Giáo dục

Hướng dẫn soạn bài Nam quốc sơn hà Chân trời sáng tạo, Kết nối tri thức ngắn gọn, dễ hiểu

Aretha Thu An

Soạn bài Nam quốc sơn hà là bước quan trọng giúp học sinh hiểu rõ về tác phẩm văn học có vai trò lịch sử quan trọng của nước ta. Bài thơ tứ tuyệt này không chỉ nổi bật về hình thức mà còn truyền tải thông điệp mạnh mẽ về chủ quyền và lòng yêu nước.

Tổng quan về tác giả, tác phẩm 

Trước khi đi vào soạn bài Nam quốc sơn hà chi tiết, chúng ta cần tìm hiểu một số thông tin chung về tác giả và tác phẩm này.

Tác giả

Bài thơ hiện tại chưa xác định rõ tác giả. Có nhiều bản ghi chép khác nhau về sự xuất hiện của bài thơ. Một trong số đó ghi nhận tác giả của bài thơ là Lý Thường Kiệt

Theo sách "Lĩnh nam chích quái", bài thơ được một vị thần ngâm lên khiến quân Tống hoảng loạn, hỗ trợ vua Lê Đại Hành chiến thắng quân xâm lược vào năm 981.

Trong khi đó, theo "Đại Việt sử kí toàn thư", bài thơ vang lên bên sông Như Nguyệt năm 1076, khi Lý Thường Kiệt chống lại quân Tống, từ miếu thờ thần sông Trương tướng quân. Kết quả, quân Tống bị thất bại nặng nề như lời trong bài thơ đã tiên đoán và giả thuyết này được nhiều người tin tưởng hơn.

Tác phẩm Nam quốc sơn hà

  • Thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.
  • Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác: Tương truyền, trong thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Lý Thường Kiệt đã sáng tác bài thơ này. Trong đêm khuya tĩnh mịch, ông đứng trong đền thờ đọc lên những câu thơ với giọng đọc hào sảng, mạnh mẽ, khiến quân thù phải khiếp sợ. Đúng như tinh thần của bài thơ, sau đó quân và dân ta đã giành được chiến thắng vẻ vang trước quân xâm lược.
  • Bố cục
    • Phần 1 (Hai câu đầu): Khẳng định sự rõ ràng, bất khả xâm phạm của chủ quyền lãnh thổ đất nước.
    • Phần 2 (Hai câu cuối): Thể hiện quyết tâm chống lại mọi thế lực xâm lược và bảo vệ đất nước đến cùng.
  • Giá trị nội dung

Bài thơ "Nam quốc sơn hà" là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước ta. Tác phẩm không chỉ khẳng định chủ quyền lãnh thổ mà còn nêu cao tinh thần quyết tâm bảo vệ đất nước trước bất kỳ thế lực xâm lăng nào. Đồng thời, qua từng câu chữ, tác giả còn thể hiện niềm tự hào, sự tin tưởng và sự căm phẫn đối với kẻ thù.

  • Giá trị nghệ thuật

Bài thơ ngắn gọn, súc tích nhưng đầy đủ ý nghĩa, được viết theo thể thơ Đường luật với lập luận chặt chẽ và ngôn từ mạnh mẽ. Giọng điệu trong bài thơ hùng hồn, đanh thép, tạo nên sự lôi cuốn, khí phách cho người đọc, người nghe.

Soạn bài Nam quốc sơn hà giúp học sinh hiểu rõ về vai trò lịch sử của tác phẩm
Soạn bài Nam quốc sơn hà giúp học sinh hiểu rõ về vai trò lịch sử của tác phẩm

Hướng dẫn soạn bài Nam quốc sơn hà - Kết nối tri thức với cuộc sống

Qua việc soạn văn 8 bài Nam quốc sơn hà, học sinh có thể nắm bắt bối cảnh, nội dung và giá trị của tác phẩm, từ đó phát triển kỹ năng phân tích văn học hiệu quả. Dưới đây là tổng hợp hướng dẫn soạn bài Nam quốc sơn hà chi tiết, bám sát nội dung ở cả 2 bộ sách Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo.

