Giới thiệu tác giả và tác phẩm Chí Phèo
Cùng với phần tóm tắt Chí Phèo, các bạn học sinh cũng cần phải nắm rõ được thông tin tác giả, tác phẩm để phục vụ cho quá trình đọc hiểu văn bản cũng như vận dụng vào đề kiểm tra hay đề thi.
Tác giả
Nam Cao (1915 – 1951) là một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Tác phẩm của ông đã vượt qua thử thách của thời gian, càng ngày càng thể hiện sự tỏa sáng. Văn Nam Cao bộc lộ rõ nét giá trị hiện thực sâu sắc, tinh thần nhân đạo cao cả và vẻ đẹp nghệ thuật tinh xảo, độc đáo.
Ông cũng là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của trào lưu văn học hiện thực phê phán trong giai đoạn 1930 - 1945. Ông có sự nhận thức sâu sắc về quan điểm nghệ thuật của mình khi đã phê phán một cách toàn diện và triệt để đặc điểm lãng mạn thoát ly khỏi thực tế của văn chương đương thời, xem đó là "ánh trăng lừa dối". Đồng thời, Nam Cao yêu cầu nghệ thuật chân chính phải gắn bó với đời sống thực tế, phải đối diện với sự thật và phản ánh nỗi khổ của hàng triệu người lao động nghèo khổ.
Tác phẩm
Để tóm tắt Chí Phèo đầy đủ, học sinh cần nắm rõ về hoàn cảnh sáng tác, bố cục, giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, từ đó nhìn nhận Chí Phèo một cách sâu sắc và toàn diện hơn.
Hoàn cảnh sáng tác
Nội dung tóm tắt Chí Phèo có thể điểm qua bối cảnh của tác phẩm. Truyện ngắn được viết vào năm 1941, phản ánh sâu sắc nỗi khổ đau và sự tha hóa của những người nghèo trong xã hội thực dân. Trong hoàn cảnh xã hội bất công và áp bức, Nam Cao đã khắc họa chân thực số phận của Chí Phèo - một kẻ bất hạnh, bị mọi người xa lánh, qua đó lên án sự tàn nhẫn và thiếu nhân đạo của chế độ đương thời.
Bố cục
- Phần 1 (Từ đầu đến “cả làng Vũ Đại cũng không ai biết”): Nhân vật Chí Phèo xuất hiện cùng tiếng chửi của mình
- Phần 2 (Tiếp đến “không bảo người nhà đun nước mau lên”): Chí Phèo không còn nhân tính.
- Phần 3 (Phần còn lại): Nhận thức về bi kịch trong cuộc đời của Chí Phèo.
Giá trị nội dung
- Nam Cao đã đưa ra một lời chỉ trích mạnh mẽ đối với xã hội đương thời, nơi mà sự tàn bạo và thối nát đã đẩy những người lương thiện vào con đường tha hóa và lưu manh hóa.
- Tác phẩm cũng tôn vinh vẻ đẹp của con người, ngay cả khi họ bị đẩy đến mức hết nhân hình, nhân tính.
Giá trị nghệ thuật
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nam Cao rất đặc sắc, vừa mang tính tiêu biểu, vừa có những nét riêng biệt không lẫn với ai khác.
- Nam Cao có tài năng đặc biệt trong việc phân tích tâm lý nhân vật, khiến cho nhân vật của ông là nhân vật của đời, đầy sống động và sâu sắc.
- Phong cách trần thuật linh hoạt và tự do nhưng vẫn nhất quán và chặt chẽ.
- Ngôn ngữ sử dụng phong phú, mang đầy hơi thở của cuộc sống.
Các mẫu tóm tắt Chí Phèo ngắn gọn nhất
Dưới đây là các tóm tắt Chí Phèo ngắn nhất, học sinh có thể áp dụng trong quá trình soạn văn cũng như viết bài:
Mẫu tóm tắt Chí Phèo 1
Ở làng Vũ Đại, Chí Phèo nổi tiếng là kẻ hay ăn vạ, làm việc đâm thuê chém mướn cho nhà Bá Kiến, ngày nào cũng gây rối, chửi mắng làng xóm. Trước kia, hắn bị mẹ bỏ rơi tại một lò gạch cũ và được dân làng thay nhau nuôi dưỡng. Đến năm 18 tuổi, Chí làm thuê cho nhà Bá Kiến, nhưng vì vợ của Bá Kiến thường gọi Chí lên để xoa đầu, bóp vai, Bá Kiến đã ghen tuông và vu khống khiến Chí bị bắt vào tù. Đời Chí rơi vào cảnh bi kịch từ đây. Khi trở về, Chí đã hoàn toàn thay đổi, trở thành một kẻ hư hỏng, đến nhà Bá Kiến - kẻ đã đẩy hắn vào tù để ăn vạ. Ông Bá đã xoa dịu hắn bằng một bữa rượu và mấy đồng bạc, khiến Chí ngoan ngoãn rời đi và từ đó trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Tuy nhiên, Chí đã gặp Thị Nở vào một đêm trăng, họ đã có tình cảm với nhau. Thị dành cho Chí sự quan tâm và tình thương, khiến Chí mong muốn được trở lại làm “người”. Nhưng hy vọng đó đã bị dập tắt khi bà cô của Thị cấm cản. Không còn ai trên đời quan tâm hay yêu thương mình, Chí đã đến nhà Bá Kiến và kêu lên: "Ai cho tao lương thiện?" rồi giết chết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời mình. Lúc này, Thị nhìn vào bụng của mình và chỉ nghĩ về cái lò gạch - nơi Chí Phèo đã được tìm thấy và được mang về nuôi.
