Tác giả và tác phẩm Vợ nhặt
Trước khi tóm tắt Vợ Nhặt hãy cùng tìm hiểu về tác giả cũng như tác phẩm này.
Tác giả
Kim Lân (1920-2007), tên thật là Nguyễn Văn Tài, là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Ông sinh ra tại làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Kim Lân chủ yếu sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và sau đó là kháng chiến chống Mỹ. Ông được biết đến với khả năng khai thác sâu sắc đời sống nông thôn và những phận người nhỏ bé.
Các tác phẩm của Kim Lân thường phản ánh cuộc sống gian khổ, thiếu thốn của người nông dân nhưng lại mang đậm tình người và lòng nhân ái. Tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp văn chương của Kim Lân là các truyện ngắn như "Làng", "Con chó xấu xí" và đặc biệt là "Vợ nhặt".
Tác phẩm
"Vợ nhặt" là một truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân, được viết trong bối cảnh nạn đói khủng khiếp năm 1945 tại Việt Nam. Truyện kể về Tràng, một chàng trai nghèo khổ, sống cùng mẹ già, bất ngờ "nhặt" được một cô gái về làm vợ.
Qua nhân vật Tràng và người vợ nhặt, Kim Lân đã phản ánh hiện thực tàn khốc của nạn đói, nhưng đồng thời cũng thể hiện được tình người, sự đoàn kết và niềm hy vọng vào cuộc sống. "Vợ nhặt" không chỉ là câu chuyện về nạn đói mà còn là bức tranh sống động về tình người và sức mạnh của lòng nhân ái trong những thời khắc khó khăn nhất.
Mẫu bài tóm tắt Vợ Nhặt lớp 11
Dưới đây là mẫu tóm tắt Vợ nhặt với các độ dài khác nhau từ tổng quan đến chi tiết mà người học có thể tham khảo:
Mẫu tóm tắt Vợ nhặt 1
Truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân lấy bối cảnh nạn đói năm 1945 tại Việt Nam. Tràng, một chàng trai nghèo, tình cờ gặp một người phụ nữ đói lả và quyết định đưa cô về làm vợ, mặc kệ lời bàn tán của dân làng. Cả gia đình sống trong cảnh thiếu thốn nhưng luôn chia sẻ và yêu thương nhau. Sự xuất hiện của người vợ nhặt mang đến hy vọng mới cho Tràng và mẹ anh. Kim Lân qua câu chuyện này đã miêu tả hiện thực khắc nghiệt của nạn đói nhưng cũng nhấn mạnh lòng nhân ái và tình người. Cuối cùng, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, gia đình Tràng vẫn giữ được niềm tin vào tương lai.
Mẫu tóm tắt Vợ nhặt 2
Trong truyện "Vợ nhặt", Kim Lân kể về Tràng, một người đàn ông lao động nghèo sống trong cảnh đói khát. Một ngày, anh gặp một người phụ nữ đói lả và quyết định đưa cô về nhà làm vợ, mặc cho sự đàm tiếu của người dân trong làng. Hành động của Tràng khiến cả làng ngạc nhiên, nhưng anh chỉ mong có người chia sẻ gánh nặng cuộc sống. Mẹ Tràng ban đầu phản đối nhưng rồi cũng đồng ý vì thương con. Gia đình nhỏ của Tràng dần dần tìm thấy niềm vui trong những điều giản dị dù cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Mẫu tóm tắt Vợ nhặt 3
Năm 1945, nạn đói hoành hành khủng khiếp, người chết như ngả rạ, người sống dật dờ như những bóng ma. Anh Tràng - nhân vật chính của truyện - hiện lên với hình ảnh "xấu xí, thô kệch", sống trong xóm ngụ cư nghèo đói đến mức chẳng nuôi nổi thân mình và mẹ già. Thế mà Tràng lại nhặt được vợ khi gặp thị, một người đàn bà kém duyên. Nhờ lòng thương người, Tràng đãi thị ăn một chặp bốn cái bánh đúc và thị đồng ý theo Tràng về nhà. Bà cụ Tứ - mẹ Tràng rất ngạc nhiên nhưng thấu hiểu và thương xót cho hoàn cảnh của thị. Bà cụ chấp nhận thị vì hiểu rằng người con gái ấy đã quá nghèo đói.
Bà buồn vì con trai mình không có nổi một đám cưới nhưng cũng vui mừng vì Tràng đã yên bề gia thất. Khi về làm vợ Tràng, thị thay đổi, trở thành người biết chăm lo cho gia đình. Tràng cũng thay đổi, lo cho tương lai và có những suy nghĩ sâu xa hơn về cuộc sống. Ba mẹ con Tràng, thị và bà cụ Tứ cùng nhau ăn nồi cháo cám rất vui vẻ còn gọi đùa là chè khoán. Trong lúc trò chuyện, thị nhắc tới Việt Minh phá kho thóc Nhật và trong óc Tràng hiện lên hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.