Soạn bài Nam quốc sơn hà - Bộ sách Kết nối tri thức

Hướng dẫn soạn văn 8 Nam quốc sơn hà theo bộ sách Kết nối tri thức, tập 1 dưới đây giúp học sinh lớp 8 chuẩn bị bài một cách nhanh chóng, toàn diện.

Phần trước khi đọc

Câu 1 (trang 69, SGK Ngữ văn 8, tập 1) Thể thơ Đường luật là thể thơ như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Thể thơ Đường luật là một dạng thơ cổ điển của Trung Quốc, phổ biến từ thời Đường và được ứng dụng rộng rãi trong văn học cổ điển Việt Nam. Đặc trưng của thể thơ này là cấu trúc chặt chẽ với quy định về số câu, số chữ trong mỗi câu và cách đối, vần.

Các thể thơ Đường luật bao gồm thơ thất ngôn tứ tuyệt (4 câu, mỗi câu 7 chữ) và thơ thất ngôn bát cú (8 câu, mỗi câu 7 chữ), với quy tắc nghiêm ngặt về đối, vần, tạo nên sự hài hòa, cân đối trong từng bài thơ.

Phần sau khi đọc

Câu 1 (trang 70, SGK Ngữ văn 8, tập 1)
Bài thơ được coi là bản “tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của đất nước ta. Vậy em hiểu bản “tuyên ngôn độc lập” là gì?

Gợi ý trả lời:

"Tuyên ngôn độc lập" là một văn kiện lịch sử có mục đích tuyên bố sự độc lập của một quốc gia. Thông thường, văn kiện này được soạn thảo sau khi đất nước giành lại chủ quyền từ tay kẻ xâm lược. Nó là một tài liệu có giá trị pháp lý cao trên trường quốc tế.

Câu 2 (trang 70, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Từ “cư” trong nguyên tác có thể dịch là “ngự” (cai quản), cũng có thể dịch là “ở” (cư trú). Theo em, cách dịch nào thể hiện được rõ tinh thần của một bản “tuyên ngôn độc lập” hơn? Hãy lí giải ý kiến của em.

Gợi ý trả lời:

Từ “cư” ở đây nên được dịch theo nghĩa là "cai quản". Khi đó, câu thơ sẽ mang ý nghĩa "sông núi nước Nam do vua nước Nam cai quản". Cách dịch này nhấn mạnh mạnh mẽ hơn chủ quyền của dân tộc, bởi trong xã hội xưa, vua là người có quyền lực tối cao. Việc dịch "cư" thành "ở" (cư trú) không thể hiện đầy đủ ý nghĩa quyền lực và sự kiểm soát của nhà vua.

Câu 3 (trang 70, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Tác giả đã sử dụng những lời lẽ nào để khẳng định chủ quyền, độc lập của đất nước ?

Gợi ý trả lời:

Sông núi nước Nam do hoàng đế nước Nam cai trị: Theo quan niệm của xã hội xưa, toàn bộ lãnh thổ, tài sản và con người trong một quốc gia đều thuộc quyền sở hữu của nhà vua. Vua là người có quyền quyết định mọi vấn đề, thậm chí cả việc sinh tử của người dân.

Lãnh thổ của đất nước đã được ghi trong sách trời: Điều này khẳng định rằng chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta là một chân lý không thể phủ nhận hay thay đổi.

Câu 4 (trang 70, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Theo em, câu thơ cuối muốn cảnh cáo quân xâm lược điều gì? Do đâu em biết được như vậy?

Gợi ý trả lời:

Câu thơ cuối cảnh báo quân xâm lược rằng những kẻ xâm lược và cướp bóc đất nước của dân tộc khác sẽ không gặp được kết cục thuận lợi. Điều này được khẳng định qua ngôn từ mạnh mẽ, quyết đoán của tác giả.

