Dàn ý gợi ý phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Trước khi bắt đầu phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, điều quan trọng cần làm là lập dàn ý để xác định đầy đủ nội dung và định hướng phân tích. Ngoài ra khi viết, bạn cần bám sát dàn ý để không bỏ sót ý trong bài văn của mình. Bạn có thể tham khảo một mẫu dàn ý phân tích bài Kiều ở lầu Ngưng Bích như sau:
Mở bài
Giới thiệu sơ lược về đại thi hào Nguyễn Du, kiệt tác thơ Nôm “Truyện Kiều” và dẫn dắt đến phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Thân bài
a, Hoàn cảnh cô đơn, đau khổ của Kiều
Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích - sáu câu thơ đầu mô tả khung cảnh thiên nhiên tại lầu Ngưng Bích với không gian và thời gian.
Không gian nghệ thuật được phản ánh qua cái nhìn của Thúy Kiều: Lầu Ngưng Bích là nơi Kiều bị quản thúc - hai từ "khóa xuân" đã nói lên điều đó. Cảnh đẹp nhưng rộng lớn, hoang sơ và lạnh lẽo, ngước lên nhìn xa chỉ thấy những dãy núi mờ nhạt. Ngẩng đầu lên trời cao chỉ thấy "vầng trăng gần" - thể hiện khoảng thời gian buổi chiều tối, gợi buồn. Nhìn xa hơn nữa, thấy "bốn bề mênh mông xa trông" là những cồn cát vàng nối tiếp nhau cùng với bụi hồng trải dài.
Đoạn văn sử dụng nghệ thuật liệt kê, tương phản đối lập "non xa"/ "trăng gần", đảo ngữ, từ láy "mênh mông". Những biện pháp này càng giúp thể hiện rõ ý đồ của tác giả: Miêu tả một không gian mênh mông, rợn ngợp, tĩnh lặng, không một bóng người. Đối lập với đó là nàng Kiều đơn chiếc, cảm nhận được sự trống vắng và cô độc.
b, Nỗi lòng của Kiều dành cho Kim Trọng và cha mẹ
Trong cảnh cô đơn nơi đất khách quê người, tâm trạng Kiều biến đổi từ buồn sang nhớ. Cô nhớ người yêu, nhớ cha mẹ. Nỗi nhớ ấy được Nguyễn Du diễn tả xúc động qua những lời độc thoại nội tâm của chính nhân vật.
- Trước hết, Kiều nhớ Kim Trọng bởi trong lúc gia đình gặp biến cố, Kiều đã phải hy sinh mối tình đầu đẹp đẽ để cứu gia đình, phần nào đã "đền ơn sinh thành" cho cha mẹ. Nỗi nhớ thể hiện bằng kỷ niệm uống rượu thề nguyện dưới ánh trăng. Nguyễn Du dùng chữ "tưởng" - vừa là nhớ, vừa là hình dung, tưởng tượng ra người mình yêu.
- Kiều tưởng tượng người yêu cũng đang ngày đêm khắc khoải chờ tin cô: "Tin sương luống những rày trông mai chờ".
- Rồi bất chợt, cô liên tưởng đến thân phận "bên trời góc biển bơ vơ" của mình. Kiều băn khoăn tự hỏi: "Tấm son gột rửa bao giờ cho phai" - thể hiện tấm lòng son sắt, thủy chung của Kiều dành cho người yêu. Đồng thời câu thơ thể hiện nỗi đau nỗi đau về nhân phẩm trong bi kịch tình yêu.
