Giáo dục

Mẫu bài cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ hay của học sinh giỏi

Aretha Thu An

Để viết bài cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, người viết cần tập trung vào việc phân tích những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp và sống động trong thơ. Đồng thời, cần nêu bật cảm xúc, tình yêu thiên nhiên và khát vọng cống hiến của tác giả được thể hiện qua những hình ảnh đó. 

Tìm hiểu chung về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Để cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ một cách rõ nét và đúng đắn trước tiên chúng ta cần tìm hiểu về tác giả cũng như tác phẩm.

Tác giả Thanh Hải

Thanh Hải, tên thật là Phạm Bá Ngoãn (1930-1980) tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế, Việt Nam. Ông là một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thanh Hải bắt đầu sự nghiệp văn chương từ những năm 1950 và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca cách mạng. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế. Thơ của Thanh Hải thường mang đậm tính cách mạng, với ngôn ngữ giản dị, chân thành và giàu cảm xúc.

Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ Mùa Xuân Nho Nhỏ được nhà thơ Thanh Hải sáng tác vào tháng 11/1980, khi ông đang nằm trên giường bệnh, một tháng trước khi qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Trong hoàn cảnh đó, nhà thơ đã suy nghĩ nhiều về cuộc đời, về đất nước và về những đóng góp của bản thân. Khi cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ, ta thấy bài thơ chính là tiếng lòng của tác giả, thể hiện tình yêu tha thiết với cuộc sống, với mùa xuân và với đất nước.

Thanh Hải, tên thật là Phạm Bá Ngoãn
Thanh Hải, tên thật là Phạm Bá Ngoãn

Dàn ý chi tiết cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ

Việc xây dựng dàn ý chi tiết cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ là cơ sở để học sinh hệ thống được tổng thể nội dung, ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải đến, từ đó giúp mạch văn gắn kết và cảm xúc hơn.

I. Mở bài

- Giới thiệu về nhà thơ Thanh Hải và tác phẩm của ông.

- Nêu cảm nhận chung về bài thơ "Mùa Xuân Nho Nhỏ".

II. Thân bài

1. Cảm xúc thăng hoa trước vẻ đẹp của mùa xuân .

  • Khắc họa bức tranh thiên nhiên tươi đẹp qua tưởng tượng của tác giả:
  • Các hình ảnh đặc trưng: hoa tím, sông xanh, bầu trời cao rộng.
  • Âm thanh: tiếng con chim chiền chiện.
  • Hình ảnh giọt long lanh: sử dụng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác độc đáo.
  • Cho thấy: Tác giả say đắm trong mùa xuân của thiên nhiên, đất trời với tâm thế đón nhận và trân trọng.

2. Cảm xúc trước mùa xuân tươi đẹp của đất nước.

  • Hình ảnh lộc xuân trên “nương mạ” thể hiện cuộc sống lao động xây dựng đất nước của lực lượng sản xuất.
  • Hình ảnh người cầm súng: niềm tin vào tương lai hòa bình.
  • Từ láy “hối hả” và “xôn xao”: thể hiện nhịp sống lao động khẩn trương nhưng nhộn nhịp, vui vẻ và hài hòa.
  • Đất nước được ví với những hình ảnh đẹp đẽ, kỳ vĩ.
  • Nhắc nhở về những tháng ngày gian khổ trong chiến đấu và cách mạng.
  • Phụ từ “cứ” kết hợp với động từ “đi lên” thể hiện quyết tâm cao độ, hiên ngang tiến về phía trước dù gặp nhiều khó khăn.

Cho thấy: Nhà thơ lạc quan, tin tưởng vào sức sống và sự vươn lên mạnh mẽ của đất nước và dân tộc, dù phải đối mặt với nhiều thử thách.

3. Mong ước được cống hiến của một nhà thơ trữ tình.

  • Điệp ngữ “ta” kết hợp với các hình ảnh “con chim hót, một nhành hoa, nhập vào hòa ca”: sự hòa nhập giữa cá nhân và cộng đồng.
  • Hình ảnh ẩn dụ “mùa xuân nho nhỏ”: thể hiện khát vọng được cống hiến và sống ý nghĩa một cách thiết tha.
  • Điệp ngữ “dù” kết hợp với “tuổi hai mươi” - còn trẻ, “khi tóc bạc” - già dặn: khát vọng được cống hiến suốt đời.
  • Khát vọng sống với tình yêu quê hương, đất nước: xin được hát câu Nam ai, Nam bình để đón mùa xuân và ca ngợi mảnh đất Huế mộng mơ.