Câu 5 (trang 71, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Câu thơ nào trong bài thơ để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?

Gợi ý trả lời:

Câu thơ để lại ấn tượng sâu sắc nhất với em là: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư".

Câu thơ này không chỉ xác nhận rõ ràng chủ quyền, lãnh thổ của dân tộc mà còn thể hiện niềm tự hào sâu sắc về đất nước, khi ngang hàng với các quốc gia khác, đặc biệt là phương Bắc. Câu thơ khẳng định sự tự tin và vị thế độc lập của dân tộc, đồng thời bộc lộ lòng tự hào dân tộc mạnh mẽ.

Câu 6 (trang 71 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Em rút ra được bài học gì cho bản thân sau khi đọc bài thơ "Nam quốc sơn hà"?

Gợi ý trả lời:

Bài học: Luôn đề cao tinh thần kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ trước mọi mối đe dọa xâm lược.

Khi soạn bài Nam quốc sơn hà nên dùng bản dịch nghĩa để hiểu rõ nội dung tác phẩm
Khi soạn bài Nam quốc sơn hà nên dùng bản dịch nghĩa để hiểu rõ nội dung tác phẩm

Soạn bài Nam quốc sơn hà - Bộ sách chân trời sáng tạo

Bài thơ "Nam quốc sơn hà" xuất hiện trong sách Ngữ văn lớp 8, tập 2 của bộ sách "Chân trời sáng tạo". Học sinh có thể tham khảo hướng dẫn soạn bài Nam quốc sơn hà Chân trời sáng tạo dưới đây để chuẩn bị bài một cách hiệu quả, toàn diện.

  • Chuẩn bị đọc (trang 7 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)

Tìm đọc thông tin về cuộc kháng chiến chống quân Tống của nhà Lý và trận chiến dọc phòng tuyến sông Như Nguyệt dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt (năm 1077).

Gợi ý trả lời:

Vào năm 1077, khi quân Tống dưới sự chỉ huy của Quách Quỳ tiến vào xâm lược nước ta, vua Lý Nhân Tông đã giao cho Lý Thường Kiệt trọng trách chỉ huy quân đội bảo vệ đất nước. Ông lập phòng tuyến bên sông Như Nguyệt để ngăn chặn bước tiến của giặc. Trong một đêm, các chiến sĩ bỗng nghe thấy từ ngôi đền thờ hai anh em Trương Hống và Trương Hát – những vị tướng tài ba của Triệu Quang Phục, được tôn thờ như thần sông Như Nguyệt – vang lên tiếng ngâm bài thơ "Nam quốc sơn hà".

  • Trải nghiệm cùng văn bản

Em hiểu thế nào là “thiên thư”?

Gợi ý trả lời:

Từ "thiên" có nghĩa là trời, còn "thư" nghĩa là sách, do đó "thiên thư" có thể hiểu là cuốn sách của nhà trời.

  • Suy ngẫm và phản hồi

Câu 1 (trang 8 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)

Soạn bài Nam quốc sơn hà và cho biết bố cục bài thơ.

Gợi ý trả lời:

Bố cục bài thơ gồm 2 phần:

- Câu 1,2: Nhấn mạnh vấn đề chủ quyền quốc gia và sự không thể thay đổi quyền độc lập của lãnh thổ.

- Câu 3,4: Cảnh báo quân xâm lược, khẳng định hậu quả tồi tệ sẽ xảy ra nếu chúng xâm phạm lãnh thổ nước Nam.

Câu 2 (trang 8 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)

Theo em, bài thơ đã tuân thủ quy định về luật, niêm, vần, đối của một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt luật Đường như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Luật: Tuân theo quy tắc về trắc bằng của các chữ trong câu.

Số câu: Có 4 câu, mỗi câu gồm 7 chữ.

