Giới thiệu về Nguyễn Trãi
Khi tìm hiểu về các tác gia vĩ đại của nền văn học Việt Nam, nhiều người đặt câu hỏi Nguyễn Trãi là ai. Theo tài liệu ghi chép về tiểu sử, ông sinh năm 1380, hiệu là Ức Trai, quê Nguyễn Trãi ở làng Chi Ngại (nay là Chí Linh, Hải Dương) sau chuyển về làng Ngọc Ổi (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội) sinh sống.
Cha ông chính là Nguyễn Phi Khanh - người học rất giỏi, từng đỗ Thái học sinh. Mẹ ông là bà Trần Thị Thái - con của quan tư đồ Trần Nguyên Đán (thuộc dòng dõi quý tộc). Ông ngoại và cha đều là những người có lòng yêu nước, chính vì vậy, ngay từ nhỏ chàng thiếu niên ấy đã được thừa hưởng tấm lòng lương thiện, hết mình vì nước vì dân.
Năm 1390, khi ông ngoại mất, Nguyễn Trãi trở về sống với cha. Vào năm 1400, cậu học trò nghèo đậu Thái học sinh trong khoa thi do nhà Hồ tổ chức, hai cha con ông đều được mời làm quan.
Năm 1407, Nguyễn Phi Khanh bị bắt, ông muốn theo cha để tỏ lòng hiếu phụ nhưng người cha ấy đã khuyên ông mạnh mẽ để rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Trên đường quay trở về, người thanh niên ấy bị giặc Minh bắt và giam ở thành Đông Quan. Tại đây, ông bị mua chuộc làm quan cho giặc.
Năm 1417, lợi dụng sơ hở của địch, ông đã trốn khỏi Đông Quan, ra sức giúp Lê Lợi, trở thành người trù hoạch quân mưu cho tướng Lê Lợi.
Năm 1427, khi cuộc chiến chống quân Minh thành công, ông nhận lệnh của Lê Lợi và viết “Bình ngô đại cáo”, nỗ lực hết mình tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Những năm sau đó, ông trở thành “cánh tay đắc lực” của vua Lê Lợi. Tuy nhiên, không lâu sau đó, triều đình bắt đầu rơi vào cảnh rối ren, các quan phân chia bè phái, nghi kỵ lẫn nhau, một số công thần bị hãm hại. Trước thế sự này, ông đã lui về ở ẩn tại Côn Sơn, nhưng tấm lòng vẫn luôn canh cánh việc nước.
Năm 1440, vua Lê Thái Tông mời ông ra là quan. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn nguyện cống hiến cho đất nước và nhân dân. Hai năm sau, ông về kinh đô để làm chủ khảo kỳ thi hội. Người vợ của ông - bà Nguyễn Thị Lộ trở thành quan Lễ nghi nữ học sĩ, chuyên dạy bảo việc học hành của cung nữ. Cũng trong năm 1443, vua Lê Thái Tông ghé thăm Côn Sơn, khi trở về vua băng hà đột ngột nên triều đình khép ông vào tội mưu sát, bị tru di tam tộc.
Mãi cho đến năm 1464, tức 2 năm sau khi dòng tộc của ông bị tru di, vua Lê Thánh Tông mới tìm được chứng cứ minh oan cho ông và tổ tiên. Cùng trong thời điểm này, thơ văn của ông được sưu tầm lại và khẳng định với toàn nhân dân về nhân cách, tấm lòng, tâm hồn lớn của người đã bị kết án oan. “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”, chính là câu thơ mà vua đã viết để lấy lại công bằng cho ông.
Cuộc đời Nguyễn Trãi
Có thể khẳng định, cuộc đời của bậc hiền tài này gắn liền với vô số những biến động của đất nước và lịch sử dân tộc. Ông là bậc đại anh hùng, là nhà chính trị, quân sự tài ba, đồng thời cũng là nhà ngoại giao xuất sắc, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại.
Mặc dù gánh chịu nhiều oan khiên khốc liệt nhưng con người ấy vẫn hết lòng cho tổ quốc, cho nhân dân.
Vào năm 1980, ông chính thức được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Ông chính là người Việt Nam đầu tiên có mặt trong bảng vàng danh dự này.
