Dàn ý phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa chi tiết
Để không bỏ sót các chi tiết khi phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa, người học có thể tham khảo dàn ý chi tiết sau đây.
Mở bài
- Giới thiệu khái quát về nhà văn Thạch Lam cùng tác phẩm Gió lạnh đầu mùa.
- Giới thiệu nhân vật trung tâm của truyện - Sơn cùng một số nhận xét chung về đặc điểm của nhân vật này.
Thân bài
Đặc điểm về ngoại hình
- Một đứa trẻ còn khá nhỏ.
- Có những hành động, suy nghĩ rất hồn nhiên.
- Được mặc áo quần ấm nhiều lớp khi trời chuyển rét.
Đặc điểm về hoàn cảnh sống
- Là cậu con trai được sinh ra trong một gia đình khá giả.
- Có bà vú chăm sóc, được mẹ và chị hết mực yêu thương.
Đặc điểm tính cách
- Thân thiện, hòa đồng, không kiêu căng, hợm hĩnh, không khinh thường hay phân biệt đối xử với những đứa trẻ khác.
- Chủ động chơi đùa thân thiết với những đứa trẻ ở xóm chợ nghèo.
- Giàu tình yêu thương, biết sẻ chia (chủ động nhờ chị gái tặng cho cái Hiên một chiếc áo bông ấm để mặc cho đỡ rét và cảm thấy vui vì tặng người khác cái áo).
=> Rút ra kết luận chung sau khi phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa: Một đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong điều kiện vật chất đầy đủ, khá giả, giàu tình thương. Thế nhưng, Sơn vẫn rất thân thiện, hòa đồng, giầu tình yêu thương và sự chia sẻ với bạn bè quanh mình.
Kết bài
- Khẳng định, nhấn mạnh lại tính cách đáng quý của nhân vật Sơn.
- Nêu cảm nghĩ của em dành cho nhân vật Sơn.
Sơ đồ tư duy tác phẩm Gió lạnh đầu mùa
Mẫu sơ đồ tư duy với sự chắt lọc những chi tiết đắt giá, quan trọng của tác phẩm sau đây sẽ giúp người học thuận tiện hơn trong quá trình phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa nói riêng cũng như phân tích tác phẩm nói chung.
Mẫu bài phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa chi tiết
Những bài văn mẫu sau đây sẽ giúp người học có thêm tư liệu để tiến hành phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa tốt hơn.
Bài phân tích mẫu 1:
Trong nền văn học Việt Nam, Thạch Lam là một nhà văn được nhiều người nhắc tên. Ông được biết đến là cây bút với lối viết trong sáng, giản dị nhưng thâm trầm sâu lắng. Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông. Nổi bật trong câu chuyện này là nhân vật Sơn - trung tâm của tác phẩm.
Truyện mở đầu bằng việc nhà văn miêu tả khung cảnh tiết trời sang đông. Sơn trong hoàn cảnh này thức dậy và thấy mọi người trong nhà, cả chị, cả mẹ đều “đã mặc áo rét cả rồi”.
Sau đó, Thạch Lam tiếp tục khắc họa khung cảnh sinh hoạt đầy giản dị của gia đình Sơn. Mẹ Sơn bảo Lan - chị gái Sơn bê thúng quần áo ra. Nhìn chiếc áo bông cánh xanh đã cũ nhưng còn lành, mẹ Sơn nói: “Đây là cái áo của cô Duyên đấy”. Khi nghe mẹ bày tỏ như vật, Sơn bất chợt cảm thấy “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu xúc động khi thấy mẹ “rơm rớm nước mắt”. Những chi tiết này đã khắc họa nhân vật Sơn là một cậu bé giàu tình cảm, yêu thương các thành viên trong gia đình.