Niêm: Chữ thứ hai trong câu đầu tiên mang thanh "trắc" sẽ niêm với chữ thứ hai của câu cuối, cũng là "trắc". Tương tự, chữ thứ hai của câu thứ hai mang thanh "bằng" sẽ niêm với chữ thứ hai của câu thứ ba, cũng là "bằng".

Vần: Các câu 1, 2 và 4 cùng gieo một vần (cư – thư – hư).

Đối: Thơ tứ tuyệt không yêu cầu đối chặt chẽ như trong thơ thất ngôn bát cú.

Câu 3 (trang 8 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)

Qua hai câu thơ đầu, hãy cho biết tác giả muốn khẳng định điều gì? Từ đó, trả lời câu hỏi:

a. Tác dụng của cách ngắt nhịp, dùng từ trong câu: Nam quốc sơn hà nam đế cư

b. Tác dụng của việc nhắc đến từ “thiên thư” (sách trời) ở câu thơ thứ hai.

Gợi ý trả lời:

Trong hai câu thơ đầu của bài "Nam quốc sơn hà," tác giả mạnh mẽ khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước, đồng thời xác định rõ rằng đất nước và vua của người Nam được trời đất định đoạt. Ý nghĩa này thể hiện niềm tự hào và quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền của quốc gia.

a. Tác dụng của cách ngắt nhịp, dùng từ trong câu: "Nam quốc sơn hà nam đế cư"

Việc ngắt nhịp theo cách 4/3 hoặc 2/2/3 trong câu "Nam quốc sơn hà nam đế cư" có tác dụng làm nổi bật hai yếu tố quan trọng: "sông núi nước Nam" và "vua nước Nam". Cách ngắt nhịp này không chỉ tạo ra âm điệu trang nghiêm, chậm rãi mà còn nhấn mạnh mối liên kết chặt chẽ giữa lãnh thổ và vị thế của nhà vua. Điều này làm cho ý nghĩa của câu thơ trở nên rõ ràng, mạnh mẽ, khẳng định quyền lực của người Nam ngay từ đầu bài thơ.

b. Tác dụng của việc nhắc đến "thiên thư" (sách trời) trong câu thơ thứ hai

Việc nhắc đến "thiên thư" trong câu thơ thứ hai là cách tác giả khẳng định rằng chủ quyền và quyền cai trị của đất nước Nam đã được trời đất định đoạt. "Thiên thư" – sách trời – là một biểu tượng cho cơ sở pháp lý vững chắc, không thể bị bác bỏ hay tranh cãi. Điều này không chỉ tạo ra sự thiêng liêng mà còn tăng thêm sự uy nghiêm, khẳng định tính không thể xâm phạm của chủ quyền dân tộc.

Câu 4 (trang 8 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)

Ở hai câu cuối, tác giả muốn nói về vấn đề gì, nói với ai và nói bằng thái độ như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Thông qua hai câu thơ cuối, tác giả muôn nhắn gửi trực tiếp đến quân xâm lược rằng mọi hành động cướp nước của chúng sẽ không bao giờ dẫn đến một kết cục tốt đẹp. Với một thái độ kiên quyết, mạnh mẽ, đầy tự tin, tác giả khẳng định rằng bất kỳ kẻ thù nào dám xâm phạm lãnh thổ đều sẽ gặp phải thất bại thảm hại.

Câu 5 (trang 9 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)

Nêu chủ đề và cảm hứng chủ đạo của bài thơ.

Gợi ý trả lời:

Bài thơ "Nam quốc sơn hà" mang chủ đề khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước, đồng thời thể hiện ý chí kiên quyết bảo vệ lãnh thổ trước mọi kẻ thù xâm lược. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là tình yêu nước sâu sắc, kết hợp với lòng tự tôn và niềm tự hào mãnh liệt về dân tộc. Qua từng câu thơ, tác giả truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về sự chính danh của đất nước và quyết tâm không khoan nhượng trước bất kỳ hành động xâm lăng nào.

