuất phát từ chính tấm lòng ông, hơn ai hết, ông hiểu những gì mà họ phải trải.

Bài thơ Ngày về với những ca từ hừng hực khí thế: "Nhớ đêm ra đi, đất trời bốc lửa/ Cả kinh thành nghi ngút cháy sau lưng" chính là sáng tác đầu tay của ông.

Sau Ngày về, ngòi bút của vị tác giả ấy đã thêm phần chân thực bởi lúc này, ông đã trở thành một chiến sĩ thực thụ. Những lời thơ mang hơi thở của cuộc sống chiến đấu mà người lính phải trải qua. Năm 1966, tập thơ Đầu súng trăng treo ra mắt độc giả và nhận được sự đón nhận tích cực của công chúng, đặc biệt tác phẩm Đồng chí.

Với Đồng chí, tác giả đã thành công trong việc mang đến một bài thơ xuất sắc, tái hiện lại hình ảnh người chiến sĩ bằng những chi tiết, hình ảnh chân thật, đầy tính chắt lọc.

Sức mạnh của bài thơ đã khiến tác phẩm được phổ nhạc thành nhạc phẩm Tình đồng chí. Ngay khi ra đời, ca khúc đã gây xúc cảm mạnh mẽ trong lòng nhiều thế hệ người dân Việt Nam.

Đồng chí là bài thơ gây tiếng vang lớn khi xây dựng thành công hình ảnh người lính trong thơ ca cách mạng
Đồng chí là bài thơ gây tiếng vang lớn khi xây dựng thành công hình ảnh người lính trong thơ ca cách mạng

Những tác phẩm của Chính Hữu

Nếu so sánh với các tác gia khác, có lẽ Chính Hữu là người có số lượng sáng tác khiêm tốn. Trong suốt sự nghiệp của mình, ông chỉ công bố đến bạn đọc 3 tập thơ gồm:

  • Tập Đầu súng trăng treo (Nhà xuất bản Văn học, ra mắt năm 1966), là tuyển tập 24 bài thơ gồm: Đồng chí; Tháng năm ra trận; Đêm Hà Nội 1950; Sáng hôm nay; Gửi mẹ; Giá từng thước đất; Thư nhà; Lá ngụy trang; Lá phiếu hôm nay; Khẩu hiệu; Duyệt binh; Nhật ký biên giới; Vô danh; Ga biên giới; An-ba-ni; Ngọn gió; Qua Xi-bê-ri; Cây; Một nửa; Bắc cầu; Đường ra mặt trận; Trang giấy học trò; Trận địa Hà Nội và Ngọn đèn đứng gác.
  • Tập Thơ Chính Hữu (Nhà xuất bản Hội nhà văn, ra mắt năm 1977).
  • Tuyển tập Chính Hữu (Nhà xuất bản Văn học, ra mắt năm 1988).
Một số tác phẩm của Chính Hữu
Một số tác phẩm của Chính Hữu

Giải thưởng, vinh danh 

Với những đóng góp của bản thân cho sự nghiệp thơ ca, năm 2000, tác giả Chính Hữu đã được vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật vào và Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Hiện nay tại khu vực tầng 2 của Bảo tàng Văn học Việt Nam có riêng một khu trưng bày kỷ vật về nhà thơ Chính Hữu.

Phong cách sáng tác 

Khi tìm hiểu về phong cách thơ của Chính Hữu, học sinh có thể chia thành 2 giai đoạn.

Thời kỳ trước và trong chiến tranh

Bài thơ Ngày về trở thành một dấu mốc quan trọng trong hành trình những ngày đến với thơ ca cách mạng của tác giả. Sau sự khởi đầu ấy, ngòi bút của ông trở nên sắc sảo hơn, ẩn chứa trong từng câu thơ là khúc ca bi tráng và đầy tự hào, khắc họa hình ảnh của những chiến sĩ vệ quốc bất tử trước khó khăn, thử thách. Một số tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này có thể kể đến như: Giá từng thước đất; Đồng chí; Thư nhà; Ngọn đèn đứng gác.

56 ngày đêm bom gầm pháo giội ác liệt trên mảnh đất Điện Biên Phủ đã được tác giả dùng làm nền cho bức tranh hùng vĩ về những con người không sợ chết trong Giá từng thước đất. Họ đứng trên cái chết của đồng đội với lời thề giữ từng thước đất cho Tổ quốc. Trong không gian đầy tăm tối đó, những chàng trai khoác trên mình màu áo lính vẫn có những giây phút thật ý nghĩa, đầy ắp tình người để “chụm lại thành hòn núi cao” dựng nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đây cũng chính là ý nghĩa của nhan đề mà tác giả đã đặt cho bài thơ của mình.