- Kiều cũng xót xa nghĩ đến cha mẹ, thể hiện qua từ “xót” trong đoạn thơ. Đây là tấm lòng của người con gái khi nhớ thương cha mẹ già yếu, ngóng đợi tin con
Đoạn trích thể hiện nỗi lòng Kiều bằng cách từ ngữ ấn tượng và gợi mở. Ngoài ra nỗi lòng của Kiều được tác giả thể hiện khách quan và phần nào tân tiến, vượt định kiến khi chữ tình đặt trên chữ hiếu.
c, Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích: Tâm trạng u sầu và lo lắng của Kiều được thể hiện qua quan sát về cảnh vật
Việc lặp đi lặp lại cụm từ "buồn trông" bốn lần tạo ra một âm điệu bi thương, như một điệp khúc diễn tả sự buồn bã đang dâng lên trong lòng Kiều. Cảnh vật tự nhiên qua cái nhìn của Kiều mang đến sự đau đớn:
- Cánh buồm mờ nhạt, thỉnh thoảng hiện lên tại cửa bể vào chiều tối gợi ra hành trình lạc lối không rõ bến đỗ.
- Cánh hoa trôi nổi trên mặt nước phản ánh số phận yếu ớt, mong manh như bị đẩy trôi vô định trên dòng đời không biết hướng đi.
- Đám cỏ u ám trải dài nơi chân trời mặt đất gợi ý cuộc sống tàn tạ, bi thảm và vô vọng kéo dài không biết đến khi nào.
- "Gió cuốn mặt duềnh" cùng âm thanh ầm ầm của sóng vỗ "kêu quanh ghế ngồi" gợi ra tâm trạng lo lắng, sợ hãi như thể dự báo sự bão tố của số phận sẽ ngay lập tức ập đến, làm xáo trộn và đè nén cuộc đời Kiều.
Nhờ sử dụng nghệ thuật ẩn dụ, hệ thống câu hỏi tu từ và các từ láy như "thấp thoáng", "xa xa", "man mác", "rầu rầu", "xanh xanh", "ầm ầm", tác giả đã làm nổi bật sự đau buồn đa chiều trong tâm trạng Kiều. Tác giả sử dụng cảnh vật để thể hiện nội tâm. Cảnh vật được mô tả từ xa đến gần, màu sắc từ nhạt đến đậm, âm thanh từ tĩnh đến động, nỗi buồn từ man mác đến lo lắng, sợ hãi, dâng lên cơn bão táp trong nội tâm, đạt đến đỉnh điểm cảm xúc trong lòng Kiều. Trong trạng thái tuyệt vọng và yếu đuối nhất, Kiều đã bị Sở Khanh lừa gạt, dẫn đến việc nàng bước vào cuộc đời đầy nhục nhã.
Kết bài
- Tổng hợp các yếu tố nghệ thuật và nội dung qua quá trình phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
- Trình bày những cảm nhận và quan điểm về hình tượng nhân vật Thúy Kiều trong bài thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Gợi ý sơ đồ tư duy phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Sơ đồ tư duy trong văn học là một cách rất hiệu quả để hiểu rõ tác phẩm. Ngoài ra, hình thành thói quen tạo sơ đồ tư duy cũng giúp cho bạn dễ nhớ các chi tiết hơn.
Sau đây là một sơ đồ tư duy bạn có thể tham khảo khi làm bài văn phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích:
Gợi ý mẫu bài phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Với dàn bài chi tiết và cách lên sơ đồ tư duy như trên, ta có thể dựa vào đó để viết bài phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích dễ dàng hơn. Dưới đây là một số bài phân tích gợi ý:
Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích - Mẫu 1
Nguyễn Du, một nhà thơ lỗi lạc của dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới, được biết đến với khả năng nhìn thấu tâm hồn con người và hiểu sâu xa các giá trị nhân sinh. Trong đó "Truyện Kiều" được cho là tác phẩm đạt đến đỉnh cao của ông. Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích, ta có thể thấy cách nhìn tinh tế và tâm trạng của Thúy Kiều khi đối diện với khung cảnh xung quanh.
Đoạn trích thuộc phần "Gia biến và lưu lạc" của tác phẩm, viết về tâm sự đầy xúc động của Thúy Kiều khi cô lần đầu rời xa cuộc sống êm ấm, ẩn dật. Với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, đoạn thơ là một bản nhạc tâm trạng phong phú của nàng Kiều, từ nỗi cô đơn, buồn tủi đến tấm lòng trung trinh và lòng hiếu thảo đối với người yêu và cha mẹ.