Mẫu tóm tắt Chí Phèo 2
Chí Phèo không biết cha mẹ mình là ai và được nuôi lớn dưới sự nuôi dưỡng của những người trong làng. Đến khoảng 20 tuổi, hắn trở thành người làm ruộng cho nhà Bá Kiến. Vì mụ vợ của Bá Kiến thích Chí, bà thường xuyên dụ dỗ hắn. Khi thấy vợ quan tâm đến Chí, Bá Kiến đã ghen tuông và đẩy hắn vào tù.
Từ đó, cuộc đời và tính cách của Chí Phèo thay đổi. Từ một người hiền lành, tử tế, hắn trở thành kẻ thô lỗ và cục cằn. Sau khi ra tù, Chí Phèo trở thành tay sai chuyên đòi nợ thuê cho Bá Kiến. Cuộc sống của hắn chỉ xoay quanh rượu và những lần chửi bới.
Chí Phèo gặp Thị Nở, một người phụ nữ xấu xí nhưng khiến hắn cảm mến khi nàng chăm sóc hắn lúc ốm, còn nấu bát cháo hành khiến hắn thức tỉnh sau những cơn say tối ngày. Nhờ đó, hắn cảm nhận được hương vị của cuộc sống và phần "người" trong hắn trỗi dậy. Hắn mong muốn có một gia đình và trở lại làm người lương thiện như trước, nhưng Thị Nở từ chối, dập tắt hy vọng của hắn. Chìm đắm trong men rượu, Chí Phèo tìm đến Bá Kiến và giết ông ta. Cuối cùng, hắn tự kết liễu cuộc đời bi kịch của mình, còn Thị Nở mang bầu đứa con của Chí. Truyện kết thúc khi thị nhìn về cái lò gạch - nơi Chí Phèo từng được tìm thấy.
Mẫu tóm tắt Chí Phèo 3
Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của nhân vật chính là Chí Phèo. Chí Phèo vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi tại một lò gạch hoang ở làng Vũ Đại. Hắn được một người đi thả ống lươn phát hiện và đem về cho một bà góa mù. Sau đó, bà này đã bán Chí Phèo cho bác phó cối. Khi bác phó cối qua đời, hắn trở nên bơ vơ.
Được dân làng thay phiên nhau nuôi lớn, đến năm hai mươi tuổi, Chí trở thành một nông dân hiền lành và chất phác. Sau đó, hắn làm thuê cho nhà Bá Kiến. Vợ ba của Bá Kiến yêu cầu Chí bóp chân, khiến Bá Kiến ghen tuông và đẩy hắn vào tù.
Sau bảy, tám năm trong tù, Chí Phèo trở về làng với vẻ ngoài của một kẻ lưu manh như "con quỷ dữ". Hắn trở thành tay sai đòi nợ thuê cho Bá Kiến, thường xuyên uống rượu và quấy phá. Hắn chửi trời, chửi đời, chửi làng Vũ Đại và cả người đã sinh ra hắn. Cả làng đều xa lánh hắn.
Tình cờ, vào một đêm trăng trong vườn chuối, Chí Phèo gặp Thị Nở - một người phụ nữ xấu xí đến mức ai cũng phải chê. Hắn ôm chầm lấy Thị và hai người đã ân ái với nhau. Sáng hôm sau, Chí bị cảm và Thị đã nấu cho hắn một bát cháo hành để giải rượu. Điều này khiến hắn nhớ lại thời trai trẻ và nhận ra hương vị của cuộc sống. Hắn muốn trở lại làm người lương thiện và bắt đầu lại cuộc đời, muốn xây dựng một gia đình với Thị Nở, nhưng bị bà cô của Thị ngăn cấm. Đau đớn và tuyệt vọng, hắn uống rượu và xách dao đến giết chết Bá Kiến rồi tự sát.
Khi nghe tin Chí chết, Thị nhìn xuống bụng và mơ hồ mường tượng về hình ảnh một cái lò gạch bỏ hoang.
Ban đầu, tên tác phẩm vốn là “Cái lò gạch cũ”, nhấn mạnh sự xuất hiện của Chí Phèo, cũng là khởi nguồn cho chuỗi bi kịch thê thảm về sau. Tên gọi này xuất phát từ hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang được đề cập ở phần đầu và lặp lại ở câu kết của tác phẩm. Qua đó, Nam Cao nhấn mạnh tính quy luật của hiện tượng Chí Phèo, tạo ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người đọc. Tuy nhiên, tiêu đề này cũng thể hiện cái nhìn bi quan của tác giả về số phận của người nông dân.
Tóm tắt Chí Phèo sẽ giúp học sinh nắm được đầy đủ các ý chính của tác phẩm, từ đó xây dựng dàn ý cũng như sơ đồ tuy duy dễ dàng, nhanh chóng. Đây cũng là phần quan trọng để học sinh áp dụng đưa vào trong các bài văn và tạo tính logic, liên kết khi phân tích.