Câu 6 (trang 9 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)

Nam quốc sơn hà thường được xem là “bản tuyên ngôn độc lập” bằng thơ trong văn học Việt Nam, hay còn được gọi là bài thơ “Thần”. Em có cảm nghĩ gì về ý kiến này.

Gợi ý trả lời:

Em tán thành ý kiến này vì:

  • "Nam quốc sơn hà" là bài thơ đầu tiên khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước ta.

  • Bài thơ thể hiện lòng tự hào và tinh thần tự tôn dân tộc, đồng thời ca ngợi truyền thống yêu nước và tinh thần anh dũng của dân tộc Việt Nam.

Câu 7 (trang 9 sgk Ngữ văn 8 Tập 2)

Nêu dẫn chứng lấy từ lịch sử hoặc từ các bài văn học khác để cho thấy tinh thần, ý chí về chủ quyền, độc lập nước nhà đã trở thành một truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam ta.

Gợi ý trả lời:

  • Dẫn chứng lịch sử: Dân tộc ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, bao gồm kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, với tinh thần kiên cường và hào hùng, luôn chiến thắng kẻ thù, giành lại độc lập và tự do cho đất nước.

  • Dẫn chứng văn chương: Trích "Tuyên ngôn độc lập" - Hồ Chí Minh.

"Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do ! Dân tộc đó phải được độc lập!"

"Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy."

Soạn bài Nam quốc sơn hà theo sách Chân trời sáng tạo giúp học sinh chuẩn bị bài một cách hiệu quả
Soạn bài Nam quốc sơn hà theo sách Chân trời sáng tạo giúp học sinh chuẩn bị bài một cách hiệu quả

Bài tập liên hệ

Sau khi hoàn thành việc soạn bài Nam quốc sơn hà và hiểu rõ về nội dung, ý nghĩa của bài thơ, học sinh có thể tham khảo bài tập liên hệ dưới đây để hệ thống hóa kiến thức và rèn luyện kỹ năng phân tích tác phẩm.

Câu hỏi: Sau khi soạn bài Nam quốc sơn hà, em hãy giải thích vì sao bài thơ được xem là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta.

Gợi ý trả lời:

Theo sử sách, bài thơ "Nam quốc sơn hà" chính là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của đất nước vì nó khẳng định một cách rõ ràng và mạnh mẽ chủ quyền lãnh thổ của đất nước. Được sáng tác trong bối cảnh chống giặc ngoại xâm, bài thơ không chỉ nêu rõ rằng lãnh thổ nước Nam thuộc quyền cai quản của vua nước Nam mà còn tuyên bố sự bất khả xâm phạm của chủ quyền quốc gia trước mọi thế lực ngoại bang.

Tác giả sử dụng ngôn từ hùng hồn, tự tin để chứng minh rằng đất nước đã được trời đất công nhận nên chắc chắn không thể bị xâm phạm, đồng thời thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập của dân tộc. Chính vì vậy, bài thơ không chỉ là một tác phẩm văn học xuất sắc mà còn là một tuyên ngôn chính trị quan trọng, khẳng định quyền tự chủ của đất nước trong lịch sử.

Qua việc soạn bài Nam quốc sơn hà, ta thấu hiểu hơn ý nghĩa lịch sử sâu sắc của bài thơ
Qua việc soạn bài Nam quốc sơn hà, ta thấu hiểu hơn ý nghĩa lịch sử sâu sắc của bài thơ

Qua việc soạn bài Nam quốc sơn hà, ta càng thấu hiểu hơn ý nghĩa lịch sử sâu sắc của bài thơ. Nó không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, khẳng định chủ quyền lãnh thổ của dân tộc ta. Bài thơ như một ngọn cờ tinh thần, soi sáng cho bao thế hệ người Việt trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

BÀI LIÊN QUAN
Tags: Soạn văn 9