Sơn qua ngòi bút của tác giả hiện lên là một cậu bé được quan tâm, chăm sóc chu đáo, đủ đầy. Mùa đông, cậu được mặc ấm kỹ càng với cái áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm. Cách ăn mặc này đối với những đứa trẻ sống ở xóm nghèo là cả một niềm mơ ước. Dù khác biệt về xuất thân nhưng hai chị em Sơn luôn thân thiết với chúng chứ không khinh khỉnh như các em họ của Sơn. Tại đây, nhân vật Sơn hiện lên là một cậu bé hòa đồng, thân thiện, ấm áp.
Không chỉ vậy, Sơn còn giàu lòng yêu thương và biết sẻ chia. Khi nhìn thấy cô bé Hiên đang “co ro bên cột quán”, trời gió lạnh đến thế mà chỉ mặc có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”, Sơn đã động lòng. Cậu chợt nhớ và nói chị Lan cho Hiên chiếc áo bông cũ. Việc làm này khiến bản thân cậu bé tự nhiên thấy “ấm áp vui vui”. Tặng chiếc áo dù chỉ là hành động nhỏ nhưng chứa đựng tấm lòng đồng cảm sâu sắc của một cậu bé còn rất hồn nhiên.
Bằng ngòi bút miêu tả chân thực của nhà văn Thạch Lam, nhân vật Sơn hiện lên là một cậu bé ngoan ngoãn, thân thiện, có trái tim nhân ái. Thông qua sự phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa chi tiết, chúng ta có thể thấy tác giả muốn tôn vinh các nghĩa cử cao đẹp cũng như gửi gắm thông điệp về tình thương giữa người với người.
Bài phân tích mẫu 2:
Trong truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam, nhà văn đã kỳ công khắc họa nhân vật sơn với nhiều chi tiết chân thực, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Sơn được sinh ra trong gia đình khá giả, được miêu tả thông qua những hành động hồn nhiên nhưng cũng rất tinh tế. Cậu không chỉ biết tự bảo vệ bản thân mà còn rất quan tâm đến các thành viên trong gia đình cũng như những người xung quanh.
Dù xuất thân khác biệt nhưng Sơn không hề kỳ thị, chê bai những đứa trẻ ở xóm nghèo mà ngược lại, cậu còn thích kết bạn và chơi thân với những người bạn quanh đây. Đây là điểm khác biệt lớn so với những đứa em họ kiêu ngạo của Sơn.
Sơn dù được yêu thương, bảo bọc nhưng vẫn là một đứa trẻ ngoan ngoãn và giàu lòng nhân ái. Khi nhìn thấy Hiên - cô bé hàng xóm nghèo bị lạnh buốt trong chiếc áo rách kể về cuộc đời khó khăn của mình, Sơn liền nảy ra ý nghĩ đẹp. Ngay lập tức, cậu tặng cho Hiên chiếc áo bông kỷ niệm của em Duyên. Chi tiết đắt giá này đã giúp thể hiện sự quan tâm, tình thần biết chia sẻ của Sơn.
Sự nhẹ nhàng, chân thành trong cách diễn đạt của Thạch Lam đã giúp nhân vật Sơn trở nên gần gũi, đáng yêu trong lòng đọc giả. Thông qua Sơn, nhà văn muốn truyền tải thông điệp về tình yêu, cách đối nhân xử thế và lòng nhân ái trong cuộc sống.
Bài phân tích mẫu 3:
Gió lạnh đầu mùa là một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Thạch Lam. Bằng lối kể chuyện giản dị nhưng sống động của mình, tác giả đã khắc họa thành công nhân vật Sơn để từ đó gửi gắm những tư tưởng, tình cảm của mình.
Mở đầu tác phẩm là những câu văn miêu tả thiên nhiên giao mùa đầy tinh tế. Lúc này, mùa đông đã gõ cửa và Sơn hiện lên với những hành động, suy nghĩ rất hồn nhiền. Cậu tung chăn tỉnh dậy, thấy mọi người trong nhà cũng đã dậy và đang ngồi quạt hỏa lò để pha nước chè uống. Sơn được mẹ mặc cho một chiếc áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, phía bên ngoài khoác thêm cái áo vải thâm. Những chi tiết này cho thấy Sơn là cậu bé được sinh ra trong một gia đình khá giả, được nhiều người quan tâm chăm sóc.