Những tác phẩm của Nguyễn Trãi
Trong 62 năm sinh thời, Nguyễn Trãi để lại cho nền văn học nước nhà khối lượng đồ sộ các tác phẩm văn, thơ thuộc nhiều thể loại khác nhau, cả chữ Hán và chữ Nôm. Dưới ngòi bút sắc sảo, những áng văn, vần thơ của ông trở thành luận điệu bất hủ, trường tồn cùng năm tháng.
Trong tác phẩm văn học, bậc vĩ nhân ấy đã thể hiện tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước thương dân, hết mình vì nhân dân. Nổi bật trong đó là hai lời tuyên ngôn chắc nịch trong Bình Ngô đại cáo và tác phẩm Quân trung từ mệnh tập.
Trong các tập chính luận, tác giả sử dụng ngòi bút sắc bén, đưa ra những luận điệu chặt chẽ, thuyết phục. Một số tác phẩm lịch sử mà bạn cần biết đến đó là:
- Lam Sơn Thực lục: Ký sự lịch sử ghi toàn bộ cuộc kháng chiến chống quân Minh.
- Dư địa chí: Chứa đựng thông tin về các vấn đề địa lí, lịch sử của dân tộc.
Trong các tác phẩm thơ ca, tiếng thơ ông là sự hiện hữu của tấm lòng trung với nước, hiếu với dân. Chủ nghĩa yêu nước không trừu tượng, viển vông mà nó gắn chặt với những nhiệm vụ lịch sử cụ thể. Yêu nước là tư tưởng nhân nghĩa, là sự căm thù giặc ngoại xâm, là chiến đấu không khuất phục, là ý thức tự lực, tự cường và từ sâu thẳm trái tim, yêu nước chính là khát vọng hòa bình. Tập thơ trữ tình Ức Trai thi tập - 100 bài thơ chữ Hán và Quốc âm thi tập - 254 bài thơ chữ Nôm chính là đại diện tiêu biểu thể hiện cho tư tưởng và khát vọng của tác giả
Mặc dù vị tác gia lỗi lạc ấy không còn nữa, nhưng những giá trị tinh thần và sự nghiệp văn chương, thơ ca của ông vẫn trường tồn, sống mãi cùng non sông đất nước và luôn trong tâm trí mỗi người Việt Nam.
Giải thưởng, vinh danh
Để nhắc nhở con cháu đời sau về những đóng góp lớn lao của vị Anh hùng dân tộc, tác giả lớn, giả thơ vĩ, nhà văn xuất xắc, hậu thế đã lập đền thờ, tổ chức lễ kỷ niệm hàng năm, đặt tên cho trường học, đường phố mang tên ông. Cụ thể:
- Năm 1956, Bộ Văn hóa tổ chức lễ kỷ niệm nhân 514 năm ngày mất của ông. Từ đó về sau, lễ tưởng niệm được diễn ra đều đặn năm.
- Nhiều cuốn sách liên quan đến thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của tác giả này được ra mắt độc giả. Năm 1999, xuất bản Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo. Năm 2000, ra mắt cuốn: Văn chương Nguyễn Trãi rực ánh sao Khuê.
- Năm 2022, đền thờ của ông được lập tại Côn Sơn (Hải Dương). Sự xuất hiện của ngôi đền này là minh chứng rõ ràng nhất để thể hiện lòng biết ơn, tri ân của nhân dân với người Anh hùng dân tộc.
- Cũng trong năm 2022 khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi cũng được khởi công tại huyện Thường Tín, Hà Nội.
- Cuộc đời và sự nghiệp của ông trở thành cảm hứng của các vở kịch, bài thơ, tiểu thuyết như: kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan (tác giả Nguyễn Đình Thi); Vở Bí mật vườn Lệ Chi (đạo diễn Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc); bài thơ Đêm Côn Sơn (tác giả Trần Đăng Khoa); Tiểu thuyết Nguyễn Trãi (tác giả Bùi Anh Tấn).
- Để thêm một lần minh oan cho Nguyễn Trãi, đạo diễn Lương Đình Dũng đã bấm máy bộ phim đề tài lịch sử mang tên Anh hùng. Chuyện phim xoay quanh về vụ án vua băng hà sau khi tới vườn vải Lệ Chi và người công thần bị đổ tội giết vua. Bộ phim dự kiến ra mắt khán giả vào cuối năm 2024.
