Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm Hương Sơn phong cảnh
Tìm hiểu kỹ thông tin về tác giả, tác phẩm sẽ giúp học sinh soạn bài Hương Sơn phong cảnh nhanh chóng và dễ dàng tiếp thu các kiến thức trong giờ học trên lớp.
Tác giả
Chu Mạnh Trinh (1862 - 1905) tự là Cán Thần, hiệu Trúc Văn, quê ở huyện Đông Yên tỉnh Hưng Yên. Từ bé ông nổi tiếng thông minh và có tài văn chương. Năm 1892 ông thi đậu Tiến sĩ. Chu Mạnh Trinh là người có phong cách nghệ thuật tài hoa, thành thạo cầm, kỳ, thi, hoạ, am hiểu nghệ thuật kiến trúc. Ông từng đạt giải nhất thơ Nôm vào năm 1905.
Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ Chu Mạnh Trinh như: Hương Sơn phong cảnh, Cổ Loa hữu cảm, Tổng vịnh Truyện Kiều, ...
Tác phẩm
Tác phẩm Hương Sơn phong cảnh được in trong Việt Nam ca trù biên khảo, Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, NXB thành phố Hồ Chí Minh năm 1995.
Bố cục: Khi soạn bài Hương Sơn phong cảnh bạn học có thể chia bố cục của bài thơ thành 3 phần:
- Phần 1: 4 câu thơ đầu: Tâm trạng của chủ thể trữ tình khi lần đầu đặt chân đến Hương Sơn.
- Phần 2: 14 câu thơ tiếp: Vẻ đẹp của khung cảnh Hương Sơn.
- Phần 3: Phần còn lại: Cảm xúc của chủ thể trữ tình sau khi tham quan cảnh đẹp ở Hương Sơn.
Giá trị nội dung/Tóm tắt nội dung: Tác phẩm Hương Sơn phong cảnh tái hiện vẻ đẹp trầm tĩnh, yên bình của Hương Sơn dưới góc nhìn của tác giả. Qua đó còn thấy được lòng yêu thiên nhiên, đất nước của tác giả khi đặt chân tới Hương Sơn.
Giá trị nghệ thuật: Văn bản Hương Sơn phong cảnh sử dụng ngôn từ Hán Việt kết hợp với thuần Việt cùng các biện pháp đảo ngữ, câu hỏi tu từ đã làm nổi bật lên được phong cảnh tuyệt đẹp ở Hương Sơn. Bên cạnh bài thơ có hệ thống vần nhịp kết hợp với ngôn từ tạo nên tiết tấu chậm rãi như một bài ca.
Gợi ý soạn bài Hương Sơn phong cảnh đúng trọng tâm - Chân trời sáng tạo
Dưới đây là hướng dẫn soạn bài Hương Sơn phong cảnh chi tiết mà bạn học có thể tham khảo.
Soạn bài Hương Sơn phong cảnh: Phần trước khi đọc
Câu 1 (Trang 66 SGK Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo tập 1): Hãy giới thiệu và chia sẻ cảm nhận về một cảnh đẹp của quê hương, đất nước mà bạn đã có dịp đến thăm hoặc biết qua sách vở.
Gợi ý trả lời:
Vào dịp nghỉ hè, gia đình em thường đi du lịch cùng nhau, trong đó cảnh đẹp để lại ấn tượng sâu sắc đối với em chính là thiên nhiên và khí hậu ở Đà Lạt. Thành phố Đà lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng, một trong 5 tỉnh của vùng Tây Nguyên. Được tự nhiên ưu ái với khí hậu mát mẻ, quanh năm.
Lần đầu tiên em đặt chân tới đây, khung cảnh hiện ra trước mắt chính là những núi đồi trập trùng, những khu vườn bạt ngàn hoa, thoang thoảng hương thơm ngát. Dòng thác cao tuôn nước trắng xóa, tạo vẻ đẹp huyền ảo, suối uốn lượn với dòng nước trong vắt.
Đặc biệt khí hậu ở đây rất mát mẻ, em như tận hưởng 4 mùa trong ngày, ấm áp vào buổi sáng nhưng se lạnh vào buổi tối. Bên cạnh đó khi đến với Đà Lạt em còn được tham quan các bản làng của người dân bản địa, thưởng thức những món ăn truyền thống nơi đây. Đà Lạt trong em mang nhiều kỉ niệm đẹp, nếu sau này có dịp, em vẫn muốn đến vùng đất này một lần nữa.
