Giáo dục

Soạn bài Tôi có một ước mơ Kết nối tri thức ngắn gọn nhất

Aretha Thu An

Để học tốt môn Ngữ văn lớp 11, khi soạn bài Tôi có một ước mơ học sinh cần chú ý đến thông tin tác giả, tác phẩm cùng giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản. Thông qua bài học này, học sinh có thể nâng cao kỹ năng phân tích một văn bản nghị luận.

Soạn bài Tôi có một ước mơ - Kết nối tri thức
Soạn bài Tôi có một ước mơ - Kết nối tri thức

Tìm hiểu chung về tác phẩm Tôi có một ước mơ

Trước khi soạn bài Tôi có một ước mơ chi tiết qua các câu hỏi, học sinh cần nắm được những thông tin về tác giả, tác phẩm dưới đây.

Tác giả

Mác-tin Lu-thơ Kinh (1929 - 1968) là nhà hoạt động nhân quyền người mỹ gốc Phi. Ông là một trong nhà lãnh đạo có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử nước Mỹ. Năm 1964 ông đạt giải Nobel Hòa Bình. Năm 1977 được truy tặng Huân chương tự do của Tổng thống. Năm 2004 ông được truy tặng Huân chương vàng Quốc hội.

Các bài diễn thuyết nổi tiếng của Mác-tin Lu-thơ Kinh chủ yếu liên quan đến các vấn đề của thế giới, về con người và những bài học trong cuộc sống.

Mác-tin Lu-thơ Kinh tại các buổi diễn thuyết
Mác-tin Lu-thơ Kinh tại các buổi diễn thuyết

Tác phẩm

Tác phẩm Tôi có một ước mơ thuộc thể loại văn nghị luận, ra đời vào ngày 28 - 8 - 1963 khi Mác-tin Lu-thơ Kinh tham gia đọc diễn thuyết để kêu gọi tham gia luật dân quyền, bình đẳng cho người da đen tại buổi tuần hành Oa-sing-ton.

Bố cục: Khi soạn bài Tôi có một ước mơ, bạn có thể chia bố cục văn bản thành 3 phần:

  • Phần 1: Từ đầu đến “tình trạng đáng xấu hổ này”: Thực trạng cuộc sống khó khăn của người da đen trên đất Mỹ.
  • Phần 2: Tiếp theo đến “sự thật hiển nhiên”: Cuộc đấu tranh của những người da đen trên đất Mỹ.
  • Phần 3: Còn lại: Ước mơ của người da đen ở nước Mỹ.

Giá trị nội dung: Văn bản Tôi có một ước mơ phản ánh thực trạng, những khó khăn của người da đen trên nước Mỹ. Đồng thời tác giả muốn kêu gọi người da đen đứng lên đấu tranh giành quyền bình đẳng cho mình, ước mơ được chung sống hoà bình với người da trắng.

Giá trị nghệ thuật: Văn bản Tôi có một ước mơ thuộc thể loại văn nghị luận, sử dụng những hình ảnh, câu văn có sức truyền cảm, lập luận chặt chẽ làm người đọc, người nghe cảm thấy rất thuyết phục.

Tóm tắt nội dung

Tác phẩm Tôi có một ước mơ nói về cuộc sống của người da đen phải đối mặt với nhiều thử thách như bị kỳ thị, cách ly trên đất nước Mỹ. Qua đó tác giả mong muốn người da đen có thể đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của mình. Sau cùng tác giả đã nói lên ước mơ của mình, cũng chính là ước mơ của người dân da đen là cùng người da trắng nắm tay nhau hòa thuận như anh em một nhà.

Khi soạn bài Tôi có một ước mơ và đọc văn bản, học sinh có thể dễ dàng tóm tắt nội dung văn bản giúp việc ghi nhớ nội dung bài học dễ hơn.

Soạn bài Tôi có một ước mơ chi tiết, ngắn nhất - Kết nối tri thức

Soạn bài Tôi có một ước mơ bằng cách trả lời hệ thống các câu hỏi trong SGK là phương pháp tiếp cận bài học đơn giản và nhanh chóng nhất. Dưới đây là những gợi ý chi tiết nhất mà bạn có thể tham khảo khi soạn văn bản này trước khi lên lớp.