Mặc dù chủ yếu tập trung vào bức tranh tâm cảnh, nhà thơ vẫn duy trì một cấu trúc chặt chẽ và có logic. Phần đầu của đoạn trích mô tả cảnh lầu Ngưng Bích, phần tiếp theo là những cảm xúc nhớ nhung, cô đơn, sầu muộn khi nàng nhớ về Kim Trọng và cha mẹ và phần cuối là tâm trạng đau khổ khi nghĩ đến tương lai đầy sóng gió và bất trắc.
Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích, ta thấy cảnh quan trong những dòng thơ đầu tạo nên cảm giác hoang vắng và lặng lẽ, đầy buồn thương. Đứng trên lầu cao, Thúy Kiều nhìn thấy những dãy núi xa xôi, và vầng trăng cô đơn trên cao. Bốn phía chỉ là cát vàng mờ mịt, như tô đậm thêm nỗi trống trải và cô quạnh trong lòng nàng. Cảnh buồn khiến lòng người càng thêm cô đơn, trống vắng hay có lẽ chính tâm trạng nặng nề đã làm cảnh vật thêm phần ảm đạm. Một từ láy “bẽ bàng” đã diễn tả chính xác tâm trạng của Thúy Kiều, vừa buồn tủi, ngượng ngùng, vừa cay đắng, xót xa. Cảnh vật không còn là những sự vật vô tri, vô giác nữa mà như sống động, có hồn, phản chiếu nỗi cô đơn và buồn bã của nàng.
Từ trong nỗi cô đơn và phiền muộn, nàng hướng về quê hương, gia đình, những người thân yêu. Nỗi nhớ đầu tiên nàng dành cho Kim Trọng - có lẽ vì nàng đã bán mình chuộc cha để làm tròn chữ hiếu. Chỉ có chữ duyên với Kim Trọng là phải trao lại cho em, khiến nàng cảm thấy day dứt khi để duyên ai lỡ làng. Hình ảnh đêm thề nguyền và đính ước hiện ra rõ nét trước mắt nàng, như thể sự đau khổ và tuyệt vọng của Kim Trọng đang chờ đợi tin nàng. Nàng tưởng tượng rằng chàng Kim vẫn ngày đêm mong chờ tin tức từ nàng trong sự đau khổ. Khi nghĩ đến chàng, rồi lại nghĩ đến số phận mình, bơ vơ, lạc lõng, nàng cảm thấy nỗi đau càng thêm sâu sắc.
Sau nỗi nhớ người yêu, nàng lại càng xót xa khi nghĩ về cha mẹ. Hình ảnh cha già, mẹ héo tựa cửa ngóng tin con khiến nàng không khỏi đau lòng. Cảnh tượng ấy khiến nàng lo lắng, bất an, không biết ai sẽ chăm sóc cho cha mẹ trong những ngày tháng này.
Nỗi nhớ đầy vơi dành cho người thân yêu nhất, rồi nàng lại quay về với cảnh ngộ của chính mình. Cảnh vật trước mắt nàng như khơi lên nỗi buồn thê lương. Nỗi buồn ấy dần nhấn chìm nàng vào vực thẳm đau khổ.
Với lối điệp ngữ liên hoàn “Buồn trông”, khổ thơ cuối như một bức tranh phong cảnh thật buồn. Không còn là cảnh hoang vắng, cô liêu ban đầu mà như mang một dự cảm đầy sợ hãi về tương lai mịt mù, đầy sóng gió. Cánh buồm mờ mịt giữa biển khơi như hình ảnh con người cô đơn giữa biển đời đầy bão tố. Cánh hoa rụng bị sóng gió cuốn đi tượng trưng cho người con gái yếu đuối bị quăng vào cuộc đời khi còn quá trẻ. Nỗi buồn quạnh vắng của cỏ nội xanh rờn hòa vào màu xanh của mây trời, tạo nên không gian u uất, bế tắc. Tiếng sóng biển ầm ầm kêu quanh ghế ngồi, như báo hiệu những khó khăn, thử thách đang chờ đợi nàng.