Mẫu tóm tắt Vợ nhặt 4
Năm 1945, nạn đói khủng khiếp khiến người chết như ngả rạ, người sống thì dật dờ như những bóng ma. Trong xã hội đó, có một chàng trai tên Tràng, sống ở xóm ngụ cư, xấu xí, thô kệch và chưa có vợ. Anh làm nghề kéo xe bò thuê và chung sống cùng mẹ già. Tóm tắt tình huống truyện Vợ nhặt đầu tiên là lần kéo xe thóc lên tỉnh của Tràng, lúc đó, Tràng gặp được một cô gái. Vài ngày sau gặp lại, cô gái tiều tuỵ và hốc hác nhiều đến mức Tràng không nhận ra. Tràng mời cô một bữa ăn và cô gái đã ăn liền bốn bát bánh đúc. Sau vài câu nói nửa đùa nửa thật, cô theo Tràng về nhà làm vợ.
Việc Tràng nhặt được vợ làm cả xóm ngụ cư ngạc nhiên, và bà cụ Tứ (mẹ Tràng) cũng bàng hoàng, lo lắng nhưng rồi cũng hiểu và chấp nhận con dâu. Trong bữa cơm "đón nàng dâu mới", họ chỉ có cháo và nồi chè cám. Bà cụ Tứ dành cho con dâu mới tấm lòng độ lượng, bao dung. Tác phẩm kết thúc với cảnh sáng hôm sau, tiếng trống thúc thuế dồn dập, quạ đen bay vù như mây đen. Thị nhắc đến chuyện Việt Minh phá kho thóc Nhật và Tràng nhớ lại hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.
Mẫu tóm tắt Vợ nhặt 5
Giữa lúc xóm ngụ cư tiêu điều, xác xơ trong nạn đói đầu năm 1945, vào một buổi chiều tàn, không khí u ám vì nghèo đói, Tràng - một người nông dân nghèo, đứng tuổi, xấu xí, thô kệch, có phần khờ khạo - dẫn một người phụ nữ về nhà làm vợ. Do đang rơi vào cảnh đói rách, khốn cùng, chỉ qua vài lần gặp gỡ và vài câu nói đùa, sau khi ăn một chặp bốn bát bánh đúc do Tràng "chiêu đãi", người phụ nữ này đồng ý theo Tràng về nhà làm vợ. Người ta vẫn cho rằng thị là người con gái trơ trẽn khi ăn ngấu nghiến 4 bát bánh đúc, vậy mà trên đường về nhà Tràng, thị lại trở nên e thẹn một cách lạ lùng.
Khi về đến nhà Tràng, nhìn thấy gia cảnh nghèo khó, thị không giấu nổi sự thất vọng trong ánh mắt. Khi mẹ Tràng (bà cụ Tứ) trở về, nhìn thấy người phụ nữ lạ trong nhà, được con trai giới thiệu đó là con dâu của mình. Phản ứng đầu tiên của bà không phải là vui mừng mà là ngạc nhiên và lo lắng. Thế rồi, bà cũng chấp nhận người con dâu trong tâm trạng vừa buồn vừa vui, vừa lo âu, vừa hy vọng nhưng không hề tỏ ra khinh thường người phụ nữ đã theo con mình. Đêm tân hôn của họ diễn ra trong không khí chết chóc, đau thương từ xóm ngụ cư vọng tới.
Sáng hôm sau, một buổi sáng mùa hè, nắng rực rỡ. Bà cụ Tứ và cô dâu mới tất bật dọn dẹp, quét tước trong ngoài. Trước cảnh ấy, Tràng cảm thấy mình gắn bó và có trách nhiệm với ngôi nhà và thấy mình trưởng thành hơn, nhận ra đây đúng là một người phụ nữ hiền hậu, đúng mực, không còn vẻ chao chát chỏng lỏn như lần đầu gặp nhau. Bà cụ Tứ vui vẻ đãi hai con vài bát cháo loãng và một nồi chè cám. Qua lời kể của người vợ, Tràng dần hiểu được về Việt Minh và trong đầu Tràng hiện lên hình ảnh đám người đói thi nhau phá kho thóc Nhật, phía trước là một lá cờ đỏ bay phấp phới.
Mẫu tóm tắt Vợ nhặt 6
Vợ nhặt là tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, được xuất bản vào năm 1962. Tác phẩm này có tiền thân là "Xóm ngụ cư", nhưng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, bản thảo bị mất. Đến khi hòa bình lập lại vào năm 1954, Kim Lân đã dựa trên cốt truyện cũ để viết lại truyện ngắn này.