Đặc biệt, nổi bật trong phong cách sáng tác của nhà thơ trong giai đoạn này là bài Đồng chí. Bằng những cảm xúc chân thật nhất ông đã thể hiện tình đồng chí, đồng đội trong thời đạn lửa, mưa bom, khơi dậy cho người đọc nhiều cảm xúc mãnh liệt. Có thể khẳng định, đây là một trong những bài thơ hay nhất viết về người lính cách mạng trong thời kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Thời kỳ sau chiến tranh

Thơ ca trong giai đoạn này đầy ắp hoài niệm cùng với đó là sự chiêm nghiệm về cuộc đời. Nhà thơ muốn thông qua các tác phẩm của mình để lý giải sâu sắc về những giá trị tinh thần của thời đại thông qua những trải nghiệm cuộc đời.

Trong bài thơ Nụ cười, tác giả đã thành thực tâm sự rằng, cuộc đời đã “đôi lần chán nản”. Những lúc như vậy, ông phải vịn vào giá trị tinh thần để tìm ra chân lý.

Sau những tháng năm ồn ào, nhà thơ trở về khám phá sự im lặng. Người bộ hành lặng lẽ được viết vào thời điểm khi tác giả ở tuổi 70 chính là bài thơ tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông..

Có thể nói, trong diễn trình thơ ca hiện đại, bạn đọc rất ít gặp một tác giả nào lặng lẽ như Chính Hữu. Sự lặng lẽ ấy không chỉ thể hiện trong những bước đi trên con đường thi ca, mà nó còn thường trực ngay cả trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt, khi đã sắp cán đích cuộc đời, ông vẫn lặng lẽ, bình thản khiến bao người kinh ngạc.

Với những lời thơ mộc mạc nhưng chân thành, da diết, tác giả đã mang đến cho độc giả những bài thơ đặc sắc, viết về chiến tranh nhưng không cần đến bom đạn, súng gươm vẫn truyền tải được tinh thần hào hùng, đầy kiêu hãnh và đáng tự hào.

Tựu chung trong phong cách thơ của vị tác giả tài hoa này đó là ít chữ nhưng nhiều nghĩa, ngắn gọn nhưng súc tích, ngòi bút tinh tế ấy biết tinh lọc những ngôn từ đẹp nhất để dành cho nhân vật của mình, dành cả tâm hồn ông cho những anh lính vệ quốc: “Sung sướng bao nhiêu/Tôi là đồng đội/Của những người đi vô tận hôm nay”.

Tình đồng chí, đồng đội in đậm trong những trang thơ kháng chiến 
Tình đồng chí, đồng đội in đậm trong những trang thơ kháng chiến 

Nhận định về Chính Hữu

Sự xuất hiện của vị tác giả “Bước chân độc hành” mang đến cho thơ ca cách mạng một hơi thở mới, phong cách sáng tác mới. Giới văn nghệ sĩ đã nhận định ông là gương mặt tiêu biểu trong thi đàn Việt Nam.

  • Nhà thơ Vũ Quần Phương từng nhận xét: Chính Hữu là một nhà thơ quân đội thực thụ, màu xanh áo lính gắn bó với ông trong suốt chặng đường thơ ca.
  • Nhà văn Ngô Vĩnh Bình chia sẻ, mặc dù không sáng tác nhiều nhưng dấu ấn ông để lại hết sức sâu đậm bởi cảm xúc lắng đọng, ngôn ngữ chắt lọc, hình ảnh giàu chất gợi hình, liên tưởng.
  • Nhà văn Ngô Vĩnh Bình nhớ đến Chính Hữu bởi đức tính cẩn trọng trong từng câu chữ, có bài thơ đã sáng tác cách đây vài chục năm vẫn được ông ông sửa chữa.
  • Nhớ về vị tác giả này, Thiếu tướng - nhà văn Hồ Phương bồi hồi về những ký ức đẹp, Chính Hữu là nhà thơ tài năng, trong thơ ông ẩn chứa tư tưởng triết học mà không phải nhà thơ nào cũng có.
  • Tác giả Đỗ Ngọc Yên khẳng định, sự ra đời của tác phẩm Đồng chí có thể coi như tấm thẻ thông hành giúp Chính Hữu đặt chân lên văn đàn Việt Nam. Ông không thường xuyên lên tiếng nhưng dấu mốc quan trọng với Đồng Chí đã khiến nhiều đồng nghiệp phải ngỡ ngàng. Tác phẩm là kết tinh của những điều trọn vẹn và hoàn hảo nhất cả về nội dung và phong cách sáng tác.
  • Bà Nguyễn Thị Xuân Lịch - người vợ mẫu mực của tác giả cho biết, trong sáng tác thơ, ông ấy không bao giờ vội vàng mà thường chỉnh sửa rất lâu, khi nào thật vừa ý mới nghĩ đến chuyện xuất bản.
Theo nhà văn Hồ Phương, thơ Chính Hữu ẩn chứa những điều độc đáo mà không phải tác giả nào cũng làm được
Theo nhà văn Hồ Phương, thơ Chính Hữu ẩn chứa những điều độc đáo mà không phải tác giả nào cũng làm được

Với tài năng và những cống hiến cho hậu thế, Chính Hữu trở thành hình mẫu và nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, tên tuổi của ông sẽ luôn được khắc ghi trong lòng độc giả và những người trân trọng nền văn chương dân tộc.