Bạn học có thể dựa vào những trải nghiệm của mình để chia sẻ cảm nhận về cảnh đẹp của quê hương đất nước để soạn Hương Sơn phong cảnh ở câu hỏi này.
Soạn bài Hương Sơn phong cảnh: Phần đọc văn bản
Câu 1 (Trang 66 SGK Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo tập 1): Lưu ý những từ ngữ diễn tả cảm xúc của chủ thể trữ tình khi đến Hương Sơn.
Gợi ý trả lời:
Những từ ngữ diễn tả cảm xúc của chủ thể trữ tình khi đến thăm Hương Sơn là: “Đệ nhất động, ao ước”. Đây là từ ngữ thể hiện sự háo hức, mong chờ, sau bao lâu cuối cùng cũng được ngắm cảnh đẹp này.
Câu 2 (Trang 66 SGK Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo tập 1): Bạn hình dung thế nào về phong cảnh Hương Sơn qua đoạn thơ này?
Gợi ý trả lời:
Qua đoạn thơ cho thấy Hương Sơn là một nơi có khung cảnh thơ mộng, nhiều màu sắc với “Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt, hang lồng bóng nguyệt”. Vẻ đẹp tuyệt trần ấy như đưa người đọc tới chốn thần tiên.
Câu 3 (Trang 66 SGK Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo tập 1): Chú ý số tiếng trong mỗi dòng, cách gieo vần, ngắt nhịp và cách kết thúc bài thơ.
Gợi ý trả lời:
Số tiếng trong mỗi dòng thơ không đồng đều: Câu 15 có 7 tiếng, câu 16 có 8 tiếng, câu 17 có 7 tiếng, câu 18 có 8 tiếng, câu 19 có 6 tiếng. Có thể nhận thấy sự xen kẽ số tiếng từ câu 15 – 18.
Như vậy có thể thấy, cách gieo vần tự do, không theo quy luật. Khi kết thúc bài thơ, tác giả sử dụng cấu trúc “càng…càng” để bộc lộ hết tình cảm của mình trước phong cảnh Hương Sơn tuyệt đẹp.
Soạn bài Hương Sơn phong cảnh: Phần sau khi đọc
Câu 1 (Trang 67 SGK Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo tập 1): Xác định bố cục bài thơ.
Gợi ý trả lời:
Bố cục của bài thơ được chia làm 3 phần:
- Phần 1: 4 câu thơ đầu: Tâm trạng của chủ thể trữ tình khi lần đầu đặt chân đến Hương Sơn.
- Phần 2: 14 câu thơ tiếp: Vẻ đẹp yên bình của Hương Sơn.
- Phần 3: Phần còn lại: Cảm xúc của chủ thể trữ tình sau khi tham quan cảnh đẹp ở Hương Sơn.
Câu 2 (Trang 67 SGK Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo tập 1): Nêu một số từ ngữ để khái quát vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn được gợi tả qua các đoạn thơ.
Gợi ý trả lời:
Vẻ đẹp của phong cảnh Hương Sơn được thể hiện qua các từ ngữ: Chốn thần tiên, long lanh, thăm thẳm, vẻ đẹp kì diệu, độc đáo, đệ nhất động, nơi yên bình.
Câu 3 (Trang 67 SGK Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo tập 1): Chủ thể trữ tình của bài thơ là ai? Đó là chủ thể ẩn, chủ thể xuất hiện trực tiếp với một đại từ nhân xưng, hay chủ thể nhập vai vào một nhân vật trong bài thơ?
Gợi ý trả lời:
Chủ thể trữ tình của bài thơ là tác giả, đó là chủ thể ẩn.
Câu 4 (Trang 67 SGK Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo tập 1): Phân tích diễn biến tình cảm, cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài thơ.
Gợi ý trả lời:
Qua bài thơ có thể thâý cảm xúc của chủ thể trữ tình có sự thay đổi theo thời gian.
- Trong bốn câu thơ đầu tác giả thể hiện sự ngạc nhiên, thích thú, trước cảnh đẹp của Hương Sơn, sau đó là cảm giác hài lòng vì đã đặt chân được đến nơi mà bấy lâu nay vẫn từng ao ước.