Soạn bài Tôi có một ước mơ: Phần trước khi đọc

Câu 1 (Trang 79 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Trong lịch sử của dân tộc, có những trường hợp một văn kiện chính trị lại trở thành một áng văn chương có sức lay động lớn. Bạn hãy kể tên một vài tác phẩm như vậy.

Gợi ý trả lời:

Một số văn kiện chính trị lại trở thành một áng văn có sức lay động lớn trong lịch sử dân tộc như: Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh), Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới (Vũ Khoan), Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục (Hồ Chí Minh).

Câu 2 (Trang 79 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Nhiều nhân vật lịch sử đã thể hiện niềm ước mơ về hạnh phúc cho nhân dân, bình yên cho đất nước trong những câu thơ, câu văn hoặc những lời phát biểu đầy tâm huyết. Bạn hãy nêu một ví dụ cụ thể để chứng minh ý kiến trên.

Gợi ý trả lời:

Một ví dụ cụ thể về lời phát biểu của chủ tịch Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi tổ quốc kháng chiến” thể hiện niềm ước mơ về hạnh phúc cho nhân dân, bình yên cho đất nước.

“Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.” (Hồ Chí Minh –Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến).

Lời phát biểu thể hiện mơ ước về sự bình yên cho đất nước của chủ tịch Hồ Chí Minh
Lời phát biểu thể hiện mơ ước về sự bình yên cho đất nước của chủ tịch Hồ Chí Minh

Soạn bài Tôi có một ước mơ: Phần đọc văn bản

Câu 1 (Trang 80 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Xác định mục đích hướng tới của tác giả ở bài diễn văn này.

Gợi ý trả lời:

Ở bài diễn văn này tác giả muốn hướng tới một cuộc đấu tranh để giành quyền lợi của người da đen.

Câu 2 (Trang 80 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Ý nghĩa của việc dẫn ra văn kiện lịch sử nổi tiếng của nước Mỹ là gì?

Gợi ý trả lời:

Tác giả dẫn ra văn kiện lịch sử nổi tiếng của Mỹ nhằm thể hiện sự tôn trọng sắc lệnh của nước Mỹ. Dùng cách lập luận chặt chẽ để thể hiện khát vọng tự do, bình đẳng của người da đen.

Mác-tin Lu-thơ Kinh đã dẫn ra văn kiện lịch sử nổi tiếng của Mỹ trong bài diễn văn
Mác-tin Lu-thơ Kinh đã dẫn ra văn kiện lịch sử nổi tiếng của Mỹ trong bài diễn văn

Câu 3 (Trang 80 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Theo dõi cách tác giả nói về thời điểm cần thiết để đòi công lý.

Gợi ý trả lời:

Thời điểm cần thiết để đòi công lý chính là “ngay bây giờ”.

Câu 4 (Trang 81 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Chú ý quan điểm đấu tranh của tác giả.

Gợi ý trả lời:

Quan điểm đấu tranh của tác giả rất rõ ràng: Phải luôn luôn đấu tranh với nguyên tắc và lòng tự cao. Không được phép để cuộc phản kháng nhuốm máu bạo lực, phải tiến lên với cả sức mạnh về vật chất lẫn tâm hồn.

Câu 5 (Trang 81 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Qua cách diễn đạt và đưa bằng chứng, tác giả đã thể hiện thái độ và tình cảm của mình như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Qua cách diễn đạt và đưa bằng chứng, tác giả đã thể hiện sự phẫn nộ và trước những sự việc người da đen bị phân biệt đối xử. Từ đó, tác giả thể hiện mong muốn đấu tranh để dành được sự tự do bình đẳng cho người da đen.

Câu 6 (Trang 82 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Chú ý ngôn ngữ và giọng điệu của tác giả khi thể hiện niềm tin và ước mơ.

Gợi ý trả lời:

Tác giả sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh, câu văn có sức truyền cảm cùng những lập luận chặt chẽ hết sức thuyết phục.

Câu 7 (Trang 82 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Biện pháp tu từ nào được tác giả sử dụng nhằm tác động mạnh đến người đọc, người nghe?