- Hàng loạt trường học mang tên ông như: Trường Đại học Nguyễn Trãi (Hà Nội), Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương), Trường THPT Nguyễn Trãi - Ba Đình (Hà Nội).
Phong cách sáng tác
Trong suốt những năm tháng cuộc đời, vị tác gia lỗi lạc ấy đã sáng tác rất nhiều thể loại khác nhau, từ văn chính luận, thơ ca chữ Hán, chữ Nôm đến truyện ngắn. Sự đa dạng trong các thể loại và tác phẩm cho thấy tài năng văn học phi thường của ông.
Mỗi áng văn, vần thơ đều chứa đựng trong đó tinh thần và trách nhiệm, khi thì đanh thép, dõng dạc, khi lại hết mực nhân nghĩa. Điển hình như Bình ngô đại cáo - bản cáo trạng với đầy đủ những dẫn chứng về tội ác của giặc được ông viết bằng luận điệu thuyết phục, chuyển sang Quân trung từ mệnh tập lời văn ấy lại mang đậm lời lẽ khích lệ, cổ vũ tinh thần quân sĩ,...
Có thể nói, hầu hết các sáng tác của ông đều thể hiện tình yêu nước sâu đậm, luôn đem đến cho độc giả bầu không khí hào hùng, làm sống lại tinh thần yêu nước của nhân dân.
Bên cạnh đó, các tác phẩm của ông còn đề cao tư tưởng nhân nghĩa. Nguyễn Trãi vốn là nhà Nho hành đạo, nên thấm sâu đạo lý Nho gia, luôn đặt 3 chữ “Nhân, Đức, Nghĩa” lên hàng đầu. Với vị anh hùng dân tộc này “nhân nghĩa” không dừng lại ở tư tưởng chính trị, tấm lòng với nhân dân với đất nước, mà nó đã vượt qua giới hạn bình thường ấy để trở thành tư tưởng nghệ thuật, nguồn cảm hứng thẩm mĩ và tồn tại trong sáng tác của ông.
Phong cách sáng tác của vị tác gia tài hoa, uyên bác này còn được thể hiện qua sự sáng tạo về thể loại và ngôn ngữ. Ông thuộc kiểu tác giả song ngữ, đồng thời cũng là người sáng tác văn xuôi chính luận và thơ ca thẩm mỹ. Không dừng lại ở đó, “ngôi sao Khuê” còn có nhiều công trình về địa lý, lịch sử, quân sự và ngoại giao. Dù cho xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào, những áng văn, lời thơ của ông vẫn rất giàu tính hình tượng, thẩm mĩ và chứa đựng cả tính trữ tình.
Nhận định về Nguyễn Trãi
Những nhận định của người trong giới văn chương, người sống cùng thời và các bậc lãnh đạo cao cấp về Nguyễn Trãi chính là minh chứng rõ ràng nhất về công lao to lớn của ông.
- “Ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu từng thốt lên rằng, vầng trán người thi sĩ vượt mây nhưng trong ruột gan, thơ ca vẫn cháy lên ngọn lửa đời rất ấm.
- Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định, văn chương Nguyễn Trãi đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, tất cả đều hay và đẹp lạ thường. Trong một dịp khác, bác cũng không đắn đo mà khẳng định: Sự vĩ đại của Nguyễn Trãi không chỉ ở dừng lại ở tài năng mà nó chứa đựng trong cả tâm hồn. Đó là hình ảnh bậc đại anh hùng đầu đội trời, chân đạp đất.
- Nhà bác học Lê Quý Đôn đánh giá về Nguyễn Trãi “văn thư thảo hịch giỏi hơn hết một thời”.
- Tác giả Phạm Đình Hổ xem văn chương của ông “có một khí lực dồi dào… đọc không chán”.
Với công lao và những đóng góp to lớn cho nhân dân và đất nước, Nguyễn Trãi xứng danh là vị anh hùng dân tộc với trang dài công trạng huy hoàng và vĩ đại, được khắc ghi trong lịch sử. Vị danh nhân văn hóa thế giới ấy sẽ mãi trường tồn cùng thời gian, là niềm tự hào của người dân đất Việt.