Vào năm 1945, cái đói bắt đầu lan xuống xóm ngụ cư, khiến trẻ con ủ rũ, người lớn dật dờ, lặng lẽ như những bóng ma. Giữa hoàn cảnh nghèo đói và u ám đó, Tràng lại dẫn một người phụ nữ xa lạ về nhà. Trên đường về, đám trẻ con trong làng gào lên "chông vợ hài" để trêu chọc họ. Người lớn ngạc nhiên bàn tán, khuôn mặt u tối của họ bỗng chốc rạng rỡ lên. Về đến gian nhà vắng teo, rúm ró và xiêu vẹo, Tràng trong tâm trạng nóng ruột chờ bà cụ Tứ, còn người phụ nữ xa lạ kia ngồi rụt rè ở mép giường cũng trong tâm trạng buồn và lo lắng. Thị buồn vì tưởng mình đã tìm được chốn nương tựa, nhưng hoàn cảnh của Tràng cũng không khá hơn thị mong đợi.
Trời chạng vạng tối, bà cụ Tứ về đến nhà thì rất ngạc nhiên khi có người phụ nữ lạ trong nhà, lại chào mình bằng "u". Được Tràng giải thích, bà nín lặng, xáo trộn trong lòng, xót xa, ai oán, buồn tủi xen lẫn cả niềm vui. Bà hiểu rằng thị theo con bà về làm vợ không phải vì tình yêu mà vì thị đã quá đói khổ. Bà xót xa bởi thương cho phận mình và con trai. Người ta dựng vợ gả chồng phải có đám cưới, vậy mà bà còn chẳng lo nổi cho con mình một đám cưới đàng hoàng. Nhưng rồi bà cũng vui mừng vì trong hoàn cảnh khốn cùng ấy, chuyện Tràng lấy được vợ chỉ như trong cổ tích, thế mà nay đã xảy ra. Nghĩ đến đây, bà mở rộng trái tim đón nhận thị, chấp nhận làm con dâu. Tiếc thay, cái ngày hạnh phúc của vợ chồng Tràng diễn ra trong cảnh chết chóc, tan tác và thê lương.
Sáng hôm sau, Tràng dậy muộn và nhận ra quang cảnh nhà cửa có sự thay đổi, đống quần áo rách được phơi, đống rác ở đầu ngõ đã được dọn sạch, ang nước khô đã đầy ắp nước. Cảnh vật ấy làm Tràng thấm thía, cảm thấy phấn chấn và có trách nhiệm với gia đình. Bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới là một đĩa rau chuối thái rối, muối trắng, bát cháo lõng bõng và một nồi chè khoán. Nồi chè khoán nghe thì tưởng chừng ngon lắm, nhưng thực chất chỉ là nồi cháo cám. Trong bữa cơm, bà cụ Tứ nói toàn chuyện vui, động viên con trai và con dâu cố gắng làm ăn, và khi nghe tiếng thúc thuế nổi lên, bà cụ lại khóc, còn trong đầu Tràng bỗng hiện lên lá cờ đỏ và đoàn người trên đê đi phá kho thóc của Nhật.
Sơ đồ tư duy giúp hỗ trợ tóm tắt Vợ nhặt
Tóm tắt Vợ nhặt bằng sơ đồ tư duy không chỉ là một cách để ghi nhớ kiến thức mà còn là một phương pháp học tập tích cực. Việc tự mình xây dựng sơ đồ sẽ giúp chúng ta hiểu sâu hơn về tác phẩm và phát triển khả năng tư duy logic.
Dưới đây là một số sơ đồ tư duy đầy đủ, chính xác mà bạn có thể tham khảo:
Tóm tắt tác phẩm Vợ nhặt cần lưu ý vấn đề gì?
Những điểm cần lưu ý trong quá trình tóm tắt Vợ nhặt:
- Ngắn gọn: Tóm tắt chỉ nên bao gồm những thông tin quan trọng nhất. Học sinh có thể dựa vào phần sơ đồ tư duy để nắm ý chính của tác phẩm Vợ nhặt, sau đó tóm tắt lại theo ý hiểu của mình.
- Rõ ràng: Trình bày theo một trình tự hợp lý, dễ hiểu. Tốt nhất nên trình bày theo trình tự mà cốt truyện Vợ nhặt đưa ra để không bị bỏ sót bất kỳ chi tiết nào.
- Trung thực: Giữ nguyên ý nghĩa của tác phẩm gốc. Học sinh tóm tắt chân thực theo đúng ý của tác phẩm, không tự sáng tạo ra các chi tiết mới không có trong tác phẩm.
- Sử dụng ngôn ngữ: Chọn từ ngữ phù hợp với văn phong của tác phẩm.
- Đặc biệt, hãy tập trung vào ba nhân vật chính là Tràng, bà cụ Tứ (mẹ Tràng) và người vợ nhặt. Mỗi nhân vật đại diện cho những số phận khác nhau trong xã hội thời bấy giờ nhưng cùng thể hiện khát vọng sống và hy vọng vào tương lai.
Tóm tắt Vợ nhặt không chỉ là việc trình bày lại nội dung mà còn là một quá trình khám phá, cảm nhận và suy ngẫm. Qua việc tóm tắt, chúng ta sẽ hiểu sâu hơn về tác phẩm và rèn luyện được nhiều kỹ năng như đọc hiểu, viết lách, tư duy phê phán.