Mở bài Vợ nhặt chung cho mọi dạng đề thi
Một mở bài Vợ nhặt nhưng được linh hoạt áp dụng cho mọi dạng đề thi là sự lựa chọn tối ưu và tiết kiệm thời gian. Các bạn có thể tham khảo một số mở bài Vợ nhặt chung dưới dây.
Mẫu 1
Nạn đói lịch sử đầu năm Ất Dậu 1945 cướp đi hơn hai triệu đồng bào ta đã trở thành đề tài và gợi cảm hứng cho nhiều tác giả văn học. Đi vào khai thác hiện thực lịch sử - xã hội thời bấy giờ, nhà văn Kim Lân đã đóng góp cho văn xuôi hiện đại Việt Nam một tác phẩm xuất sắc mang tên “Vợ nhặt”. Từ lúc ra đời, truyện ngắn này thực sự gây chú ý cho người đọc ở tư tưởng nhân văn, thể hiện trong cái nhìn đầy yêu thương, trân trọng của Kim Lân dành cho người lao động nghèo. Thiên truyện là bài ca về tình người và vẻ đẹp của những con người “biết sống ngay cả khi cuộc đời trở nên không thể chịu đựng được nữa”. Trong đó, nổi bật nhất chính là hình ảnh… (linh hoạt dẫn dắt theo yêu cầu đề bài).
Mẫu 2
Trong một lần phát biểu, nhà văn Kim Lân đã từng nói: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người trong nạn đói đó, người ta hay liên tưởng đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý nghĩa khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. Quả đúng là như vậy! Khi đọc “Vợ nhặt” ta thấy Kim Lân đã gửi vào cái không gian tối đen như mực của nạn đói 1945 những mầm sống đang cố vươn mình hướng đến tương lai. Trong đó, nổi bật nhất chính là hình ảnh… (linh hoạt dẫn dắt theo yêu cầu đề bài).
Mẫu 3
Viết về nạn đói khủng khiếp đầu năm Ất Dậu 1945, Văn Cao cho ra đời “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”, Tố Hữu có “Xuân đến”, “Đói! Đói!”, Nguyên Hồng với “Địa ngục”, hay “Mười năm” của Tô Hoài và cả “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi. Thế nhưng ấn tượng hơn cả chính là truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân. Nhà văn đã thực sự đem vào thiên truyện này một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn bộ tác phẩm - vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống của người nông dân nghèo. Trong đó, nổi bật nhất chính là hình ảnh… (linh hoạt dẫn dắt theo yêu cầu đề bài).
Mở bài Vợ nhặt phân tích từng nhân vật
Một trong số những dạng đề thi thường gặp ở Vợ nhặt là phân tích tâm lý từng nhân vật: Tràng, bà cụ Tứ, người vợ nhặt. Dưới đây là mẫu các mở bài Vợ nhặt áp dụng cho dạng đề bài trên.
Mẫu 1
Nhà văn Nguyên Hồng từng có nhận xét rằng: “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn.” Đúng vậy! Thế giới nghệ thuật trong sáng tác của Kim Lân chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân. Ông đã khám phá để phát hiện bên trong tâm hồn người lao động dù hoàn cảnh nào thì vẫn tiềm ẩn những phẩm chất tốt đẹp. Một tác phẩm tiêu biểu cho hướng khai thác đó là “Vợ nhặt”. Ở thiên truyện này, nhà văn đã xây dựng hình ảnh những người lao động trong đói kém vẫn rộng lòng, nhân hậu, khao khát hạnh phúc, tổ ấm gia đình. Tiêu biểu trong số ấy là nhân vật… (Tràng, bà cụ Tứ hoặc người vợ nhặt) với diễn biến tâm lý đặc sắc và có chiều sâu.
Mẫu 2
Đi vào khai phá miền đất nông thôn và nông dân, Kim Lân đã đóng góp vào kho tàng văn xuôi hiện đại Việt Nam những tác phẩm có giá trị và gắn liền với tên tuổi của nhà văn được xem là con đẻ của đồng ruộng này là truyện ngắn “Vợ nhặt”. Sức hấp dẫn của tác phẩm không phải là ở đề tài mới mà là ở việc làm mới một đề tài đã được nhiều người nói đến. Để đạt được điều đó, Kim Lân đã có nhiều sáng tạo, đặc biệt là trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Với kỹ năng phân tích, diễn tả tinh tế diễn biến tâm trạng phức tạp và sâu sắc của nhân vật… (Tràng, bà cụ Tứ, hoặc người vợ nhặt), nhà văn đã thực sự chinh phục được người đọc.
Mẫu 3
Khi nói về tác phẩm “Vợ nhặt”, chính nhà văn Kim Lân đã từng phát biểu rằng: “Trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái ảm đạm để mà vui mà hy vọng”. Thực sự là như vậy! Đọc “Vợ nhặt” ta thấy vượt lên trên cả cái khung cảnh đói khát ảm đạm năm ấy là tình người, là niềm khao khát hạnh phúc và hy vọng vào tương lai. Tâm lý của từng nhân vật, đặc biệt là…(Tràng, bà cụ Tứ hoặc người vợ nhặt) đã được nhà văn lột tả hết sức sinh động và sâu sắc, để qua đó làm bật lên giá trị tư tưởng đầy nhân văn nói trên.