Mỗi câu thơ là một giọt tâm hồn của Nguyễn Du thương xót cho số phận của Thúy Kiều, một người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh. Với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, nghệ thuật điệp ngữ và sự sử dụng tài tình các từ láy tượng hình, Nguyễn Du đã tạo nên bức tranh tâm trạng đầy u uất, nặng nề, bế tắc và lo lắng về thân phận của Thúy Kiều.
Phân tích bài thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích, người đọc sẽ mãi ghi nhớ ấn tượng về bức tranh ngoại cảnh và bức tranh tâm cảnh đồng điệu. Tất cả được vẽ nên bởi một tài năng trác việt và tấm lòng nhân văn cao đẹp của Nguyễn Du. Đoạn trích này đã góp phần làm nên sức sống bất tử của kiệt tác "Truyện Kiều".
Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích - Mẫu 2
Nguyễn Du, một thi sĩ vĩ đại của dân tộc đã đưa văn học Việt Nam ra thế giới qua tác phẩm "Truyện Kiều". Tác phẩm này phản ánh sâu sắc thực trạng xã hội phong kiến, với sự tàn bạo của giai cấp thống trị và là tiếng kêu đau thương của những số phận bị áp bức trong thời kỳ đó. Qua tác phẩm, ta cảm nhận được lòng nhân ái và tình yêu thương sâu sắc của tác giả. Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là một trong những phần đặc sắc nhất của tác phẩm này.
Đoạn trích này thuộc phần thứ hai của tác phẩm, "Gia biến và lưu lạc". Sau khi phát hiện mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều định tự tử vì quá uất ức. Tú Bà, sợ mất "vốn", đã khuyên giải và chăm sóc Kiều, hứa sẽ gả nàng cho một người đàn ông tốt, nhưng thực chất là giam lỏng nàng ở lầu Ngưng Bích để chờ cơ hội thực hiện âm mưu mới. Đoạn trích là những lời tự sự của Kiều, thể hiện nỗi cô đơn, buồn tủi khi nhớ về người yêu và suy nghĩ về số phận bi đát của mình.
Sáu câu thơ đầu mô tả cảnh thiên nhiên quanh lầu Ngưng Bích, với không gian và thời gian:
"Trước lầu ...
… như chia tấm lòng"
Cảnh vật được nhìn qua đôi mắt của Thúy Kiều. Lầu Ngưng Bích, nơi giam lỏng nàng, như khóa kín tuổi xuân của Kiều. Cụm từ "khóa xuân" mà Nguyễn Du dùng cho Kiều mang đậm nét buồn bã và đau đớn! Một mình giữa không gian rộng lớn của lầu Ngưng Bích, Kiều chỉ có đám mây và ngọn đèn làm bạn. Nghệ thuật đối lập "non xa" - "trăng gần" tạo nên một không gian mênh mông, vắng lặng, chỉ có mình Kiều với nỗi cô đơn, trống trải. Những cồn cát vàng và bụi hồng ở xa kia, dù biết Kiều đang chơi vơi, cô độc nhưng cũng không thể gần gũi, an ủi nàng. Trước cảnh hoàng hôn buồn bã, Kiều cảm thấy lòng mình như bị chia đôi, thể hiện nỗi đau đớn của nàng trong một chu kỳ khép kín của "mây sớm đèn khuya". Ngày nào cũng như vậy, cảnh vật không thay đổi, chỉ có lòng người ngày càng thêm u sầu.
Trong hoàn cảnh cô đơn nơi đất khách quê người, Kiều càng nhớ người yêu:
"Tưởng người …
… rày trông mai chờ"
Nhớ về người yêu, Kiều nhớ đến khi nàng cùng Kim Trọng uống rượu thề dưới ánh trăng, nguyện bên nhau suốt đời nhưng tất cả chỉ còn là quá khứ. Nàng không thể ở bên người mình yêu, cũng không thể thực hiện lời hứa. Ở xa, Kim Trọng vẫn đợi chờ nàng, không hay biết rằng lời hứa năm xưa đã tan biến và vẫn mong tin tức của Thúy Kiều. Càng thương Kim Trọng, Kiều càng xót xa cho số phận của mình bởi lòng chung thủy của nàng giờ đây không thể nào gột rửa được.