III. Kết bài

Đánh giá và cảm nhận Mùa Xuân Nho Nhỏ.

Sơ đồ tư duy cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ
Sơ đồ tư duy cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ

Gợi ý mẫu đề thi cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ

Các bạn học sinh có thể tham khảo một bài mẫu chi tiết cảm nhận Mùa xuân nhỏ nhỏ để áp dụng cho quá trình làm bài thi đạt được kết quả cao nhất.

Đề thi: Hãy nêu cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ của tác giả Thanh Hải qua từng đoạn thơ.

Không biết đã từng có bao nhiêu bài viết về "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải? Điều gì đã làm nên sức sống lâu bền cho bài thơ này? Mỗi người có thể có những lý giải khác nhau nhưng chắc chắn sẽ gặp nhau ở điểm chung là: chính sự chân thành và giản dị trong cảm xúc đã làm nên sức sống cho tác phẩm này.

Trước hết, cần khẳng định rằng Thanh Hải hoàn toàn có quyền tự hào về cái “tôi” đã sống trọn vẹn từ tuổi 17 đến tuổi 50. Khi con người biết mình đang sống những giây phút cuối cùng, họ thường tự kiểm điểm lại cuộc đời một cách nghiêm khắc. Trong giường bệnh, Thanh Hải cảm nhận sâu sắc nỗi cô đơn và bất lực khi dần dần bị tách ra khỏi cộng đồng và bị tước quyền làm việc. Tình cảm bị nén chặt ấy đã bùng nổ thành khát vọng, là bệ phóng cho sự sáng tạo của ông. "Mùa xuân nho nhỏ" là khoảnh khắc thăng hoa của tất cả những gì Thanh Hải đã chiêm nghiệm và khổ thơ đầu đã xuất hiện thật tự nhiên:

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

Khi Thanh Hải viết “Mọc giữa dòng sông xanh / Một bông hoa tím biếc”, đó không chỉ là cảnh vật mà còn mang triết lí sống và sự bất tử. Dòng sông xanh là dòng chảy của thời gian, là tác nhân tạo dựng và hủy diệt. "Bông hoa tím biếc" hiện hữu sẽ trở thành hoài niệm, rồi lại có bông hoa khác. Dòng sông thì vĩnh cửu, còn bông hoa dù rực rỡ đến đâu cũng trở thành dĩ vãng. Cũng như đời người, dù chói sáng đến đâu cuối cùng cũng phải ra đi theo quy luật sinh tử.

Thông qua các hình tượng nghệ thuật, ta cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống. Trong tâm tưởng của Thanh Hải vẫn vang lên âm thanh reo vui của cuộc sống: “Ơi con chim chiền chiện / Hót chi mà vang trời”. Tiếng chim hót là âm thanh của tự nhiên, cộng hưởng với tiếng reo vui trong tâm hồn nhà thơ. Một bông hoa có thể tàn nhưng vẻ đẹp còn lưu lại lâu bền. Một con người có thể ra đi nhưng đóng góp tinh thần còn mãi với thời gian. Với niềm tự hào chân thành, nhà thơ đã hòa mình vào không khí náo nức của mùa xuân, để cảm nhận được cái "hồn vía" của không gian và thời gian đang thấm đẫm sắc xuân, hương xuân:

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

Chúng ta có thể bất lực trước "tiếng huyền" trong "Thơ duyên" của Xuân Diệu, "vị xa xăm" trong "Quê hương" của Tế Hanh và "từng giọt long lanh rơi" của Thanh Hải. Không thể giải thích rõ ràng, nhưng cảm nhận được cái hay, vẻ đẹp và sự độc đáo của hình tượng đa nghĩa này. "Từng giọt" là những niềm vui lớn, làm hồi sinh lòng ham sống của một con người đang ý thức sâu sắc về cái chết đang đến. Hành động "Tôi đưa tay tôi hứng" thể hiện tha thiết hướng tới sự sống.

Từ hành động tha thiết hướng tới sự sống, tác giả tái hiện cuộc sống lao động và chiến đấu sôi nổi, háo hức mà ông từng gắn bó:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy trên lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao...