Mở bài Vợ nhặt phân tích đoạn trích
Phân tích đoạn trích nổi bật trong tác phẩm là xu hướng ra đề những năm gần đây. Việc dẫn dắt vào trọng tâm đề bài đóng vai trò quan trọng, các bạn có thể tham khảo một số mẫu mở bài Vợ nhặt phân tích đoạn trích sau đây:
Mẫu 1
Có những nhà văn khẳng định vị trí của mình trong lòng bạn đọc bằng một sự nghiệp sáng tác đồ sộ, để lại cho đời một số lượng tác phẩm lớn. Song, có những nhà văn viết một số ít tác phẩm nhưng tên tuổi của họ vẫn sống mãi trong lòng người tiếp nhận. Trong đó có thể kể đến trường hợp của nhà văn Kim Lân, ở cả hai giai đoạn sáng tác tuy ông viết không nhiều nhưng giai đoạn nào cũng có tác phẩm hay và ấn tượng đặc biệt của mọi người về nhà văn nông thôn và nông dân này là truyện ngắn “Vợ nhặt”. Một trong những đoạn trích đặc sắc nhất đó chính là: “...” (ví dụ “Bà lão…về sau.”)
Mẫu 2
Kim Lân là tác giả chuyên viết truyện ngắn. Không gian nghệ thuật của ông tập trung ở khung cảnh làng quê và hình tượng người nông dân. Ông viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tất cả tình cảm và sự am hiểu. Mỗi lần nhắc đến sáng tác của Kim Lân, ta lại nhớ ngay đến truyện ngắn “Vợ nhặt”. Đây là thiên truyện xuất sắc viết về tình huống nhặt vợ độc đáo, qua đó thể hiện niềm tin mãnh liệt vào phẩm chất tốt đẹp của những con người bình dị trong nạn đói thê thảm đầu năm 1945. Một trong những đoạn trích hay và đặc sắc nhất của truyện ngắn này đó chính là: “...”
Mẫu 3
Kim Lân viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một con người vốn là con đẻ của đồng ruộng và truyện ngắn “Vợ nhặt” ra đời như một minh chứng tiêu biểu cho điều ấy. Lấy bối cảnh là nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945 làm nền không gian nghệ thuật, nhà văn Kim Lân đã vẽ lên trên đó một bức tranh về tình người và niềm tin yêu hy vọng vào tương lai của những con người lao động nghèo khổ. Một trong những đoạn trích đặc sắc thể hiện rõ điều này chính là: “...”
Một số gợi ý mở bài Vợ nhặt sáng tạo
- Mở bài bằng câu hỏi: "Làm thế nào để con người giữ gìn được giá trị nhân văn trong xã hội hiện đại?", "Số phận con người trong xã hội bất công có thể được cải thiện như thế nào?", "Làm thế nào để xây dựng một xã hội mà mọi người đều có thể sống hạnh phúc?".
- Mở bài bằng câu cảm thán: "Sao mà bi thảm!", "Con người có thể tàn nhẫn đến thế sao?", "Giá trị tình người vẫn luôn cần được trân trọng!".
- Mở bài bằng câu tục ngữ: "Một miếng khi đói bằng một dạ khi no", "Nhiễu điều phong cảnh bất bằng tiên cảnh hữu tình", "Trên đời này còn nhiều người khổ hơn mình".
- Mở bài bằng cách so sánh: "So với xã hội hiện đại, cuộc sống của những người nông dân trong nạn đói năm 1945 thật là bi thảm", "Bức tranh xã hội trong "Vợ nhặt" tuy ảm đạm nhưng vẫn le lói những tia sáng hy vọng", "Tác phẩm "Vợ nhặt" là lời cảnh tỉnh cho con người về những bất công xã hội và giá trị của tình người".
Làm thế nào để mở bài Vợ nhặt mang giá trị thời đại?
Để mở bài Vợ nhặt mang giá trị thời đại, các bạn cần chú trọng vào những điểm sau:
1. Nắm bắt giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm:
- Hiểu rõ bối cảnh xã hội Việt Nam trong nạn đói năm 1945: sự tàn khốc, bi thảm, đẩy con người đến bước đường cùng.
- Phân tích số phận bi đát của anh Tràng và người vợ nhặt: đại diện cho những kiếp người cùng khổ, khao khát hạnh phúc trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
- Nắm bắt giá trị nhân đạo sâu sắc: thể hiện niềm cảm thương trước số phận con người, khẳng định giá trị của tình người, khát vọng sống mãnh liệt.
2. Liên hệ với thực tế ngày nay:
- So sánh, đối chiếu với những vấn đề xã hội hiện đại: tệ nạn xã hội, bất bình đẳng, thiếu thốn,...
- Phân tích những giá trị nhân văn của tác phẩm vẫn còn nguyên vẹn trong xã hội hiện nay: giá trị tình người, sự sẻ chia, lòng nhân ái,...
- Nêu ra những bài học ý nghĩa mà con người có thể rút ra từ tác phẩm để hoàn thiện bản thân và xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
3. Sử dụng ngôn ngữ sáng tạo, giàu sức gợi:
- Dùng một câu hỏi, câu cảm thán hay câu tục ngữ,... để mở bài sẽ thu hút người đọc hơn.
- Linh hoạt biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, liệt kê,... để tạo sự sinh động, hấp dẫn cho bài viết.
- Tránh sử dụng những câu sáo rỗng, khuôn mẫu.
Lưu ý:
- Mở bài chỉ nên chiếm khoảng 10% - 15% độ dài toàn bài viết.
- Cần đảm bảo mở bài có mối liên hệ chặt chẽ với nội dung và chủ đề chính của bài viết.
- Tránh lan man, dài dòng, đi lạc đề.
Mở bài ấn tượng đóng vai trò quan trọng trong kết cấu của bài thi. Để có những mở bài Vợ nhặt hay và mang dấu ấn cá nhân, ngoài việc tham khảo những mở bài mẫu ở trên, các bạn có thể linh hoạt thay đổi theo văn phong của riêng mình.