"Bên trời ...
… đã vừa người ôm"
Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích, người đọc có thể thấy rằng Kiều nhớ đến người yêu trước khi nhớ về cha mẹ, điều này có thể giải thích rằng khi Kiều phải bán mình chuộc cha, nàng đã hy sinh chữ "Tình" để tròn chữ "Hiếu". Vì thế, Kiều nhớ đến Kim Trọng trước tiên, cảm thấy có lỗi với chàng.
Khi nhớ về cha mẹ, Nguyễn Du cho Kiều bộc lộ nỗi đau đớn của mình "Xót người tựa cửa hôm mai". Kiều đau lòng vì không thể chăm sóc cha mẹ khi về già. Ở quê nhà, không biết đã có ai thay nàng chăm sóc cha mẹ hay chưa? Một loạt thành ngữ và điển cố cho thấy tài năng tuyệt vời của Nguyễn Du.
Sau khi nhớ người thân, Kiều nghĩ về thân phận của mình. Tám câu thơ cuối là bức tranh thiên nhiên trầm buồn:
"Buồn trông…
… kêu quanh ghế ngồi"
Điệp từ "buồn trông" lặp lại bốn lần ở các câu thơ như nhịp điệu buồn bã, diễn tả nỗi buồn dâng lên như sóng lòng của Kiều. Nàng nhìn ra biển, thấy thấp thoáng một bóng người bên cánh buồm. Bóng người cô độc giữa biển cả rộng lớn giống như sự đơn côi của Kiều ở lầu Ngưng Bích. Nhìn gần hơn, Kiều thấy những cánh hoa trôi dạt, như cuộc đời của nàng, lênh đênh vô định. Cảnh vật buồn bã hơn dưới cái nhìn của Kiều, nàng thấy tất cả đều đơn độc, lẻ loi. Hai câu thơ cuối thể hiện tâm trạng hoang mang, lo lắng của Kiều, khi những đợt sóng lòng trở nên dữ dội:
"Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi"
Tiếng sóng dữ dội như cơn bão trong lòng Kiều, là cực điểm của cảm xúc. Kiều sẽ phải làm gì với cuộc đời phía trước? Tám câu thơ cuối thật sự là những câu thơ hay, tạo nên bức tranh thiên nhiên phản chiếu tâm trạng Kiều, qua đó thấy được tài năng tả cảnh và miêu tả tâm lý của Nguyễn Du.
Đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" mở đầu với bức tranh thiên nhiên, tiếp theo là lời độc thoại của nhân vật và kết thúc bằng một bức tranh thiên nhiên. Sự lặp lại này cho thấy nét độc đáo trong phong cách thơ của Nguyễn Du, đồng thời gợi lên niềm thương cảm sâu sắc đối với số phận của Kiều.
Tổng hợp giá trị nội dung và nghệ thuật qua phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích
Về giá trị nội dung, Nguyễn Du khắc họa hiện thực là nỗi khổ của người phụ nữ “bạc mệnh” trong xã hội cũ đầy rẫy bất công và đau đớn. Tuy vậy, giá trị nhân đạo vẫn sáng ngời: Phẩm chất của Thúy Kiều người con gái tài hoa, đa sầu đa cảm nhưng chung thủy, hiếu thảo, sống trọn nghĩa tình, sức sống tiềm tàng mãnh liệt.
Về giá trị nghệ thuật, đoạn trích là một trong những đỉnh cao của thơ Nôm: Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, ngôn ngữ trau chuốt, nhịp thơ linh hoạt với điệp ngữ, ẩn dụ, sử dụng nhiều điển tích điển cố,..
Phân tích Kiều ở lầu Ngưng Bích không chỉ giúp chúng ta hiểu hơn về hình tượng nhân vật Thúy Kiều, về hiện thực tàn khốc mà Nguyễn Du mô tả mà còn giúp ta hiểu hơn về ngòi bút đầy nhân văn và sự cảm thông của tác giả khi viết về những người phụ nữ trong xã hội cũ.