Không chỉ dừng lại ở hoàn cảnh sống, nhà văn Thạch Lam còn khắc họa sâu sắc tính cách của nhân vật này. Sơn trước hết là cậu bé sống giàu tình cảm, nhận hậu khi nghe đến Duyên - cô em gái đáng thương đã mất năm bốn tuổi hoặc khi nhìn thấy người vú giá “với lấy cái áo lật đi lật lại ngắm nghía trong khi tay mải mân mê các đường chỉ”, Sơn cảm thấy “nhớ em, cảm động và thương em quá”. Cậu còn xúc động khi thấy mẹ rơm rớm nước mắt khi nhắc đến em.
Không chỉ vậy, Sơn dù khác biệt hoàn cảnh nhưng luôn tỏ ra thân thiện, hòa đồng và đặc biệt rất thích chơi cùng bọn trẻ trong xóm nghèo. Cậu hoàn toàn không tỏ ra khinh khỉnh, miệt thị những đứa trẻ này như cách mà các em họ của Sơn hay làm.
Tuy nhiên, cảm động nhất vẫn là hành động của Sơn dành cho Hiên - cô bé hàng xóm nghèo không có áo ấm để mặc dù trời đang gió buốt. Cô bé chỉ có manh áo “rách tả tơi”, “hở cả lưng và tay”. Lúc này, Sơn chợt nhớ đến chiếc áo bông của em Duyên. Vậy là, cậu nhờ chị Lan chạy về nhà lấy để mang tặng cho Hiên. Hành động này dù nhỏ nhưng đã khiến Sơn cũng như Hiên cảm thấy ấm áp.
Với giọng văn nhẹ nhàng mà sâu sắc, cậu bé Sơn được hiện lên đầy sinh động. Thông qua phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa, chúng ta có thể thấy nhà văn Thạch Lam đã gửi gắm bài học giá trị về tình yêu thương, cách đối nhân xử thế giữa người với người trong cuộc sống.
Giá trị nội dung và nghệ thuật rút ra sau khi phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa
Thông qua việc phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa, người học không chỉ rút ra bài học về giá trị nhân văn mà tác giả muốn truyền đạt mà còn nhận thấy nét đặc sắc trong ngòi bút nghệ thuật của nhà văn Thạch Lam. Cụ thể:
Về giá trị nội dung:
Nhân vật Sơn là đại diện cho những con người:
- Dù sinh ra ở gia đình khá giả nhưng không hề kiêu ngạo.
- Có tâm hồn nhạy cảm, giàu lòng nhân ái, tình yêu thương.
- Biết giúp đỡ, quan tâm, đặc biệt với những hoàn cảnh khó khăn.
Thông qua phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa chi tiết, tác giả muốn đề cao tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau giữa người với người trong cuộc sống.
Về giá trị nghệ thuật:
- Ngôn ngữ nhân vật: Mộc mạc, giản dị nhưng giàu cảm xúc. Ngôn ngữ đối thoại tự nhiên, sinh động, gần gũi với thực tế.
- Dòng ý thức: Tác giả đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, miêu tả chi tiết những biến đổi tâm lý.
- Sử dụng nhiều chi tiết miêu tả: Cử chỉ, hành động, hình dáng để khắc họa tâm trạng nhân vật.
- Sử dụng các biện pháp tu từ: Nhân hóa, so sánh, điệp ngữ để tăng sức gợi hình, gợi cảm.
Như vậy, khi phân tích nhân vật Sơn trong Gió lạnh đầu mùa, người học đã hiểu và thấm thía thông điệp mà nhà văn Thạch Lam muốn gửi gắm. Thông qua việc khắc họa sự đối lập giữa những đứa trẻ có sự khác biệt trong hoàn cảnh sống, tác giả đã ca ngợi tình yêu thương, sự quan tâm, sẻ chia giữa con người.