- Đến với 14 câu thơ tiếp chủ thể trữ tình đã quan sát tỉ mỉ, cảm nhận chân thực từng ngóc ngách ở Hương Sơn. Miêu tả thật chi tiết qua những hình ảnh so sánh “long lanh như gấm dệt, lối uốn thang mây”.
- Cuối cùng 5 câu thơ cuối chính là lòng yêu thiên nhiên, yêu nước của chủ thể trữ tình. Cảm xúc như đắm chìm, lưu luyến không rời, trực tiếp bộc lộ tình yêu của mình trước vẻ đẹp của Hương Sơn qua câu thơ cuối ''Càng trông phong cảnh càng yêu".
Câu 5 (Trang 67 SGK Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo tập 1): Nêu cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Phân tích hiệu quả của cách xây dựng hình ảnh, sử dụng từ ngữ, biện pháp tu từ đối với việc thể hiện cảm hứng ấy.
Gợi ý trả lời:
Bài thơ lấy cảm hứng chủ đạo là tình yêu thiên nhiên đến tình yêu đất nước.
Trong bài thơ Hương Sơn, tác giả sử dụng ngôn ngữ giàu hình ảnh như “thăm thẳm, long lanh” giúp người đọc dễ dàng hình dung được phong cảnh tuyệt đẹp. Cùng với đó là các biện pháp tu từ so sánh, các cặp từ láy, câu thơ bộc lộ trực tiếp cảm xúc. Tất cả tạo nên một bức tranh Hương Sơn chân thực, rõ nét. Từ đó thể hiện được cảm hứng chủ đạo của bài thơ cũng như cảm xúc yêu thiên nhiên của tác giả.
Câu 6 (Trang 67 SGK Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo tập 1): Nhận xét về vai trò của vần và nhịp trong bài thơ.
Gợi ý trả lời:
Khi soạn bài Hương Sơn phong cảnh, bạn học có thể thấy vần và nhịp trong bài khá tự do, không theo quy luật nhất định. Sự tự do trong cách ngắt nhịp và gieo vần giúp bài thơ có tiết tấu chậm rãi như một bài ca. Qua đó thể hiện được những tình cảm tha thiết của tác giả trước phong cảnh Hương Sơn.
Câu 7 (Trang 67 SGK Ngữ văn 10 Chân trời sáng tạo tập 1): Hãy chia sẻ cảm nhận của bạn về một cảnh đẹp khác trên đất nước ta mà bạn có dịp đến tìm hiểu qua sách báo hoặc đến thăm.
Gợi ý trả lời:
Vịnh Hạ Long là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng nằm ở phía Bắc của Việt Nam. Đây là một kỳ quan thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tuy chưa có dịp ghé thăm nhưng khi tìm hiểu qua sách vở và tivi em đã thấy được bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp ở nơi đây.
Cảnh đẹp ở Vịnh Hạ Long là sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố tự nhiên. Tại đây có những dãy núi vôi hùng vĩ với kích thước và hình dạng khác nhau. Khi đi sâu hơn vào vịnh sẽ thấy những hang động mình bên trong các hòn đảo. Bên trong hang động là những vòm đá cao có những dãy thạch nhũ mang nhiều màu sắc rực rỡ.
Bên cạnh hang động là những làng chài bình yên nổi bật giữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Tất cả tạo nên một khung cảnh yên bình, mà ai cũng muốn đắm chìm vào đó. Nếu có dịp nghỉ, em nhất định sẽ đến tham quan nơi này.
Bài tập liên hệ
Sau khi soạn bài Hương Sơn phong cảnh, để nâng cao và củng cố kiến thức, bạn học có thể làm thêm bài tập liên hệ dưới đây.
Câu hỏi: Sau khi soạn bài Hương Sơn phong cảnh, hãy vẽ sơ đồ tư duy để tổng quan các phần kiến thức bài học?
Gợi ý trả lời:
Dưới đây là sơ đồ tư duy bài Hương Sơn phong cảnh bao quát nhất mà bạn có thể tham khảo để ghi nhớ và tổng quan kiến thức:
Soạn bài Hương Sơn phong cảnh giúp các bạn học sinh rèn luyện kỹ năng đọc hiểu, phân tích thông tin về tác phẩm, bên cạnh đó còn khám phá được khung cảnh tuyệt đẹp mà tác giả đã tái hiện lên qua bài thơ. Sau bài hướng dẫn trên hy vọng bạn học sẽ trả lời được những câu hỏi liên quan, tiếp thu kiến thức bài học tốt hơn.