Gợi ý trả lời:

Biện pháp điệp ngữ “Tôi mơ rằng” được tác giả sử dụng để tác động mạnh đến người đọc, người nghe.

Câu 8 (Trang 83 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Bạn có ấn tượng, cảm xúc gì về đoạn kết?

Gợi ý trả lời:

Đoạn kết như lời khẳng định về quan điểm của tác giả là người da đen cần có quyền được đối xử bình đẳng như người da trắng. Đồng thời, việc dẫn ra câu hát nhằm thể hiện rõ ước mơ về quyền bình đẳng của người da đen.

Soạn bài Tôi có một ước mơ: Phần sau khi đọc

Câu 1 (Trang 84 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Sau khi đọc và soạn bài Tôi có một ước mơ, theo em vấn đề trọng tâm được đề cập ở văn bản là gì?

Gợi ý trả lời:

Trong văn bản Tôi có một ước mơ vấn đề trọng tâm được đề cập chính là kêu gọi người da đen đấu tranh, giành quyền bình đẳng cho họ.

Câu 2 (Trang 84 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Chỉ ra các luận điểm được tác giả triển khai trong văn bản.

Gợi ý trả lời:

Trong văn bản Tôi có một ước mơ tác giả đã triển khai hệ thống luận điểm chặt chẽ:

  • Mục đích của bài diễn văn ngày hôm nay.
  • Quan điểm của tác giả về việc thực hiện quyền tự do bình đẳng cho người da đen.
  • Khẳng định quan điểm đấu tranh của tác giả.
  • Ước mơ, mong muốn được tự do của tác giả.

Câu 3 (Trang 84 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Phân tích cách tác giả dùng lí lẽ và bằng chứng để trình bày quan điểm của mình nhằm thuyết phục người nghe, người đọc.

Gợi ý trả lời:

Để thuyết phục người nghe tác giả đã sử dụng những bằng chứng, lý lẽ như:

Bằng chứng:

Tác giả đã đưa ra bản “Tuyên ngôn giải phóng nô lệ” được ký cách đây một thế kỷ. Bằng chứng thể hiện quyền tự do, bình đẳng mà người da đen phải được hưởng cách đây từ lâu.

Những lý lẽ:

  • “Nhưng một trăm năm sau, người da đen vẫn chưa được tự do; Người da đen phải sống cô đơn trên hòn đảo nghèo đói giữa một đại dương mênh mông thịnh vượng về vật chất; Người da đen vẫn gầy mòn trong những ngóc ngách của xã hội Mỹ.”
  • Tái hiện thực tại hoàn cảnh, thử thách của người da đen tại nước Mỹ, người da đen vẫn chưa được hưởng quyền lợi, tự do.
  • “Nhắc nhở nước Mỹ về tính cấp bách của thời khắc Ngay Bây Giờ; Đây là lúc chúng ta giải thoát khỏi bóng đêm và cái thung lũng hoang tàn của sự phân biệt chủng tộc”. Đây là thời cơ để người da đen đấu tranh vì tự do, bình đẳng.
  • Tác giả thể hiện ước mơ qua từng câu chữ “Tôi mơ rằng …”. Khát khao được tự do, bình đẳng cùng dân tộc khác. Cuối cùng khẳng định cuộc đấu tranh sẽ thành công, người da màu sẽ giành được quyền tự do như trong lời bài hát ở cuối tác phẩm.

Những lí lẽ và bằng chứng của tác giả được sắp xếp theo một quá trình đấu tranh, có sự liên kết với nhau.

Câu 4 (Trang 84 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Trong đoạn kết của văn bản, tác giả đã bộc lộ ước mơ gì? Hình ảnh “tự do ngân vang từ những đỉnh đồi, […] ngọn núi” có ý nghĩa như thế nào trong việc thể hiện ý tưởng và cảm xúc của tác giả?

Gợi ý trả lời:

Trong đoạn kết của văn bản, tác giả đã bộc lộ ước mơ về sự đấu tranh thành công, người da đen được hưởng sự tự do và bình đẳng như những những dân tộc khác.

Hình ảnh “tự do ngân vang từ những đỉnh đồi, […] ngọn núi” có ý nghĩa quan trọng trong việc thể hiện lý tưởng và cảm xúc của tác giả.