Đây là niềm vui từ niềm tin sắt đá vào tương lai của đất nước:

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước

Đất nước hình thành, tồn tại và phát triển trong chiều dài lịch sử cùng chiều sâu của những nghĩ suy đầy trăn trở để tỏa sáng "như vì sao" trong kí ức của mỗi con dân đất Việt. Trong "vất vả và gian lao" của đất nước, tác giả cũng có phần đóng góp nhỏ bé, tự nguyện như một lẽ sống:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Cái "tôi" của nhà thơ như một dòng suối nhỏ, khiêm nhường hòa vào cái "ta" của "dòng sông xanh" trên quê hương. Trong cái "ta, chúng ta", nhà thơ chân thành tâm sự về lẽ sống giản dị. Mỗi người có giá trị riêng và trong bản "hòa ca" đoàn kết, nên có người khiêm tốn như một "nốt trầm". Nhưng "nốt trầm" phải có bản sắc riêng như tiếng hót của con chim và hương sắc của bông hoa.

Nếu mùa xuân của đất nước là mùa xuân lớn thì mùa xuân lớn ấy được dệt nên bởi muôn vàn mùa xuân nhỏ khác, mùa xuân của mỗi đời người:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Mỗi đời người giống như một dòng suối nhỏ góp nước cho dòng sông lớn và dòng sông lớn góp nước cho đại dương. Sự "góp nhặt" ấy phải kiên trì, bền bỉ trong mọi hoàn cảnh, vượt lên hoàn cảnh như một đức hi sinh đầy cao cả: "Dù là tuổi hai mươi / Dù là khi tóc bạc". Đó là phẩm chất cao quý của ý thức tự nguyện hi sinh cái "tôi" cho cái "ta" bao la của mùa xuân đất nước:

Mùa xuân – ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế.

Mùa xuân đẹp khiến ta bất giác cất lên lời. Trong không gian mênh mông của "Nước non ngàn dặm", tất cả đều thấm đẫm tình người, tình yêu và nỗi nhớ nhung mênh mông. Lời thơ của Thanh Hải vang lên như một lời chào tiễn biệt, đầy xúc động và sâu lắng. Lòng yêu quê hương, đất nước và khát vọng cống hiến của ông đã chạm đến trái tim người đọc, để lại ấn tượng sâu sắc và bền vững.

Bài thi liên quan đến cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ rất thường gặp trong các kỳ thi
Đề bài liên quan đến cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ rất thường gặp trong các kỳ thi

Vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Khi cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ qua vẻ đẹp của thiên nhiên, học sinh cần khai thác những hình ảnh được tác giả lột tả trong bài, chẳng hạn:

  • Dòng sông xanh: Biểu tượng cho sự hiền hòa, êm đềm của thiên nhiên.
  • Bông hoa lục bình tím biếc: Mang vẻ đẹp kiều diễm, rực rỡ, tô điểm cho dòng sông thêm thơ mộng.
  • Tiếng chim chiền chiện hót: Mang âm thanh vui tươi, rộn ràng, báo hiệu mùa xuân đã đến.
  • Những giọt long lanh rơi: Có thể là giọt mưa xuân, sương đêm hay chính là tiếng hót líu lo của chim chiền chiện, tạo nên sự tinh tế, nhẹ nhàng cho bức tranh mùa xuân.

Tác giả cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân bằng cả trái tim:

  • Dù đang nằm trên giường bệnh nhưng tác giả vẫn cảm nhận được sự sống mãnh liệt, sức xuân đang tràn ngập trong đất trời.
  • Hình ảnh thơ được sử dụng tinh tế, gợi cảm, thể hiện sự gắn bó sâu đậm của tác giả với thiên nhiên.

Bên cạnh vẻ đẹp của thiên nhiên, ta cần cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ qua sức sống mãnh liệt của đất nước:

  • Hình ảnh "người cầm súng" với "lộc trải đầy trên lưng" và "người ra đồng" với "lộc trải dài nương lúa" thể hiện không khí lao động hối hả, sôi nổi của nhân dân ta trong những ngày xuân.
  • Nhịp thơ nhanh, gấp cùng các từ ngữ "hối hả", "xôn xao" càng làm nổi bật không khí thi đua lao động sôi nổi.

Nhìn chung, một bài cảm nhận Mùa xuân nho nhỏ hay nên đưa viết một cách sâu sắc, tỉ mỉ và đưa ra đánh giá tầm quan trọng của bức tranh mùa xuân trong việc truyền tải thông điệp lạc quan, yêu đời và tinh thần đóng góp cho cuộc sống.

BÀI LIÊN QUAN
Tags: Soạn văn 9