Ước mơ về cuộc đấu tranh giành quyền tự do, bình đẳng sẽ thành công
Ước mơ về cuộc đấu tranh giành quyền tự do, bình đẳng sẽ thành công

Câu 5 (Trang 84 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Hãy chỉ ra và phân tích hiệu quả của các biện pháp tu từ (điệp ngữ, ẩn dụ,…) đã được tác giả sử dụng.

Gợi ý trả lời:

Trong văn bản tác giả sử dụng biện pháp tu từ điệp cấu trúc “Tôi mơ rằng”, “Tôi có một ước mơ” nhằm nhấn mạnh niềm khát khao tự do, bình đẳng cho người da đen.

Biện pháp tu từ ẩn dụ được thể hiện qua những hình ảnh: “thoát khỏi bóng đêm và cái thung lũng hoang tàn”, “cát lún của sự bất công”, “mùa hè ngột ngạt của người da đen”. Việc sử dụng những hình ảnh ẩn dụ trên đã cho người đọc thấy sự đau khổ bất công mà người da đen đang phải chịu đựng, đồng thời thể hiện khao khát đấu tranh giành quyền tự do, bình đẳng.

Câu 6 (Trang 84 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Nhận xét về thái độ, tình cảm của tác giả đối với nước Mỹ qua văn bản.

Gợi ý trả lời:

Qua văn bản có thể thấy sự tôn trọng của tác giả dành cho đất nước Mỹ. Bởi ông đã gắn ước mơ của mình với giấc mơ của nước Mỹ. Ông hy vọng rằng người da trắng sẽ dần thay đổi suy nghĩ và tôn trọng quyền bình đẳng tự do của người da đen.

Câu 7 (Trang 84 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Theo bạn, quan điểm và ước mơ của tác giả được thể hiện trong văn bản đến nay còn có ý nghĩa không? Hãy lí giải ý kiến của bạn.

Gợi ý trả lời:

Theo em quan điểm của tác giả đến nay vẫn còn ý nghĩa. Chế độ phân biệt chủng tộc đã được xoá bỏ. Tuy nhiên sự phân biệt này có thể vẫn còn tồn tại trong tiềm thức của một số người, họ không chấp nhận sự bình đẳng với người da đen. Thậm chí họ còn làm những việc gây ra tổn thương đối với người da đen. Vậy nên cuộc đấu tranh của người da đen vẫn âm thầm tồn tại trên thế giới, đúng với quan điểm diễn văn của Martin Luther King.

Khi soạn bài Tôi có một ước mơ, ở câu hỏi này bạn học có thể sáng tạo nêu lên những suy nghĩ của chính bản thân mình.

Câu 8 (Trang 84 SGK Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức Tập 1): Từ bài diễn văn Tôi có một ước mơ, bạn rút ra được bài học gì trong việc tạo lập một văn bản nghị luận giàu sức thuyết phục?

Gợi ý trả lời:

Qua quá trình soạn Tôi có một ước mơ em thấy rằng để tạo ra được một văn bản nghị luận giàu sức thuyết phục cần có hệ thống luận điểm rõ ràng, chặt chẽ. Đưa ra những dẫn chứng, lý lẽ thuyết phục để làm sáng tỏ luận điểm.

Bài tập liên hệ

Câu hỏi: Sau khi soạn bài Tôi có một ước mơ hãy vẽ sơ đồ tư duy để tổng quan các phần kiến thức bài học?

Gợi ý trả lời:

Sau khi soạn bài Tôi có một ước mơ, bạn học có thể tham khảo sơ đồ tư duy dưới đây để củng cố và nâng cao kiến thức.

Sơ đồ tư duy tổng quan bài Tôi có một ước mơ
Sơ đồ tư duy tổng quan bài Tôi có một ước mơ

Quá trình soạn bài Tôi có một ước mơ giúp cho bạn thấy được sự khao khát tự do, mong muốn đấu tranh để giành quyền bình đẳng cho những người da đen trên đất Mỹ của chính tác giả. Hy vọng qua hướng dẫn trên bạn học đã nắm rõ được những kiến thức cơ bản để việc tiếp thu bài giảng trở nên dễ dàng hơn.

BÀI LIÊN QUAN
Tags: Soạn văn 11